COI THIEN THAI ENTERTAINMENT NETWORK |
 |
Please click the banner to support Coi Thien Thai
! |
 |
HÃY ĐỢI ANH VỀ |
Tác giả: Quỳnh Dao |
[Chương
1][Chương
2][Chương
3][Chương
4][Chương
5][Chương
6][Chương
7][Chương
8][Chương
9][Chương
10]
[Chương
11][Chương
12] |
Chương
1 |
 |
Người đàn ông lạ mặt kia lần đầu tiên xuất
hiện trước khung cửa sổ phòng tôi vào một buổi tối thứ bảy.
Hôm ấy là một đêm trăng rất đẹp. Mặt trăng tròn và sáng treo
trên cao. Không có lấy một gợn mây, tôi và ba mẹ lúc đó đang
ngồi trong phòng khách thưởng thức một bản nhạc cổ điển -
bản “Ouverture” của vở nhạc kịch “Don Jua” của Mozart mà tôi
hằng yêu thích. Phải nói gia đình tôi là một gia đình có máu
nghệ sĩ, nhất là mẹ tôi, người rất yêu nhạc. Người thường
hay một mình ngồi trong phòng khách, không mở đèn, yên lặng
lắng nghe các bản giao hưởng như bản số năm của Beethoven,
khúc nhạc buồn của Chopin... Tiếng nhạc như rơi từng giọt để
rồi thấm dần vào từng tế bào.
Cha thì cũng thích nhạc, có điều người không lộ rõ như mẹ.
Khi hai mẹ con tôi mở nhạc nghe, hoặc khi mẹ ngồi bên đàn
dương cầm tấu một tấu khúc hoặc một trích đoạn trong vũ kịch
Hồ thiên nga, thì cha ngồi gần đấy với ly cà phê trên tay,
hớp từng hớp một. Người chỉ ngồi trầm ngâm yên lặng như vậy
mắt mơ màng nhìn xa xăm đến một nơi nào đó.
Còn tôi thì khỏi phải nói, một nhạc khúc hay có thể làm tôi
mất ngủ cả đêm.
Tóm lại gia đình tôi là một gia đình yêu nhạc.
Hôm ấy sau khi nghe nhạc xong, thì cũng đã quá khuya. Tôi
trở về phòng. Và như thói quen hàng ngày, vào phòng tôi bật
chiếc đèn bàn lên, lấy quyển nhật ký trong hộc tủ ra, tay
chống cằm, bắt đầu hồi tưởng lại chuyện gì đã xảy ra trong
ngày để ghi lại. Hôm ấy là một ngày khá bình thường – Bình
thường đến độ gần như nhạt nhẽo. Không có gì đáng nhớ để ghi
lại. Vậy mà cứ ngồi cả nửa tiếng đồng hồ vẫn không ghi được
một chữ.
Bực dọc, tôi hướng mắt về phía khung cửa. Khung cửa sổ phòng
tôi được phủ bởi màn cửa màu xanh lục nhạt. Đó là cái màu mà
tôi yêu thích. Gần như tất cả những vật dụng bày trong phòng
này đều là màu lục. Từ cái chụp đèn bàn, cái nếp drape, cái
khăn trải bàn cho đến cái chậu cây vạn niên thanh trên khung
cửa sổ...
Gió bên ngoài thổi mạnh làm lay động màn cửa sổ. Trăng chiếu
qua màn làm mọi thứ trở nên mông lung mờ ảo. Tất cả như ngập
đầy trong không gian thơ mộng. Trái tim tôi bồn chồn. Không
hiểu sao tôi không ngồi yên được. Tôi đứng dậy, bước tới bên
cửa sổ. Vén màn nhìn ra ngoài, chủ đích chỉ để ngắm trăng.
Nhưng, vừa mở màn ra, tôi đã giật mình ngay...
Đứng bên ngoài vòng rào nhà tôi, đối diện với khung cửa sổ
phòng, là một người đàn ông. Tôi không nhìn rõ mặt lắm.
