Quan Thái Thường họ Vương, người đất Việt,
lúc còn trái đào, ban ngày nằm ngủ trên sập. Bỗng trời tối sầm,
sấm sét nổi lên ầm ầm, một vật gì to hơn con mèo đến nằm phục
bên cạnh mình, quanh quẩn mãi không rời. Một lúc trời quang tạnh,
con vật liền bỏ đi. Nhìn xem, không phải là mèo, mới sợ, gọi anh
ở buồng bên, anh nghe thấy, mừng nói:
- Em tất sẽ hiển quý to. Ðấy là giống hồ đến tránh sấm sét đó.
Sau quả nhiên tuổi trẻ đỗ tiến sĩ, rồi từ huyện lệnh vào kinh là
thị ngự. Sinh được một trai là Nguyên Phong, rất mực ngây ngô,
mười sáu tuổi vẫn chưa biết thế nào là đực cái, vì thế mà người
quanh vùng không ai gả con cho. Vương lo lắm.
Chợt có người đàn bà đưa một cô gái đến nhà, tự xin gả cho
Nguyên Phong. Trông người con gái, thấy nhoẻn cười tươi xinh
thật là phẩm tiên. Vương mừng, hỏi họ tên. Tự nói là họ Ngu, con
gái tên Tiểu Thu, tuổi vừa đôi tám. Bèn đến tiền sính lễ, nói:
- Trước đây, nó ở với tôi, rau cháo không đủ no, nay một sớm
được gởi thân chốn nhà cao cửa rộng có kẻ hầu người hạ, thừa
miếng ngon của lạ, nó được vừa mà tôi cũng thỏa nguyện, có phải
bán rau đâu mà nói giá!
Phu nhân mừng lắm, tiếp đãi rất hậu. Người đàn bà liền bảo cô
gái lạy Vương và phu nhân, dặn rằng:
- Ðây là bố chồng, mẹ chồng của mày, phải hầu hạ cẩn thận. Ta
vội lắm, phải đi, vài ba hôm nữa sẽ trở lại.
Vương sai đầy tớ thắng ngựa đưa về. Người đàn bà nói:
- Làng tôi không xa, không dám phiền bày vẽ.
Bèn ra cửa đi.
Tiểu Thu cũng không có vẻ buồn bã quyến luyến, liền mở hòm lấy
đồ trang sức ra.
Phu nhân cũng yêu thích cô gái lắm.
Mấy hôm sau, người đàn bà không đến. Hỏi quê quán, cô gái cũng
ngớ ngẩn, không nói rõ được đường sá thế nào. Bèn sắp đặt cho
một căn nhà riêng, cho vợ chồng làm lễ thành hôn. Họ hàng nghe
thấy Vương vơ quàng con nhà bần tiện làm dâu ai cũng chê cười.
Khi trông thấy cô gái thì đều kinh ngạc, những lời bàn tán từ đó
mới thôi.
Cô gái lại rất thông minh, biết dò đón ý tứ mừng giận của bố mẹ
chồng. Vợ chồng Vương yêu quý con dâu quá thói thường, lại lo
ngay ngáy chỉ sợ vợ nó chê con trai mình ngây; thế mà cô gái vẫn
một mực vui cười, không lấy thế làm điều. Chỉ có cái hay đùa;
lấy vải khâu làm quả cầu, đá chơi; đi đôi hài da nhỏ, đá quả cầu
xa đến vài chục bước rồi đánh lừa công tử chạy ra nhặt; công tử
và thị tỳ thường toát mồ hôi chạy theo.
Một hôm, Vương tình cờ đi qua, quả cầu bỗng bay vụt đến, trúng
ngay vào mặt. Cô gái và thị tỳ chạy mất, còn công tử vẫn nhảy
nhót đuổi theo. Vương nổi giận, lấy đá ném, chàng mới lăn ra mà
khóc.
Vương đem chuyện về kể với phu nhân, phu nhân sang mắng cô gái,
cô gái cúi mặt cười tủm, lấy tay xoa mép giường. Phu nhân về rồi,
lại đùa nghịch như trước, lấy phấn trát vào mặt công tử loang lổ
như quỷ.
Phu nhân trông thấy, giận lắm, gọi đến mắng thậm tệ.
Cô gái dựa vào ghế, mâm mê giải lưng, không sợ, cũng không nói
năng gì.
