Vương Ðỉnh, quê ở Tần Bưu, tự là Tiên Hồ,
người khảng khái, có sức khoẻ, giao du rộng. Năm mười tám tuổi,
vợ vừa cưới đã chết. Chàng thường đi chơi xa, hàng năm không về.
Anh là Nại, danh sĩ đất Giang Bắc, rất mực thương yêu em. Thường
khuyên em không nên đi xa, muốn kén vợ cho. Chàng không nghe,
thuê thuyền đến Trấn Giang thăm bạn. Bạn đi vắng, nhân thuê một
gian gác nơi quán khách để trọ. Nước sông gợn sóng, núi Kim Sơn
ở ngay trước mặt, bụng lấy làm thích lắm. Hôm sau người bạn đến,
mời chàng dọn về nhà mình ở, chàng từ chối không đi.
Ở già nửa tháng, đêm nằm mộng thấy một cô gái tuổi chừng mười
bốn mười lăm, thuỳ mị tình tứ, lên giường giao hợp với mình.
Tỉnh dậy thì thấy mình di tinh. Chàng hơi lấy làm lạ nhưng cũng
cho là ngẫu nhiên. Ðến đêm lại nằm mộng thấy như thế, luôn ba
bốn đêm, bụng rất kinh dị, không dám tắt đèn. Thân tuy nằm im
trên giường mà bụng vẫn nơm nớp đề phòng. Vừa chợp mắt, đã mộng
thấy người con gái lạ đến. Ðang ôm ấp bỗng giật mình tỉnh dậy.
Vội mở mắt nhìn thì thấy một cô gái như tiên vẫn đang trong vòng
tay mình. Nàng thấy chàng đã tỉnh, hơi có ý thẹn, sợ. Chàng tuy
biết không phải là người, nhưng bụng lại rất thích, nên không
căn vặn gì, lại cùng nàng vần vũ cật lực.
Cô gái hình như không chịu nổi nói:
- Cuồng bạo như thế chả trách người ta không dám gặp thẳng ở
ngoài giấc mộng.
Chàng bấy giờ mới hỏi kỹ.
Cô gái đáp:
- Thiếp họ Ngũ, tên Thu Nguỵệt. Thân phụ là danh nho, tinh thông
dịch số, rất thương yêu thiếp, nhưng nói mệnh thiếp không thọ,
nên không hứa gả cho ai cả. Sau đến năm mười lăm tuổi, quả nhiên
chết yểu, liền đào huyệt ở phía Ðông gian gác này mà chôn bằng,
không đắp nấm cũng không có mộ chí, duy chỉ đặt ở bên ngoài quan
tài một phiến đá, đề rằng: Gái Thu Nguyệt, chết không mồ, 30 năm
sau gả về Vương Ðỉnh. Ðến nay đã 30 năm, chàng đến vừa đúng.
Trong bụng rất mừng, muốn tự hiến cho chàng, nhưng tấc lòng còn
e thẹn, nên phải mượn chiêm bao đấy thôi!
Vương cũng rất mừng, lại đòi hành sự tiếp.
Nàng nói:
- Thiếp chỉ cần một ít dương khí để mong sống lại. Thực không
ngại gì chuyện gió mưa ấy. Sau này duyên lành vô hạn, thì cứ gì
phải đêm nay.
Bèn đứng dậy mà đi.
Ðêm sau lại đến. Ngồi đối nhau, cười đùa vui vẻ như bạn bình
sinh. Tắt đèn lên giường không khác gì người sống. Có điều khi
nàng đã dậy thì tinh rây dầm dề, thấm đẫm cả chăn đệm.
Một đêm, trăng sáng vằng vặc, cùng lững thững dạo bước trong sân.
Ðỉnh hỏi cô gái:
- Cõi âm cũng có thành quách chứ?
Cô gái đáp:
- Cũng như ở cõi dương thôi. Thành phủ cõi âm không ở chốn này
mà cách đây ba bốn dặm, nhưng lấy đêm làm ngày.
Vương hỏi:
- Người sống có thể trông thấy không?
Cô gái đáp:
- Có thể.
Chàng xin đi xem, nàng bằng lòng.