Nhưng chắc một điều không thể phủ định, là ông ta đang chăm
chú nhìn vào nhà. Rõ ràng hơn, là đang hướng mắt về phía cửa
sổ phòng tôi. Người đàn ông đó đứng dựa vào chân cột đèn.
Dáng cao gầy, khuôn mặt xương. Và dù trời mới chớm xuân, cái
lạnh còn sót lại của mùa đông như cắt da, nhưng ông ta cũng
chỉ mặc có một chiếc chemise trắng mỏng, một chiếc quần tây
dài sậm màu. Ông ta đứng giữa trời khuya đầy sương đêm mà
chẳng có lấy chiếc áo khoác. Hẳn rét lắm. Nhưng vì khoảng
cách quá xa, lại tối, nên tôi không nhìn rõ mặt ông ta. Thật
ra thì lúc đó, vừa mới mở cửa tôi đã thấy người xa lạ nhìn
vào nhà, làm sao tôi không khỏi giật mình? Nhất là giữa lúc
đêm khuya thanh vắng? Cái bóng tối ấy đầy đe dọa. Tôi không
có đủ can đảm để ngắm kỹ nên chỉ mới nhìn phớt qua, tôi đã
vội vã đóng ngay cửa lại, và quay vào bàn, ngồi xuống tiếp
tục viết nhật ký. Nhưng không hiểu sao tim tôi lại cứ đập
mạnh, tôi không viết được chữ nào. Mười phút sau, như có một
cái gì lôi cuốn. Tôi lại đứng dậy, lại bước tới khung cửa sổ.
Tôi không dằn được sự tò mò.
Lần này lúc vén màn cửa nhìn ra thì dưới cây cột đèn trước
mặt kia, người đàn ông ban nãy không còn nữa. Ông ta đã đi
mất.
Câu chuyện bắt đầu như vậy đó. Rồi một buổi tối cách đó ba
hôm. Người đàn ông lạ mặt kia lại xuất hiện lần thứ hai
trước khung cửa sổ phòng tôi.
Vừa mới vén màn cửa ra là trái tim tôi cơ hồ ngưng đập, tôi
lại thấy ông ta. Vẫn đứng dưới ngọn đèn đường, hướng mắt về
phía khung cửa sổ phòng tôi. Vẫn chỉ đứng yên lặng, cô đơn,
buồn bã.
Nhận thức của tôi lần này về sự việc khác hẳn. Tôi đã hiểu
đây không phải là một sự ngẫu nhiên mà là một sự kiện có chủ
đích. Tôi vội khép màn cửa lại, nhưng không tránh xa, trái
lại còn núp phía sau đó quan sát.
Phản ứng của tôi hình như khiến ông ta thất vọng. Tôi thấy
ông lắc đầu, nhưng vẫn không bỏ đi, mà đứng đấy cúi nhìn
xuống chân. Chiếc bóng dong dỏng của ông đổ dài trên mặt
đường, cô độc một cách lạ lùng. Ông ta nhìn xuống đường như
vậy thật lâu rồi lại ngước lên, nhìn về phía khung cửa sổ
của tôi một lần nữa rồi mới đứng thẳng người dậy, hai tay
thọc vào túi quần, quay người đi chầm chậm bước ra khỏi hẻm.
Tôi đưa mắt nhìn theo, mãi đến lúc cái bóng kia mất hút ở
đầu hẻm mới thôi. Và không hiểu tại sao. Có lẽ vì một sự cảm
hoài đêm xuân mà tôi cảm thấy như có cái gì đó man mác ở
trong lòng. Đâu đó vang lên một khúc nhạc xuân rộn ràng như
ru đêm đen vào giấc ngủ mơn man.
