PDA

View Full Version : Z.28 Bóng Ma Trên Công Trường Đỏ - Chương 7



largedick
03-27-2003, 06:12 AM
Chương 7 - Trái bom nguyên tử

Chu-Ling dính vào người Văn Bình rất lâu, tưởng như không chịu rời ra nữa. Nụ hôn giáo đầu đã làm tứ chi nàng mê mẩn. Văn Bình ghi chặt lấy eo của nàng, bắt nàng phải ngửa mặt ra, và kiễng chân lên, cái áo Tàu bị tuột khuy cổ tạo cơ hội cho chàng nhè nhẹ luồn bàn tay vào. Nàng rùng mình thật mạnh rồi đột ngột buông chàng ra, miệng rên lên một tiếng:

- Anh ơi!

Văn Bình dìu dàng xuống ghế. Nàng ngoan ngoãn vâng lệnh chàng. Nàng ngồi yên trong sự chờ đợi. Song Văn Bình chỉ hôn nàng lần nữa rồi thôi. Chàng không muốn tiến xa hơn vì chàng biết Khơrút và bọn KGB đang quan sát từng li từng tí. Vả lại Chu-Ling là bông hoa quý, chàng không thể dày vò ở công cộng dưới sương chiều lành lạnh mà phải trưng bày trong phòng kín, trên tấm nệm êm ái.

Chàng hỏi nàng, giọng thân mật:

- Em ngũ ở đâu?

Nàng rúc vào nách chàng:

- Khách sạn Dajti.

- May quá, anh cũng có phòng trong khách sạn Dajti như em. Phòng em số mấy?

Chàng đã biết nàng ở phòng số 308, song chàng muốn nàng tự nói ra. Chàng không thích ái tình cưỡng ép.

- Phòng 308. Còn anh?

- Tần dưới, 212. Lát nữa em có đi đâu không?

- Có. Em đi dự tiệc với phái đoàn.

- Buồn nhỉ?

- Tại sao anh buồn?

- Buồn vì không được trò truyện với em.

- Vậy em ở nhà, không đi nữa.

- Ba em có nói gì không?

- Không. Ba em rất chiều chuộng em. Từ ngày mẹ em mất, em là nguồi vui độc nhất của ba me, em đòi gì được nấy. Phương chi bữa tiệc tối nay chỉ có tính cách ngoại giao, chẳng có gì quan trọng. Bây giờ anh đi ăn với em nhé?

Văn Bình lặng thinh. Chàng không ngờ sự thể lại tiến triển nhanh chóng đến thế. Không đợi chàng trả lời ưng thuận. Chu-Ling kéo chàng đi. Nàng ghé vào tai chàng:

- Anh sợ phiền chứ gì? Không phiền chút nào. Để em bảo nhân viên Sigurimi không được đi theo anh nữa.

- Anh là thượng khách của chính phủ, nhân viên Sigurimi đi theo anh để làm gì?

- Dầu anh là vợ của một ông bộ trưởng nữa, Sigurimi cũng cho người đi theo.

- Như vậy thì còn gì là tự do nữa.

- Lâu rồi cũng quen anh ạ. Vả lại, em thấy có nhân viên Sigurimi đi theo mà hơn. Nếu em không cấm họ thì hồi nãy em đã không bị hai tên lạ mặt làm hỗn.

Gã thẹo Baki đang lững thững từ sau bức tượng đồng đen của nhà độc tài Hoxha đi lại. Có lẽ đợi chàng quá lâu nên hắn phải ló mặt ra ngoài. Thấy Chu-Ling hắn cúi đầu chào. Nàng hỏi hắn:

- Xe của tôi đâu?

Hắn cung kính đáp:

- Thưa, tài xế vẫn đợi cô ở bãi đậu.

Nàng ra lệnh:

- Anh kêu tài xế đánh xe lại đây.

- Thưa, xe Mercédès.

- Không. Xe riêng của tôi. Dặn tài xế đổ xăng cho đầy. Tôi đến tiệm Sao Đỏ ở đầu đường.

- Thưa… sắp đến giờ dự dạ tiệc.

- Phiền anh trình với ba tôi là tôi đau.

- Cô đau… thưa, tôi không dám.

- Nếu anh không giúp thì để tôi gọi điện thoại nhờ thiếu tướng Kôlít.

Gã thẹo nghe nhắc đến tên Kôlít bỗng hoảng hốt như được tin nhà hắn phát hỏa. Hắn khựng người rồi gật đầu như chày máy:

- Vâng, tôi xin tuân lệnh cô. Tôi sẽ sai tài xế đổ đầy xăng chiếc Skođa cất trong nhà xe và bảo lái ngay tới nhà hàng Sao Đỏ.

- Cám ơn thượng sĩ.

- Không dám.

Gã thẹo tất tưởi quay đi. Hắn rảo bước gần như chạy. Chu-Ling nhìn theo cười xòa:

- Thằng này là một trong những nhân viên Sigurimi lộn xộn nhất trong khách sạn. Hắn chỉ ngán mỗi mình em thôi.

- Em là người Trung hoa mà quen thuộc Tirana như thể Bắc kinh, cái gì cũng biết.

- Ô, em còn quen Tirana hơn cả Bắc kinh nữa. Vì em sống ở đây từ hồi còn nhỏ. Em học ở đây từ cấp sơ đẳng. Em có phòng riêng tại lữ quán Dajti từ 6 năm nay. Bọn Sigurimi đều nhẵn mặt em. Em lại là bạn của Kôlít nên chúng nó sợ em như sợ cọp.

- Kôlít là ai?

- Anh chưa biết ư? Mà anh chưa biết cũng phải, vì anh là ngoại kiều, anh lại mới đến Anbani lần đầu. Toàn thể dân chúng Anbani đều biết danh thiếu tướng Kôlít, vì ông ta là tổng giám đốc mật vụ Sigurimi.

Văn Bình lặng người. Giờ đây chàng mới hiểu tại sao Bôrết và KGB tìm cách cho chàng chinh phục Chu-Ling. Vì uy tín của nàng sẽ đảm bảo cho chàng hoàn thành công tác dễ dàng.

Chàng bèn đổi đề tài.

- Em học kỹ sư phải không? Chừng nào em tốt nghiệp?

- Phải. Sang năm em ra trường.

- Tại sao em cất công từ Trung hoa sang tận đây học lớp kỹ sư? Về trình độ khoa học thì Anbani cũng không hơn Trung hoa là bao.

- Anh nói đúng. Sự hiện diện của em có nhiều lý do. Thứ nhất, là lý do chính trị. Trung hoa hậu thuẫn cộng hòa Anbani nên em cần qua đây học để xiết chặt giao hảo. Đặc sứ Trung hoa tại đây là chú ruột của em, em thứ năm của ba em. Chú em là một trong những người ủng hộ đồng chí Hoxha triệt để và rất được Hoxha trọng vọng. Bởi vậy, em sống ở Anbani mà quyền thế còn lớn hơn là em ở quê nhà nữa.

- Ba em và phái đoàn khoa học gia đến Tirana để làm gì?

Chu-Ling ngần ngừ một phút trước khi đáp:

- Để giúp nước bạn Anbani hoàn thành một kế hoạch quan trọng. Đây là vấn đề bí mật quốc phòng, em không được phép tiết lộ, anh tha lỗi cho em. Như vậy là em đã hết sức thành thật với anh vì nếu không thành thật em đã nói là phái đoàn Trung hoa đến Anbani để tiến hành công cuộc thám hiểm địa chất như báo chí và đài bá âm đã tường thuật.