Nhân lúc đêm trăng cùng đi. Cô gái nhẹ nhàng lướt đi như gió.
Vương cố sức đuổi theo. Chẳng mấy chốc đến một nơi kia, nàng bảo:
- Không xa nữa.
Vương cố giương mắt nhìn nhưng chẳng thấy gì cả. Cô gái lấy nước
bọt bôi lên hai mí mắt chàng, mở ra thì thấy mắt sáng gấp bội
lúc bình thường, trông ban đêm không khác gì ban ngày. Chợt thấy
một bức tường thành ẩn hiện trong đám sương mù xa xa, người đi
trên đường tấp nập như đi chợ.
Một lát, thấy hai tên lính trói ba bốn người giải đi qua, người
đi cuối lạ thay sao giống hệt như anh mình vậy. Ðến gần, quả là
anh thật, Vương kinh ngạc hỏi:
- Sao anh lại đến chốn này?
Người anh trông thấy chàng thì ứa nước mắt, nói:
- Anh cũng không biết việc gì mà bị bắt trói như tù.
Vương tức giận nói:
- Anh ta là người quân tử, biết giữ lễ nghĩa, sao đến phải xiềng
trói như vậy?
Liền xin hai tên lính cởi trói cho. Lính không nghe, lại ngạo
mạn, trừng mắt nhìn. Chàng phẫn uất, toan giằng nhau với chúng,
người anh ngăn:
- Ðấy là lệnh quan, ta cũng phải giữ phép. Chỉ hiềm ta thiếu
tiền chi dùng, bị họ vòi của đút, khổ lắm. Em về, nên lo toan
cho.
Chàng nắm lấy cánh tay anh, khóc thất thanh. Lính tức giận kéo
mạnh cái tròng cổ, người anh liền ngã sấp xuống. Chàng trông
thấy, lửa giận đầy ức, không thể nén được, liền rút thanh đao
đeo bên mình, phạt đứt đầu một tên. Tên kia kêu thét lên, chàng
lại giết nốt.
Cô gái kinh sợ nói:
- Giết sai nha nhà quan, tội không thể tha được. Nếu chậm, hoạ
sẽ đến. Xin lập tức tìm thuyền về Bắc. Về nhà, chớ hạ lá phướn
xuống, phải đóng cửa không cho ai vào nhà. Quá bảy ngày sẽ không
lo gì nữa.
Vương liền dắt anh đi, ngay đêm ấy thuê một chiếc thuyền nhỏ vội
vã về Bắc. Về thấy khách khứa đến viếng ở cửa, mới biết là anh
đã chết thật. Chàng liền đóng cổng khoá lại, rồi đi vào, anh đã
mất hút; vào nhà thì người chết đã tỉnh lại, gọi: Ðói chết mất!
Mang mì nước lại đây!
Lúc đó, anh chết đã hai ngày; người nhà thảy đều kinh hãi. Chàng
liền kể lại duyên do. Bảy ngày sau, mở cửa, bỏ lá phướn đi,
người ta mới biết ông anh sống lại.
Bè bạn thân thuộc xúm đến hỏi thăm, Vương chỉ trả lời chống chế.
Lại trạnh nghĩ đến Thu Nguyệt, tưởng nhớ thêm rầu. Bèn lại quay
xuống Nam, đến gian gác cũ, đốt đèn lên ngồi đợi rất lâu, cô gái
vẫn không lại. Chập chờn toan ngủ, thấy một người đàn bà bước
vào nói:
- Cô Thu Nguyệt nhờ nói lại với anh là hôm nọ hai tên công sai
bị giết, hung phạm chạy mất, chúng bắt cô ấy đi. Hiện đang ở
trong ngục. Bọn ngục tốt đối đãi tàn ngược. Ngày ngày trông chờ
anh, anh nên nghĩ cách cứu giúp.
Vương buồn rầu phẫn uất,liền theo người đàn bà đi. Ðến một toà
thành, vào cửa Tây, người đàn bà chỉ vào một cái cổng nói:
- Cô em bị giam ở gian này.
