COI THIEN THAI ENTERTAINMENT NETWORK

Coi Thien Thai - Vietnamese Entertainment Network

Please click the banner to support Coi Thien Thai !

Advertisement with Coi Thien Thai for low prices!

TRUYỆN TRINH THÁM

Cuộc Phiêu Lưu Của 6 Pho Tượng Napoleon

Tác giả: Sir Arthur Conan Doyle

[Phần 1][Phần 2]

Phần 1

flower

Ông Lestrade, thanh tra Scotland yard, buổi tối thỉnh thoảng ghé thăm chúng tôi và Sherlock Holmes rất hoan nghênh những buổi tối ấy, vì nhờ đó mà anh có được mối liên hệ thường xuyên với Tổng nha cảnh sát. Để đền đáp lại cho những tin tức mà Lestrade đem đến, Holmes luôn chăm chú lắng nghe mọi tình tiết về các vụ án mà viên thanh tra này đang phụ trách điều tra. Đôi lúc, như hoàn toàn vô tình, anh biết cách đưa ra những lời khuyên và gợi ý rút từ vốn tri thức và kinh nghiệm phong phú của anh.

Riêng tối hôm đó Lestrade, sau khi nói về thời tiết và tin các báo, không nói thêm gì nữa, chỉ làm thinh. Holmes nhìn xoáy vào ông.

- Ông có vụ nào đáng chú ý không? - Holmes hỏi.

- ồ không, ông Holmes ạ, chẳng có gì đặc biệt cho lắm.

- Vậy thì ông cứ kể cho tôi nghe đi.

Lestrade cười:

- Khó mà giấu nổi ông điều gì, ông Holmes ạ. Đúng là tôi đang nghĩ đến một chuyện, nhưng nó thật vớ vẩn nên tôi cứ phân vân không biết có nên làm phiền ông không. mặt khác, việc này lại rất đặc biệt, chắc chắn như thế. Tôi biết ông vốn rất thích tất cả những chuyện khác thường. Nhưng theo tôi, chuyện này nên để bác sĩ Watson quan tâm hơn là tôi với ông.

- Bệnh tật gì không? - tôi hỏi.

- Chứng điên. Mà lại là một bệnh điên kỳ quặc nữa Các ông chắc không tưởng tượng được bây giờ mà lại có người căm ghét Napoleon Đệ nhất đến mức hễ thấy bất cứ một hình tượng nào của ông ta là đập vỡ cho bằng được.

Holmes ngả người trên ghế.

- Chuyện này không thuộc lĩnh vực của tôi, - anh nói.

- Đúng thế, thì tôi đã nói mà. Nhưng khi thằng cha đó phạm tội ăn trộm để đập nát những pho tượng không phải của hắn, thì câu chuyện đã chuyển từ tay bác sĩ sang tay cảnh sát rồi.

Holmes lại ngồi thẳng dậy.

- Ăn trộm à! Câu chuyện đã thú vị hơn rồi. Xin ông kể chi tiết cho tôi nghe với.

Lestrade rút cuốn số ghi chép công vụ ra, và lật từng trang để nhớ lại cho rành mạch.

- Vụ thứ nhất chúng tôi được báo là cách đây bốn hôm. Sự việc xảy ra tại cửa hiệu ông Morse Hudson làm nghề bán tranh, tượng ở đường Kennington Road. Người phụ việc vừa rời khỏi cửa hiệu một lát thì nghe có tiếng loảng xoảng. Anh ta vội quay vào và thấy pho tượng bán thân Napoleon vẫn bày trên quầy cùng với các tác phẩm nghệ thuật khác đã vỡ tan tành trên sàn nhà. Anh ta chạy vụt ra đường nhưng không thấy ai, tuy có nhiều người qua đường nói rằng họ trông thấy một người từ trong cửa hiệu chạy ra. Pho tượng thạch cao nọ không đáng giá là bao, và toàn bộ sự việc đó chỉ như một trò trẻ con không đáng phải mở cuộc điều tra.