Hai người vừa đến trước cửa nhà hàng Sao đỏ thì chiếc Skođa sơn trắng đã đậu xịch lại. Xăng nhớt phía sau bức màn sắt được coi là xa xí phẩm, muốn đổ đầy thùng xăng không phải là dễ. Tại Tirana, xăng nhớt còn được coi hơn là xa xỉ phẩm nữa mà là vật liệu quốc phòng, vậy mà tài xế chỉ mất vẻn vẹn 5 phút để lấy xe ra khỏi ga-ra xin phiếu xăng, và lái ra cây xăng của Nhà nước để đổ xăng. Điều này chứng tỏ Chu-Ling là người có thế lực rất lớn.

Văn Bình đã có nhiều dịp lái xe bên trong các quốc gia cộng sản nên không lạ gì những phiền toát ghê gớm của việc đổ xăng. Nếu ở Sài gòn hoặc bất cứ ở nơi nào trong thế giới tự do chủ nhân xe hơi chỉ cần lái lại đậu trước cây xăng, gơi một ngón tay lên là nhân viên trạm xăng – đôi khi để mua chuộc cảm tình của khách, người ta còn dùng nhân viên giống cái có thân hình căng cứng và phục sức nửa kín nửa hở - le te chạy tới, lễ phép cúi đầu chào, thì ở Tirana tình trạng khác hẳn đã xảy ra. Trong toàn thủ đô chỉ có ba, bốn trạm xăng là cùng, trạm xăng nào cũng do chính phủ quản lý. Muốn mua xăng, phải xin phiếu. Không phải bất cứ ai cũng được cấp phiếu. Phải là viên chức cao cấp, còn nếu là tư nhân thì phải chầu chực hàng ngày, hoặc hàng tuần mới xin được phiếu. Mỗi phiếu chỉ có giá trị cho một số lượng tối đa là 10 lít xăng, và cho một thời gian là 24 giờ đồng hồ. Quá thời gian này, phiếu xăng đương nhiên bị hủy bỏ. Khi xin phiếu, tư nhân phải làm đơn, khai trình là cần nhiên liệu để đi đâu. Nhiều khi cầm sẵn phiếu trong tay mà trạm xăng lại khô cạn. Hoặc lệnh bán xăng bị hủy bỏ vào giờ chót.

Tài xế ngoan ngoãn bước xuống xe và đứng nghiêm chào Chu-Ling theo quân cách. Hắn chỉ đóng cửa nhè nhẹ dường như sợ đóng mạnh sẽ phạm tội vô lễ đối với nàng. Nàng bảo hắn:

- Thôi, cho trung sĩ về. Đã coi lại máy móc cẩn thận chưa?

Tài xế đáp.

- Thưa rồi.

Văn Bình hít hà khi ngọn đèn bên trong xe chiếu sáng nệm ghế bằng da mềm đặc biệt. Chàng đã nhiều lần lái xe Skoda, con cưng của kỹ nghệ sản xuất xe tự động Tiệp khắc. Nếu nền kinh tế không bị lệ thuộc vào Nga sô, quốc gia Đông Âu này không thua gì Ý, Đức, Pháp về mức độ và kỹ thuật chế tạo xe hơi, và có lẽ còn hơn xa nữa. Vì sự lệ thuộc này mà xí nghiệp Skoda có hơn nửa thế kỷ kinh nghiệm về chế tạo xe hơi chỉ có thể cho ra lò những chiếc xe nhỏ bé, cũ kỹ, kém tiện nghi.

Xe Skoda bề ngoài hao hao như xe Opel cách đây 10 năm, duy khác ở động cơ lắp phía sau như Renault của Pháp, tốc độ không lấy gì làm oai. Tuy nhiên, máy nó khá bền và giá tiền khá rẻ, nó chỉ đắt hơn chiếc 2 ngựa của Pháp chút đỉnh.

Văn Bình lái xe Skoda là do nhiệm vụ bắt buộc, chàng phải làm quen với mọi loại xe, mọi kiểu võ khí của đối phương. Bình sinh chàng không khoái ngự trên những chiếc xe ì ạch với tốc độ 120, 130 cây số một giờ tối đa. Thần mã cơ khí của chàng phải ngốn đường từ 200 cây số một giờ trở lên…

Nhưng chiếc Skoda của Chu-Ling lại làm Văn Bình lưu ý tới một cách đặc biệt. Đó là kiểu 1000 MBX, nghĩa là kiểu mới, hai cửa, động cơ gần một ngàn phân phối. Nhìn thoáng qua dãy đồng hồ tròn trên táp-lô. Văn Bình biết là chiếc Skoda của Chu-Ling được gắn động cơ lớn gấp đôi loại thường, bốn bánh xe đều có thắng đĩa – xa xỉ phẩm của kỹ nghệ xe hơi cộng sản - ống nhún đầu – xa xỉ phẩm tuyệt diệu hơn nữa - kết quả là nàng có thể phóng nhanh đến 200 cây số một giờ, và ngồi trong xe chạy qua ổ gà sâu hoắm vẫn êm ái như thể ngồi trên ghế xa-lông lót nệm mút lò so thượng hạng.

Tài xế đã bấm nút điện cho kiếng xe quay lên kín mít. Văn Bình trầm trồ:

- Xe của em đẹp ghê!

Nàng cười duyên:

- Thiếu tướng Kôlít tặng em đấy.

Văn Bình lành lạnh ở xương sống. Chàng đinh ninh Kôlít là ông già râu tóc bạc phơ hoặc muối tiêu, nếu lưng chưa còng thì thận cũng đã yếu, thân thể mềm xèo, không dám đa mang tình yêu son trẻ nữa. Chàng không ngờ hắn lại dòm ngó Chu-Ling. Chàng bèn hỏi:

- Kôlít sành thật. Đẹp như em phải đi chiếc Skoda đẹp này mới xứng đáng.

Chu-Ling kéo chàng vào trong tiệm ăn:

- Năm nay Kôlít 49 tuổi. Vợ ông ta chết cách đây 8 năm trong một tai nạn phi cơ. Ông ta săn đón em với ý định hỏi em làm vợ. Em chưa ưng thuận cũng như từ chối, ba em nói là em còn quá trẻ, phải đợi em tốt nghiệp đại học. Nói cho đúng, ba me muốn em kết hôn với Kôlít, vì biết đâu trong tương lai em sẽ trở thành bà chủ tịch nước cộng hòa nhân dân Anbani… Song ba em để cho em toàn quyền lựa chọn.

- Vậy anh đi ăn với em thế này ba em giận chết!

- Anh khéo nói quá. Anh muốn dò phản ứng của Kôlít chứ không phải phản ứng của ba em. Vì anh thừa biết ba em là một người cha cấp tiến. Hồi trẻ, ba em học ở Thụy Điển, như anh đã rõ. Thụy Điển là quốc gia cởi mở nhất về phương diện tình ái. Em cũng từng sống ở Thụy Điển nên đã quen với sự phóng khoáng. Kôlít đã hiểu rõ điều đó.

- Nghĩa là Kôlít cho phép em có nhiều bạn trai?

- Cho phép không đúng. Vì Kôlít chưa phải là chồng hoặc tình nhân của em. Ông ta chỉ là người bạn, cũng như hàng chục, người bạn thân hay sơ của em mà thôi. Kôlít không những không tỏ vẻ khó chịu, trái lại còn vui vẻ nữa. Ông ta giải thích là em còn trẻ, em chưa nếm mùi đời, em cần trải qua để sau này nếu về làm vợ sẽ có đầy đủ kinh nghiệm và sẽ chung thủy với chồng. Ông ta đàng hoàng lắm, anh ạ.

