Nói về Châu Tín lãnh ba ngàn quân đến Ðông
môn, thấy cửa thành mở rồi liền kéo binh rần rộ xông vào.
Dương Tiển cầm cấy đao ba mũi, gọi lớn :
- Châu Tín, ngươi đến đây nạp mạng . Ta đố ngươi chạy đâu cho
khỏi.
Nói rồi đâm tới một đao.
Châu Tín rán sức bình sanh giao đấu.
Lý Kỳ lãnh ba ngàn nhân mã dẫn đến Tây môn, mới xông vào thành
đã bị Na Tra chận lại đánh.
Châu Thiên Lân kéo ba ngàn binh mã xông vào cửa Nam thành.
Gặp Ngọc Ðảnh chơn nhơn đón lại.
Còn Lữ Nhạc và Dương Văn Huy kéo binh đến cửa Bắc thành .
Huỳnh Long chơn nhơn cỡi hạc bay ra hét lớn :
- Lữ Nhạc ! Ngươi khinh địch hãm thành, nay mắc kế còn chạy
đường nào nữa ?
Lữ Nhạc thấy Huỳnh Long chơn nhơn liền hét lớn :
- Ngươi tài phép gì mà dám nói cao như vậy ?
Nói rồi rút bửu kiếm chém liền.
Huỳnh Long chơn nhơn đưa gươm ra đỡ.
Lữ Nhạc hiện ra ba đầu sáu tay mà đánh. Ấy là chơn tiên cự với
Chúa ôn hoàng dịch lệ.
Bầy giờ Dương Tiển cự với Châu Tín tại Ðông môn, vừa được ít
hiệp, Dương Tiển sợ để lâu binh Thương vào thành hại bá tánh
liền ném con Hạo Thiên Khuyển lên cắn ngang cổ Châu Tín .
Châu Tín mắc xô con chó bị Dương Tiển chém một đao rụng đầu,
linh hồn bay lên đài Phong thần .
Dương Tiển đánh binh Thương chạy vỡ rồi đi qua cửa khác ứng tiếp.
Na Tra đánh với Lý Kỳ tại Tây môn, đánh được ít hiệp, Nay Tra
bèn quăng Càn Khôn Quyện lên đánh nhằm Lý Kỳ ngã lăn. Na Tra đâm
tiếp một giáo linh hồn Lý Kỳ bay lên đài Phong thần.
Ngọc Ðảnh chơn nhơn đánh với Châu Thiên Lân ở cửa Nam.
Qua một hồi giao đấu, Ngọc Ðảnh quăng gươm trảm tiên chém Châu
Thiên Lân đứt làm hai đoạn, hồn Châu Thiên Lân cũng bay lên đài
Phong thần.
Chỉ còn Huỳnh Long chơn nhơn tại Bắc môn đánh không lại Lữ Nhạc
liền giục hạc bay vào thành.
Lữ Nhạc và Dương Văn Huy đuổi theo.
Dương Văn Huy hét lớn :
- Huỳnh Long chơn nhơn chạy đi đâu cho khỏi chết ?
Na Tra thấy Lữ Nhạc và Dương Văn Huy đuổi theo Huỳnh Long , giục
xe đến hét lớn :
- Lữ Nhạc, đừng hành hung, có ta đến trợ chiến .
Nói rồi xông tới đâm liền. Bỗng có Dương Tiển và Ngọc Ðảnh chơn
nhơn cũng đến kịp hiệp lực nhau đánh Lữ Nhạc.
Bên Lữ Nhạc chỉ có một mình Dương Văn Huy sống chết với thầy,
còn Trịnh Luân kéo đạo quân tiếp viện vào thấy mặt Na Tra đã
thất kinh bỏ trốn mất .
Bấy giờ Tử Nha bệnh mới giảm, còn yếu lắm. Có các đồ đệ là Lôi
Chấn Tử , Kim Tra, Mộc Tra , Long Tu Hồ , Hoàng Thiên Hóa , Thổ
Hành Tôn đứng hầu một bên.
