Mã Nguyên đuổi theo Tử Nha một lúc nhưng
không kịp vì con Tứ Bất Tướng của Tử Nha chạy rất mau còn Mã
Nguyên bệnh mới lành , trong người thiếu sức .
Mã Nguyên nghĩ thầm :
- Ta hơi đâu mà rượt nó cho mệt, cứ về dinh an nghĩ ngày mai sẽ
bắt nó cũng chẳng muộn.
Tử Nha thấy Mã Nguyên dừng chân không đuổi theo thì quay lại gọi
lớn :
- Mã Nguyên, ngươi không dám đuổi theo ta nữa sao ?
Mã Nguyên nói :
- Ta tha cho ngươi sống một đêm nữa, ngày mai ta ra trận bắt
ngươi cũng chẳng muộn.
Tử Nha nói :
- Nếu ngươi đến chổ đất bằng kia giao đấu với ta ba hiệp thì ta
mới phục tài ngươi.
Mã Nguyên trong người hơi mệt, nhưng nghe Tử Nha nói khích không
chịu được, ngước mặt đáp :
- Ngươi tài cán gì mà ta không dám đánh .
Nói rồi, rán sức đuổi theo.
Tử Nha đánh hai ba hiệp rồi chạy nữa.
Mã Nguyên nổi giận hét :
- Ngươi định dụ ta sao ? Ngươi muốn làm gì vậy ?
Tử Nha nói :
- Ta lập kế gạt ngươi đến hòn núi kia bắt ngươi đem về mổ ruột,
nếu ngươi sợ thì trở về, đừng đuổi theo ta nữa.
Mã Nguyên giận đỏ mặt nói :
- Tử Nha, ngươi khinh ta thái quá, ta quyết bắt cho được ngươi
nếu không chẳng làm người. Dù ngươi có chạy đến cung Ngọc Hư ta
cũng theo đến nơi, đừng nói chuyện đến hòn núi nào hết.
Mã Nguyên trợn mắt phồng mang đuổi theo Tử Nha đến một chân núi
kia, thấy rừng rậm, cây cao , còn Tử Nha biến đi đâu mất dạng.
Mã Nguyên thấy đã mỏi chân, bèn ngồi trên bàn thạch, dưới cội
tùng nghỉ mệt. Vì trời đã tối, định sáng hôm sau sẽ tìm đường về
trại.
Qua canh ba, xảy nghe tiếng pháo nổ, tiẽng binh ó vang trời,
lồng đèn sáng như sao, Mã Nguyên ngó lên núi thấy Tử Nha và Võ
vương đang ngồi uống rượu, còn hai bên tướng sĩ hô lớn :
- Ðêm nay Mã Nguyên mắc kế, chết không chỗ chôn thây !
Mã Nguyên nổi giận xách gươm chạy tuốt lên đỉnh núi , nhưng đến
nơi thì đèn đuốt tắt hết, trời tối nghịt, không thấy Tử Nha đâu
cả , bỗng thấy quân sĩ vây dưới chân núi tởờ mở, đèn đuốc rạng
ngời.
Có tiếng người gọi nhau rất lớn :
- Chớ cho Mã Nguyên chạy trốn .
Mã Nguyên tức giận xách gươm chạy xuống chân núi thì lại thấy
tối mò, đèn đuốc tắt hết, không có một bóng người , nhìn lên
chót núi thì thấy Tử Nha đang ngồi uống rượu với Võ vương như
lúc nảy.
Báo hại Mã Nguyên cứ xách gươm chạy lên chạy xuống suốt đêm, cố
tìm bắt Tử Nha nhưng không được , sức đã gần kiệt , mệt đến le
lưỡi , hai chân rũ liệt không còn muốn bước nữa .
Bấy giờ trời đã sáng , Mã Nguyên không còn thấy ánh đèn, bèn nằm
trên tảng đá , nghĩ thầm :
- Ta về dinh Thương dưỡng sức rồi sẽ xuất quân vây thành bắt Tử
Nha cũng chẳng muộn .
Song chưa kịp cất bước thì Mã Nguyên lại nghe gần đây có tiếng
rên rỉ rất thảm thiết.