- Chắc là đàng hoàng hơn anh.

- Dĩ nhiên. Ông ta quen em đã lâu, từng đi ăn, đi chơi với em nhiều lần mà chưa khi nào hôn em một cách nghẹt thở như anh hồi nãy ở công viên.

- Em bất bình ư? Vậy em trả lại cho anh.

Chu-Ling cười ròn tan:

- Anh nói đùa thú vị quá! Nếu em bất bình, em đã không cho anh hôn. Và đã hôn rồi thì trả lại sao được. Gớm thật, anh muốn em hôn anh ngay trong nhà hàng này trước mặt mọi người. Anh khỏi phải dọa, để em hôn cho anh biết tay… Thiếu tướng Kôlít thách đấu gươm với anh thì anh đừng trách.

Văn Bình chưa kịp phản ứng. Chu-Ling đã nhổm đậy; tai vịn hai mép bàn, mặt chúc về phía trước, dính môi nàng vào môi chàng. Văn Bình rùng mình. Chàng không cảm thấy tê mê. Mà là lo sợ. Một giọt bồ hôi trán từ từ lăn xuống má.

Chu-Ling lại tát nhẹ vào má chàng:

- Cho chừa. Ai bảo anh khiêu khích em làm gì. Em là người Tàu nhưng được huấn luyện nếp sống Thụy Điển. Nếu anh tiếp tục khiêu khích, em còn táo bạo hơn nữa. Anh đã sợ chưa?

Chàng thở dài:

- Sợ rồi.

Văn Bình sợ thật sự, chứ không phải đóng trò. Giá hai người đang ngồi trong xe… Chàng sẽ cho nàng một bài học. Phụ nữ Thụy Điển chính gốc còn thua chàng không còn manh giáp huống hồ Chu-Ling chỉ là học trò của phụ nữ Thụy Điển…

Chu-Ling liếc qua thực đơn rồi ném xuống bàn, cử chỉ vô cùng đài các:

- Món ăn ở đây chỉ nấu theo lối Thổ nhĩ Kỳ là ngon. Để em kêu thực đơn cho anh nhé?

Văn Bình gật đầu. Trong các món thịt, chàng ngán nhất món cừu, vậy mà chủ lực của nền gia chánh Thổ là cừu. Mặc dầu cừu nướng than được coi là khá ngon chàng vẫn không ưa. Chàng tiếp tục gật đầu khi Chu-Ling nhỏ nhẻ ra lệnh cho bồi, thỉnh thoảng lại nhìn chàng như để tham khảo ý kiến.

Bồi mang ra đĩa thịt cừu nướng Chachi kebasi sặc mùi hành tây và sốt sữa béo ngậy. Sau đó đến đĩa hành - lại hành nữa - trộn với cà chua, tỏi, tiêu, dầu dấm và cá tím luộc. Chẳng biết món rau này khoái khẩu đến bực nào mà người Thổ đặt tên là imam bayildi, nghĩa là “tiểu vương té xỉu” ăn ngon quá xá nên té xỉu.

Nhưng nếu chàng bất hợp tác với thịt cừu Thổ thì ngược lại chàng đã hợp tác mật thiết với cà-phê Thổ, vì cà-phê này có một mùi vị độc đáo lạ thường. Pha cà-phê Thổ không giống như cà-phê tây phương, nghĩa là xay cà-phê nhỏ, bỏ vào cái phích rồi đổ nước sôi vào (tác giả không muốn nhắc đến nghệ thuật pha cà-phê bi-tất của các chú…) mà là trộn cà-phê, đường vào nước, đem đun cho sôi, đều ba dạo thì được; trên mặt nước sẽ có một lớp bọt vàng, người ta đổ vào vài giọt nước, bã cà-phê sẽ lắng xuống đáy, thế là đem ra uống. Đặc điểm của cà-phê Thổ là không xay nghiền thành bột, mà chỉ đập vỡ hột cà-phê làm nhiều miếng, như vậy hương thơm được đậm đà hơn…

Uống xong cà-phê Văn Bình không quên gọi một chai huýt-ky. Chàng tưởng Chu-Ling chê rượu, không dè nàng uống không thua chàng. Cô bé Trung hoa này đã có nhiều bản lãnh quốc tế, đàn ông nghèo kinh nghiệm chiến trận khó thể chinh phục được nàng.

Một giờ sau hai người mới rời nhà hàng. Tuy uống gần nửa chai rượu Chu-Ling vẫn tỉnh khô. Nàng ngồi trước vô-lăng, nhìn chàng, giọng thân mật:

- Anh say chưa?

Chàng đáp:

- Rồi. Nhưng không phải say vì rượu. Mà là say vì sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của em.

Nàng nhún vai:

- Vì anh say sắc đẹp của em nên em phải đưa anh về khách sạn. Bọn nhân viên của Kôlít gác trước nhà hàng Sao Đỏ đang tức ứa máu. Không khéo Kôlít đứng tim mà chết cũng nên.

Văn Bình ngồi yên nhìn sang bên đường. Buổi tối ở Tirana buồn thiu buồn chảy. Tuy nói là lái về khách sạn. Chu-Ling lại phóng thẳng. Mới gài số 1 nàng đã đạp lút ga xăng, kim tốc độ vọt lên quá 100 cây sô-giờ. Thấy nàng phóng nhanh Văn Binh cười thầm. Đàn bà thích lái xe thật nhanh thường là thiêu thân tình ái, thèm khát yêu đương hơn cả đất hạn đợi mưa rào nữa. Với Chu-Ling như vậy, chàng sẽ hoàn thành công tác “Bóng Ma” dễ dàng.

Mấy phút sau chiếc Skoda đã ra khỏi trung tâm dân cư và chạy trên một con đường rộng, hai bên toàn cây cao vút và đồng ruộng đen sì. Văn Bình ghé vào tai nàng:

- Em đậu lại đi?

Nàng trề môi:

- Đậu lại làm gì? Thôi, em biết rồi, anh đừng hòng làm hỗn. Em có máy vô tuyến trong xe, em chỉ bấm nút là tướng Kôlít sẽ cho nhân viên rượt theo trong giây phút.

Tuy nói vậy nàng cũng giảm tốc độ và lái dạt vào bên đường. Thủ đô Tirana quả là thiên đường đối với trai gái có thế lực. Vì ban đêm dân chúng đều ở lì trong nhà, ngoài đường chỉ dành cho nhân viên an ninh và bộ đội. Trai gái tha hồ yêu nhau, không sợ lính kiểm tục can thiệp như ở… Sài gòn.

Xe vừa tắt máy Văn Bình đã kéo nàng ngã vào lòng chàng. Nàng la lên:

- Đừng anh!

Nàng không thể nào la thêm được nữa vì chàng đã đặt một cái hôn tóe lửa lên miệng nàng. Nàng giẫy lên đành đạch một lát rồi nằm yên. Văn Bình mở cửa xe, bế Chu-Ling xuống. Nàng nằm gọn trên hai cánh tay lực lưỡng của chàng, như thể đứa trẻ sơ sinh nằm trong tay mẹ.

Tứ phía tối om. Xa xa lấp lóe một vài ánh đèn yếu ớt của thành phố. Quang cảnh thật là thi vị. Chu-Ling không phản đối khi Văn Bình nhẹ nhàng đặt nàng xuống nệm cỏ. Cỏ ở đây êm ái không kém nệm mút dày một tấc trong các khách sạn lớn tây phương. Cho dẫu đau lưng nữa Văn Bình cũng không để ý đến.