- Nhưng vụ thứ hai thì nghiêm trọng hơn và cũng kỳ quặc hơn. Chuyện mới xảy ra đêm qua.

- ở đường Kennington Road, cách cửa hiệu Morse Hudson vài trăm mét là nhà một bác sĩ có tiếng, tên là Barnicot. Tuy nhà ở đường Kennington Road, bác sĩ này có một phòng mổ ở đường Lower Brixton Road, cách đấy ba cây số. Bác sĩ Barnicot là người rất hâm mộ Napoleon. Nhà ông đầy sách và tranh của vị hoàng đế Pháp này. Mới đây ông mua được ở cửa hiệu Morse Hudson hai bức tượng bán thân Napoleon bằng thạch cao do nhà điêu khắc người Pháp Devine tạc. Ông bày một bức trong đại sảnh của căn nhà trên đường Kennington Road, còn bức kia ông đặt trên mặt lò sưởi tại phòng mổ ở Lower Brixton. Sáng nay, từ trên gác bước xuống, bác sĩ Barnicot phải sửng sốt khi phát hiện ra đêm qua nhà ông bị kẻ trộm đột nhập, song trong nhà không mất gì cả, ngoài bức tượng bán thân bằng thạch cao đặt ở đại sảnh. Tên trộm đã mang pho tượng ra khỏi nhà và đập nát vào bức tường ngoài vườn, vì sáng ra người ta thấy mảnh tường vỡ nằm vung vãi dưới chân tường.

Holmes xoa tay nói:

- Chuyện này quả là rất mới lạ.

- Tôi vẫn nghĩ là ông sẽ thích chuyện này mà. Nhưng tôi vẫn chưa kể hết. Bác sĩ Barnicot phải đến phòng mổ lúc mười hai giờ trưa. Đến nơi, ông thấy cửa sổ phòng mổ đã bị phá tung từ đêm qua và khắp sàn vung vãi những mảnh vỡ của pho tượng thứ hai. Pho tượng bị đập vụn ngay tại chỗ. Trong cả hai vụ đều không có manh mối gì về tên tội phạm (hay kẻ điên rồ) đã làm ra vụ này. Đấy sự việc là như vậy đấy, ông Holmes ạ.

- Tôi muốn biết hai pho tượng bị đập vụn của bác sĩ Barnicot có giống hệt với pho tượng bị phá tan tại cửa hiệu ông Morse Hudson không?

- Những pho tượng đó đều đúc từ một khuôn ra mà.

- Điều đó bác bỏ cái giả thuyết cho rằng kẻ đập tượng hành động do căm thù Napoleon: vậy thì việc kẻ đó bắt đầu bằng ba bản sao của cùng một pho tượng bán thân, khó lòng có thể là do một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

- Chính tôi cũng nghĩ như ông, - Lestrade nói, - Tuy nhiên, Morse Hudsson là người bán tượng ở khu vực đó của Luân Đôn và suốt mười năm qua cửa hiệu ông ta chỉ có duy nhất ba pho tượng kia. Cho nên tuy ông nói ở Luân Đôn có hàng trăm pho tượng Napoleon, nhưng cũng rất có thể ba pho tượng kia là những pho tượng duy nhất trong vùng đó. Vì vậy, cái người điên sống trong vùng mới khởi sự bằng chính ba pho tượng ấy.

- Tôi chỉ xin nhận xét là hắn hành động tuy rất kỳ lạ nhưng có tuân theo một nguyên tắc nào đấy. Chẳng hạn, ở đại sảnh trong nhà bác sĩ Barnicot, nơi mà tiếng động có thể làm cho chủ nhà thức giấc, hắn đã đem pho tượng ra ngoài rồi mới đập vỡ. Còn ở phòng mổ ít nguy hiểm hơn, hắn đã đập vụn pho tượng ngay tại chỗ. Vụ này có lẽ như nhố nhăng, nhưng một số vụ hay nhất của tôi khi mới khởi đầu cũng không có chút gì hứa hẹn. Vì vậy, tôi sẽ rất biết ơn ông, Lestrade, nếu ông báo cho tôi bất cứ tiến triển mới nào trong vụ này.

