Yến Vi có đáng bị đối xử như vậy không?

Việt Hoàng

Có lẽ những sự việc xảy ra với cô diễn viên Yến Vi thời gian qua đã khiến bàn dân thiên hạ bàn tán xôn xao. Nhưng bất ngờ nhất là kết cục của nó: Yến Vi đã bị đưa thẳng vào trung tâm phục hồi nhân phẩm TP HCM, sau khi bị các cơ quan công an gọi lên thẩm vấn.

Là một diễn viên điện ảnh, một người mẫu, với sắc đẹp khả ái của mình, Yến Vi ít nhiều đã chiếm được cảm tình của không ít khán giả Việt Nam.

Mọi việc diễn ra với cô ta rất bất ngờ và nhanh chóng, đầu tiên là việc một đọan băng quay cảnh làm tình của cô với bạn tình Phan Thanh Tòng được tung lên mạng internet. Yến Vi đã nhờ luật sư can thiệp tố cáo hành động này của Tòng, thế nhưng sự việc chưa kịp ngã ngũ thì với việc “má mì” Trần Thị Phố bị bắt với tội danh môi giới một đường dây gái mại dâm cao cấp, trong đó đã khai rằng Yến Vi đã có tham gia bán dâm.

Yến Vi đã được gọi đến cơ quan điều tra và cô đã thừa nhận những việc làm của mình. Sau đó cô đã bị đưa thẳng vào Trung tâm giáo dục dạy nghề phụ nữ (hay còn gọi là trung tâm phục hồi nhân phẩm).

Báo chí trong nước cũng đã đưa tin rất nhiều về vụ này, dư luận chê trách Yến Vi cũng nhiều. Thế nhưng, nếu nhìn vào xã hội Việt Nam và những cái quyền cơ bản của một con người, cho dù đó là một gái mãi dâm, thì Yến Vi có đáng bị đối xử như vậy không?

Xã hội Việt Nam ngày nay ra sao? Đạo đức của con người cao hay thấp? Cái đó tôi chưa dám khẳng định, nhưng riêng việc phụ nữ Việt Nam làm cái công việc mà chúng ta vẫn quen gọi là: bán dâm thì tôi chắc chắn một điều là: rất lớn. Có một tờ báo đã khẳng định rằng Việt Nam đã qua mặt Thái Lan về khoản này, tức là công nghệ tình dục, chuyện này bạn đọc chắc rõ hơn tôi. Ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, chúng ta có thể bắt gặp gái mãi dâm mọi lúc, mọi nơi, từ giá cao đến giá thấp, có hết!

Nguyên nhân nào khiến cho lượng gái mãi dâm ngày càng tăng nhanh? Chắc chắn nguyên nhân thì rất nhiều, có cung thì có cầu, nhưng theo tôi một trong những nguyên nhân chính là do tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là tại nông thôn quá lớn. Với không ít người trong số họ thì bán dâm là con đường duy nhất để tồn tại. Sự mua bán dâm ở Việt nam đã đến mức mà mọi người đều xem như “chuyện thường ngày ở huyện”.

Đối với các cô gái bán dâm tại Việt Nam, xã hội nên có cái nhìn thông cảm. Họ đáng thương hơn đáng trách. Họ cũng là con người như bao nhiêu người khác trong xã hội, họ cũng cần được đối xử công bằng. Nghề bán dâm tuy không được thừa nhận nhưng nó là nghề có thật và hiện hữu ở Việt Nam. Việc làm của họ luôn bị xã hội lên án, nhưng nếu những đồng tiền “nhơ bẩn” mà họ kiếm ra đó được mang về để nuôi con, hay bố mẹ già, thì họ có đáng trách hay không?