Dường như tạo hóa muốn phụ họa với chàng nên một con chim vắt vẻo trên cành cây cao đột nhiên cất tiếng hót, Văn Bình đã trải qua nhiều cuộc vui lộ thiên trên cỏ song có lẽ chưa lần nào làm chàng ưng ý cho bằng ở Tirana.

Nệm cỏ vệ đường này đã êm còn thơm hơn nệm cỏ của một khách sạn ngàn một đêm lẻ ở ngoại ô Jaipur, Ấn độ nữa. Mỗi khi có dịp qua Ấn độ, và có thời giờ xé rào Văn Bình đều bay tới Jaipur, “ở đó có một tòa lâu đài mênh mông và thập phần tráng lệ của một vị tiểu vương đã khuất, được con cháu biến thành đại lữ quán. Tiểu vương này mang cái tên dài giằng giặc, cũng dài giằng giặc như sự chờ đợi của thiếu phụ góa chồng giữa tuổi xuân nồng: Saramad I Rajah Hai Hindustan Raj Rajendra Shri Maharajad-hiraj Sir Sawai Madho Singhji Banadur đệ nhị. GCSI, GCIE, GCVO, GBE, LLD…

Hồi tiểu vương còn sống, lâu đài của ông là nơi tập trung những thú vui tâu ký nhất trên trái đất. Lâu đài được xây cất theo kiểu Anh. Phòng rộng thênh thang, phòng tắm cũng rộng như phòng ngủ các khách sạn tân tiến, trần nhà cao vút, ở mỗi hành lang, mỗi cánh cửa đều có giây chuông, khách giật nhẹ một cái là gia nhân túa ra hầu hạ. Ngày nay, một hệ thống điều hòa khí hậu đã tăng thêm sự thần tiên của tòa lâu đài ngàn một đêm lẻ.

Tuy nhiên Văn Bình đến đó không phải để thưởng thức vẻ đẹp bao la của các căn phòng rộng. Mục đích của chàng là thưởng thức vẻ đẹp của mấy mẫu đất cây cối um tùm, với nệm cỏ xanh xờn và… êm lưng một cách lạ thường. Chủ nhân của lữ quán nuôi cỏ và xén cỏ này để làm vừa lòng một số du khách thích nằm trên cỏ trong bóng lá xanh rờn. Lại có hàng trăm con công xanh xanh rờn không kém, rỉa lông nhau âu yếm trước mặt khách. Và trên cánh cây lá xanh rờn cũng có hàng chục chú khỉ nô đùa, hôn hít nhau…

Văn Bình thường chờ mặt trời xế bóng mới ra hoa viên nằm dài trên nệm cỏ. Chàng không phải là thầy tu nên ít khi chịu nằm dài một mình. Chàng có cảm giác là mùi thơm của cỏ tươi ngấm sâu vào da thịt chàng làm thân thể tê mê. Sự tê mê của hương cỏ, tuy vậy, chỉ mới là một phần trăm của sự tê mê tình ái.

Vậy mà đêm nay trên vỉa đường ngoại ô Tirana Văn Bình lại cảm thấy tê mê gấp chục lần những cơn tê mê trong khách sạn vương giả gần Jaipur.

° ° °

Văn Bình không coi giờ nhưng đoán phỏng là đến gần 10 giờ tối Chu-Ling mới trở lên xe lái về lữ quán Dajti.

Trong những phút đầu tiên nàng không nói gì cả. Khi ánh đèn thành phố chiếu qua kiếng chắn gió nàng bỗng ngoảnh sang bên, giọng mất bình tĩnh:

- Chừng nào anh đi?

Văn Bình thở dài:

- Đừng hỏi nữa em ơi, anh lo quá.

- Ngày mai anh bận gì không?

- Anh có hẹn với bộ Ngoại thương Công việc chắc sẽ được giải quyết trong vòng một buổi. Đến chiều anh sẽ rỗi. Tối mai, đêm mai anh cũng rỗi.

- Ngày mốt?

- Theo chương trình, nếu công việc được tiến hành khả quan, anh phải từ giã Anbani ngay sau khi hợp đồng được ký kết.

- Nghĩa là anh sẽ lên đường ngày mốt?

- Phải, ngày mốt.

- Anh không lưu lại thêm ít ngày được ư?

- Không thể được.

- Anh sợ ban giám đốc công ty Maxman làm khó dễ?

- Trên thực tế, nếu anh về chậm họ có thể làm khó dễ. Nhưng công việc làm đối với anh chẳng có gì quan trọng. Anh được họ trả lương rất cao, gần hai ngàn đô-la một tháng chưa kể tiền hoa hồng, nghĩa là lương anh còn hơn lương tổng giám đốc nhiều công ty ở Mỹ, trong thời buổi cạnh tranh ráo riết này kiếm được một địa vị xã hội như vậy không phải dễ. Nhưng đồng tiền không làm được tình yêu, nếu cần bỏ việc, hoặc bỏ xứ để ở lại với em, anh cũng sẵn sàng không hề mảy may tiếc nuối. Và anh không đòi được ở lâu, dầu chỉ được ở bên em một vài ngày nữa… Sở dĩ anh phải về gấp là vì mẹ anh…

- Bà cụ bị đau?

- Đau nặng. Mẹ anh đã hơn 80 tuổi. Lần đau này chắc là lần cuối nên anh phải có mặt trước giờ lâm chung.

Giọng Chu-Ling bùi ngùi:

- Nghe anh nói, em buồn ghê. Không hiểu sao em cảm thấy chán chường tất cả.

Văn Bình khôn ngoan lái sang chuyện khác mà vẫn bắt Chu-Ling nghĩ đến cảnh chia lìa sắp tới:

- Chừng nào em nhập trường?

- Trong tuần này. Tuy nhiên, em muốn hoãn đến khi nào cũng được. Dầu không học em cũng vẫn tốt nghiệp ưu hạng như thường.

- Phải, ai dám đánh hỏng người em cưng của tướng Kôlít!

- Anh đừng chế riễu như thế. Kôlít không dính dáng đến chuyện này. Em có năng khiếu đặc biệt về toán học nên luôn luôn đứng đầu trong lớp và vượt xa sinh viên đứng nhì. Em không học cũng đậu vì chương trình học đối với em quá dễ.

- Xin lỗi em…

Văn Bình bỗng ngưng bặt. Trong kiếng chiếu hậu chàng vừa thấy một chiếc xe hơi kiểu cũ. Chu-Ling giảm bớt tốc độ:

- Có xe theo phía sau?

Văn Bình gật đầu. Chu-Ling tỏ vẻ bực bội:

- Em đã dặn mà họ không nghe. Để em đậu xe lại và mắng cho một trận.

Chu-Ling không lo ngại vì chiếc xe chạy phía sau là của mật vụ Sigurimi. Song Văn Bình lại nghĩ khác. Linh tính nhậy cảm của chàng lại nhìn thấy một hiểm họa ghê gớm. Tuy nhiên, chàng vẫn ngồi yên. Chàng cần kiên nhẫn để xem màn sau của vở trường kịch.

Chu-Ling lái vào lề đường. Trong khi ấy, tài xế sau vượt qua xe nàng rồi đậu ngay phía trên. Từ xe hơi nhảy xuống ba người đàn ông mặc ba-đờ-suy, đội mũ nỉ xụp xuống gần mắt. Họ chạy về phía Văn Bình và Chu-Ling.

Chu-Ling thò đầu ra ngoài cửa xe:

- Cái gì thế?