Các sự kiện tiếp theo của vụ án mà bạn tôi đang trông chờ xảy ra nhanh và dưới một hình thức bi đát hơn chúng tôi tưởng tượng nhiều . Sáng hôm sau, tôi còn đang mặc quần áo trong phòng ngủ thì Holmes gõ cửa bước vào, tay cầm một bức điện. Anh đọc to lên:

”Đến ngay Kensington, Pitt Street, 131.

Lestrade“.

- Thế là thế nào nhỉ?- Tôi hỏi.

- Không rõ. Cái này có thể hiểu thế nào cũng được. Nhưng tôi nghi đây là câu chuyện về những pho tượng kia. Nhưng trong trường hợp này, có lẽ anh bạn đập phá tượng của chúng ta đã chuyển hoạt động sang một khu khác của Luân Đôn. Cà phê đã pha sẵn cho anh ở trên bàn và xe ngựa đã đợi sẵn ngoài cửa rồi.

Nửa giờ sau chúng tôi đã có mặt ở Pit Street. Lúc chúng tôi đến gần, một đám người hiếu kỳ đã tụ tập trước ngôi nhà. Holmes huýt sáo;

- Thế này thì ít ra cũng là một vụ mưu sát. Nếu không thì dân vô công rồi nghề ở Luân Đôn không tụ tập đông đến thế. ồ, Lestrade đang đứng bên khung cửa sổ trước nhà kia kìa. Chúng ta sẽ biết hết mọi việc ngay thôi.

Lestrade với vẻ mặt trịnh trọng bước ra đón chúng tôi và dẫn vào phòng khách. Chúng tôi thấy một người đàn ông đứng tuổi, mặc áo choàng nội tẩm, đang đi đi lại lại trong phòng. Vẻ băn khoăn lo lắng, Lestrade giới thiệu đó là chủ nhà - ông Horace Harker, một nhà báo.

- Chuyện pho tượng Napoleon lại tiếp diễn, - Lestrade nói - Tối qua ông tỏ ra quan tâm tới chuyện này, ông Holmes, nên tôi nghĩ ông sẽ vui lòng có mặt khi giờ đây vụ việc đã dẫn đến một sự kiện đáng buồn như thế này.

- Sự kiện gì vậy?

- án mạng. Ông Harker, phiền ông kể lại cho các vị đây nghe đầu đuôi câu chuyện vừa xảy ra. Người đàn ông mặc áo choàng quay về phía chúng tôi.

- Tôi đã nghe tiếng ông, ông Holmes ạ, - ông nói, - và nếu ông làm sáng tỏ được sự việc kỳ lạ này thì tôi cũng thấy mình được đền bù hậu hĩnh cho cái công trình bày tất cả những việc vừa xảy ra.

Mọi việc đều như xoay quanh cái pho tượng bán thân Napoleon tôi mua bốn tháng trước đây. Tôi mua được với giá rẻ tại hiệu Harding Brothers, gần nhà ga High Street. Tôi hay viết bài về đêm và thường ngồi làm việc đến tận sáng sớm. Hôm nay cũng vậy. Tôi ngồi làm việc trong phòng mình ở mặt sau tầng thượng, gần ba giờ sáng bỗng nghe có tiếng động dưới nhà. Tôi lắng tai nghe nhưng chẳng thấy động tĩnh gì nữa, nên tôi nghĩ đó là tiếng động từ ngoài phố đưa vào. Nhưng độ năm phút sau, bỗng có tiếng hét hết sức khủng khiếp - tôi chưa bao giờ nghe thấy một âm thanh nào ghê rợn đến thế ông Holmes ạ. Tiếng hét đó sẽ vang mãi trong tai tôi cho đến suốt đời. Người tê dại đi vì hãi hùng, tôi ngồi bất động vài phút, sau đó tôi cầm lấy cái que sắt thông lò và bước xuống nhà. Vừa bước vào phòng này tôi thấy cửa sổ mở toang và pho tượng đặt trên mặt lò sưởi đã biến mất. Tôi không hiểu tại sao tên trộm lại lấy đi một vật như thế, vì pho tượng thạch cao ấy có đáng giá gì đâu.