Bỗng nghe tiếng trống rung dậy đất , quân ó vang trời thất kinh
hỏi :
- Vì sao bốn mặt thành đều náo động vậy ?
Các đệ tử đều thưa :
- Chúng tôi không rõ.
Lôi Chấn Tử nói :
- Ðể tôi đi xem thử .
Nói rồi vỗ cánh bay lên. Giây phút trở lại thưa :
- Lữ Nhạc khinh địch hảm thành , Dương Tiển , Na Tra và hai vị
đạo sư đang hổn chiến.
Các đệ tử nghe nói nổi giận đồng la lên :
- Hôm nay không giết Lữ Nhạc còn đợi chừng nào .
Cả năm người đều ra thành, Tử Nha cản lại không kịp .
Kim Tra đến nơi, kêu Dương Tiển và Na Tra , nói :
- Hai anh em ráng giữ gìn đừng cho Lữ Nhạc chạy khỏi .
Nói rồi quăng Ðộn Long Thun lên.
Lữ Nhạc biết phép ấy lợi hại lắm, thất kinh vỗ đầu con lạc đà
bay lên như gió.
Dương Văn Huy thấy vậy cũng chạy theo thầy .
Bấy giờ trong thành bắt được một mớ binh Thương rất đông . Chúng
xin đầu hàng hết.
Thày trò Lữ Nhạc bay đến một hòn núi kia dừng chân lại nơi một
cội tòng nghỉ mệt, Lữ Nhạc than với Dương Văn Huy :
- Ngày nay bại trận, danh tiếng không còn. Ta phải đi tìm một
vài anh em đến báo thù mới được.
Nói vừa dứt tiếng bỗng nghe xa xa có tiếng ngâm :
Ráng đỏ khói đen ẩn bấy lâu
Không vinh , không nhục , cũng không sầu
Chẳng say tửu ấc say mùi ầhú
Không nếm công danh nếm phép mầu
Mới chỉ tay tiên hùm cúi mặt
Vừa quăng chày báu quỉ bay đầu
Ðừng chê tuổi nhỏ thần thông thấp
Yêu mị tà ma cả thảy thâu
Lữ Nhạc nhìn lại thấy một người nữa tiên nữa tục , mình mặc áo
đạo , đầu đội kim khôi, cầm Gián ma xử vừa đi, vừa ca .
Lữ Nhạc đứng dậy hỏi :
- Ðạo sĩ là ai ? Ði đâu đó ?
Người kia đáp :
- Ta là Vi Hộ, học trò Ðạo Hạnh Thiên Tôn , núi Kim Ðình, động
Ngọc Ốc, vâng lịnh thầy xuống Tây Kỳ giúp Tử Nha quá ngũ quan,
phạt Trụ . Nay nhân dịp bắt Lữ Nhạc lập công.
Dương Văn Huy nghe nói nổi giận hét lớn :
- Ngươi tài cán bao nhiêu mà dám phách lối .
Vừa nói vừa chém Vi Hộ một nhát .
Vi Hộ đở gươm và cười :
- À ! Té ra ta gặp may ! Không tìm mà gặp Lữ Nhạc ở đây .
Ðánh được ít hiệp Vi Hộ quăng Gián ma xử lên. Vũ khí nầy như cây
chày nện vải luyện phép rất hay, cầm trên tay thì nhẹ như bông,
nhưng đánh nhằm người thì nặng như núi . Ðó là một vũ khí lợi
hại phi thường.
Dương Văn Huy đỡ không nổi bị Giản ma xử nện bể đầu, linh hồn
bay thẳng lên đài Phong thần.
Có bài thơ rằng :
Trong lò Bát quái luyện hằng lâu
Chày Gián ma xử rất nhiệm mầu
Vi Hộ ngày sau thành Hộ pháp
Văn Hu nnh gặp nát gan đầu
Lữ Nhạc thấy Văn Huy bị chày phép đánh nát óc, nổi giận lướt tới
hét :
- Yêu nghiệt. Dám khi ta sao ?
Liền vung gươm chém .