Gã đàn ông đi đầu vội đứng lại:

- Thưa cô, tôi đây.

Té ra hắn là gã thẹo Baki. Chu-Ling nạt nộ:

- À, tôi đã dặn mà anh không thèm lưu tâm đến, anh muốn kiếm chuyện cả với tôi.

Baki khúm núm:

- Thưa cô, tôi đâu đám bất tuân lệnh cô. Chẳng qua vì tướng Kôlít ra lệnh ngược lại.

- Lệnh như thế nào?

Baki hạ thấp giọng:

- Thưa, tôi không dám nói, vì… vì…

Văn Bình xía vào:

- Vì có tôi là người lạ phải không? Vậy, tôi xuống xe cho anh được tự do báo cáo.

Chàng động cửa đánh sầm. Chu-Ling cũng bước xuống xe, giọng nàng chua như dấm thanh:

- Nói đi, tôi không có thời giờ đợi anh đâu. Tướng Kôlít không bằng lòng tôi đi chung xe với ông Kêvin phải không?

Baki đáp:

- Thưa… tướng Kôlít ra lệnh khác. Vì có tin người lạ định mưu hại cô nên tướng Kôlít ra lệnh chúng tôi đi theo để bảo vệ.

Văn Bình tiến đến trước mặt gã thẹo:

- Nghĩa là anh nghi ngờ tôi là người lạ định ám sát cô Chu-Ling? Hừ, như thế này thì còn trời đất nào nữa!

Chu-Ling quắc mắt:

- Thượng sĩ Baki, tôi yêu cầu thượng sĩ quay xe trở về. Nếu không, thượng sĩ đừng trách.

Gã thẹo nhăn nhó một cách thảm hại:

- Tôi muốn tuân lệnh cô nhưng tôi không dám. Tướng Kôlít đã ra lệnh dứt khoát.

Văn Bình xô nhẹ gã thẹo:

- Một lần cuối, tôi yêu cầu anh lên xe để mặc chúng tôi.

Gã thẹo lớn tiếng:

- Xin ông đừng hiểu lầm. Tôi chỉ kính trọng ông nếu ông không cản trở công việc của tôi.

Văn Bình nhìn giữa mắt hắn:

- Anh dọa đánh tôi phải không? Tôi chấp cả bọn anh đấy.

Văn Bình cố tình gây sự mà Chu-Ling không biết. Sợ lôi thôi cho Văn Bình nàng vội dàn hòa:

- Thôi. Baki, anh phải nể mặt tôi. Anh lên xe đi.

Gã thẹo đấu dịu:

- Thưa cô, tôi có dám làm gì đâu. Chẳng qua ông Kêvin xen vào việc riêng của chúng tôi. Ông ta là người ngoại quốc, theo luật lệ chúng tôi phải kiểm soát từng giây, từng phút, ông ta được thảnh thơi như thế này là nhờ sự bảo lãnh của cô, nhờ sự thông cảm của chúng tôi…

Văn Bình lấy bàn tay chặn ngang miệng gã thẹo. Tức giân, hắn ẩy chàng ra. Chàng giả vờ chúi vào xe hơi. Chu-Ling vội quát:

- Baki, anh không được vô lễ.

Mục đích của bọn mật vụ Sigurimi không cốt làm Văn Bình mất thể diện. Song sự khích bác của chàng đã đánh thức bản chất thô bạo trong lòng chúng. Văn Bình lại dồn chúng vào một cuộc đọ sức bất đắc dĩ. Vì chàng đã nắm cánh tay của tên mật vụ đang chống nạnh gần xe hơi, quật bắn ngã sóng soài xuống đường. Tên thứ hai nhảy đến tiếp cứu nhưng cũng bị chàng đá văng vào gầm xe.

Còn lại gã thẹo. Biết không đủ tài nghệ cầm cự với Văn Bình, hắn bèn rút súng ra dọa. Hắn không ngờ là Văn Bình chỉ vung tay là khẩu súng bay ra giữa đường. Gã thẹo đang luýnh quýnh thì chàng đã tặng một atémi vào huyệt cự quyết ở bụng. Chàng ra đòn hết sức nhẹ song cũng đủ để gã thẹo lăn lông lốc trên vỉa hè, cụng đầu vào gốc cây cổ thụ cách đó ba thước rồi chết giấc luôn.

Mặt xanh mét, Chu-Ling hỏi chàng:

- Anh có bị thương không?

Chàng lắc đầu, vui vẻ:

- Không. Baki cũng vậy, hắn cũng chỉ bị ngất đi 5, 10 phút mà thôi.

Chu-Ling nói:

- Giá anh đánh hắn chết nữa, em cũng không cần, và em còn mừng thêm nữa. Bọn Sigurimi hỗn có tiếng, đôi khi cần trừng trị cho chúng bớt lộn xộn đi.

- Nhưng sợ Kôlít gây chuyện phiền phức cho anh!

- Dĩ nhiên là lão già Kôlít phải kiếm cớ để làm khó dễ. Nhưng Kôlít chỉ có thể tống xuất anh lên chuyến phi cơ sớm nhất là cùng. Kôlít không dám bắt anh đâu. Còn em nữa, trừ phi em chết Kôlít mới dám động đến anh. Tuy nhiên, anh đừng ngại, em sẽ gọi điện thoại vô tuyến tức khắc cho Kôlít.

Nàng trèo lên xe mở máy vô tuyến. Tiếng người phụ trách tổng đài Sigurimi vọng ra, Chu-Ling nói:

- Cho tôi nói chuyện với ông tổng giám đốc Kôlít.

- Thưa, bà là ai, xin cho biết tên.

- Tôi không phải là bà mà là cô. Tướng Kôlít có mặt ở văn phòng không?

- Thưa… người ngoài không được phép điện đàm với ông tổng giám đốc. Cô có điều gì cần nói, xin nói với sĩ quan trực.

- Kêu sĩ quan trực ra cho tôi.

- Nhưng… cô là ai?

- Tôi có là… ai thì đang đêm mới dám dùng điện thoại siêu tần số gọi thẳng cho tướng Kôlít. Trong vòng 60 giây đồng hồ nếu sĩ quan trực chưa trả lời thì đừng trách tôi không bảo trước.

- Vâng, tôi xin kêu ngay.

Trong chớp mắt, tiếng nói viên sĩ quan trực đã vang lên ở đầu dây. Chu-Ling dõng dạc:

- Tôi đây, Chu-Ling đây.

Giọng nói của viên sĩ quan trực đượm vẻ kính nể:

- Trân trọng chào cô. Cô muốn gặp tướng Kôlít?

- Phải.

- Tôi đã chuyển ngay vào bàn giấy.

Kôlít vừa lên tiếng. Chu-Ling đã tuôn luôn một hơi:

- Anh đã hứa với em những gì? Anh còn nhớ không? Tại sao anh lại sai nhân viên theo sau xe em? Anh không muốn em có bạn bè nữa phải không? Yêu cầu anh giải thích để em định liệu.

Kôlít đáp giọng nhỏ nhẹ:

- Nếu em đi chơi với người quen thì anh không dám quấy nhiễu. Đằng này…

- Nghĩa là anh cấm em được giao du với Kêvin?

- Anh làm gì có quyền.

- Một lần nữa, em xin nhắc lại em là một đứa con gái ưa sống tự do.

- Anh xin lỗi em. Từ nay trở đi những chuyện đáng tiếc như vậy sẽ không xảy ra nữa. Em còn giận anh nữa không?