Mã Nguyên lần đến chổ có tiếng rên chợt thấy một người đàn bà
nằm trên thảm cỏ, đôi mắt nhắm riệt cứ lăn lộn mãi.
Mã Nguyên hỏi :
- Ngươi là ai ? Tại sao nằm đây rên rỉ ?
Người đàn bà nghe hỏi mở mắt thưa :
- Xin thầy làm phước cứu tôi.
Mã Nguyên nói :
- Ngươi bị tai nạn gì ? Ta phải làm sao để cứu ngươi ?
Người đàn bà rên rỉ : .
- Tôi là vợ của một dân giả, về thăm nhà cha mẹ , đi đến đây rủi
bị đau bụng thình lình. Nhờ thầy làm ơn vào xóm xin cho tôi chút
nước nóng uống đở, nếu không chắc tôi phải chết.
Mã Nguyên nhìn bốn phía rồi nói :
- Ở đây không có nhà ai, làm sao có nước nóng uống ?
Người đàn bà nói :
- Thầy ơi , rán làm phước cứu tôi với. Thày là kẻ tu hành. Lời
xưa có nói : cứu sống một người hơn lập một trăm ngôi chùa. Thày
cứu tôi, cũng như cha mẹ tôi sanh ra lần nữa.
Mã Nguyên suốt đêm chạy đã mệt , phần đói bụng , này ra một ý
kiến , nói với người đàn bà :
- Thế nào ngươi cũng chết, vậy thì xin giúp cho ta một bửa no
lòng, tròn vẹn cả hai.
Ngươi đàn bà nói :
- Nếu thầy cứu tôi khỏi chết tôi h đải thầy một bữa chay.
Mã Nguyên nói :
- Không phải ta muốn bắt người làm tiệc, ta muốn ăn thịt ngươi
đó . Suốt đêm ta bị Khương Thượng phĩnh gạt nên đói lắm. Nay
ngươi sống đi cũng chẳng ích gì, thà giúp ta một bụng.
Người đàn bà nói :
- Thày đừng dọa người bệnh. Thầy là kẻ tu hành đâu phải cọp mà
ăn thịt người ?
Mã Nguyên lúc nầy đã đói quá , không thèm cải lẩy nữa, cứ việc
theo ý mình làm, đạp chân lên đùi người đàn bà, nắm chân xé ra
móc lấy trái tim ăn .
Nhưng lạ lùng làm sao, người ấy bên trong trống rỗng, không có
bộ đồ lòng. Tuy vậy Mã Nguyên cứ việc mò hoài . Xảy thảy một vị
đạo sĩ cầm gươm bước đến.
Mã Nguyên biết là Văn Thù quảng pháp Thiên Tôn , tính rút tay ra
chống cự. Ai ngờ hai bàn tay dính vào trong bụng người đàn bà
rút không ra. Túng thế Mã Nguyên định rinh cả cái tử thi chạy
trốn, nhưng hai chân lại dính liền với tử thi nữa , không biết
làm sao được, dãy dụa một lúc té nhào xuống đất .
Xem lại thì không phải tử thi của đàn bà, mà Mã Nguyên bị dây
Khổn Tiên trói vào một tảng đá lớn.
Mã Nguyên túng thế phải năn nỉ :
- Xin Ðạo huynh ra ơn dung tánh mạng.
Văn Thù nói :
- Ngươi là đứa ác tâm, ăn thịt người không biết tanh thì để làm
gì không giết .
Nói rồi đưa gươm lên muốn chém, xảy nghe đàng sau có tiếng nói
lớn :
- Ðạo huynh khoan chém đã .
Văn Thù quay lại thấy một vị Ðạo sĩ mặt vàng, ít râu, mình mặc
đạo bào, đầu chừa hai vá .
Ðạo sĩ chào Văn Thù.
Văn Thù đáp lễ và hỏi :
- Chẳng hay đạo huynh từ đâu đến, có việc gì chỉ dạy xin cho
biết ?