Như các ông thấy đấy, bất cứ người nào nhảy một bước dài từ cửa sổ này xuống, đều có thể ra đến bậc lên xuống ở cửa chính. Tên trộm rõ ràng đã ra dùng cách ấy, nên tôi đi vòng ra cửa chính và mở cửa. Tôi bước ra ngoài, và trong bóng tối tôi vấp chân suýt ngã đè lên một xác chết đang nằm đó. Tôi chạy vào nhà đem đèn ra. Cổ họng kẻ bất hạnh bị đâm một vết rộng hoác, quanh xác chết máu loang đầy. Người bị giết nằm ngửa, hai đầu gối co lên, miệng há hốc ra trông rất gớm ghiếc. Từ nay trở đi hắn sẽ hiện lên thường xuyên trong những cơn ác mộng của tôi. Tôi chỉ còn kịp gọi cảnh sát, và sau đó chắc là tôi đã ngất đi, vì tôi không còn hay biết gì nữa cho đến khi tôi tỉnh lại trong đại sảnh. Tôi mở mắt nhìn lên thì thấy một viên cảnh sát đang đứng bên.

- Thế người bị giết là ai? - Holmes hỏi.

- Chẳng có gì cho biết người ấy là ai, - Lestrade nói.- Các ông sẽ được nhìn thấy cái xác, nhưng cho đến nay thì chúng tôi chưa làm gì được.

Đó là một người cao lớn, da rám nắng, khoẻ mạnh, chưa đến ba mươi tuổi. Tuy ăn mặc nghèo khổ, anh ta không có dáng dấp dân lao động. Có một con dao nằm trong vũng máu cạnh xác anh ta. Tôi không rõ đó là con dao mà hung thủ đã dùng để gây án hay là con dao của nạn nhân. Trên quần áo anh ta chẳng thấy có tên tuổi gì, còn trong túi áo cũng chẳng có gì ngoài một quả táo, một sợi dây, một tấm bản đồ Luân Đôn và một bức ảnh. Nó đây này.

Đó là một tấm ảnh chụp nhanh bằng loại máy ảnh cỡ nhỏ. ảnh chụp một người đàn ông linh lợi, nét mặt gãy gọn, có cặp lông mày rậm.

- Thế còn pho tượng thì sao? - Holmes hỏi sau khi xem kỹ bức ảnh.

- Tôi vừa nhận được tin về pho tượng này ngay trước lúc các ông đến. Người ta tìm thấy nó trong vườn, trước một ngôi nhà không có người ở tại đường Campden House Road. Nó đã bị đập vụn ra từng mảnh. Tôi đang định đến đó xem đây. Các ông cùng đi chứ?

- Tất nhiên. Tôi phải đến đấy xem qua một lượt. - Holmes xem xét tấm thảm và cái cửa sổ.

Chỗ tìm thấy những mảnh vỡ của pho tượng cách ngôi nhà chỉ vài trăm mét. Pho tượng của Napoleon bị đập vụn, nằm trên bãi cỏ. Holmes nhặt lên vài mảnh vụn và xem xét kỹ lưỡng. Qua nét mặt chăm chú của anh, tôi tin là rốt cục anh cũng lần ra được manh mối.

- Ông nghĩ sao? - Lestrade hỏi.

Holmes nhún vai.