Vi Hộ đánh được bảy hiệp , quăng Gián ma xử lên, Lữ Nhạc biết cự
không lại, độn thổ trốn mất.
Vi Hộ thâu Gián ma xử , thẳng đến thành Tây Kỳ, gọi quân bảo vào
thưa với Tử Nha rằng :
- Có đạo đồng xin ra mắt sư thúc.
Tử Nha truyền thỉnh vào trong, Vi Hộ vào làm lễ và thưa :
- Ðệ tử là Vi Hạ học trò Ðạo Hạnh Thiên Tôn ở núi Kim Ðình ,
động Ngọc ốc, vâng lệnh thấy đến hầu sư thúc giúp việc chiến
chinh.
Ði dọc đường đệ tử đánh Lữ Nhạc chạy mất và giết được một đạo sĩ
không biết tên chi.
Tử Nha nghe nói mừng rỡ, dọn tiệc đãi đằng.
Còn Lữ Nhạc chạy về Cửu Long đảo , cố tình luyện những cây lọng
phép để ngày sau lập trận Ôn hoàng báo oán.
Bấy giờ Tô Hộ thấy Lữ Nhạc chạy mất, Trịnh Luân thất trận về
dinh, liền khuyên Trịnh Luân đầu Châu.
Trịnh Luân vẫn không chịu .
Tô Hộ nghĩ mình mắc tội với Tử Nha nhiều lắm, nên ngày đêm rầu
rĩ , tính không biết làm sao để đầu Châu cho trọn.
Tô Toàn Trung nói :
- Hay là cha con mình bỏ cả binh tướng sang đầu một mình .
Tô Hộ nói :
- Ta có con gái là Ðắt Kỷ đang làm Chánh cung tại triều, nếu kéo
cả binh gia đến quy hàng, thế nào Thừa Tướng cũng nghi kỵ .
Toàn Trung cũng không biết làm sao, ngậm buồn than thở.
Ðây nói về động Vân Tiêu, núi Thái Hoa ông Xích Tinh Tử đang
ngồi luyện phép bỗng có Bạch hạc đồng tử vâng lịnh Nguyên Thỉ
đem giấy tới .
Xích Tinh Tử quì nghe đọc, rồi đứng dậy tạ ơn.
Bởi Tử Nha đã gần đến ngày đăng đàn bái tướng, cám quân qua năm
ải phạt Trụ, nên Giáo chủ Xiển giáo triệu tập một ngày hội chư
tiên.
Bạch Hạc đồng tử thông báo xong, giã từ lui gót, Xích Tinh Tử
thấy học trò mình là Ân Hồng đứng hầu hạ liền nói :
- Số ngươi ít phước không thành tiên. Nay Võ vương là thánh chúa
ra đời, sư thúc ngươi là Tử Nha gần làm Nguyên soái cử binh vào
lấy năm ải, hội chư hầu nơi Mạnh Tân để cùng cứu dân phạt Trụ .
Ta muốn sai ngươi xuống Tây Kỳ trợ lực với sư thúc ngươi cho
thuận lòng trời nhưng chỉ sợ có một điều.
Ân Hồng hỏi :
- Thầy ái ngại điều gì mà chẳng nói ?
Xích Tinh Tử nói :
- Vì ngươi là con vua Trụ chắc ngươi không chịu đầu Châu.
Ân Hồng nói :
- Ðệ tử tuy là con Trụ vương song có thù nặng với Ðắt Kỷ. Bởi
phụ vương tôi nghe lời Ðắt Kỷ mới khoét mắt và đốt hai tay mẹ
tôi là Khương hậu chết tại Tây cung. Lòng tôi ngày đêm khôn quên
hận cũ, quyết bắt Ðắt Kỷ mổ gan, trả thù cho mẫu thân tôi , dẫu
tôi có chết cũng đành.
Xích Tinh Tử nói :
- Tuy ngươi nói vậy , song sợ sau này đổi ý .
Ân Hồng nói :
- Lẽ nào đệ tử đám cãi lệnh tiên sư .