Ðạo sĩ nói :
- Nếu Ðạo huynh không biết tôi , xin nghe bài thơ này :
Lòng ở từ bi đã bấy chầy
Thanh nhàn Cực lạc tại phương Tây
Một lòng đạo đức hằng khuyên dỗ
Sáu ngả luân hồi khỏi chuyển vây
Lặn lội vớt người sa biển khổ
Dắt dìu cứu thế bước thang mây
Ðã nguyền tế độ ơn lâm nạn
Vì việc nhân gian mới đến đây
Ngâm xong, đạo sĩ nói tiếp :
- Bần đạo là Chuẩn Ðề, làm Tây phương Giáo chủ. Mã Nguyên là
người ngoại ngạch không có tên trong bản Phong Thần. Xin đạo
huynh cho tôi đem về Tây Phương đặng làm đệ tử, ấy là ân đức của
đạo huynh đó.
Văn Thù nghe nói cười lớn :
- Tôi từng nghe tiếng ngài là Giáo chủ Tây phương , thương người
như thương thân, muốn kẻ dữ sửa nét làm lành, ngài đã dạy như
vậy tôi đâu dám cãi.
Chuẩn Ðề lấy dao cạo thí phát cho Mã Nguyên, rồi hỏi :
- Ðạo hữu vì học theo môn phản ác nên mắc nạn này. Chi bằng bỏ
tư tưởng ấy, theo ta về Tây phương lần chuỗi bồ để tránh khỏi
kiếp trầm luân.
Mã Nguyên thưa :
- Nhờ ơn Phật từ bi cứu nạn, tôi xin cải ác tùng thiện .
Nói vừa dứt tiếng đã thấy tảng đá biến mất. Ấy là phép huyền
công của Dương Tiển.
Mã Nguyên gởi Ðả Thần Tiên trả lại cho Tử Nha, rồi theo Chuẩn Ðề
về Tây phương tu niệm.
Văn Thù thấy Mã Nguyên đã theo Chuẩn Ðề rồi, liền trở về thành.
Tử Nha ra rước vào trướng hỏi thăm các việc.
Văn Thù đưa trả roi phép lại cho Tử Nha rồi thuật rõ việc Chuẩn
Ðề thu đồ đệ.
Tử Nha nửa mừng nửa lo. Mừng là Mã Nguyên đã trừ được, còn lo là
lo Ân Hồng ngăn trở, e trể kỳ bái tướng đăng đàn.
Xảy thấy quân vào báo :
- Có Từ Hàng chơn nhơn đến ra mắt.
Tử Nha lật đật ra rước vào trong, lễ phép hỏi :
- Ðạo huynh đến dạy việc chi ?
Từ Hàng nói :
- Tôi nghe Ân Hồng cãi lời thầy, phá rối Tây Kỳ sợ trể ngày bái
tướng, nên phải xuống đây tính kế .
Xích Tinh Tử nghe nói mừng rỡ, hỏi :
- Ðạo huynh tình dùng phép gì mà trị nó ?
Từ Hàng hỏi Tử Nha :
- Khi phá trận Thập tuyệt, sư đệ có mượn Thái Cực Ðồ của Ðại Lão
gia nay còn đó hay trả rồi ?
Tử Nha nói :
- Lúc phá trận xong tôi có sai người đến trả nhưng Ðại Lão gia
không nhận, bảo sau nầy có việc dùng đến. Vì vậy Thái Cực Ðồ vẫn
còn nơi đây.
Từ Hàng nói :
- Có Thái Cực Ðồ thì bắt Ân Hồng chẳng khó gì .
Ðoạn quay qua nói với Xích Tinh Tử :
- Ðạo huynh phải làm theo kế nầy mới được.
Xích Tinh Tử nói :
- Xin đạo huynh chỉ dạy.
Từ Hàng bàn luận với Xích Tinh Tử một hồi.
Xích Tinh Tử y lời , song thấy kế ấy quá tàn nhẫn lòng không nỡ.
Từ Hàng biết ý nói :
- Kỳ bái tướng của Tử Nha đã đến, nếu chúng ta để trể việc , ta
mang tội với Thiên tiên
Xích Tinh Tử cực chẳng đã phải nghe theo kế ấy , nói với Tử Nha
- Sư đệ ra thành dụ Ân Hồng đến đây để tôi bắt nó.
