Thôi Mãnh, tên tự là Vật Mãnh, con nhà thế gia ở
Kiến Xương. Tính cương nghị. Thuở nhỏ đi học, bọn trẻ hơi có gì
xúc phạm đến thì lập tức vung tay đánh liền.
Thầy học nhiều lần răn đe nhưng vẫn không chừa. Tên và tự đều do
thầy đặt cho. Ðến mười sáu mười bảy tuổi thì võ nghệ cao cường
tuyệt luân. Lại có thể chống sào dài nhảy lên nóc nhà. Rất thích
giúp người khác và rửa sạch bất bình. Vì vậy, người làng đều cảm
phục. Trong nhà ngoài cửa thường đứng đầy những người đến bẩm
bạch, tố cáo.
Thôi ưa chế ngự kẻ mạnh, nâng đỡ người yếu, không sợ oán thù. Ai
ho he dám chống lại thì gạch, đá, gậy gộc choảng luôn, kỳ cho
đến tay chân thân thể phải tàn tật. Mỗi lần thịnh nộ bốc lên,
không ai còn dám khuyên can.
Duy chàng thờ mẹ rất có hiếu, hễ mẹ đến là nguôi giận ngay. Mẹ
trách quở đũ điều, Thôi dạ dạ vâng lời, nhưng ra khỏi cửa lại
quên mất.
Liền bên nhà, có một người đàn bà rất hung hãn, ngày ngày ngược
đãi mẹ chồng. Mẹ chồng đói lả gần chết, con trai lén cho ăn, chị
ta biết được, thét mắng trăm điều, vang động khắp bốn bên hàng
xóm.
Thôi giận lắm, vượt tường sang xẻo luôn tai, mắt, mũi, môi, lưỡi.
Mụ chết ngay. Mẹ hay tin kinh hoàng, gọi anh hàng xóm qua, hết
lòng xót thương an ủi, gả cho anh ta một con hầu trẻ, việc mới
yên.
Mẹ phẫn chí khóc lóc không chịu ăn. Thôi sợ, quỳ xuống xin chịu
đòn, lại thưa rằng đã biết hối. Mẹ cứ khóc, không thèm nhìn. Vợ
Thôi họ Chu, cùng quỳ xuống với chồng; mẹ bèn cầm gậy đánh con,
rồi lại lấy kim thích vào cánh tay, thành hình chữ thập, dùng
sơn bôi vào cho khỏi mất dấu. Thôi đều xin chịu hết, mẹ mới ăn
trở lại.
Bà mẹ thích đãi cơm các nhà sư và đạo sĩ, thường mời họ dùng bữa
no nê. Xảy có một đạo sĩ ở trước cửa thì Thôi đi qua. Ðạo sĩ
nhìn Thôi mà nói:
- Tôi xem lang quân có nhiều khí hung hoạnh, sợ khó giữ được cho
tròn tuổi thọ. Nhà tích thiện đáng ra không có người như vậy.
Thôi vừa mới nhận lời răn của mẹ, nay nghe được điều đó thì tỏ
cung kính mà nói:
- Chính tôi cũng tự biết thế, nhưng hễ thấy bất bình, thì khó mà
kìm được. Gắng hết sức sửa đổi, hoặc giả có tránh được không?
Ðạo sĩ cười nói:
- Hẵng đừng hỏi tránh được hay không tránh được, mà trước xin tự
hỏi có thể sửa đổi hay không sửa đổi thôi. Chỉ nên tự mình ức
chế thật riết; nếu muôn phần được một thì tôi sẽ mách anh một
phép giả tử.
Bình sinh Thôi không tin bùa phép, nên chỉ cười mà không nói gì.
Ðạo sĩ nói tiếp:
- Tôi biết lang quân không tin, nhưng lời tôi nói chả phải như
lời bọn đồng cốt. Cứ làm được cũng đã là thịnh đức, dẫu không
công hiệu cũng chẳng hại gì.
Thôi xin được nghe lời dạy bảo. Ðạo sĩ bèn nói:
- Vừa có một kẻ hậu sinh đi qua trước cửa kia, anh nên kết giao
thật hậu tình với hắn; sau này có phạm tội chết, thì người ấy có
thể cứu sống anh được.