Xích Tinh Tử mừng rỡ lấy áo Tử Thọ tiên y, Thủy Hỏa Phong và Âm
Dương Cảnh cầm trong tay và dặn :
- Sau nầy ngươi đến ải Giai Mộng sẽ gặp bà Hỏa Linh thánh mẫu ,
vị tiên nương này đầu đội mão kim hà, hào quang chiếu ra ba bốn
mươi trượng, vì vậy người khác không thấy được bà ta , trái lại
bà ta trông người khác rất rõ. Nếu gặp phép ấy, ngươi phải dùng
chiếc áo tiên nầy thì mới trừ được. Còn đây là kiếng Âm Dương,
một phía màu trắng, một phía màu đỏ , chiếu bên trắng thì tướng
địch chết giấc, còn chiếu bên đỏ thì tướng địch hoàn hồn. Còn
Thủy Hỏa Phong là vật để cầm tay làm khí giới . Thôi, ngươi
xuống Tây Kỳ cho kịp , không bao lâu ta cũng đến đó trợ lực.
Nói rồi trao báu vật.
Ân Hồng lảnh áo mặc vào , cất Âm Dương kiếng, cầm Thủy Hỏa Phong
lạy thầy dời gót.
Xích Tinh Tử bỗng nghĩ thầm :
- Vì tưởng tình thầy trò trao hết báu vật cho nó , song nó là
con Trụ vương, nếu nó phản phúc mình mới tình làm sao đây ?
Nghĩ rồi gọi Ân Hồng lại .
Ân Hồng trở vào quì thưa :
- Sư phụ còn dạy điều gì ?
Xích Tinh Tử nói :
- Thầy tin lòng con , trao hết bửu bối. Con chớ nên cãi lời thầy
phò Trụ đánh Châu.
Ân Hồng nói :
- Không nhờ thày cứu mạng thì đã chết rục xương rồi, còn đâu
sống đến ngày nay. Con nào dám cải lời thầy, quên ơn dạy dỗ.
Xích Tinh Tử nói :
- Hoàn cảnh hay làm thay đổi lòng người, cho nên lời nói không
có gì cầm chắc được.
Ân Hồng không biết nói sao, liền thề rằng :
- Nếu con cải lời thầy thân thể con sẽ hóa thành tro bụi.
Xích Tinh Tử nói :
- Hễ thề thì mắc , thắt thì rối, chớ có dễ ngươi. Thôi con đi đi
và phải nhớ lời.
Ân Hồng liền độn thổ thẳng xuống Tây Kỳ.
Ði được một buổi , bỗng thấy lòng buồn, mến cảnh nước non , liền
trồi đầu lên, thấy một núi cao ngất, phong cảnh tốt tươi, hoa cỏ
sum suê.
Ân Hồng đang mải mê với cảnh đẹp, xảy nghe trong từng rậm tiếng
chiêng inh ỏi, có một người chạy ra, mặt đen như lọ, hai con mặt
tròn vo như hai cái lục lạc, chân mày rậm, cỡi ngựa ô mặc giáp
vàng, cầm giản bạc, lướt lên núi nạt lớn :
- Ngươi là đạo đồng ở đâu dám đến đây thám thính .
Nói rồi đập một giản.
Ân Hồng đưa giáo ra đỡ , hai bên hỗn chiến một hồi chưa rõ hơn
thua.
Bỗng có một người từ dưới đất trồi lên, gọi người mặt đen nói :
- Anh đừng sợ, có tôi trợ chiến.
Người mới đến đội mão đầu cọp , mặt đỏ , râu đài, cầm giáo đồng
, xông đến trợ chiến với người mặt đen, cố giết cho được Ân Hồng
.
Ân Hồng cự không lại , sực nhớ đến tấm kiếng Âm Dương của thầy
mình cho, liền dùng thử xem phép có mầu nhiệm không cho biết .
Ân Hồng vừa đưa kính lên, chiếu bề trắng vào mặt hai tướng , hai
tướng ấy lập tức sa xuống đất, nằm bất tĩnh.
Ân Hồng mừng quá không ngờ báu vật của tiên gia thần thông đến
thế . Tron lúc đang mừng rỡ thì phía sau núi lại có thêm hai
tướng nữa xông tới.