Tử Nha tuân lệnh sửa soạn ra đi.
Lúc nầy Ân Hồng thấy Mã Nguyên đi biệt không về, lòng không vui
nói với Tuân Chương và Lưu Phủ :
- Mã đạo trưởng không về e dữ nhiều lành ít . Ngày mai ta phải
ra binh đánh với Khương Thượng để dò tin tức Mã đạo trưởng mới
được.
Trịnh Luân nói :
- Nếu không tính kế ra binh thì biết bao giờ mới trừ được Tây Kỳ
.
Hôm sau, Ân Hồng sắp sửa xuất quân, đã có quân vào báo :
- Tử Nha một mình đến trước dinh khiêu chiến .
Ân Hồng nói :
- Như vậy thằng này đã đến số rồi.
Liền cầm kích xông ra , thấy Tử Nha cởi Tứ Bất Tướng đứng chờ.
Ân Hồng nói :
- Hôm nay ta quyết cùng ngươi tranh tài cao thấp.
Tử Nha chỉ mặt Ân Hồng nói :
- Ân Hồng ! Ngươi cãi lời thầy ngày nay thân thể ngươi phải hóa
ra tro bụi. Còn ăn năn sao kịp ?
Ân Hồng nổi giận đâm Tử Nha mặt giáo.
Tử Nha đưa gươm báu ra đở . Hai đàng đánh nhau được ít hiệp .
Tử Nha trá bại , nhưng không chạy về thành mà chạy ra phía mé
rừng .
Ân Hồng lập tức truyền Lưu Phủ, Tuân Chương đuổi theo để vây bắt
.
Xích Tinh Tử đang đứng phía Nam, thấy học trò mình theo đuổi Tử
Nha biết thế nào cũng mang họa, động lòng rơi lụy than :
- Ngươi cải ta mắc lời thề. Số ngươi không trốn khỏi.
Nói rồi trương bức họa đồ ra, Thái Cực Ðồ biến thành một cái cầu
vòng.
Tử Nha giục thú lên cầu chỉ Ân Hồng nói :
- Ngươi có giỏi thì lên cầu nầy đánh với ta ba hiệp .
Ân Hồng nói :
- Dầu trăm hiệp ta cũng chẳng sợ gì ngươi.
Nói rồi giục ngựa chạy lên cầu.
Tử Nha cởi Tứ Bất Tướng chạy mất, chỉ còn một mình Ân Hồng trên
cầu mà thôi.
Ân Hồng hoảng hốt tâm ý mê loạn, hễ tưởng gì thấy nấy, Ân Hồng
nghi có phục binh tức thì binh phục áp tới, Ân Hồng ra sức đánh
một hồi, binh phục tan hết. Ân Hồng quyết đi tìm Tử Nha cho được
, xảy thấy Tử Nha đến đánh một trận rồi biến đi.
Ân Hồng lại mơ ước :
- Phải chi ta trở về được Triều Ca thăm viếng thân phụ kẻo lâu
ngày mong nhớ .
Xảy thấy Triều Ca trước mặt. Ân Hồng nhớ đến Hoàng quí phi là
người thương mình như con đẻ, thì lại thấy mình đang đứng ở Tây
cung, Hoàng quí phi đứng tước cửa .
Ân Hông xuống ngựa làm lễ , rồi nghĩ rằng :
- Phải đến Hình Khánh cung viếng Dương quí phi.
Tức thì thấy mình đang đứng ở Hình Khánh cung và Dương quí phi
đứng trước mặt.
Ân Hồng chào hỏi, Dương quí phi chẳng nói gì hết.
Ân Hồng lại nhở đến mẹ mình, xảy nghe bà Khương hậu kêu lớn :
- Ân Hồng, ngươi biết ta chăng ?
Ân Hồng nhìn rõ mẹ mình, liền kêu lớn :
- Mẹ ơi ! Hay là con chết xuống âm ti nên gặp mẹ .