- Chúng ta còn phải hết hơi với vụ này - anh nói.

- Nhưng dù sao thì ... chúng ta cũng đã có được vài đầu mối để tìm tiếp. Dưới mắt tên tội phạm kỳ quặc kia thì pho tượng bán thân rẻ tiền này còn đáng giá hơn cả mạng người. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai cũng thật kỳ lạ. Nếu mục đích duy nhất của hắn là đập vỡ pho tượng, tại sao hắn không đập ngay trong nhà hay ngay sau khi ra khỏi nhà?

- Hắn hoảng hốt khi chạm trán với người khác, đến nỗi giết người đó. Hắn hầu như không ý thức được hắn đang làm gì nữa.

- ừ, ông nói có lý. Song tôi muốn các ông đặc biệt lưu ý đến vị trí căn nhà này, nơi mà pho tượng đã bị đập nát trong vườn.

Lestrade đưa mắt nhìn quanh.

- Đây là ngôi nhà không có người ở nên hắn biết sẽ không bị ai bắt gặp trong vườn.

- Phải. Nhưng từ đầu phố đến đây còn có một ngôi nhà bỏ không nữa mà, hắn phải đi qua để đến đây. Tại sao hắn không đập pho tượng ở đó? Hắn thừa hiểu rằng đi xa thêm mỗi mét là tăng thêm nguy cơ bị phát hiện cơ mà?

- Tôi xin chịu thôi. - Lestrade nói.

Holmes chỉ lên ngọn đèn đường phía trên đầu chúng tôi.

- ở đây hắn mới nhìn thấy rõ, còn ở đằng kia thì không. Đó chính là lý do hắn phải đến tận đây.

Viên thanh tra thốt lên:

- Bây giờ tôi mới nhớ lại pho tượng của bác sĩ Barnicot bị đập vỡ cách chỗ ngọn đèn đỏ nhà ông không bao xa. Chúng phải xử lý thế nào với sự việc này, ông Holmes?

- Ghi nhớ nó. Sau này chúng ta có thể gặp phải một tình tiết buộc ta trở lại với nó đấy. Giờ ông định tiến hành những bước gì nữa, ông Lestrade?

- Theo tôi, thiết thực hơn cả là xác minh xem người bị giết là ai. Việc này thì không khó. Khi đã biết được anh ta là ai rồi, chúng ta có thể bắt tay vào điều tra xem đêm qua anh ta làm gì ở đường Pitt, kẻ nào đã gặp và giết anh ta trên bậc thang trước cửa nhà ông Horace Harker. Ông thấy như vậy có được không?

- Được lắm. Nhưng tôi thì tôi sẽ tiếp cận vụ này một cách khác.

- Vậy ông sẽ làm thế nào?

- ồ, ông không nên để tôi ảnh hưởng đến ông một chút nào. Tôi đề nghị là ông cứ theo cách của ông, còn tôi sẽ theo cách của tôi. Sau đó sẽ đối chiếu những điều đã ghi nhận được với nhau.

- Tốt lắm. - Lestrade nói.

- Này anh Watsson, tôi nghĩ trước mắt chúng ta sẽ là một ngày bận rộn đấy. Tôi sẽ rất vui, ông Lestrade ạ, nếu sáu giờ chiều này ông có thể thu xếp đến thăm chúng tôi ở Baker Street. Còn bức ảnh tìm thấy trong túi áo nạn nhân tôi xin được giữ cho đến lúc đó. Tối nay có lẽ tôi phải nhờ ông giúp một tay nếu những suy luận của tôi cho thấy là tôi đúng. Từ giờ đến lúc đấy xin tạm biệt và chúc ông may mắn.

Tôi và Holmes cùng đi bộ đến High Street và rẽ vào hiệu Harding Brothers, nơi đã bán pho tượng nọ. Một người phụ việc trẻ trong hiệu cho chúng tôi hay là ông Harding mãi đến chiều mới về, còn anh ta thì không thể giúp chúng tôi biết được điều gì. Mặc Holmes đầy vẻ thất vọng và buồn bực.