Việc những cô gái mãi dâm bị bắt trong các đợt truy quét, sau đó đưa vào trại “giáo dục dạy nghề” mà không qua xét xử là xâm phạm nghiêm trọng quyền của con người. Nếu mãi dâm là một tội được qui định trong Bộ luật hình sự thì bản thân những cô gái bán dâm này cũng cần được xét xử đàng hoàng và đúng luật, không thể tự tiện cho vào trại được. Trong khi đó tên gọi của các Trại (Trung tâm) này như: Trung tâm phục hồi nhân phẩm, trung tâm giáo dục dạy nghề,… cũng rất đáng để lên tiếng. Nhân phẩm hay nhân cách của một con người được hình thành bởi cả một quá trình dài, từ sự giáo dục của gia đình, nhà trường, từ những tác động của môi trường sống như công việc, nhận thức xã hội, báo chí, phim ảnh, sách vở… Không thể đơn giản cứ cho vào Trại một vài năm là nhân phẩm của các cô gái được “hồi phục”. Nếu chỉ đơn giản là vậy thì việc “hồi phục” nhân phẩm cho những kẻ rất thiếu nhân phẩm đầy rẫy trên đời này, lại dễ dàng quá thế sao?

Những cô gái bán dâm cho dù bị người đời chê trách, nhưng không thể buộc tội họ là những người không có “nhân phẩm” và phải “phục hồi” nhân phẩm. Một phần trong số họ, có thể, vẫn là những người Mẹ, người chị đáng kính trong một gia đình, nếu như họ làm tất cả vì cuộc sống của gia đình, bởi vì nhiều khi, họ không còn con đường nào khác.

Quay trở lại chuyện của Yến Vi, cô ta là một người khá nổi tiếng, tức là người của công chúng. Những người nổi tiếng thường phải giữ mình, hạn chế nhưng ham muốn bình thường, để giữ gìn danh tiếng của mình. Yến Vi đã không làm được điều đó. Cô ta đã xúc phạm đến những tình cảm yêu mến mà khán giả dành cho mình, chính búa rìu của dư luận, như báo chí đã lên tiếng, đã là một hình phạt nặng nề đối với cô. Theo tôi như thế là đủ.

Yến Vi trẻ đẹp và nổi tiếng nên khó tránh được được những cám dỗ của cuộc đời, thế nhưng với cái giá “bán mình” hàng nghìn đô như vậy, và không phải với ai cũng sẵn sàng “qua đêm”, thì cô ta có đáng bị trừng phạt như vậy không? Những hành động đó của Yến Vi chỉ phản ánh một cuộc sống thực dụng rất bình thường của xã hội Việt Nam ngày hôm nay. Với cái giá từ 500$-1000$ mối lần “đi khách” thử hỏi liệu Yến Vi có thể nào yên tâm học lấy một nghề nào đó như may vá, thêu thùa ở trong cái trại “giáo dục dạy nghề” không?

Chưa thấy có một khảo sát nào? xem bao nhiêu phần trăm trong số các cô gái sau khi ra khỏi trại thì “phục hồi” được “nhân phẩm” và có thể kiếm sống được bằng những nghề đã được học trong trại?

Việc đối xử với một cô gái của công chúng như với những cô gái điếm mạt hạng mà công an bắt được ở đầu đường xó chợ, liệu có làm mọi người vui sướng, hoan hỉ không? hay là chỉ mang lại một nỗi buồn, một cái gì đó nao nao?

Việc gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho xã hội về cuộc sống của những “sao” và “người nổi tiếng” để họ có được một cuộc sống xứng đáng với lòng yêu mến của khán giả và công chúng, quan trọng hơn là tống họ vào những cái trại như vậy.

Nhiệm vụ quan nhất của mọi chế độ là chăm lo cho cuộc sống của người dân, hãy bày vẽ, đưa đường chỉ lối cho họ, để họ có được cuộc sống tốt hơn. Mọi hình phạt chỉ là biện pháp cuối cùng và phải chú ý đến tính khả thi của nó.

Yến Vi là một công dân của nước Việt Nam, dù lỗi lầm hay vi phạm luật pháp thì cũng cần được đối xử một cách công bằng và đúng luật như bao nhiêu người khác, không thể vì một tội lỗi nhỏ (bán dâm) hay do lối sống thực dụng của mình mà đáng bị xã hội quay lưng lại như thế.