Phu nhân không làm thế nào được, nhân lấy roi đánh cậu con.
Nguyên Phong kêu ầm lên, cô gái mới biến sắc, quỳ xuống xin tha.
Phu nhân nguôi ngay cơn giận, vứt roi trở về.
Cô gái vừa cười, vừa lôi công tử vào nhà, rũ bụi ở quần áo, lau
nước mắt, xoa những vết roi đòn, lấy quả táo và hạt dẻ cho ăn.
Công tử bèn thôi khóc, lại vui ngay. Cô gái đóng cánh cửa thông
ra sân, lấy mũ áo thắng bộ cho công tử đóng vai Bá Vương, làm
người sa mạc, còn mình thì trang điểm, bó lưng lại, rồi súng
sính múa điệu 'Dưới Trướng' . Hoặc có khi lấy lông đuôi chim trĩ,
cài vào mái tóc, gẩy đàn tỳ bà, tiếng tình tang réo rắt mãi;
cười vang cả nhà; lâu ngày coi là thường.
Vương thấy con mình ngây, không nỡ trách dâu, dù thoảng nghe
thấy cũng bỏ qua.
Cùng ngõ, có một viên quan cấp gián họ Vương, ở cách nhau hơn
mười nhà, nhưng vốn không ưa nhau. Bấy giờ, gặp lúc triều đình
ba năm xét công các quan lại. Cấp gián ghen Vương được giữ ấn
đạo Hà Nam, định bụng làm hại. Vương biết mưu hắn, lo nghĩ mà
không có kế gì. Một tối đi nằm sớm. Cô gái đội mũ đeo đai đóng
giả làm Tể Tướng, cắt tơ trắng làm râu rậm, lại cho hai người
thị tỳ ăn mặc giả làm quan hầu, rồi ngầm lấy ngựa mà cưỡi, nói
đùa rằng đến thăm Vương tiên sinh.
Ruổi ngựa đến cổng nhà Cấp gián tức thì lại lấy roi đánh người
theo hầu, nói rằng:
- Ta đến thăm Thị ngự họ Vương chớ đâu có đến thăm Cấp gián họ
Vương!
Quay ngựa mà về. Ðến cổng nhà, người canh cổng ngỡ là thật, chạy
vào báo Vương.
Vương vội dậy ra nghênh tiếp, mới biết là con dâu đùa. Giận lắm,
bảo với phu nhân:
- Người ta đương rình từng kẽ hở của mình, mà mình lại đem cái
xấu xa trong phòng khuê đến tận cổng nhà người ta mà tâu thì tai
họa đến nơi rồi!
Phu nhân giận, chạy sang nhà cô gái mắng thậm tệ, cô gái chỉ ngớ
ngẩn cười, chẳng cãi lại câu nào. Ðánh không nỡ mà đuổi thì
không cửa không nhà, hai vợ chồng buồn bực suốt đêm không ngủ.
Thời bấy giờ, quan Tể Tướng đương triều rất hách, nghi vệ, phong
thái, xiêm áo, quan hầu so với những kẻ giả trang của cô gái thì
không khác chút gì.
Vương cấp gián cũng nhầm, tưởng là thật; Mấy lần sai người đến
tận cửa nhà Vương dò, mãi đến nửa đêm mà chưa thấy khách ra, ngờ
rằng Tể Tướng với Vương mưu tính chuyện cơ mật.
Hôm sau vào chầu sớm, gặp mặt hỏi rằng:
- Ðêm qua Tướng công đến nhà ngài đấy ư?
Vương ngỡ là hắn diễu mình, chỉ đỏ mặt dạ, không nói thêm nữa.
Cấp gián càng nghi, không dám mưu hại nữa, mà từ đó càng cố kết
giao lấy lòng với Vương, Vương dò biết sự tình, mừng thầm, nhưng
vẫn dặn ngầm phu nhân khuyên cô gái sửa đổi những việc làm
trước. Cô gái cười xin vâng.
Hơn một năm sau, Tể Tướng bị bãi. Nhân có người viết thư riêng
cho Vương, lại gửi nhầm vào nhà Cấp gián. Cấp gián mừng lắm.