- Chúng ta đành phải quay lại đây chiều nay thôi. Watson ạ, vì đến lúc đó ông Harding mới có mặt ở đây, cuối cùng anh nói. - Tất nhiên anh đã đoán ra là tôi đang cố lần theo dấu vết mấy pho tượng kia cho đến tận đầu mối, để xem tại sao gã điên nọ lại quan tâm đến chúng như vậy. Bây giờ chúng ta đến phố Kennington gặp ông Morse Hudson, thử xem ông ta có biết điều gì có thể làm sáng tỏ vụ này chăng.

Chúng tôi đi xe ngựa mất một giờ thì đến được cửa hiệu bán tranh của Morse Hudson. Ông là một người thấp bé, mập mạp, mặt đỏ, phong thái có vẻ nóng nảy.

- Vâng, thưa ngài. Hắn đập vỡ ngay tại quầy của tôi, thưa ngài, - ông nói. chúng tôi đóng thuế để được gì, nếu bạ ai cũng có thể vào nhà phá phách đồ đạc. Vâng, thưa ngài, chính tôi đã bán cho bác sĩ Barnicot hai pho tượng. Tôi mua của ai những pho tượng ấy ư? Tôi không hiểu chuyện đó có can hệ gì đến sự việc. Thôi được, ngài đã muốn biết thì tôi xin nói. Tôi mua tại hãng Gelder và Cty trên đường Church Street, Stepney. Tôi có mấy pho tượng ư? Ba pho - hai cộng một là ba - hai pho tôi bán cho bác sĩ Barnocot, còn một pho nữa bị đập nát ngay giữa ban ngày ban mặt tại quầy hàng của tôi. Tôi có biết người trong ảnh này không ư? Không, tôi không biết. à có, tôi có biết. Hắn là Beppo, người ý. Hắn làm được một vài việc cho cửa hiệu tôi. Hắn biết chạm khắc đôi chút, và làm vài việc sai vặt trong hiệu. Hắn đi khỏi hiệu tuần trước và từ đó tôi chẳng nghe thấy tăm hơi gì về hắn nữa. Không, tôi không biết hắn ta từ đâu đến. Hắn rời hiệu tôi đi đâu tôi cũng chẳng hay. Tôi chẳng có gì xung khắc với hắn khi hắn làm việc ở đây. Hắn đi khỏi đây hai ngày trước khi pho tượng bị đập vỡ.

ồ, những điều Morse Hudson cho chúng tôi biết thật đáng giá, chúng ta không thể mong muốn gì hơn thế, - Holmes nói khi chúng tôi rời cửa hiệu. - Chúng ta đã biết được tay Beppo này dính dáng đến cả hai vụ: cả ở Kennington lẫn ở Kensington, thật đáng công đi mười dặm đường đến đây. Anh Watson, bây giờ chúng ta đi đến hãng Gelder và Cty, khu Stepney, đến tận xuất xứ của mấy pho tượng. Tôi tin là ở đấy chúng ta sẽ biết được một điều gì đó giúp chúng ta điều tra vụ này.

Chúng tôi tìm ra cái xưởng tạc tượng ấy trên một con đường rộng chạy dọc bờ sông. Bên ngoài xưởng là một khoảng sân rộng ngổn ngang những sản phẩm bằng đá đủ loại, bên trong có một căn phòng lớn với năm mươi công nhân đang tạc tượng và đúc tượng theo khuôn. Chủ xưởng, một người Đức cao lớn, tiếp chúng tôi rất lịch sự và trả lời rõ ràng mọi câu hỏi của Holmes. Sổ sách cho thấy: xưởng ông đã sản xuất hàng trăm pho tượng bán thân Napoleon bằng thạch cao; tất cả đều được đúc ra từ một khuôn, dùng pho tượng cẩm thạch của nhà điêu khắc Devine làm mẫu. Ba sản phẩm trong một lô hàng riêng gồm sáu pho tượng đã đem giao cho ông Morse Hudsson khoảng một năm trước; số còn lại thì bán cho hiệu Harding Brothers, ở Kensington. Sáu pho tượng trong lô hàng đó chẳng có gì khác với những pho tượng còn lại. Ông không hình dung nổi vì lẽ gì lại có kẻ chỉ muốn đập vỡ những pho tượng ấy.