Chàng bước vào, thấy nhà này buồng nọ cũng nhiều, tù phạm bị
nhốt thậm đông mà chẳng thấy Thu Nguyệt đâu. Lại vào một cửa nhỏ,
thì thấy trong căn phòng hẹp có đèn lửa. Chàng ghé lại gần cửa
sổ để nhòm vào, thấy Thu Nguyệt ngồi trên giường, lấy ống tay áo
che mặt mà khóc. Bên cạnh có hai tên ngục tốt đang sờ cằm vuốt
chân nàng, để đùa ghẹo. Nàng khóc càng cuống quít. Một tên ngục
tốt bá lấy cổ nàng nói:
- Ðã là kẻ có tội còn giữ trinh tiết ư?
Chàng tức giận không nói không rằng, rút dao xông vào, chém mỗi
đứa một nhát như người ta phạt gai, rồi đoạt lấy cô gái mà chạy
ra, may không ai biết.
Vừa đến quán trọ bỗng giật mình tỉnh giấc. Còn đương lạ vì giấc
mộng dữ, đã thấy Thu Nguyệt nước mắt dàn dụa đứng ở đó. Chàng
kinh hoảng trỗi dậy, kéo nàng ngồi xuống, kể lại giấc mộng. Cô
gái nói:
- Thật đấy, không phải mộng đâu.
Chàng hốt hoảng hỏi:
- Thế thì làm thế nào?
Nàng thở dài đáp:
- Ðấy cũng là số đã định. Thiếp vốn đợi ngày nguyệt tận mới là
kỳ hạn sống lại. Bây giờ đã gấp thế này thì đợi sao được nữa.
Xin chàng mau mau đào chỗ chôn thiếp lên, đưa thiếp cùng về, mỗi
ngày gọi tên thiếp nhiều lần. Qua ba ngày có thể sống lại. Nhưng
vì chưa đủ ngày, xương mềm, chân yếu, không thể lo việc gạo nước
trong nhà giúp chàng được.
Nói xong, gấp gáp toan đi. Bỗng quay lại nói:
- Thiếp suýt quên. Nếu âm ty sai đuổi theo thì làm thế nào? Khi
còn sống, cha thiếp có truyền cho một đạo bùa, nói rằng ba mươi
năm sau có thể hai vợ chồng cùng đeo!
Liền lấy bút vẽ hai đạo bùa và nói:
- Một đạo chàng đeo, còn một đạo xin dán vào lưng thiếp.
Chàng đưa nàng ra. Ðến chỗ nàng biến thì đánh dấu lấy. Ðào độ
hơn một thước thấy quan tài, gỗ đã mục nát, bên cạnh có một tấm
bia nhỏ, quả đúng như lời nàng nói. Mở quan tài ra xem, nhan sắc
vẫn như sống. Ôm vào buồng, quần áo theo gió tan hết. Dán bùa
xong lấy chăn bọc lại, cõng đến bên sông, gọi một chiếc thuyền
đỗ bên bờ, nói thác rằng con gái ốm nặng, muốn đưa về nhà. May
được gió Nam thổi manh, trời vừa sáng đã về đến cổng. Bế vào đặt
nàng yên ổn rồi mới nói với anh chị. Cả nhà kinh ngạc nhìn nhau,
cũng không dám nói thẳng là điều huyền hoặc.
Chàng mở chăn, gọi to Thu Nguyệt. Ban đêm thì ôm xác nàng mà
ngủ. Thi thể nàng mỗi ngày mỗi ấm dần, ba ngày thì sống lại. Bảy
ngày sau đã có thể đi lại được. Bèn thay quần áo ra chào chị
dâu, phất phới chẳng khác nào thần tiên cả. Nhưng ngoài mười
bước lại phải có người đỡ mới đi được, nếu không thì xiêu theo
chiều gió, chỉ chực nghiêng ngả. Những người trông thấy đều cho
rằng nàng có bệnh đó lại càng tăng thêm vẻ đẹp.
Nàng thường khuyên chàng:
- Tội nghiệt của chàng quá dày, phải tích đức, tụng kinh sám hối
đi. Nếu không e rằng không sống lâu.
Chàng vốn không tin Phật, bây giờ cũng thành tâm quy y. Về sau
không việc gì cả. |