Nói rồi gọi Thôi ra chỉ cho biết người đó. Thì ra đó là thằng bé
con nhà họ Triệu, tên là Tăng Kha.
Triệu là người đất Nam Xương, gặp năm đói kém phải đến ngụ cư ở
Kiến Xương. Từ đấy Thôi bèn cùng Triệu giao kết thân tình, mời
dọn sang ở nhà mình, cung cấp cho rất hậu. Tăng Kha tuổi mới
mười hai, lên nhà lạy mẹ, nhận nhau làm anh em.
Năm sau, đến vụ canh tác mùa xuân. Triệu đem gia quyến đi, từ đó
không có tin tức gì.
Bà cụ họ Thôi, từ khi người đàn bà hàng xóm chết, răn con càng
cẩn mật; có người nào đến kêu nài, cầu cứu gì, bà đều xua gạt đi.
Một hôm, cậu ruột Thôi mất, chàng theo mẹ sang viếng, giữa đường
gặp mấy người đang trói giải một người đàn ông, vừa mắng chửi
vừa thúc đi cho nhanh, lại còn đánh đập. Người xem nghẽn cả
đường, xe không tiến lên được. Thôi hỏi duyên do, thì những
người biết Thôi đều xúm đến mách bảo.
Nguyên trước đây cậu con trai một vị chức sắc lớn, là tên Giáp
nọ, ngang ngược nhất làng, dòm thấy vợ chàng Lý Thân có nhan sắc,
muốn chiếm đoạt, nhưng không có cớ gì, bèn bảo người nhà dụ anh
ta đánh bạc, đưa tiền cho vay, lấy lãi rất nặng, bắt đem cả
người vợ ghi vào khế văn, thua hết lại cho vay, một đêm nợ đến
vài nghìn. Ðược nửa năm thì nợ mẹ đạ nợ con đã hơn ba mươi nghìn.
Thân không sao trả được, cậy thế đông người chúng đến cướp lấy
người vợ. Thân đến cửa mà khóc lóc, Giáp giận, bắt trói, treo
lên cây, đánh bằng roi, cứa bằng dao, và bức phải làm tờ 'giấy
không kêu nài'.
Thôi nghe nói, nộ khí bốc lên ngùn ngụt, gia roi cho ngựa tiến
lên, ý muốn dụng võ.
Mẹ Thôi vén rèm xe, gọi lại bảo:
- Chà, lại thế đấy hả?
Thôi đành phải làm nhịn.
Viếng tang xong trở về, không nói cũng không ăn, chỉ ngồi sững,
mắt nhìn thẳng, như đang giận dữ người nào. Vợ căn vặn cũng
không buồn đáp. Ðến đêm, mặc cả áo ngoài, nằm trên giường, trằn
trọc mãi đến sáng. Ðêm sau cũng vậy, chợt mở cửa đi ra rồi lại
trở vào nằm, cứ như thế đến ba bốn lần. Vợ không dám hỏi, chỉ lo
lắng nín im để xem sao. Thế rồi lại ra đi, rất lâu mới về, khép
cửa lên giường ngủ say. Cùng đêm ấy, có người đã giết tên Giáp
trên giường nằm, phanh bụng rút ruột ra ngoài; thây của vợ Thân
cũng loã lồ nằm ở dưới giường.
Quan nghi cho Thân, bắt về tra xét, cùm kẹp tàn khốc, lòi cả
xương mắt cá chân nhưng vẫn không cung xưng; hơn một năm không
chịu nổi cực hình, phải nhận liều, bị ghép vào tội tử hình.
Vừa gặp lúc mẹ Thôi mất. Chôn cất xong, chàng bảo vợ rằng:
- Kẻ giết tên Giáp, chính là ta. Chỉ vì còn mẹ già, không dám
tiết lộ. Nay việc lớn đã xong, cớ sao một người làm lại để kẻ
khác vạ lây? Ta sắp ra nhận tội chết trước nhà chức trách.
Vợ kinh hãi, túm áo kéo lại, chàng dứt chéo mà đi, tự ra thú
nhận ở pháp đình.