Gai tướng nầy một người mặt trắng, một người mặt vàng, tóc cụt ,
râu rìa, cầm giáo bạc, mặc áo đỏ , lướt tới chém Ân Hồng.
Ân Hồng sợ quá sẳn kiếng phép còn cầm trên tay, vội chiếu tức
thì. Một tướng sa xuống ngựa, còn một tướng thấy Ân Hồng phép
thuật như vậy bỏ chạy ra xa, quì gối lạy lục thưa :
- Xin đại tiên rộng lượng dung tha cho kẻ thất lễ.
Ân Hồng nói :
- Ta không phải là tiên, mà là con trai của Trụ Vương. Ta là Ân
Hồng nhị điện hạ.
Người ấy vội lạy sát đất, nói :
- Chúng tôi không biết Ðiện hạ đến đây, không tiếp nghinh, xin
Ðiện hạ tha tội.
Ân Hồng nói :
- Các ngươi không phải là giặc, ta không giết làm gì .
Nói rồi lấy kiếng chiếu vào mặt ba người về phía máu đỏ, tức thì
ba người ấy tỉnh lại như thường.
Ba người lồm cồm ngồi dậy, chưa hiểu việc gì cả, trợn mắt nhìn
Ân Hồng mắng :
- Yêu đạo, dám khi dễ chúng ta sao !
Người kia gọi lớn :
- Ba anh chớ nên thất lễ ! Ngài là Ân Ðiện hạ chứ không phải đạo
đồng.
Ba người nghe nói đều quỳ lạy, Ân Hòng hỏi :
- Bốn vị tên họ là chi ?
Người lớn tuổi hơn giới thiệu :
- Bốn chúng tôi là Bàng Hoằng, Lưu Phủ, Tuân Chương, và Tất Hoàn
đều chiếm cứ núi Bhị Long, tụ đảng tại Huỳnh Phong lảnh .
Ân Hồng nói :
- Ta xem bốn ngươi không phải thảo khấu, thật đáng bậc anh hùng,
vậy hãy theo ta đến Tây Kỳ phò châu diệt Trụ.
Lưu Phủ hỏi :
- Ðiện hạ là dòng giống Thành Thang. sao lại không phò Trụ diệt
Châu, lại phò Châu đánh Trụ.
Ân Hồng nói :
- Tuy phụ vương là cha ta , song lỗi đạo cang thường, theo tà bõ
chánh nên chư hầu không phục, thiên hạ không thương. Nay ta
không dám cải trời, phải phò Châu, giết Ðắt Kỷ mà cứu dân. Chẳng
hay binh mã các ngươi được bao nhiêu ?
Bàng Hoằng nói :
- Nội trại tôi có hơn ba ngàn binh mã.
Ân Hồng nói :
- Ngươi theo ta đến giúp Tây Kỳ thế nào cũng được hiển vinh
Bốn tướng vòng tay thưa :
- Nếu được Ðiện hạ dìu dắt thì chúng tôi xin làm kẻ tùy tùng để
Ðiện hạ sai khiến.
Nói rồi mời Ân Hồng về trại thết đãi một bữa, kiểm điểm binh mã,
dựng cờ Tây Châu, đốt trại kéo đi.
Ân Hồng và bốn tướng đang nhằm Tây Kỳ thẳng tới , thình lình có
một người cỡi cọp chạy đến. Quân sĩ trông thấy thất kinh la lớn
:
- Cọp dữ ! Cọp dữ !
Người cỡi cọp xuống lưng thú, nói :
- Không sao ! Cọp ta nuôi, có ta đây nó không dám ăn ai mà sợ .
Hãy báo với Ân điện hạ, có ta xin ra mắt.
Mấy tên quân đi đầu trở lại bảo với Ân Hồng .
Ân Hồng vốn là đệ tử của thần tiên, nghe nói có đạo sĩ xin ra
mắt thì tỏ vẻ kính trọng, liền mời đến.
Ðạo sĩ này mặt trắng, râu dài , bước đến bái Ân Hồng.