- Hết giận rồi. Anh hãy cho xe đến chở bọn nhân viên của anh về bệnh xá. Lần này, em chỉ cho chúng nó ăn đòn nhẹ, lần sau thì chết với em, em sẽ bắn chết cả lũ.

- Gớm, em nóng như lửa.

- Người Á đông đều nóng như lửa. Anh không chịu được em thì thôi.

- Trời ơi, em bắt anh làm tôi mọi cho em, anh cũng sẵn sàng nghe lời, huống hồ là một điều kiện nhỏ mọn như thế. Được, anh sẽ cho xe đến chở bọn thằng Baki về ngay. Tối mai em có rỗi không? Chùng mình đi ăn. Anh mới thuê được thằng đầu bếp nấu món Tây tuyệt ngon. Anh đã dặn hắn làm món tôm chiên sốt cho em. Em nhận lời nhé?

- Dĩ nhiên là em nhận lời.

Chu-Ling gác ống nói. Nàng mỉm cười với Văn Bình:

- Thế là xong. Kôlít nể em lắm. Em bảo gì ông ta cũng nghe theo răm rắp.

Văn Bình dựa vào vai nàng, không đáp. Kôlít chiều chuộng nàng không phải là chuyện lạ. Trên thế gian, đàn ông già chơi trống bỏi đều ở vào hoàn cảnh như Kôlít.

Chu-Ling lái xe về khách sạn. Văn Bình đi song song bên nàng, mặt phớt tỉnh, không thèm quan tâm đến bọn nhân viên Sigurimi đang nhìn chàng bằng con mắt soi mói. Lẽ ra họ phải nhìn Chu-Ling vì nàng là một báu vật về xương thịt của tạo hóa. Nhưng họ lại nhìn chàng. Cuộc sống gò bó của chế độ cộng sản đã làm tâm tính con người đổi khác.

Đến tầng lầu của chàng. Chu-Ling dừng lại, giọng luyến tiếc:

- Lát nữa anh lên phòng em nhé!

Văn Bình nắm lấy búp tay nõn nà của nàng kéo lại gần ngực, được thể nàng xà luôn vào người chàng. Hai người ngang nhiên ôm nhau hôn trước sự chứng kiến của hai nhân viên mật vụ. Mấy phút sau Văn Bình mới chép miêng, buồn bã:

- Em lên nhé!

Chàng nói vậy mà tay chàng vẫn giữ riệt tay nàng. Nàng tần ngần một phút rồi hỏi:

- Hiện gời anh có cần về phòng không?

Chàng đáp nhanh:

- Không.

- Ờ, vậy còn đợi gì anh không lên luôn với em. Lát nữa ba em mới ở phòng tiệc về.

Hai nhân viên Sigurimi đạt sang bên cho Chu-Ling bước lên lầu. Quang cảnh bên trên khác hẳn tầng lầu của Văn Bình. Nếu có thể dùng dánh từ “sa mạc” để miêu tả phía dưới thì trên này phải là “đô thị phồn hoa” với những bóng đèn điện sáng quắc, sáng đến nỗi một cây kim gút đánh rơi trên nền phòng màu trắng cũng có thể tìm thấy dễ dàng.

Nếu phòng không được lót gạch hoa thông thường mà là cẩm thạch nổi vân màu trắng. Màu trắng ngà mát mặt của nền phòng tương phản một cách dịu dàng với màu trắng toát của tường gạch. Hành lang rộng thênh thang, dọc theo bao lơn Văn Bình nhìn thấy một giãy chậu xứ nhỏ màu trắng đựng những giò phong lan nở hoa màu tím phơn phớt. Dưới ánh điện sáng quắc, cánh hoa phong lan như cử động, mở ra úp vào.

Giữa nền hành lang là một tấm thảm đỏ. Tấm thảm này không giống tấm thảm ở tầng lầu của Văn Bình. Nó đẹp hơn, dầy hơn, êm hơn và dĩ nhiên đắt tiền gấp chục lần.

Té ra Văn Bình là thượng khách của chính phủ Anbani song chỉ là thượng khách cấp dưới! Các cố vấn Trung hoa vĩ đại mới là thượng khách thật sự.

Hai nhân viên lí nhí chào Chu-Ling. Nàng khoác tay chàng bước qua không thèm nhìn họ, và cũng không thèm đáp. Chắc chắn nàng đã nghe lời họ chào. Nhưng nàng khinh miệt đã quen, vì khinh miệt là một trong các đức tính cần thiết của giai cấp mới trong xã hội cộng sản.

Liếc bằng đuôi mắt Văn Bình thoáng thấy vẻ khó chịu trên mặt hai nhân viên Mật vụ. Họ chăm chú quan sát chàng như thể quan sát con quái vật trong vườn bách thú. Trong thâm tâm, chắc họ thèm thuồng kinh khủng.

Chu-Ling mở rộng cửa, mời chàng vào phòng. Tuy biết trước nếp sống sang trọng của nàng. Văn Bình vẫn không ngăn được sửng sốt. Chính giữa phòng là một cái giường hình tròn, bọc nỉ đỏ, nệm bông trắng. Giường hình tròn là một phát minh tân kỳ của kỹ nghệ trang trí của Tây phương, nó có một chân như chân ghế, đặc điểm của nó là có thể quay tròn, quay sang phía nào cũng được, có một cái nút làm giường quay, và một cái nút khác làm giường đứng lại. Loại giường hình tròn của Pháp, đặt tên là Manhattan, mà các nhà triệu phú và tài tử nghệ thuật đua nhau mua, còn thua cái giường của Chu-Ling nhiều. Vì nệm giường của nàng được làm bằng lông chồn hiếm có nhất thế giới, sinh sống tại vùng băng tuyết Tây bá lợi á.

Tuy nhiên, điều làm Văn Bình ngạc nhiên hơn nữa là một cái bình pha lê to tướng đặt đối điện cửa sổ, trong bình toàn là hoa hồng. Trong đời, chàng đã gặp và đã yêu nhiều người đẹp ưa thích hoa hồng. Bông hồng Tou-Fan từng đấu trí với chàng trên đảo Tahiti cũng là tay ghiền hoa hồng có một không hai phía sau bức màn sắt (1).

Nhưng bình hoa hồng của Chu-Ling đã chứng tỏ thú chơi hoa hồng của người đẹp Tou-Fan chỉ là thú chơi hoa tập sự. Trong số các nhà trồng hoa hồng nổi tiếng nhất trên trái đất, phải kể đến người Pháp. Làng hoa hồng của Pháp gồm chừng 30 chục loại khác nhau bình hoa đặt gần cửa sổ đã gồm hơn 20 đóa hồng, mỗi đóa lại là một loại, nào là hồng đậm Vẹt-say, và Thiên Thần, hồng nhạt Milrose, hồng pha vàng Jean de La Lune và đẹp nhất là hồng Đam mê (2) loại hoa hồng thời thượng và được ưa chuộng trong năm.

Chu-Ling nũng nịu:

- Anh thấy hoa hồng của em có đẹp không?

Văn Bình lắc đầu:

- Không đẹp.

- Hừ, anh là người thứ nhất có can đảm chê những bông hồng của em không đẹp. Em không tin anh là người xa lạ với nghệ thuật trồng hoa. Trừ phi anh cố tình trêu tức em. Vì anh biết không? Em yêu hoa hồng nhất. Tự tay em trồng, tự tay em vun sới, em chọn toàn giống hoa thượng đẳng. Ai chê hoa em xấu, em mất ăn mất ngủ hàng tuần lễ.

