Tất cả những người lưu tâm đến thời cuộc đều
trải qua một cơn xúc động trước những biến cố trong mấy tháng
vừa qua : Hết truất ngôi anh thì giam giữ em.
Người ta thì thầm hỏi nhau bà Hoàng hậu goá bụa kia đang mưu
toan gì ?
Dân chúng đều ngã về phía Triết và Đán , vì hai người là cháu
nội của vị vua vĩ đại Thái Tôn , mà họ hằng tôn thờ. Vậy nếu là
người khôn ngoan, Võ Hậu đừng nên đụng chạm đến Thái miếu nhà
Đường.
Dưới mắt các nhà quan sát, biến chuyển nghiêm trọng nhất là việc
trọng dụng những người cháu của Võ Hậu vào việc thiết lập các
nơi thờ phượng dòng họ Võ tại Lạc Dương . Các chức vụ quan trọng
đều do con cháu họ Võ nắm giữ trong khi các Vương tước nhà Đường
dần dần bị tước hết quyền hành.
Võ Hậu có tất cả mười bốn người cháu kể cả Võ Thừa Tự và Võ Tam
Tư.
Thừa Tự là người nhiều tham vọng và hoạt động nhất. Tuy chỉ là
một chính trị gia nửa mùa, ít học , thô bỉ, tối mắt trước danh
lợi, Thừa Tự vẫn được phong làm Thị Trung - tháng 5 năm 684 .
Nhưng chỉ hơn một tháng sau, Võ Hậu chịu không nỗi sự vụng về
ngu xuẩn của hắn nên phải cách chức hắn.
Hồi đó dân thường đàm tiếu sư Hoài Nghĩa bám đuôi Võ Hậu, Thừa
Tự và Tam Tư bám đuôi nhà sư, và đám quan lại trong triều bám
đuôi bọn con cháu họ Võ. Các người cháu của Võ Hậu đều được làm
Đại tướng quân hoặc những chức vụ then chốt tại các cơ cấu chính
quyền. Võ Hậu lạm quyền thái quá , đã biến triều đình thành một
đám người lố bịch. Bọn họ Võ kiêu căng và khờ khạo vậy mà Võ Hậu
vẫn dùng chúng vào những chức vụ quan trọng như Trưởng quan
thành Lạc Dương, thành Trường An và Cấm Thành, chính là để sửa
soạn lật đổ nhà Đường.
Điều làm cho mọi người chú ý nhất là Thừa Tự trù tính xây thêm
miếu thờ họ Võ tại Đông đô ,Lạc Dương, tuy gia đình họ Võ đã có
nhiều đền thờ tại Trường An. Những miếu thờ mới sẽ xây theo kiểu
hoàng gia . Trước đây tổ tiên nhà họ Võ đã được truy phong phẩm
tước nhưng Võ Hậu chưa hài lòng. Bà muốn nâng tất cả ông bà ông
vải từ năm đời trước lên hàng Vương tước. Mọi người đều xôn xao
bàn tán. Hiển nhiên Võ Hậu đang dụng tâm cướp ngôi . Vì nhớ ơn
Thái Tôn, họ đều phẫn nộ và quyết định hành động. Nhưng ai là
người đứng ra khởi xướng . Hai vị Hoàng đế trẻ tuổi -Triết và
Đán- đã bị giam giử và tước hết quyền. Các Vương tước nhà Đường
cũng đã phân tán đi các nơi và đang sống trong lo âu chờ đợi sự
bất hạnh. Chỉ còn lại đám người trí thức.
Vậy những người trí thức phải ra gánh vác trách nhiệm.
Người đầu tiên phất cờ khởi nghĩa là Tử Kỉnh Nghiệp. Chàng chính
là cháu nội của Quốc công Lý Tích, người đã đứng ra điều khiển
lễ tấn phong Võ Hậu ngày trước.
Kỉnh Nghiệp cùng một nhóm nho sĩ khác họp nhau tại Dương Châu để
bàn định kế hoạch. Họ đã dùng mưu cướp được thành Dương Châu và
khởi sự với đám binh lính trong thành. Họ suy tôn một người
trông giống Thái tử Hiền, công bố rằng Hiền chưa chết và hiện
đang cùng họ mưu đồ đánh đuổi kẻ soán nghịch. Chính nghĩa của họ
được hưởng ứng nhiệt liệt và cuộc khởi nghĩa rất hy vọng thành
công. Trong vòng nửa tháng họ tuyên bố đã chiêu nạp được mười
vạn binh lính .