Ân Hồng đáp lễ và hỏi :
- Ðạo trưởng là ai ?
Ðạo sĩ nói
- Tôi là Xiển giáo, đệ tử cung Ngọc Hư, cùng đạo với sư phụ của
Ðiện hạ.
Ân Hồng bái và nói :
- Thế thì tôi gọi bằng sư thúc , chẳng hay sư thúc có việc gì
chỉ dạy ?
Ðạo sĩ nói :
- Ta là Thân Công Báo đi ngang qua đây gặp Ðiện hạ nên phải
viếng thăm. Chẳng hay Ðiện hạ đi đâu vậy ?
Ân Hồng nói :
- Nay đệ tử vâng lệnh thầy đến Tây Kỳ phò Võ vương diệt Trụ.
Thân Công Báo làm mặt giận nói :
- Có lẽ nào như vậy . Ngươi kêu vua Trụ là gì ?
Ân Hồng nói :
- Vua Trụ là cha đẻ của tôi.
Thân Công Báo hét lớn :
- Trong thiên hạ không có ai phò người dưng đánh lại cha mình
bao giờ.
Ân Hồng nói :
- Phụ vương tôi vô đạo, các chư hầu làm phản, nhơn dân không
kính phục, dù có con thảo chúa cũng không cứu nổi.
Thân Công Báo cười nhạt :
- Ngươi là người con bất hiếu bất nghĩa, dù cha mẹ có lỗi đến
đâu con há lại đi đánh cha mẹ sao ? Anh em ruột thịt người ta có
chém nhau cũng chém bề sống, không ai chém bề lưỡi bao giờ ? Kẻ
nào khiến ngươi làm cái chuyện phi nhân như vậy ?
Ân Hồng nói :
- Thầy tôi thông hiểu thiên cơ , tinh thông lý số, biết thế nào
giang sơn cũng về nhà Châu, nếu tôi nghịch lòng trời thì mất
mạng.
Thân Công Báo nói :
- Thầy ngươi mang tiếng là kẻ tu hành, sao lại nói chuyện ác như
vậy , nếu nói là Trụ Vương bạo ngược, nên trời phạt, thì người
sai con xuống đánh cha không phải ác độc gấp mấy lần Trụ vương
hay sao ? Ngươi đừng nghe một lũ độc tài ấy biểu làm loạn nhân
gian, gây sóng gió cho cuộc sống loài người.
Ân Hồng nói :
- Không phải tôi dám phụ tình cha con, song Ðắt Kỷ đã khoét mắt
, đốt tay mẹ tôi , tôi quyết phò Châu, bắt Ðắt Kỷ mà trả thù.
Thân Công Báo nói lớn :
- Thật là dại dột. Ngươi đã tiêm nhiễm giáo điều của Xiển giáo
rồi, đưa ra một lý lẽ mơ hồ, buộc mọi người phải chung sức làm
theo ý kiến độc tài của họ. Ta hỏi ngươi, nếu thù với Ðắt Kỷ
ngươi cứ việc bắt Ðắt Kỷ đem chém đi không được hay sao mà phải
phò Châu đánh cha ngươi, lấy hết giang san của cha ngươi đưa cho
người khác . Ngày kia, ngươi phá hết Tông miếu của Thành Thang,
trừ hết hoàng tộc, rồi ngươi chết xuống suối vàng còn mặt mũi
nào nhìn thấy tổ phụ , chỉ có những bọn giả nhân giả nghĩa mới
bảo người làm điều phi nhân như vậy.
Ân Hồng nói :
- Nhưng phụ vương tôi bạo ngược, làm cho khí số Thành Thang phải
đứt, tôi làm sao cứu vản nổi . Như phò Trụ diệt Châu là trái với
ý trời .