- Anh nói thật đấy, anh không cố tình trêu tức em đâu. Anh cũng không xa lạ gì với nghề trồng hoa. Anh từng đến thăm những vườn hồng đẹp nhất ở miền nam nước Pháp. Bình hồng của em rất đẹp nếu được trưng bày ở phòng khác. Còn ở đây, anh lại thấy nó quá xấu.

Nước mắt chảy quanh, Chu-Ling hỏi:

- Tại sao?

- Vì em quá đẹp. Em đẹp đến nỗi vẻ đẹp của hoa hồng trở thành vô nghĩa.

Nàng òa lên khóc. Cách đó một phút, nàng rưng rưng nước mắt vì bị phật ý. Giờ đây, nàng bật khóc vì sung sướng. Nhờ sành khoa tâm lý chàng đã đánh trúng yếu điểm của nàng. Chàng bèn ôm lấy nàng. Nàng vẫn khóc nức nở. Chàng dìu nàng lại cái giường thơ mộng hình tròn. Nàng kéo chàng ngã vào người nàng.

Văn Bình rạo rực lạ thường. Tuy nhiên, nếu không nghĩ đến công việc sắp làm, nghĩ đến những bí mật nằm sau cánh cửa ăn thông sang phòng bên mà chàng đoán là phòng của cha nàng Chu-Yao, chàng còn rạo rực hơn nữa. Chu-Ling nằm dài trên chiếc giường tròn, làn da trắng của nàng trắng hơn cả làn nệm, nổi bật một cách kỳ thú trên màu nỉ đỏ, nàng lại ấn nút cho cái giường quay nhè nhẹ. Chu-Ling là đệ tử của chủ nghĩa ân ái tự do của trai gái Bắc Âu nên tình yêu của nàng luôn luôn bóc lửa như hỏa diệm sơn, nàng chỉ cần yêu, đòi yêu, yêu bừa bãi, yêu thường trực, không thèm biết đến hậu quả. Văn Bình lại là vị thần có đủ phép lạ, có thể mang lại sự thỏa mãn tột độ cho những người đàn bà khó tính nhất nên khi gặp chàng Chu-Ling quên hết. Nàng chỉ sợ Văn Bình bỏ đi, để nàng ở lại một mình quạnh quẽ với những khao khát cuồng loạn.

Nàng nhắm nghiền mắt, tận hưởng những mơn trớn thần tiên của người đàn ông điệu nghệ quốc tế. Thể xác của Văn Bình phải xẻ làm hai một phần dành cho Chu-Ling, phần còn lại dành cho việc quan sát tỉ mỉ trong phòng. Chàng không thể đoán sai: cha con Chu-Yao phải ở hai căn phòng sát nhau, Chu-Yao thương con tha thiết, thế tất không muốn ở xa con.

Chu-Ling đã bắt đầu mê mẩn. Nàng bấu chặt lấy Văn Bình, móng tay sắc nhọn của nàng làm chàng tóe máu. Chàng đã tính toán kỹ lưỡng (có lẽ kỹ lưỡng không kém sự tính toán của các nhà khoa học gia Hoa kỳ về chương trình phi thuyền không gian Apollo), nếu sớm một phút hoặc chậm một phút có thể nàng sẽ bừng tỉnh. Bằng một nghệ thuật tinh vi, chàng lôi cuốn nàng từ nhẹ nhàng đến mạnh bạo, từ chậm chạp đến gấp gáp, và đến khi nàng sắp lên đến tột độ của sự hưởng lạc thì luồn ngón tay trỏ xuống dưới nách bên trái của nàng.

Chàng luồn ngón tay xuống dưới nách Chu-Ling để tìm miên-huyệt.

Mục đích của chàng là làm nàng ngất đi từ 10 đến 15 phút, đủ thời giờ cho chàng hoàn thành kế hoạch. Chàng có thể điểm vào một trong hàng chục huyệt trên thân thể nàng, tuy nhiên những huyệt này tạo ra trạng thái mê man bất thường, mắt hoa nhức đầu, miệng buồn nôn, và khi thức dậy nàng sẽ biết là bị đánh atémi.

Khoa atémi của nhu đạo Nhật bản chỉ dậy cách điểm huyệt cho đối thủ tê liệt, mê man hoặc táng mạng. Khoa điểm huyệt của quyền thuật Trung quốc được coi là tế nhị hơn; tuy nhiên, môt phần lớn của các huyệt đạo kỳ bí đã bị thất truyền. Nhờ may mắn và công phu học hỏi. Văn Bình đã am tường điểm-đoạn-pháp của các trường phái danh tiếng Thiếu lâm, Nga mi và Côn luân.

Nhưng chính vì may mắn hoàn toàn mà chàng học được phép điểm huyệt khoái lạc. Nước Tàu cổ xưa với vua chúa có tam cung lục viện đã quan tâm đặc biệt đến khoái lạc ái tình. Song Trung hoa chỉ giỏi về các toa thuốc và ngoại khoa trợ tinh, còn về siêu thuật yêu đương lại thua xa bán đảo Ấn độ. Trên đại thể, Thổ nhĩ Kỳ là đàn em của Trung hoa và Ấn độ, nhưng về một vài phương diện lại là đàn anh.

Văn Bình học được bí quyết của huyệt khoái lạc trong thời gian lang thang tại xứ Hồi giáo Thổ nhĩ Kỳ. Quốc gia này sành sỏi về tình yêu chỉ là đương nhiên vì đấng Mô-ham-mét được coi là giáo chủ đạo Hồi lại có mười một cô vợ, chưa kể số vợ và người yêu không chính thức. Noi gương đấng Tiên tri Mô-ham-mét, các vua chúa Thổ ngày xưa tuyển lựa hàng trăm gái đẹp, mang về cung cấm. Giới quyền quý cũng như dân gian cũng noi gương vua chúa, dành thật nhiều thời giờ và tiền bạc vào chuyện ân ái. Do đó, một số tu sĩ đã dầy công nghiên cứu và thực nghiệm để chế tạo các môn thuốc trợ tình (3). Cung điện của nhà vua gồm nhiều biệt phòng, biệt phòng 3 chuyên về kỹ thuật trợ tình.

Một viện trưởng biệt phòng 3 thuộc thế kỷ 15 đã khám phá ra hệ thống huyệt đạo khoái lạc trên cơ thể đàn bà. Cả thảy có trên 10 huyệt song Văn Bình chỉ học được 2, một ở gần nách bên trái, và một ở cạnh đốt xương cụt.

Ngay sau khi ngón tay của Văn Bình chạm nhẹ vào miên-huyệt, Chu-Ling rùng mình lên nhè nhẹ rồi lập tức nằm thẳng đơ, hai mắt nhắm nghiềng cánh mũi thở phập phồng. Nàng đã ngủ say. Tuy ngủ say mà nàng vẫn tỉnh, vì nàng đang sống một giấc mơ tuyệt đẹp, giấc mơ mang lại những cảm giác tân kỳ nhất. Trong cơn mê mẩn, nàng không thấy cảnh vật chung quanh, nàng không nghe được mọi tiếng động chung quanh, nàng hoàn toàn xa rời hiện tại mà nhòa vào cõi hư vô thần tiên.

Lát nữa, tỉnh lại, nàng sẽ không còn nhớ gì nữa. Nàng chỉ nhớ mang máng là giây phút khoái lạc chưa từng có đã đến với nàng.