Trước hãy nhờ người quen biết Vương đến hỏi mượn một vạn lạng
vàng. Vương từ chối. Cấp gián thân hành đến nhà, Vương tìm khăn
áo, mãi cũng không thấy. Cấp gián đợi lâu, giận Vương xược với
mình, bực tức định quay ra. Bỗng thấy công tử, áo cổn mũ miện,
có người con gái từ trong cửa đẩy ra. Cấp gián hãi quá, đoạn rồi
lại cười và vỗ về công tử, lột lấy áo mão của chàng cuốn laị
mang đi.
Vương vội ra, thì khách đã đi xa; nghe kể duyên do, sợ mặt nhợt
như đất thó, khóc oà lên mà rằng:
- Ðây là họa nàng dâu đây. Bất nhật sẽ giết cả họ nhà ta thôi!
Liền cùng phu nhân vác gậy chạy sang. Cô gái đã biết trước, đóng
chặt cửa, tha hồ cho chửi mắng.
Vương giận, lấy búa phá cửa. Cô gái ở trong nhà mỉm cười nói:
- Thầy chớ giận. Có con dâu ở đây, đao kiếm búa rìu con dâu cũng
xin chịu, quyết không để phiền luỵ đến thầy mẹ. Thầy làm thế là
muốn giết dâu để bịt miệng nhân chứng ư?
Vương bàn thôi.
Cấp gián về, quả dâng sớ tâu Vương mưu phản, đem mũ miện áo cổn
ra làm bằng. Chúa thượng giật mình, xét nghiệm ra thì tua mũ
miện làm bằng lõi cây cao lương, cây bố, áo bào khâu bằng vải
nát lấy ở khăn bao vàng.
Vua giận Cấp gián vu cáo, lại cho triệu Nguyên Phong đến, thì
thấy dáng điệu ngây ngô lộ rõ, mới phì cười nói:
- Thế này mà cũng làm vua được ư?
Bàn giao việc cho Pháp tì xét. Cấp gián lại kiện nhà Vương có
yêu quái. Pháp tì tra hỏi nô bộc trong nhà, đều nói không có ai,
chỉ có nàng dâu điên và anh con trai ngây, suốt ngày cười đùa.
Hàng xóm láng giềng cũng không khai gì khác. Bấy giờ án mới
định; cấp gián bị xung làm lính ở Vân Nam.
Vương từ đấy mới biết cô gái là kỳ dị, lại thấy mẹ nàng lâu
không đến, ngờ không phải là người trần. Bảo phu nhân dò, nàng
chỉ cười không nói. Hỏi gạn mãi thì bưng miệng đáp:
- Con là con gái Ngọc Hoàng, mẹ không biết ư?
Không bao lâu, Vương được thăng chức Kinh Khanh. Ngoài năm mươi
tuổi vẫn lo không có cháu. Cô gái ăn ở đã ba năm mà đêm đêm vẫn
nằm riêng, hình như chưa có sự chung chạ gì. Phu nhân sai khiêng
sập đi, dặn công tử nằm chung với vợ. Ðược vài hôm, công tử nói
với mẹ:
- Mượn sập của con mang đi, sao ngang bướng không mang trả? Tiểu
Thu cứ đêm đêm gác chân lên bụng, thở chả được, lại quen tay, cứ
cấu vào đùi người ta nữa!
Con hầu, vú ở , không ai nhịn được cười; phu nhân nạt, phát cho
mấy cái, bảo đi.
Một hôm cô gái tắm ở trong buồng, công tử trông thấy đòi tắm
chung, cô gái bật cười ngăn lại, dỗ bảo đợi một lúc. Ra rồi nàng
mới thay nước nóng đổ vào vại, cởi quần áo của chàng ra, cùng
thị tỳ đỡ vào. Công tử cảm thấy hơi nóng ngột ngạt hét to lên
đòi ra; cô gái không nghe, lấy chăn chùm lên. Một lát, không
thấy kêu nữa, mở ra xem thì đã tắt thở. Nàng vẫn cười nói thản
nhiên, không sợ, kéo ra đặt lên giường, lau khô mình mẩy, đắp
thêm chăn cho.
Phu nhân nghe thấy, vừa khóc vừa chạy vào mắng:
- Con điên kia, sao giết con tao?
Cô gái nhoẻn cười đáp:
- Con ngây như thế chẳng thà không có.
Phu nhân càng giận, lấy đầu húc cô gái, bọn thị tỳ xô vào kéo ra
khuyên can. Ðương lúc ồn ào, một con thị tỳ chạy đến bảo:
- Công tử rên được rồi!