Thân Công Báo nói :
- Ý Trời là gì ? Có phải ngươi muốn nói vì Trụ vương vô đạo nên
thiên hạ oán hận và theo phò kẻ khác không ? Nếu vậy thì trời là
kẻ có quyền lực sao không giết kẻ ác đi, để cho ngôi vua về tay
kẻ khác, lại chủ trương một cuộc đao binh, giết hàng loạt dân
chúng, làm cho kẻ vô tội bị máu đổ xương rơi , cảnh thảm khốc
rơi vào đầu mọi người . Họ có tội gì ? Tướng lảnh nhà Thương có
tội gì ? Nhân dân nhà Thương có tội gì ?
Ân Hồng nghe Thân Công Báo nói một hồi mặt ngơ ngáo , nói :
- Nhưng khí số nhà Thương đã hết ...
Thân Công Báo nói :
- Ai định cái khí số ấy ? Nếu ngươi thấy Trụ vương vô đạo thì
trở về cùng với triều thần truất phế, đưa người nhân đạo lên
ngôi , trừ Ðắt Kỷ, đem lại cho dân chúng hạnh phúc thái bình, ấy
là đạo làm con , tại sao lại giúp người khác đánh cha mình, mà
gọi là thuận lòng trời . Trời có bảo làm con đánh cha là nhân
đạo không?
Ân Hồng thấy Thân Công Báo nói có lý, cúi đầu ngẩm nghĩ một hồi
rồi nói :
- Lời thày luận cũng phải, song tôi đã lở lời thề với sư phụ tôi
, nên phải phò Châu đánh Trụ .
Thân Công Báo hỏi :
- Ngươi thề làm sao ?
Ân Hồng nói :
- Tôi thề nếu tôi không phò Châu đánh Trụ thì thân thể tôi bị
nát như tro .
Thân Công Báo nói :
- Có bao giờ thân thể lại nát như thế được , ấy là lời thề không
quan hệ . Mà ví dầu thân thể có nát như tro còn sung sướng hơn
phải mang tiếng bất hiếu , bất trí , bất nhân, bất nghĩa . Nếu
như ngươi hồi tâm, nghe theo lời ta, kéo xuống đánh Châu trước
dẹp loạn sau về cũng cố triều đình , đwm lại nhân đức thì lòng
dân sẽ qui về, và ngươi sẽ trị vì thiên hạ .
Ân Hồng nghe theo lời Thân Công Báo, nói :
- Ðạo trưởng nói rất phải . Tôi sẽ phò Trụ diệt Châu .
Thân Công Báo nói :
- Như vậy mời đúng với nhân luân . Hiện nay Tô Hộ đang đánh với
Tử Nha tại Tây Kỳ, ngươi đem binh đến đó trợ chiến. Ta đi thỉnh
một vị thần thông quảng đại, ít ngày sẽ đến giúp ngươi .
Ân Hồng nói :
- Tô Hộ là cha Ðắt Kỷ, mà Ðắt Kỷ là cừu nhân của tôi, lẻ nào tôi
chung sống với kẻ thù ?
Thân Công Báo nói :
- Bây giờ là lúc ngươi gánh vác nợ nước, chưa phải lúc nghĩ đến
thù nhà. Lúc nào ngươi dẹp yên bốn biển, chỉnh đốn đến triều
đình ngồi trên ngôi cửu ngũ, chừng ấy ngươi muốn báo thù rửa hận
không khó .
Ân Hồng bái và thưa :
- Lời thầy đạy phải lắm.
Thân Công Báo nói xong giả từ, cỡi cọp ra đi .
Cũng vì Công Báo nhiều lời nói
Khiến nổi Ân Hồng nát thịt xương
Khi ấy Ân Hồng bỏ cờ Châu dựng cờ Thương , kéo xuống Tây Kỳ ,
thấy Tô Hộ đang đóng trại dưới thành.
Ân Hồng truyền Bàng Hoằng mời Tô Hộ ra mắt.
Bàng Hoằng vâng lệnh đến trước cửa thành kêu lớn :
- Có Ân nhị điện hạ mời Tô hầu ra mắt cho mau .
Quân vào báo, Tô Hộ nghĩ thầm :
- Ðiện hạ trước kia gió bay mất rồi, nay sao còn Ðiện hạ nào nữa
? Vả lại ta vâng sắc chỉ chinh Tây, đương nhiên là một vị Ðại
thần, ai lại dám gọi ta ra mắt .