Trong thâm tâm ông thấy ý định đó quả thật nực cười. Mỗi pho tượng đều được đúc từ hai khuôn, khuôn này đúc nửa mặt bên phải, khuôn kia - nửa bên trái; sau đó ghép hai nửa lại với nhau, thế là được một pho tượng hoàn chỉnh. Công việc này thường do mấy tay thợ người ý đảm nhiệm, ngay tại phòng chúng tôi đang đứng. Làm xong họ đặt những sản phẩm đó lên cái bàn kê ngoài lối đi cho khô, sau đó cất vào kho. Đấy là tất cả những gì ông có thể cho chúng tôi biết.

Nhưng tấm ảnh đã gây cho ông chủ xưởng một ấn tượng mạnh mẽ. Ông đỏ mặt giận dữ.

- Vâng, thật sự tôi biết hắn rất rõ, - ông hét to lên.- Từ trước đến giờ chỉ có một lần duy nhất cảnh sát đến xưởng tôi chính là vì thằng này đây. Chuyện đó xảy ra hơn một năm nay rồi: hắn dùng dao đâm một tay người ý khác ở ngoài phố rồi chạy bổ vào xưởng tôi để trốn cảnh sát đang đuổi bắt phía sau. Hắn bị tóm cổ ngay tại đây. Tên hắn là Beppo. Tôi không hề biết họ của hắn. Tuy thế hắn là một tay thợ khá - một trong những tay giỏi nhất đấy.

- Hắn bị kết án gì?

- Người bị hắn đâm không chết, cho nên người ta chỉ xử hắn một năm tù ngồi. Tin tin rằng giờ hắn đã được tự do, nhưng hắn chẳng dám thò mặt về đây. Người em họ của hắn đang làm việc ở chỗ tôi. Hy vọng anh ta có thể mách cho ông biết Beppo hiện ở đâu.

- Không, không, - Holmeskêu lên, - ông đừng nói gì với em họ của hắn cả, tôi xin ông đừng nói gì! Việc này rất hệ trọng. Càng đi sâu vào tôi càng thấy nghiêm trọng. Trong cuốn sổ của ông tôi thấy ghi là những pho tượng đó được bán ngày ba tháng sáu năm ngoái. Ông có thể cho chúng tôi biết ngày Beppo bị bắt được không?

- Tôi có thể tính gần đúng dựa theo bản danh sách tính tiền công, chủ xưởng đáp lại. - Đúng, - ông lại lên tiếng sau một hồi lật tìm trong mớ giấy tờ, - hắn được trả tiền công lần cuối vào ngày hai mươi tháng năm.

- Cảm ơn ông, Holmes nói. - Tôi nghĩ không nên làm mất thì giờ và lạm dụng lòng kiên nhẫn của ông nữa. Còn bây giờ, anh Watson,chúng ta quay về Kensington xem ông chủ hiệu Harding Brothers kể được những gì cho chúng ta về vụ này.

Ông Harding là một người nhỏ bé, nhanh nhẹn, tỉnh trí và nhanh miệng.