Trước khi động binh , Kỉnh Nghiệp sai Lạc Tấn Vương viết một bài
hịch truyền đi khắp nơi. Bài hịch này làm dân chúng kinh đô xúc
động còn hơn khi họ nghe tin Kỉnh Nghiệp khởi nghĩa. Bài hịch
không những có giá trị về một văn chương mà còn nói lên được tất
cả những điều mà mọi người hằng ấp ủ trong lòng . Họ chỉ dám
thầm thì tại những nơi kín đáo . Nó có sức mạnh làm giảm uy tín
của Võ Hậu hơn cả thiên binh vạn mã.
Bài hịch như sau :
Kẻ soán ngôi là một người đàn bà đồi bại họ Võ , xuất thân từ
một gia đình tầm thường. Trước kia thị được đem vào cung để giữ
quần áo cho vua Thái Tôn, nhưng rồi thị bị đuổi vì những vụ bỉ
ổi làm hoen ố Hoàng cung . Sau đó thị tìm cách quyến rũ Cao Tôn
mặc dù thị đã từng kề cận vua cha.
Thị đã làm nhơ danh Hoàng tộc ở những vụ ghen tuông vô lối và
những mánh khoé hèn hạ đê tiện mê hoặc Vua . Thị đã bôi lọ hình
ảnh của chim phượng hoàng, biểu hiệu của một vị Hoàng hậu, và
dẫn dụ Vua vào đường loạn luân . Với lòng dạ thâm độc như rắn
rết và tàn ác như muôn thú. Thị đã trừ khử những hiền thần để
thay vô đó một bọn tham quan ô lại. Thị đã đầu độc chị ruột và
giết hai người anh cùng cha khác mẹ. Thị đã ám sát Vua và đầu
độc mẹ ruột. Những hành động đó trái với thiên luân và đi ngược
với sự an bài của tạo hoá.
Giờ đây, thị theo đuổi một mục đích ghê gớm : thị đang dòm ngó
ngôi Thiên tử. Thị giam cầm các người con yêu của vua và đưa bọn
lưu manh lên cầm quyền. Hiển nhiên thị đang muốn lật đổ nhà
Đường.
Nay, Kỉnh Nghiệp tôi nhận thấy , mình là bề tôi của nhà Đường và
là con cháu của một vị Quốc công, có bổn phận phải nhớ ơn tiên
đế và đề cao truyền thống bất khuất của tổ tiên . Tôi đã cảm
thông được nỗi tức giận của Long Vương và đồng tình với những
giọt nước mắt của Viên Chung Sơn . Để khôi phục nhà Đường và đáp
lại lòng mong đợi của toàn dân, tôi mạo muội đứng ra phất cờ
khởi nghĩa trừ hết lũ gian tà, quét sạch bờ cõi. Bánh xe chiến
sĩ sẽ lăn và tiếng vó ngựa rền vang từ Nam chí Bắc. Quân ta sẽ
dồi dào lương thực từ bờ biển Hải Ninh chở tới và bóng cờ trên
những chiến thuyền đang phất phới tung bay , báo hiệu ngày vinh
quang sắp tới. Gió phương Bắc vang vội trống quân hành, tinh tú
phương Nam ngời lên ánh thép giáo gươm, núi đồi rung chuyển
tiếng reo hò, trời đất cũng gầm thét trợ oai đoàn dũng sĩ .
Chính nghĩa quân ta sáng chói, uy lực quân ta còn sức mạnh nào
ngăn nỗi .
Hởi toàn thể đồng bào ! Hãy vùng lên ! Chúng ta là con dân đất
nước này, không ít thì nhiều liên hệ với triều đại hiện tại.
Nhiều người trong chúng ta đã được tiên đế ân cần uỷ thác hoặc
đã đọc bản di chúc của người lúc lâm chung . Chúng ta không nên
mơ ngủ nữa ! Chúng ta hãy đáp lại tiếng gọi của người trước còn
văng vẳng bên tai !