Văn Bình buông Chu-Ling ra và ngồi dậy. Căn phòng khách sạn vẫn chìm trong yên lặng mặc dầu cửa sổ nhìn xuống đường được mở rộng và trời chưa khuya lắm. Tại các thủ phủ bên kia bức màn sắt, 11, 12 giờ đêm mới là giờ thiên hạ rủ nhau ra đường, xe cộ đủ loại đua nhau chạy nườm nượp ngoài phố. Sài gòn là thành phố chiến tranh mà cuộc sống còn rộn rịp tới quá nửa đêm, và nếu giờ giới nghiêm được bãi bỏ thì cho đến rạng đông trai thanh gái lịch vẫn còn thức.

Nhưng ở Tirana, bên này bức màn sắt, 11 giờ đêm lại là giờ quá khuya, giờ dân chúng đã đi ngủ. Thỉnh thoảng mới có tiếng máy xe hơi từ dưới đường vọng lên.

Văn Bình tắt ngọn đèn sáng quắc trên trần, vặn đèn bàn đêm lên, lấy mền đắp ngang ngực Chu-Ling để che thân thể lõa lồ khêu gợi của cô gái Trung hoa, rồi bước xuống giường. Chàng khoác vào người cái áo ngủ bằng gấm Thượng hải ngũ sắc của Chu-Ling, đánh diêm châm điếu Salem quen thuộc trước khi tiến lại cánh cửa giáp với phòng bên.

Cánh cửa được khóa chặt song đối với Văn Bình thì đó chỉ là một trở ngại cỏn con. Chàng chỉ cần một sợi thép nhỏ và 20 giây đồng hồ ngắn ngủi là chinh phục được ổ khóa kiên cố.

Phòng bên cũng được bày biện sang trọng, nhưng ít diêm dúa hơn phòng của Chu-Ling. Phòng của một người đàn ông đứng tuổi có khác, giường, ghế, bàn, tủ, tất cả đều là đồ gỗ đặt mua ở Tây Âu, song đều đượm vẻ nghiêm trang.

Trong căn phòng rộng chỉ có một ngọn đèn nê-ông duy nhất chiếu ánh sáng xanh mát xuống tấm thảm bằng len Thổ nhĩ Kỳ màu pát-ten.

Cặp mắt tinh tế của Văn Bình chiếu cố ngay đến cái bàn bằng sắt sơn màu sám nhạt kê ở góc tường. Ngoài cái giường rộng hình chữ nhật và bộ xa-lông nhỏ gồm 4 ghế, trong phòng chỉ có một cái tủ gương và một cái bàn viết là khả dĩ được dùng để cất tài liệu.

Mục đích của Văn Bình là lén vào phòng này để lục lọi tài liệu. Chàng đoán không sai: đây là phòng của Chu-Yao, cha của người đẹp Chu-Ling. Trên bàn viết chễm chệ tấm hình bán thân của Chu-Yao. Trong ảnh, nhà bác học có vẻ trẻ hơn ở ngoài. Bên cạnh tấm hình này là một tấm hình lớn gấp đôi, lồng trong khung vàng khối 18 ca-ra, bên trong là hai cha con đứng cạnh nhau, cha đang mỉm cười với con, bối cảnh là một vười hoa ở quê nhà Hoa lục.

Văn Bình đặt tay vào các ngăn kéo. Ngăn nào cũng khóa. Bàn giấy gồm cả thảy 5 ô kéo ở hai bên và một ô kéo dài ở chính giữa. Loại bàn này giống các loại bàn sắt thông thường ở Tây phương chỉ có một ổ khóa duy nhất, mở ổ khóa này thì 5 ô kéo còn lại được mở ra dễ dàng. Văn Bình quỳ xuống quan sát ổ khóa chính. Chàng không tỏ vẻ thất vọng khi thấy ổ khóa này thuộc loại an toàn. Chàng hì hục mất gần hai phút mà nó vẫn trơ trơ. Chàng bèn đứng dậy, từ từ thở hết thán khí ra khỏi buồng phổi rồi tiếp tục mở khóa.

Nhờ buồng phổi trục xuất được hết thán khí, Văn Bình trở nên khỏe khoắn hơn. Nên chỉ hai phút sau chàng đã chinh phục được ổ khóa an toàn kiên cố.

Bên trong ngăn kéo là một cái cặp da mỏng kiểu Samsônít, cũng có khóa hẳn hoi. Loại khóa này không phải là trở ngại đối với Văn Bình. Trong chớp mắt, cặp da được bật mở, phô bày một xấp tài liệu và họa đồ.

Tất cả đều bằng chữ Hán. Cũng may Văn Bình thông thạo tiếng Tàu nên chàng đọc không mấy khó khăn. Những tài liệu đựng trong cặp da liên quan đến một trái bom nguyên tử cỡ nhỏ và một hệ thống hỏa tiễn có tầm bắn xa một ngàn cây số. Họa đồ được vẽ rất tỉ mỉ. Văn Bình định thần một lát để chụp hết vào trong trí nhớ. Trừ phi gặp trở ngại giờ chót, chàng có thể tìm đến tận nơi đặt giàn phóng hỏa tiễn, lẻn vào bên trong và thực hiện kế hoạch đã định.

Chàng nhìn đồng hồ. Gần 10 phút đã trôi qua. Chàng đặt tài liệu và họa đồ vào chổ củ, khóa ngăn kéo lại cẩn thận. Trước khi trở sang phòng bên, chàng còn ngắm bức hình Chu-Ling chụp cạnh cha, lồng trong cái khung vàng khối. Hoa thược dược đỏ vàng là một trong các giống hoa đẹp nhất vậy mà vẻ đẹp của nó đã bị phai mờ trước vẻ đẹp của Chu-Ling. Văn Bình đến Tirana là để tìm kiếm một trái bom nguyên tử của Trung Hoa cộng sản. Một trái mà thành hai. Trái bom nguyên tử thứ nhì có lẽ còn dữ dội hơn trai bom nguyên tử thứ nhất nữa.

Văn Bình ngây ngất đứng trước cái giường tròn Manhattan. Tấm mền màu hồng đắp ngang ngực làm tôn thêm làn da trắng hồng của Chu-Ling. Nàng đang ngủ say, hai gò bồng đảo phập phồng. Trong giấc ngủ, nàng có vẻ mặt hiền hậu và khả ái lạ thường.

Trong khi ấy có tiếng giầy bước ngoài hành lang. Văn Bình nằm xuống bên Chu-Ling, kéo mền đắp chung và áp vào lưng nàng. Nàng bỗng trở mình rồi quay mặt lại.

Nàng bắt đầu tỉnh. Bên ngoài tiếng giầy mỗi lúc một nhiều và một rõ.

Song nàng không nghe được tiếng giầy ấy. Thảm trải chân êm ái đã hút hết âm thanh nên chỉ còn những tiếng phớt nhẹ. Nàng ôm ghì lấy chàng, miệng rên rỉ.

- Kêvin ơi, em yêu anh quá!


(1) - Xin đọc "Kẻ Thù Không Mặt" (Z. 28) vừa xuất bản, Tân Quang, 54 Lê Văn Duyệt, tổng phát hành, để tìm hiểu giai đoạn về "bông hồng Tou-Fan" và Văn Bình trên đảo Tahiti.
(2) - Tức là hoa hồng Passionata.
(3) - Các tu sĩ chế tạo khoái lạc này, tiếng Thổ gọi là meadschindschian, hành nghề từ trước Tây lịch kỷ nguyên; tuy nhiên "kỹ nghệ" này chỉ nổi tiếng trong các thế kỷ 16, 17 và 18 với nhiều thứ bùa yêu, nước hoa ái tình khách nhau, hoạc một loại thuốc viên, mệnh danh là hậu-cung-hoàn (pastilles de sérail) bán với giá thật đắt toàn cõi Âu Châu.



Het phan 7