"Mới lượm được"

VỢ LÀ TRỜI


Đầu tháng Năm không khí làng tôi nhộn nhịp hẳn lên vì Lễ Hiền Mẫu. Theo truyền thống, phe liền ông trong làng đứng ra tổ chức mừng lễ, từ A tới Z. Phe các bà thích lắm. Bà nào cũng cố đoán xem bữa tiệc mừng sẽ có những món gì và chương trình chúc mừng sẽ ra sao. Phe liền ông chúng tôi nháy mắt bảo nhau giữ bí mật cho tới phút chót.

Và ngày trọng đại đã tới. Cụ Chánh tiên chỉ là chủ lễ. Cụ và ông ODP đã bàn nhau về thực đơn từ trước nên bữa tiệc ngày lễ đã diễn ra hết sức tốt đẹp. Anh John, anh H.O. và tôi vừa làm phụ bếp vừa dọn bàn ăn. Loáng một cái là xong liền. Mọi khi các bà ở trong bếp, lễ này phe các bà được mời ngồi trong phòng khách.

Các cụ đã đoán ra năm nay phe liền ông chúng tôi nấu món gì để mừng các hiền mẫu chưa ? Dễ mà. Đó là món bánh cuốn Thanh Trì ăn với đậu phụ rán và canh chua cá kho tộ ăn với cơm tám thơm.

Tới phần tráng miệng, chúng tôi mới sang phần nghi lễ. Cụ Chánh niên trưởng đại diện các nhà quân tử trong làng nói lời chúc mừng. Đại ý : nhiệt liệt chúc tụng các bà vì ai cũng đã hoàn thành tốt đẹp sứ mạng làm mẹ, làm vợ, con cái đều trưởng thành. Các bà đây gồm cả 2 tân hội viện Cao Xuân và Tôn Nữ. Hai người đẹp Huế cảm động và vui mừng qúa sức.

Cụ Chánh nói ngay từ đầu là bữa nay phe liền ông chúng tôi tôn vinh các bà, sẽ toàn nói chuyện văn chương thánh thiện, toàn chuyện từ cổ từ vai trở lên hết. Mà qủa thế, không ngờ bữa nay phe liền ông chúng tôi nhiều chuyện chữ nghĩa thánh hiền như làm vậy.

Ông ODP được mời mở đầu chương trình tôn vinh các bà mẹ. Ông này là bồ chữ. Ông xin kễ chuyện mẹ nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký. Ông Ký rất có hiếu với mẹ. Hồi nhỏ, ông được du học tại Penang bên Mã Lai 6 năm, 1852-1858. Ông là một sinh viên xuất sắc. Ông đoạt giải thưởng 100 đồng bảng Anh của Toàn Quyền Anh về cuộc thi luận văn Latin. 100 bảng Anh thập niên 1850 lớn vô cùng. Lãnh giải xong ông liền ra phố mua ngay 8 xấp vải Bombay đẹp nhất chợ để gửi về biếu mẹ. Đêm ấy ông thao thức không ngủ được khi nghĩ tới mẹ nơi quê nhà. Ông không biết mẹ sẽ như thế nào khi cầm những xấp vải quý này. Mẹ ông vốn giản dị, ẩn dật, sẻn so với chính mình nhưng lại rộng tay với tha nhân, mẹ rất thương người. Ông nghĩ mẹ ông dám cho người nghèo những tấm vải quý này lắm vì ông nhớ chuyện ngày xưa. Hồi đó anh ông xin được việc làm và đã dùng lương tháng đầu tiên mua tặng mẹ một tấm vải dệt tay. Mẹ ông cảm động, nâng niu xấp vải rồi ôm vào ngực, ôm rất lâu. Anh em ông nhìn mẹ mà ứa lệ. Cả đời mẹ chỉ nghĩ đến chồng, đến con, đến người khác. Và cuối cùng thì mẹ ông đã đem tấm vải này biếu bà già hàng xóm vì bà này nghèo khổ và cô độc. Rồi bà già qua đời. Mẹ ông sang viếng xác và nhận thấy bộ quần áo bà già nằm lúc chết may từ tấm vải bà tặng. Rồi cả đêm ông cứ nghĩ không biết mẹ ông có dám dùng những tấm vải đắt tiền này hay lại đem cho. Cuối cùng thì ông quyết định sẽ gửi về biếu mẹ ngay, miễn sao làm mẹ vui là được. Nhưng bà mẹ đã nhắm mắt trước khi được gặp mặt con và trông thấy 8 sấp vải qúy. Suốt đời ông Trương Vĩnh Ký hối hận vì đã không gửi vải sớm và về nước kịp để nhìn thấy mẹ.