Lại mấy hôm sau. Hôm ấy trời mưa, những hạt mưa nặng hột
chảy thành dòng trên khung cửa kính. Ánh sáng từ ngọn đèn
đường hắt lên những giọt nước trong suốt, long lanh như
chuỗi ngọc... Và khi tôi tiến đến tới bên cửa sổ, thì đã
trông thấy ông ta đứng dưới ngọn đèn đường tự bao giờ.
Ông ta mặc áo mưa, đầu đội nón, nhưng tôi biết là ông ta
đang nhìn về phía khung cửa sổ có tôi. Lúc đó tôi đang viết
dở nhật ký, khi phát hiện ra sự hiện diện của ông ấy tôi lại
không thể tiếp tục viết được. Tôi đặt bút xuống, đứng bên
khung cửa tay chống cằm nhìn ra. Và như vậy có nghĩa là tôi
với ông ta đã nhìn thấy nhau, nhìn thật lâu.
Mưa càng lúc càng nặng hạt. Những hạt mưa rơi trên mái nhà,
trên khung cửa tạo thành những âm thanh trầm buồn. Qua khuôn
kính đầy mưa, chiếc bóng của người đàn ông lạ trở nên mơ hồ
huyền hoặc. Mưa to như vậy mà ông ta vẫn không bỏ đi... có
cái gì áy náy trong lòng tôi. Tại sao ông ta lại dầm mưa?
Hẳn có một mục đích nào đó. Nhưng tại sao tôi phải nghĩ đến
chuyện đó? Mẹ hằng ngày hay trách là tôi ưa lo xa, lo chuyện
bao đồng. Có lẽ mẹ nói đúng. Thế là tôi lại buông màn cửa
xuống, bỏ vào với trang nhật ký đang viết dở trên bàn.
Chuyện có vẻ kỳ quặc như vậy nhưng không hiểu sao, tôi lại
không mang chuyện người đàn ông lạ cứ đứng ngoài nhà nhìn
vào cho ba mẹ biết, mặc dù, tối nào sau giờ dùng cơm, chúng
tôi đều tụ họp ở phòng khách để nghe nhạc. Một dĩa hát cổ
điển được đặt vào máy. Cha với chiếc ống vố bập bập trên môi.
Trên tay người là một sơ đồ kiến trúc, đôi khi là một tờ báo.
Còn mẹ thì viết lách hay đọc tài liệu gì đó. Chỉ có tôi là
hiếu động. Không quậy phá người này thì kiếm chuyện với
người kia. Tôi thường bước tới giật lấy bút của mẹ hoặc đồ
án trên tay cha, nói:
- Cha, giờ này là giờ nghỉ ngơi, cha biết không? Cả một ngày
chỉ có những giây phút này là cha dành cho gia đình, cha
không có quyền làm việc nữa.
Thế là cha kéo tay tôi lại, nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi:
- Này Bội Dung! Con hãy nói cho cha biết xem, năm nay con
được bao nhiêu tuổi rồi?
Tôi trề môi:
- Dạ mười tám tuổi. Rồi sao hở cha?
- Hừ. Mười chín rồi chứ sao lại là mười tám? Con nhớ không
nào. Con sinh ngày hai mươi tám tháng giêng. Hôm nay là mùng
hai tháng tư rồi. Vậy phải là mười chín. Suốt đời cứ tưởng
mình mãi là trẻ con. Vậy là không được rồi nghen. Con phải
nhớ là con đã qua rồi cái thời kỳ nghịch ngợm quậy phá. Con
đã là người lớn! Chỉ một vài năm nữa thôi là rồi sẽ có anh
chàng nào đấy đến đây... con phải lòng... Rồi cũng phải lập
gia đình như người ta. Rồi cũng phải làm người lớn.
- Ồ không, không bao giờ có chuyện đó!
Tôi hét lên và ngồi xuống cạnh bá lấy cổ cha
- Con sẽ không thèm chơi với mấy đứa con trai, chúng nó
ngang lắm. Con sẽ không lấy chồng. Con sẽ ở mãi bên cha mẹ
thế này cho đến già thôi.