Chúng ta hãy nhìn cảnh đáng thương của các vị Hoàng tử, mồ cha
chưa khô những người con côi đi bị bạc đãi. Những người có tâm
huyết hãy đứng dậy nắm lấy thời cơ, xoay chuyển tình thế, làm
hậu thuẫn cho những người đang sống để đền ơn người đã khuất.
Tôi xin thề với non sông là những ai tình nguyện gia nhập đoàn
quân khởi nghĩa sẽ được đền bù xứng đáng ; còn những kẻ nào do
dự hay trốn tránh trách nhiệm sẽ bị nghiêm trị tuỳ tội trạng và
lúc đó mới ăn năn thì e quá muộn. Hãy nhìn chung quanh chúng ta
một lần nữa và tự hỏi đất nước này thuộc về ai ?
Khi đọc đến câu mồ cha chưa khô những người con côi đã bị bạc
đãi, Võ Hậu vỗ tay khen :
- Hay tuyệt ! Ai đã viết bài hịch này ?
Một triều thần đáp :
- Lạc Tấn Vương .
Võ Hậu có ý tiếc :
- Thật đáng tiếc, một văn tài như vậy mà bị bỏ quên . Đáng lẻ ta
phải trọng dụng y.
Nhưng điều đáng tiếc hơn nữa là những người cầm đầu cuộc khởi
nghĩa đều là nho sĩ chưa từng cầm quân đánh giặc. Với thiên thời
địa lợi, nếu họ có thêm một chiến lược vững vàng, chắc chắn họ
sẽ quét sạch bờ cõi và thiêu rụi Thành Đô của Võ Hậu.
Nhưng họ bất đồng ý kiến. Có người đưa ra một đề nghị rất hợp lý
là hãy đem quân về kinh đô, dọc đường chắc chắn quan binh các
địa phương sẽ theo về rất đông , nhất là đám thanh niên hiếu
chiến ở Sơn Đông . Nhưng Kỉnh Nghiệp lại chọn một biện pháp an
toàn hợn ông lập chiến luỹ tại Nam Kinh để phòng thủ chớ không
chịu tấn công trước. Ông chủ trương rằng nếu trận đầu bị thua
ông sẽ rút về đó và cố thủ mặt Đông Nam . Ông đã làm mất yếu tố
tâm lý và lỡ một cơ hội thành công .
Dân chúng ngã lòng vì điều họ mong đợi đâu phải là lập thêm một
chính phủ tại Nam Kinh để trường kỳ kháng chiến với một địch thủ
mạnh hơn nhiều .
Võ Hậu sai Lý Thừa Nghiệp đem ba mươi vạn quân đi đánh Kỉnh
Nghiệp. Hai bên gặp nhau tại miền đồng bằng Bắc ngạn sông Dương
Tử gần Dương Châu, một miền đất đầy ao hồ, sông rạch .
Quân Kỉnh Nghiệp bố trí theo hình cánh cung ở phía Bắc Dương Tử
giang, bọc theo chân đồi và bờ hồ phía Tây Bắc Nam Kinh và dùng
Nam Kinh làm soái phủ.
Trong khi đó Võ Hậu sợ Thừa Nghiệp làm phản, theo phe Kỉnh
Nghiệp, bà bèn sai thêm một Đại tướng thân tín tên là Trương Tế
ra làm Nguyên soái để chỉ huy trận đánh và giám sát hành động
của Thừa Nghiệp.
Các thuộc hạ của Thừa Nghiệp khuyên ông hãy hành động ngay ,
trước khi vị Nguyên soái tới.
Thừa Nghiệp bèn tìm những sơ hở của Kỉnh Nghiệp để tấn công .
Quân hai phe chiến đấu giằng co ở hai bên bờ sông toàn lau sậy
cao quá đầu người.
Quân triều đình đã lợi dụng chiều gió nỗi lửa đốt bãi sậy của
phe địch khiến quân Kỉnh Nghiệp tan vỡ.
Kỉnh Nghiệp cố thu thập đám tàn quân và chạy về phía Nam sông
Dương Tử. Truy binh đuổi theo rất gắt .
Cuối cùng, thất vọng trước tình thế, Kỉnh Nghiệp quyết định dùng
thuyền trốn sang Cao Ly . Trong khi chờ thuyền bị bão chưa tới
kịp, Kỉnh Nghiệp bị một thuộc hạ ám sát, các bạn ông cũng bị
bắt. Riêng Lạc Tấn Vương bỗng dưng mất tích, về sau không thấy
nói tới ông nữa.