- Vâng, thưa ngài, tôi đã đọc được chuyện này trên các báo buổi chiều. Ông Horace Harker là một trong những khách hàng của chúng tôi. chúng tôi bán cho ông ấy pho tượng nọ cách đây mấy tháng. Ba pho tượng loại này chúng tôi đã đặt mua tại hãng Gelder và Cty, ở Stepney và đã bán hết. Bán cho ai ư? Để tôi xem sổ sách bán hàng và trả lời ngài ngay thôi. Đúng, trong này có ghi đầy đủ. Một pho bán cho ông Harker, ông thấy đấy, một pho nữa bán cho ông Josiah Brown ở Laburnum Lodge, Laburnam Vale,Chiswick và pho thứ ba bán cho ông Sandeford ở Lower Grove Road, Reading. Không, tôi chưa bao giờ thấy người đàn ông trong bức ảnh ngài đưa tôi xem. Trong hiệu tôi có nhân viên nào người ý không ư? Thưa ngài, có, có mấy người tôi thuê làm công và quét dọn. Bọn họ có thể liếc nhìn quyển sổ bán hàng này nếu thích. Chẳng có lý do gì đặc biệt để giữ bí mật cả. Chà, vụ này quả là kỳ lạ. Tôi hy vọng ông sẽ cho tôi biết những gì ông phát hiện được.

Holmes ghi chép vài điểm. Tôi thấy anh đắc ý ra mặt. Nhưng anh chẳng giải thích gì, chỉ giục tôi nhanh chân kẻo trễ hẹn với Lestrade. Quả nhiên, khi chúng tôi về đến Baker Street, viên thanh tra đã đợi sẵn ở đấy và đang đi đi lại lại, vẻ sốt ruột.

- Công việc thế nào rồi, ông Holmes? - ông ta lên tiếng hỏi.

- Chúng tôi đã bận rộn suốt ngày và thật là không uổng công chút nào - bạn tôi giải thích - Giờ tôi có thể lần theo dấu vết của từng pho tượng từ lúc mới được đúc trong khuôn ra.

- Các pho tượng à! - Lestrade thốt lên. - Thôi được, thôi được, ông Holmes, ông có phương pháp của riêng ông, song tôi cho là ngày vừa qua tôi khám phá được nhiều điều hơn ông. Tôi đã xác minh được người bị giết là ai và tìm ra nguyên nhân gây án.

- Tuyệt vời.

- Ngài thanh tra Hill, người chuyên theo dõi kiều dân ý sống tại khu phố ý Đại Lợi, vừa trông thấy đã nhận ngay ra hắn. Hắn tên là Pietro Venucci, quê ở Napoli, là một trong những tay đâm thuê chém mướn sừng sỏ nhất Luân Đôn. Hắn có liên hệ với bọn Mafia, như ông biết đấy, một tổ chức chính trị bí mật . Giờ ông thấy đấy, vụ này bắt đầu sáng tỏ. Kẻ giết hắn có lẽ cũng người ý và là thành viên Mafia. Tay này chắc đã vi phạm luật lệ như thế nào đó. Pietro rình tìm hắn. Tấm ảnh ta tìm thấy trong túi áo hắn có lẽ là của chính tay này, hắn mang theo để không giết nhầm người khác. Hắn theo dõi địch thủ, khi thấy tên này lẻn vào nhà, hắn đừng ngoài đợi tên này trở ra và trong cuộc ẩu đả với địch thủ hắn đã bị tử thương. Ông nghĩ thế nào về điều này, ông Holmes?

(Hết Phần 1 ... Xin xem tiếp Phần 2)

 

Xin các bạn vui lòng nhấn chuột vào quảng cáo để ủng hộ Cõi Thiên Thai!

(TRUYỆN TRINH THÁM)

Join Cõi Thiên Thai's Mailing List To Receive Updates & News - (Recommended for people who live in Viet Nam)

Subscribe Unsubscribe

Last Update: June 2, 2002
This story has been read (Since June 2, 2002):

flower

This page is using Unicode font - Please download Unicode Font here to read
Web site: http://www.coithienthai.com
E-mail: [email protected]

Please click on the banners to visit our sponsors! Thank you!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!
Advertise here! Click here!
(This window will be closed in 20 seconds)