- Nói bậy! Cha đã gỡ tay tôi xuống, bẹo lấy má tôi, người
nói – Con sẽ không thể mãi mãi làm con nít được, rồi con sẽ
phải lớn. Thôi, bây giờ đừng có quấy rầy cha, hãy đi nghe
nhạc của cô đi.
Tôi nũng nịu:
- Con không đi đâu cả, nếu cha không chịu nghỉ ngơi.
- Ờ thôi được – Cha nói rồi thở dài – Nuông chiều con mãi,
không biết bao giờ con mới lớn được.
Mẹ ngồi gần đấy đang viết phải ngẩng đầu lên. Người đang
nghĩ ngợi điều gì có vẻ thú vị. Một nụ cười thoáng trên môi.
Tôi thấy trong mắt người có cái gì đó thật sống động.
Đấy, gia đình của tôi là như vậy đó. Tôi rất quý yêu cái nhà
nhỏ của tôi. Hạnh phúc lúc nào cũng ngập đầy khi có cha và
mẹ. Cha tôi mặc dù tốt nghiệp ở ngành kiến trúc, người hết
sức khéo tay, ngoài chuyện xây dựng ra người còn là một điêu
khắc gia nghiệp dư. Những tác phẩm điêu khắc của người thật
sinh động, thỉnh thoảng người cũng cầm cọ vẽ.
Cha tôi là một con người đa tài, tôi rất yêu cha. Con người
có khối óc khách quan khoa học nhưng cũng có cái nhiệt tình
nhạy bén của người nghệ sĩ. Nhiều lúc tôi nghĩ, mãi đến bây
giờ mà tôi vẫn chưa có bạn trai là cũng tại vì cha tôi –
Người toàn diện quá, làm tôi coi thường hết những đứa con
trai đã gặp trong đời. Mặc dù năm nay, cha đã trên bốn mươi
lăm tuổi, nhưng cái đẹp chững chạc của người đàn ông trung
niên, mày sậm, mắt sâu, cái nhìn đầy suy nghĩ. Một chút nếp
nhăn ở dưới mắt, mũi thẳng khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ. Thân
hình vạm vỡ. Ở gần người, ta sẽ có cái cảm giác an ổn vô
cùng, vì vậy tôi thích được vùi đầu vào giữa lồng ngực cha
mặc dù bây giờ tôi đã qua cái thời trẻ con suốt ngày vòi
vĩnh.
Còn mẹ tôi? Đấy là người đàn bà mà tôi nghĩ là đẹp nhất trên
đời này. Tôi rất kiêu hãnh vì được người di truyền lại một
đôi mắt to đẹp. Vào lớp học hay lúc đi dạo trên phố phường,
khi nghe người ta trầm trồ đôi mắt tôi đẹp, thì tôi bỗng
thấy tiếc làm sao, phải chi những người đó mà thấy được đôi
mắt của mẹ tôi. Họ sẽ còn ngạc nhiên biết chừng nào. Mẹ
không chỉ cho tôi cặp mắt, mà người còn cho tôi cả cái gien
về âm nhạc. Ngoài chuyện viết lách ra, mẹ tôi còn là một tay
piano rất cừ. Chính vì vậy mà ngoài cái món nghề về violon
ra tôi còn biết chơi piano nữa. Nhưng có thế nào thì tôi vẫn
nhận thấy mẹ tôi mới thật sự là một thiên tài. Tiếng đàn của
người khi nghe như nhập tâm, phải nín thở lắng nghe. Còn
tiếng đàn của tôi, nói ra thì xấu hổ, mẹ nói tôi cái gì cũng
được cả, chỉ có cái là ham chơi. Chính vì ham chơi mà không
có cái kiên nhẫn. Tính lại nóng nảy, nên cứ mắc lỗi luôn.