Quan ngạc nhiên, cùm lại, tống vào ngục, mà tha cho Thân.
Thân không chịu, chứ một mực nhận tội. Quan không thể quyết,
giam cả hai. Họ hàng thân thuộc chê trách Thân.
Thân nói:
- Cái việc mà công tử làm, là việc ta muốn làm mà không làm được.
Công tử đã làm thay cho ta, mà ta lại nở lòng ngồi nhìn công tử
chết hay sao? Nay ta cứ coi như công tử chưa ra đầu thú là được
rồi.
Rồi cứ giữ nguyên, không đổi lời khai, lại cố tranh tội với Thôi.
Lâu về sau nha môn cũng biết duyên cớ, bắt Thân phải ra khỏi
ngục, để Thôi chịu tội.
Ngày xử quyết đã gần đến, xảy có quan Tuất Hình Triệu Bộ Lang
tới duyệt các án tù. Ðọc đến tên Thôi Mãnh, ông gạt hết mọi
người ra rồi cho gọi vào.
Thôi vào, ngẩng nhìn lên công đường, thì là Tăng Kha. Vừa buồn
vừa mừng, nói hết tình thực.
Triệu bồi hồi một lúc lâu, rồi vẫn truyền tống giam, dặn lính
ngục phải đối đãi tử tế. Dần dần lấy cớ là đã biết tự thú được
giảm đẳng, sung làm lính thú Vân Nam.
Thân cũng được đi theo để phục dịch. Chưa đầy một năm, được viện
lệ ân xá mà về, đều là nhờ sức của Triệu cả.
Sau khi đã về, Thân vẫn theo không rời, nhận làm quản gia cho
chàng, nhưng trả tiền không lấy, chỉ những thuật leo trèo đánh
đá là chú tâm tập luyện.
Thôi đãi ngộ rất hậu, cưới vợ cho và cấp cho ruộng đất. Riêng
Thôi, từ đó cố gắng sửa đổi tính nết cũ, mỗi khi sờ đến vết kim
châm trên cánh tay, thì ràn rụa nước mắt.
Trong làng xóm có xảy ra việc gì, thì Thân tự thác mệnh Thôi lo
liệu dàn xếp mà không bẩm cho Thôi hay.
Có viên giám sinh họ Vương, là nhà hào phú, bọn vô lại bất nhân
bốn phương thường hay thậm thụt ra vào cửa hắn. Những nhà khá
giả trong ấp phần lớn đều bị chúng cướp bóc, nếu có ai dám trái
ý, hắn sai bọn cướp giết ngay ngoài đường. Con hắn cũng dâm bạo.
Vương có một bà thím goá chồng. Cả hai cha con cùng gian dâm với
bà. Vợ là Cừu thị mấy lần can ngăn Vương, Vương liền thắt cổ
nàng cho chết.
Anh em họ Cừu kiện lên quan thì Vương đút lót để người cáo giác
mình phải mang tội vu khống. Hai anh em chịu oan uất không có
cách gì phân giải được, bèn tìm đến Thôi để kêu cầu, tố cáo.
Song bị Thân cự tuyệt đuổi đi. Vài ngày sau có khách đến, gặp
lúc không có người hầu ở nhà. Thôi bảo Thân pha trà, Thân làm
thinh đi ra nói với người khách rằng:
- Tôi với Thôi Mãnh chẳng qua cũng là bạn bè thôi. Theo nhau đi
đày ở ngoài muôn dặm, không thể nói là không tận tình. Thế mà đã
không trả công cho đồng nào lại sai khiến như đầy tớ, thì chịu
sao cho nổi.
Nói xong, hằm hằm sắc mặt bỏ đi. Có người nói lại với Thôi. Thôi
lấy làm lạ sao Thân đổi tính thay nết như vậy, nhưng cũng chưa
coi là kỳ cho lắm. Bỗng Thân lên quan kiện Thôi ba năm không trả
tiền công cho mình.
Thôi kinh dị quá, phải thân đứng ra đối chất . Thân phẫn uất
tranh cãi.
Quan cho là lý không ngay thẳng, trách mắng, đuổi đi.