Phu nhân thôi khóc, sờ vào mình con thì thấy hơi thở nhỏ nhẹ mà
mồ hôi ra như tắm, ướt cả chăn chiếu. Một lát, mồ hôi không chảy
nữa, bỗng mở mắt trông bốn bên, nhìn khắp gia nhân như không
quen ai cả, nói:
- Bây giờ nhớ lại những việc trước, cứ như nằm mộng! Sao vậy
nhỉ?
Phu nhân nghe câu nói không có vẻ ngây, lấy làm lạ lắm, dắt về
thăm bố. Hỏi thử mấy lần, quả không ngây. Mừng rỡ như bắt được
của báu. Ðến tối sai khiêng trả sập về chỗ cũ, sắp sửa chăn gối
để xem sao.
Công tử vào buồng, đuổi hắt thị tỳ đi. Sáng ra, ngó xem thì sập
vẫn bỏ không. Từ đấy, không thấy ngây và điên nữa, mà sắc cầm
hoà hợp quấn quít như hình với bóng.
Hơn một năm. Vương lại bị bè đảng của Cấp gián đàn hặc, đòi bãi
chức, nên quan trên cũng khiển trách. Trước kia quan Trung Thừa
Quảng Tây có tặng Vương một bình ngọc, giá đáng nghìn vàng, bấy
giờ định đem ra đút lót để gỡ tội. Cô gái cũng thích, cầm xem
chơi, bỗng tuột tay rơi vỡ, xấu hổ, chạy đến tự thú. Vợ chồng
Vương đang buồn nghe về nỗi bị người dèm báng đòi cách quan,
nghe thế giận lắm, cùng nhiếc mắng thậm tệ.
Nàng trỗi dậy đi ra, nói với công tử:
- Tôi ở nhà anh, những cái bảo toàn được không phải chỉ một cái
bình, sao không nể mặt nhau một chút? Nói thực với anh: tôi
không phải là người. Vì mẹ tôi gặp nạn sấm sét, ơn sâu được thầy
che chở, lại vì đôi ta có duyên phận năm năm với nhau, cho nên
tôi đến đây để đền ơn, và cũng để cùng anh trọn nguyền đấy thôi.
Thân tôi bị nhiếc mắng đã nhiều, nhổ tóc mà đếm cũng không xuể,
sỡ dĩ không đi ngay là vì cái duyên năm năm chưa trọn. Bây giờ
thì làm sao còn nán lại được nữa.
Ðọan hầm hầm bước ra. Ðuổi theo thì đã biến mất. Vương ngẩn
người ra, hối hận đã không kịp nữa. Công tử vào trong nhà, nhìn
phấn thừa, thoa cũ, khóc lóc muốn chết, ăn ngủ không ngon, ngày
càng gầy mòn héo hắt. Vương lo lắm, vội toan cưới vợ khác cho
con để giải phiền, mà công tử thì không vui, chỉ tìm thợ vẽ giỏi
họa tranh Tiểu Thu, ngày đêm thếp hương khấn vái.
Gần hai năm sau, tình cờ có việc từ làng khác về. Trăng sáng
vằng vặc. Ngoài thôn vốn có một khu vườn cảnh của nhà Vương;
công tử vừa cưỡi ngựa đi qua bên ngoài tường, bỗng nghe có tiếng
cười, liền dừng cương, sai đầy tớ nắm hàm thiếc rồi đứng lên
trên yên trông vào, thì thấy hai người con gái đang chơi đùa
trong đó. Vì bóng trăng bị mây phủ mờ mờ, không trông rõ lắm.
Chỉ nghe một cô áo xanh nói:
- Con ranh này, phải đuổi ra ngoài cổng mới được!
Một cô áo đỏ nói:
- Mày đang ở ngay trong sân viện nhà tao, lại còn định đuổi ai?
Cô áo xanh nói:
- Con ranh, không biết thẹn. Làm vợ không đắt, bị người ta tống
về, lại còn nhận vơ sản nghiệp của người ư?
Cô áo đỏ nói:
- Chẳng hơn cái đứa đến già vẫn không ai thèm ngó đến!
Nghe giọng nói giống hệt Tiểu Thu, công tử vội cất tiếng gọi to.
Cô áo xanh bước đi, nói:
- Tao không cãi vã với mày nữa, đức ông chồng nhà mày đã đến kia
kìa.