Còn mẹ tôi thì trái lại. Người thật điềm đạm, ít nói. Lúc
nào cũng lặng lẽ như một con suối hiền lành, phẳng lặng như
mặt hồ thu. Nhiều người chỉ mới gặp mẹ một hai lần thì lại
nói là mẹ buồn. Tôi thì cho rằng chính âm nhạc tạo cho người
cái phong thái như vậy. Mẹ rất dễ bị xúc động nhưng tôi
không cho đấy là một thứ đa sầu đa cảm.
Giữa cha với mẹ, trời như sinh hai người ra để yêu nhau, để
bảo vệ che chở lẫn nhau. Tôi lớn lên trong gia đình, từ lúc
nhận thức được đến giờ, chưa hề thấy cha mẹ to tiếng. Trưởng
thành trong một gia đình như vậy, tôi hẳn hạnh phúc quá đi
chứ. Vâng, nếu chỉ gói trọn trong gia đình tôi sẽ không biết
là trên đời này còn có cái gì gọi là khổ đau, phiền muộn.
Mọi thứ chung quanh đều được tôi nhìn qua lăng kinh chỉ toàn
một màu hồng. Chỉ có tình yêu êm đẹp, những từ ngữ trái
nghĩa với hạnh phúc đều là những gì không tưởng, không bao
giờ xuất hiện trong căn nhà ấm cúng này.
Chính vì trưởng thành trong một gia đình như thế, nên tôi
khác hẳn những cô gái cùng trang lứa. Tôi không ủy mị, không
đua đòi bạn trai. Tôi cũng không thích làm bạn với ai. Mọi
người đến với tôi như đến từ một thế giới khác. Sau này thì
sao tôi không biết, chứ giờ tôi chỉ thích âm nhạc và cha mẹ.
Nhưng rồi sự xuất hiện của người đàn ông xa lạ kia như một
hòn đá ném xuống, khuấy động cái êm ả của mặt hồ. Tôi không
còn thất mình bình thản nửa. Nhưng tôi cũng không định đem
chuyện đó ra kể lại cho cha mẹ nghe. Rồi mỗi tối, khi trở về
phòng riêng, tôi đều không ngăn được tò mò. Bước đến bên
khung cửa sổ, vén màn lên nhìn ra ngoài một chút như tìm
kiếm một cái gì quen thuộc.
Người đàn ông lạ sau mấy đêm vắng mặt, lại xuất hiện
Đó là một buổi tối không mưa.
Hôm ấy, ông ta xuất hiện khá trễ.
Tôi đã ghi xong nhật ký, đang tập đàn violon. Tôi là con
người không nghiêm chỉnh nên thấy chuyện học theo lối chính
quy là một cực hình. Những bản nhạc được xếp vào giáo trình
thường thường rất đơn điệu. Nó không thuộc loại trữ tình,
thường chỉ là những tiêu khúc. mà tiêu khúc thì làm sao lâm
ly hấp dẫn được? Cứ tấu đi tấu lại mãi những tấu khúc quen
thuộc cũng buồn chán. Hết "mộng tưởng khúc" đến "mơ tưởng
khúc", "mộ khúc" rồi "tiểu dạ khúc".. tôi thì tôi thích bản
"Những ngày phiêu bạt" hơn. Và hôm ấy tôi đã kéo bản này hơm
ba lượt. Khi sắp đến đoạn cuối, như một thoái quen, tôi lại
hướng mắt về phía cửa sổ.
Và tôi đã giật mình ngay, người đàn ông lạ đã xuất hiện. Lần
này không phải là bên dưới ngọn đèn đường mà là gần hơn, sát
nhà tôi hơn. Như vậy có nghĩa là cách khung cửa sổ không xa.
Tôi có thể trông rõ mặt ông ta.
Vẫn chiếc áo chemise màu trắng, vẫn khuôn mặt phong trần,
ông ta khoảng bốn mươi mà cũng có thể là năm mươi. Đôi mày
sậm, mắt sâu, xương má nhô cao, gầy nhưng gương mặt góc cạnh
cương nghị.