Anh John nghe đến đây liền nói lớn : quê ngoại bà xã tôi ở Cái Mơn, nghe nói ông bà cố gì đó có họ với Cụ Trương Vĩnh Ký. Chị Ba Biên Hoà mặt đỏ au lên, không nói gì. Cô Cao Xuân nói ngay : Theo tôi được biết thì Ông Trương Vĩnh Ký thông thạo 15 ngoại ngữ, viết 118 cuốn sách, được giới trí thức Âu Châu coi là một trong 18 nhà bác học thế kỷ 19, Chị Ba thuộc dòng thông thái này có khác, tiếng Anh và tiếng Pháp chị nói lầu lầu. Chị Ba e lệ nhỏ nhẹ lời cám ơn.

Rồi anh John xin kể chuyện một bà mẹ Cao ly. Chuyện xảy ra năm 1950. Một bà mẹ từ Bắc Hàn ôm con chạy trốn xuống Nam Hàn tìm tự do. Vì không tìm ra chỗ tiếp cứu người tỵ nạn nên đêm đó bà ôm con chui vào hầm cầu ngủ. Trời mùa đông giá buốt. Đứa con vừa đói vừa lạnh nên khóc thét từng hồi. Bà cởi hết áo để cuốn cho con. Sáng sớm hôm sau có người đi qua cầu nghe tiếng trẻ em khóc liền chui xuống và thấy người mẹ đã chết cóng vì lạnh, và đứa con thì đói lả. Sau khi chôn cất người xấu số, đứa con được đưa về trại cô nhi. Một du khách người Mỹ biết chuyện này đã xin đứa bé làm con nuôi và đưa về Mỹ. Mười tám năm sau, cậu bé ngày xưa đã vào đại học và được cha mẹ nuôi kể chuyện ngày xưa. Cậu cảm động vô cùng và đã về Nam Hàn để tìm lại gầm cầm lịch sử. Cậu đã nằm lên ngôi mộ, vừa khóc vừa nói với mẹ : Mẹ ơi, con về đây để tạ ơn mẹ, con đội ơn mẹ đã hy sinh vì con. Ước gì nước mắt của con thấm được tới mẹ đang cô quạnh đưới lòng đất. Mẹ ơi, xin mẹ chỉ cho con cách nào để đền đáp lại ơn me.

Đến lượt ông H.O. đọc diễn văn. Ông cho rằng các bà vợ quân nhân thời chiến vừa qua đều là những người đàn bà đáng ca tụng nhất. Các bà chồng tử trận ở góa xoay xở nuôi con, các bà có chồng tù cải tạo, vừa nuôi con vừa nuôi cha mẹ, vừa thăm nuôi chồng... Đây là những mẫu người phụ nữ VN tuyệt vời phải ghi vào lịch sử. Tôi vừa được đọc một bài thơ, lời người vợ ví mình như thân con ‘cò’, như thế này :

Cái cò lặn lội chợ khuya

Buôn thúng bán mẹt kiếm tiền nưôi con

Nuôi con rồi lại nuôi chồng

Chồng đang ‘cải tạo’ tận vùng quan san

Từ ngày tổ quốc lầm than

Chồng thân tù tội, cò nhào kiếm ăn

Khi chợ sáng lúc chợ chiều

Da khô mặt nám cò không hệ gì

Bây giờ cần đẹp làm chi

Con thơ thì đói, mẹ già thì đau

Chồng đang cải tạo rừng sâu

Cơm ăn không đủ, bệnh đau không thầy

Thiếu chăn đắp tấm thân gầy

Mặc cho gió thổi đêm khuya lạnh lùng

Cò cần lặn lội khắp vùng

Chợ khuya chợ sáng, chợ chiều kiếm ăn

Cò mình da bọc lấy xương...

Tác giả bài thơ là Nguyễn Ánh. Xin ngả nón chào kính bà vợ lính ngụy can đảm và anh hùng gương mẫu.