Lại mấy ngày sau, bỗng đang đêm Thân vào nhà họ Vương bắt cả hai
cha con, người thím, người dâu giết tất rồi dán giấy vào vách,
tự viết tên họ mình. Khi cho truy bắt thì đã đào vong mất tích.
Nhà họ Vương nghi cho Thôi Mãnh là chủ mưu. Quan không tin.
Thôi mới hiểu, câu chuyện kiện tụng Thân bày ra trước đây là vì
sợ giết người sẽ liên luỵ đến mình. Các địa đầu châu ấp phụ cận
truy nã rất gắt. Vừa lúc giặc Sấm nổi loạn, việc ấy mới xếp lại.
Chẳng bao lâu nhà Minh mất ngôi. Thân đem gia quyến về, lại nối
tình thân với Thôi như xưa. Lúc bấy giờ, giặc cỏ tụ tập như ong.
Vương có đứa cháu họ tên là Ðắc Nhân, tập họp bọn vô lại do chú
chiêu mộ ngày trước, chiếm cứ núi non làm giặc kéo đi đốt cướp
xóm làng.
Một đêm, chúng dốc hết cả sào huyệt kéo đến, rêu rao là để phục
thù. Lúc đó Thôi không có nhà. Khi giặc phá cửa, Thân mới tỉnh
dậy vượt qua tường nấp trong bóng tối.
Giặc sục sạo tìm Thôi, không thấy, bắt vợ Thôi, vơ vét của cải
rồi đi.
Thân trở vào, chỉ có một người đầy tớ, phẫn chí đến cực điểm,
bèn cắt một sợi dây thừng thành mấy chục khúc, đem những khúc
ngắn trao cho người đầy tớ, còn mình giữ lấy những khúc dài. Dặn
người đầy tớ phải vượt qua sào huyệt giặc, trèo lên lưng chừng
núi, châm lửa vào dây thừng rồi treo lên các bụi gai, xong thì
cứ bỏ đấy về ngay, đừng ngoái lại.
Người đầy tớ vâng lời ra đi.
Thân nhìn thấy bọn giặc đứa nào cũng thắt dây lưng đỏ, và buộc
miếng the đỏ trên mũ, bèn cũng bắt chước nguỵ trang như vậy. Có
một con ngựa cái đã già, mới đẻ con, giặc bỏ lại ngoài cửa. Thân
buộc con ngựa con lại, cưỡi ngựa mẹ, ngậm tăm ra đi, thẳng đến ổ
giặc.
Giặc đóng ở một thôn lớn.
Thân buộc ngựa ngoài thôn, trèo tường vào, thấy bọn giặc còn
lăng xăng, rối rít, giáo mác cầm trên tay chưa kịp buông. Thân
vồ hỏi mấy đứa, biết vợ Thôi còn ở chỗ tên Vương.
Một lát, nghe truyền lệnh cho quân nghỉ, tiếng dạ như sấm ran.
Bỗng có người báo núi phía Ðông có lửa. Bọn giặc cùng nhau đứng
trông. Lúc đầu mới chỉ có một hai chấm, rồi thì nhiều như sao
sa.
Thân dồn hơi kêu lên rất gấp rằng mé núi phía Ðông có động! Tên
Vương cả kinh, nai nịt lại, dẫn quân ra.
Thân thừa dịp tụt lại phía sau bọn chúng rồi quay mình đi luôn
vào trong trại. Thấy hai tên giặc đứng canh ở dưới trướng. Chàng
phỉnh chúng, nói:
- Vương tướng quân bỏ quên thanh bội đao ở đây!
Hai tên thay nhau tìm kiếm. Thân đứng đằng sau chém tới, một tên
ngã nhào, đứa kia ngoảnh lại nhìn, Thân liền chém nốt. Rồi cõng
vợ Thôi vượt tường mà ra, mở ngựa trao dây cương dặn:
- Nương tử không biết đường, cứ để mặc cho ngựa đi.
Ngựa nhớ con bon bon chạy. Thân theo sau, đến một hẻm núi, chàng
châm lửa vào sợi dây thừng, treo khắp nơi rồi mới chạy về.