Bóng tối khiến tôi khó đánh giá chính xác thái độ của ông
ta. Có điều tôi biết ông ta đang chăm chú nhìn tôi. Hình như
ông ta cũng hiểu biết đôi chút về âm nhạc. Ông ta nhìn tôi
đàn mà miệng mấp máy như nói gì. Tôi rất tò mò định mở cửa
sổ, nhưng ngay lúc đó có tiếng gõ cửa. Tôi giật mình quay
lại. Mẹ đang đi vào. Người nhìn tôi với nụ cười trìu mến,
người nói:
- Làm gì có một bản nhạc mà con cứ mãi kéo tới kéo lui vậy?
Con có tâm sự à? Nhưng mà thật ra thì mẹ cũng thích cái bản
nhạc này. Đâu con đàn lại một lần nữa cho mẹ nghe đi.
- Vâng, thưa me.
Tôi đáp. Và không quên liếc nhanh về phía cửa sổ. Nhưng ngay
lúc đó thật ngạc nhiên. Tôi chẳng thấy bóng dáng người đàn
ông lạ ban nãy đâu. Ông ta đã biến đâu mất.
Tôi lại bắt đầu kéo đàn. Bản "Những ngày phiêu bạt" được kéo
trở lại. Nhưng bấy giờ, tâm thần tôi không còn được ổn định.
Mấy câu hỏi cùng lúc như hiện ra trong đầu. Ông ta là ai?
Tại sao lại cứ xuất hiện trước khung cửa sổ phòng tôi? Ý đồ
gì? Nhìn cái dáng dấp dong dỏng cao kia, cái đôi mắt hiền từ
và thái độ chững chạc, ông ta có vẻ là một người có học, chứ
không phải là hạng đầu trộm đuôi cướp. Nhưng một người có
học thì làm sao lại đến độ lang thang bụi đời như vậy? Tôi
kéo đàn mà đầu cứ loay hoay với bao câu hỏi... Khiến đàn lỗi
nhịp mấy lần. Tôi chẳng có hứng thú gì để tiếp tục kéo đàn
nữa. Thế là tôi ngưng lại đột ngột. Mẹ đã ngạc nhiên nhìn
tôi, hỏi:
- Sao vậy? Con làm sao thế?
- Không có gì mẹ a. Tôi nói mà chợt nhiên mất hứng. Hôm nay
không biết làm sao con cứ đàn sai mãi. Thôi, không thèm đàn
nữa đâu.
Rồi tôi mở nắp đàn ra, cho đàn vào hộp. Mẹ có vẻ nghi ngờ.
Người nhìn tôi chăm chú. Khi tôi cất đàn, mẹ bước đến nắm
lấy tay tôi, người kéo tôi về phía mép giường ngồi xuống,
rồi vuốt tóc tôi người hỏi:
- Con có chuyện gì không vui, phải không? Con cứ nói cho mẹ
đi, xem mẹ có thể giúp gì được gì không, Bội Dung.
Tôi quay lại cười gượng:
- Dạ, không có gì cả, mẹ yên tâm.
- Không có gì à? Mẹ nhìn vào mắt tôi, hỏi - Con gái không
nên giấu giếm mẹ... thế ở trong trường, co anh chàng nào
theo đuổi con không?
- Dạ không - Tôi nũng nịu - Mẹ sao kỳ qúa, con đã nói rồi,
con không thích có ban trai cơ mà. |
|
|
Xin các bạn vui lòng nhấn
chuột vào quảng cáo để ủng hộ Cõi Thiên Thai! |
 |
(TRUYỆN
QUỲNH DAO) |
Join Cõi Thiên Thai's
Mailing List To Receive Updates & News - (Recommended for people who
live in Viet Nam) |
|
Last Update: August 13, 2004
This story has been read (Since August 13, 2004):
|
 |
This page is using Unicode
font - Please
download Unicode Font here to read
Web site: http://www.coithienthai.com
E-mail:
[email protected] |
|