Ðọan rồi cô áo đỏ đi tới, quả là Tiểu Thu. Công tử mừng lắm. Cô
gái bảo trèo lên tường để mình đỡ xuống, nói:
- Hai năm không thấy mặt mà xương gầy còn một nắm rồi!
Công tử cầm tay khóc, kể nỗi nhớ nhung. Cô gái nói:
- Thiếp cũng biết thế, nhưng không còn mặt nào trông thấy người
nhà được nữa. Hôm nay cùng chị cả chơi đùa, nào ngờ lại gặp nhau
ở đây, mới biết duyên lứa trước không thể tránh được.
Mời cùng về, nàng không nghe; xin nàng ở lại trong vườn thì bằng
lòng. Công tử bèn sai đầy tớ chạy về thưa với phu nhân. Phu nhân
giật mình ngồi kiệu đến, mở khóa vào. Cô gái chạy đến, sụp xuống
lạy. Phu nhân nắm lấy cánh tay nâng dậy, chảy nước mắt nhận hết
lỗi xưa, hồ như không thể dung thứ cho mình nói:
- Nếu con không chấp nhận chuyện cũ thì xin hãy cùng về cho mẹ
vui tuổi già.
Nàng đáp rằng không được, lời lẽ quả quyết. Phu nhân lo ngôi
đình Tể hoang vắng, định cho nhìêu người đến hầu hạ. Cô gái cười
nói:
- Con không muốn gặp ai cả, duy chỉ có hai đứa thị tỳ ngày
trước, sớm tối theo con, không thể không quyến luyến chúng.
Ngoài ra chỉ xin một người lão bộc trông coi cổng, còn thì không
cần gì nữa.
Phu nhân thảy theo như lời nàng; lại nói thác đi rằng công tử
dưỡng bệnh trong vườn, rồi hàng ngày mang thức ăn vật dụng ra mà
thôi.
Cô gái thường khuyên công tử lấy vợ khác, công tử không nghe;
hơn một năm sau, sắc mặt, tiếng nói của nàng dần dần đổi khác,
lấy bức vẽ ra, rõ ràng là hai người. Lấy làm lạ. Cô gái nói:
- Trông thiếp bây giờ có đẹp như ngày xưa nữa không?
Công tử đáp:
- Bây giờ thì vẫn đẹp, nhưng so với trước thì hình như không
bằng!
Cô gái nói:
- Nghĩa là thiếp đã già rồi!
Công tử nói:
- Người ngoài hai mươi, làm gì lại già ngay được!
Cô gái cười, đốt bức vẽ đi, giật lại thì đã cháy thành tro. Một
hôm nàng nói với công tử:
- Ngày trước khi còn ở nhà, mẹ chàng thường bảo thiếp đến chết
cũng không làm kén được. Bây giờ thì thầy mẹ đã già, chàng lại
là con một, thiếp thực không sinh nở được, sợ nhỡ việc nối dõi
của chàng! Xin lấy vợ về nhà, sớm tối hầu hạ thầy mẹ, chàng đi
lại cả hai nơi, cũng không có gì là không tiện.
Công tử bằng lòng, nạp sính lễ ở nhà quan Thái sử họ Chung. Gần
đến ngày cưới, nàng tự khâu áo giày cho cô dâu, rồi đưa về chỗ
phu nhân.
Ðến khi cô dâu vào cổng thì tiếng nói, nét mặt, cử chỉ không
khác gì Tiểu Thu chút nào. Chàng lấy làm lạ lắm. Trở lại khu
vườn cảnh thì cô gái đã đi đâu không biết. Hỏi thị tỳ, thị tỳ
đưa ra một chiếc khăn hồng, nói:
- Nương tử tạm về thăm bên ngọai, để lại vật này cho công tử.
Mở khăn, thấy có buộc cái quyết bằng ngọc , bụng đã biết nàng
không trở lại nữa, bàn đem cả thị tỳ cùng về. Tuy giây lát không
quên được Tiểu Thu nhưng may mà đối diện với vợ mới cũng như
trông thấy người xưa. Mới chợt hiểu rằng cái duyên với cô gái họ
Chung, Tiểu Thu đã dự biết, nên thay đổi dáng mặt của nàng
trước, để khuây khoả nỗi nhớ của chàng ngày sau. |