Ngày hôm sau Thôi trở về nhà, cho là điều đại sỉ nhục, bồn chồn,
tức tối ra mặt, muốn đơn phương độc mã đi dẹp giặc. Thân phải
can ngăn mới thôi. Bèn triệu tập người làng cùng bàn tính mưu
kế.
Chúng đều khiếp sợ, không ai dám hưởng ứng. Giảng giải khuyên dụ
đến vài bốn lần mới được hơn hai mươi người dám đi. Nhưng khổ
nỗi lại không có khí giới. Vừa khi ấy lại trói hai tên gian tế
trong một nhà bà con của Ðắc Nhân. Thôi muốn giết ngay, Thân
không cho, hạ lệnh cho hai mươi người cầm gậy, dàn ra trước mặt,
rồi cắt tai cả hai đứa mà thả cho về. Mọi người đều oán, nói
rằng:
- Một đám quân gia thế này, đang sợ giặc nó biết được, thế mà
lại cho hai thằng kia nhìn thấy hết. Nếu bất chợt chúng dốc toàn
đội kéo xuống đây thì đóng cổng làng, cũng không sao giữ được!
Thân đáp:
- Chính tôi muốn cho chúng nó xuống!
Bèn cho bắt kẻ giấu giặc trong nhà đem giết đi. Rồi sai người đi
mọi nơi mượn cung nỏ, súng kíp, lại lên ấp mượn hai cỗ pháo lớn.
Trời vừa tối, chàng dẫn tráng sĩ đến chỗ hẻm núi, đặt pháo vào
nơi xung yếu, cho hai người cầm lửa nấp ở đấy, dặn hễ thấy giặc
mới phát hoả.
Lại đi đến phía Ðông cửa hang, chặt cây đặt lên dốc núi.
Thế rồi Thân và Thôi mỗi người lĩnh một suất hơn mười người chia
ra mai phục hai bên bờ. Gần hết canh một, xa xa nghe tiếng ngựa
hí, ngầm xem xét, giặc quả ồ ạt kéo đến từng xâu dài, liên miên
không dứt.
Chờ chúng đã đi vào cả trong lũng rồi, bèn đẩy cây lăn xuống để
chặn đường về.
Một lát, tiếng pháo nổ ran, tiếng hò reo chuyển động cả khe núi.
Giặc rút mau, dẫm đạp lên nhau, đến chỗ hẻm phía Ðông, không
thoát ra được, dồn cục một đống. Hai bên bờ, tên đạn giáp công,
khí thế như mưa bay gió cuốn. Quân giặc, đứa đứt đầu, đứa gãy
chân, nằm gối lên nhau, ngổn ngang trong rãnh, chỉ sót lại hai
mười đứa, quỳ gối xin chuộc mệnh; bèn sai người trói cả lại giải
đi. Thừa thắng tiến thẳng lên sào huyệt giặc. Bọn giặc giữ trại
nghe hơi chạy trốn sạch; bao nhiêu đồ đạc đều lục tìm kỳ hết đem
về.
Thôi cả mừng, hỏi Thân về mưu kế đốt lửa. Thân nói:
- Ðốt lửa ở phía Ðông, vì sợ chúng đuổi ở bên Tây; dùng thừng
ngắn là để cho mau cháy hết, vì sợ chúng dò biết là không có
người; lại đốt ở cửa hang, vì sợ cửa hang rất hẹp, một người
cũng đủ chặn giữ. Bọn chúng đuổi tới, thấy lửa, tất phải sợ. Ðó
đều là hạ sách, mạo hiểm mà dùng trong lúc nhất thời thôi.
Bắt mấy tên giặc lên hỏi thì quả nhiên khi đuổi đến cửa hang
thấy lửa, chúng đều hoảng sợ mà lui bước.
Hơn hai mươi tên cướp bắt được đều bị xẻo tai cắt mũi rồi thả
cho về. Từ đó, họ Thôi và họ Thân uy danh lừng lẫy. Những người
tị nạn xa gần theo về như chợ, vì vậy mà tổ chức được một đoàn
dân binh hơn ba trăm người.
Bọn cường hào ở các nơi không dám phạm đến nữa; cả một vùng nhờ
đó mà được yên. |