Nghĩ rồi truyền quân đòi sứ vào , quân dắt Bàng Hoằng đến trước
trướng .
Tô Hộ thấy Bàng Hoằng mặt mày hung dữ , liền hỏi :
- Ngươi là binh tướng của ai, và Ðiện hạ nào sai ngươi đến đây ?
Bàng Hoằng nói :
- Tôi chỉ biết vâng lệnh Nhị điện hạ vào đây thỉnh lão tướng
quân .
Tô Hộ ngẩm nghĩ rồi nói :
- Năm trước Ân Giao, Ân Hồng đã bị gió bay, nay còn Nhi điện hạ
nào nữa ?
Trịnh Luân nói :
- Năm trước bị gió bay có lẽ do thần tiên cứu mạng, nay thấy
quốc gia ly loạn nên thần tiên cho xuống trần chăng ? Xin quân
hầu đến đó xem thử thế nào ?
Tô Hộ nghe lời dắt Trịnh Luân đi đến.
Bàng Hoằng vào báo .
Ân Hồng truyền tả hữu mời vào .
Tô Hộ , Trịnh Luân bước tới đồng bái và nói :
- Chúng tôi mặc giáp trong mình làm lễ không trọn. Chẳng hay
Ðiện hạ là chi phái nào của Thành Thang ?
Ân Hồng nói :
- Ta là dòng chánh, Nhị điện Ân Hồng. Bởi phụ vương ta nghe lời
Ðắt Kỷ hại mẹ con ta, trói anh em ta nơi pháp trường, nhưng chưa
kịp xử tử thì có tiên đến cứu đem về núi tập luyện võ nghệ . Nay
ta đến đây trợ ngươi, ngươi không biết ta sao ?
Trịnh Luân mừng rỡ nói :
- Nay gặp Ðiện hạ đây thật Thành Thang có phước.
Ân Hồng truyền Tô Hộ hiệp binh một chổ , rồi ra khách và nói:
- Mấy bữa nay ngươi đánh với Võ vương thắng bại lẽ nào .
Tô Hộ thuật hết mọi việc.
Ân Hồng liền đổi sắc phục.
Rạng ngày Ân Hồng dẫn binh đến dưới thành khiêu chiến xưng mình
là Ðiện hạ nhà Thương.
Quân vào báo .
Tử Nha ngẩm nghĩ nói :
- Trụ vương không con nay lại có Ðiện hạ nào khiêu chiến ?
Hoàng Phi Hổ thưa :
- Trụ vương có hai người con trai là Ân Giao và Ân Hồng, bị gió
thổi bay mất, có lẽ ngày nay trở về chăng ? Ðể rồi ra xem thì
biết chơn giả .
Nói rồi mấy cha con đồng ra thành.
Hoàng Phi Hổ thấy Ân Hồng mặc quần áo theo vương phục, có bốn
tướng đứng hầu hai bên , Trịnh Luân theo sau hộ vệ, liền hỏi tên
họ .
Ân Hồng xa cách Hoàng Phi Hổ hơn mười năm, nên không hay việc
Hoàng Phi Hổ phản Trụ , liền đáp :
- Ta là Nhị điện hạ Ân Hồng. còn ngươi là ai mà dám cả gan làm
phản ? Nay ta phụng chỉ chinh Tây, nếu các ngươi hàng đầu thì
thôi bằng không, cả xứ Tây Kỳ nầy thành tro bụi .
Hoàng Phi Hổ nói :
- Tôi là Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ vâng lệnh Khương Thừa Tướng
xuất quân.
Ân Hồng nghĩ thầm :
- Ở Tây Kỳ cũng có Hoàng Phi Hổ nữa sao ?
Nghĩ rồi nói lớn :
- Các ngươi chớ cậy Tử Nha là học trò núi Côn Lôn mà chết không
chổ chôn xác.
Nói rồi đâm tới một thương.
Hoàng Phi Hổ đưa đao ra đỡ , hai bên hổn chiến một hồi. |