Quân Thừa Nghiệp cắt đầu Kỉnh Nghiệp và mấy người kia đem về
kinh đô để lập công .
Cuộc khởi nghĩa chỉ bùng lên được hai tháng.
Hai mươi lăm chiếc đầu lâu của các tướng tạo phản bị bêu trước
cỗng thành Lạc Dương .
Võ Hậu không ưa những kẻ cứng đầu . Không những bà đem tru di
gia quyến Kỉnh Nghiệp, bà còn kết tội cả ông nội chàng là Lý
Tích, người đã nằm yên trong lòng đất.
Bà không còn biết Lý Tích là vị quốc công đứng ra làm lễ tấn
phong cho bà, ông đã từng lập những chiến công hiển hách buộc
Cao Ly phải đầu hàng, và ông là một vị anh hùng dưới triều Thái
Tôn . Bà thản nhiên ra lệnh quật mồ và đem hài cốt ông bầm nát
để linh hồn ông không nơi nương tựa. Hành động tàn nhẫn này vừa
để thoả mối tư thù vừa để dằn mặt quần thần.
Cuộc phiến loạn là một dịp tốt để hại nhau .
Võ Thừa Tự rất ghét quan Trung Thư họ Bạch vì ông này thường cản
trở công việc của hắn. Thừa Tự bèn nhân cơ hội họ Bạch có một
người cháu nhúng tay vào cuộc phiến loạn để ghép ông vào tội
đồng loã.
Thực ra quan Trung Thư không hề liên can đến vụ khởi nghĩa của
Kỉnh Nghiệp. Chỉ có một lần ông bàn với Võ Hậu là nếu bà trả
ngôi cho Đán, mọi cuộc khởi nghĩa sẽ tự động tan rã. Ông không
ngờ lời bàn đó lại chính là bản án tử hình của ông .
Sau khi giết quan Trung Thư họ Bạch, Võ Hậu ra lệnh giết không
xét xử hai vị Đại tướng khác là Vương Phượng Nghỉ và Trinh Võ
Eỉnh vì hai ông này quen biết với thủ lãnh bọn phiến loạn . Thực
ra Võ Hậu muốn giết hai người vì Vương Phương Nghi thuộc giòng
họ của Vương hậu và Trịnh Võ Đình dám viết thư về triều xin tội
cho họ Bạch. Riêng họ Trịnh là một tướng tài từng làm bở vía
quân Thổ Nhĩ Kỳ và được người Thổ mệnh danh là Hung Thần. Khi
nghe tin ông bị giết, dân tộc Thổ tổ chức một cuộc liên hoan vĩ
đại.
Cuộc khởi nghĩa đã bị dẹp tan . Giờ đây Võ Hậu ngồi ung dung
trong điện Võ Thánh -tên mới của Chánh điện đặt ra để đánh dấu
sự thành công của họ Võ - tự tán thưởng chiến thắng của mình .
Bà nói với quần thần bằng một giọng nghiệm nghị :
- Các khanh thấy ta đã hết sức với xã tắc chưa ?
Các quan đồng thanh :
- Tâu Lệnh Bà, đúng vậy.
Võ Hậu tiếp :
- Trong hai mươi năm ta đã cực khổ lo gánh vác công việc cho Cao
Tôn, không lúc nào được rảnh rỗi. Ta đã cho các khanh chức tước
và quyền hành . Ta đã đem hoà bình và an lạc cho bờ cõi. Từ ngày
Cao Tôn qua đời, chẳng phút nào ta nghĩ đến bản thân ta . Ta
luôn luôn lo cho người khác. vậy mà vẫn có những quan cao, tướng
giỏi hùa theo bọn phản loạn chống lại ta . Ai là người quyền thế
hơn họ Bạch ? Ai là người dòng dõi anh kiệt hơn họ Từ ? Ai là
tướng soái tài ba hơn họ Trịnh ? Vậy mà ta vẫn giết được họ một
khi họ phản trắc. Trong các khanh ai cảm thấy mình hơn được
những nhân vật đó thì cứ việc hành động. Còn nếu không thì hãy
ngoan ngoãn vâng lời ta đừng có những cử chỉ điên rồ .
- Bọn hạ thần đâu dám .
Đám triều thần trả lời, không dám ngước mặt lên . |