.Khương Hoàng hậu nói :
- Oan gia ! Ngươi chẳng nghe lời thầy nên phò Trụ đánh Châu. Hễ
thề thì mắc, thắt thì rối, nay ngươi lên Thái Cực Ðồ thì xương
thịt hóa thành tro, còn sống sao được nữa .
Ân Hồng nghe nói khóc lớn :
- Xin mẹ cứu con với.
Khương Hoàng hậu biến mất.
Ân Hồng giật mình như tĩnh lại, nghe tiếng Xích Tinh Tử nói :
- Ân Hồng ! Ngươi biết ta là ai chăng ?
Ân Hồng nghe tiếng thầy hỏi liền thưa :
- Con ở đâu thế nầy ?
Xích Tinh Tử thấy học trò mình như vậy cũng động lòng thương nói
:
- Bởi con không nghe lời ta nên ngày nay phải chết trong Thái
Cực Ðồ rồi.
Ân Hồng nói : .
- Thầy ơi ! Ðệ tử xin chịu đầu Châu, mong thầy cứu mạng.
Xích Tinh Tử nói : .
- Bây giờ ăn nữa thì đã muộn , thầy biết cứu làm sao . Trước kia
ai đã xui cho đánh Châu cho mắc lời thề độc.
Ân Hồng thưa :
- Tôi lầm nghe lời Thân Công Báo nên cãi lời thầy, xin thày cứu
mạng.
Xích Tinh Tử thấy vậy lòng không nỡ.
Từ Hàng ở trên mây kêu lớn :
- Số trời định như vậy, dám cãi hay sao nếu để trể giờ lên đài
Phong Thần không kịp.
Xích Tinh Tử rơi lụy, cuốn bức họa đồ. Giây phút giũ một cái
người ngựa đều nát ra tro, duy có mấy món bửu bối còn lại mà
thôi.
Ân Hồng hóa ra trận gió, bay lên đài Phong Thần .
Có bài thơ rằng :
Ân Hồng nghe tiếng họ Thân bày
Muốn đánh Tây Kỳ cậy phép hay
Quên nghĩa thầy trò day mũi bạc
Ngày nay xương thịt hóa tro bay
Xích Tinh Tử thấy học trò tan nát như tro, tủi lòng khóc lớn :
- Thiên hạ thấy ta giết đệ tử như vậy, chắc không ai dám theo ta
học đạo nữa.
Từ Hàng khuyên :
- Ðạo huynh nói sai rồi. Mã Nguyên không có tên trong bảng Phong
Thần nên có Phật cứu, còn Ân Hồng trời đã định số chết non ,
khóc lóc làm gì.
Ba vị tiên trưởng trở về tướng phủ .
Tử Nha tạ ơn ba vị đều nói :
- Ðợi đến ngày bái tướng chúng tôi sẻ đạo đưa Thừa Tướng chinh
Ðông. Bây giờ chúng tôi xin trở về động.
Nói rồi ba vị tiên trưởng đều hóa hào quang bay đi hết.
Bấy giờ quân thám thính chạy về báo với Tô Hộ :
- Ân điện hạ đuổi theo Tử Nha, xảy thấy hào quang sáng lòa bao
trùm Ân điện hạ. Sau đó chúng tôi không thấy nữa. Còn Trịnh
Luân, Tuân Chương và Lưu Phủ không biết đi đâu.
Tô Hộ bàn với con :
- Chúng ta mau lợi dụng việc này bắn thơ vào hành Tây Kỳ tin cho
Tử Nha đến cướp dinh, rồi chúng ta dẫn gia quyến đến đầu Châu.
Tô Toàn Trung thưa :
- Nếu không có Lữ Nhạc và Ân Hồng thì cha con mình đầu Châu đã
lâu rồi.
Tô Hộ viết thư xong sai Tô Toàn Trung thừa đi đêm tối bắn vào
thành Tây Kỳ.
Ðêm ấy nhằm phiên Nam Cung Hoát đi tuần, bắt gặp mũi tên có buộc
phong thơ liền đem đến trình với Tử Nha.
Trong thơ đại khái như sau :
Tây chinh nguyên soái , Ký châu hầu Tô Hộ trăm lạy dâng thơ cho
Khương Thừa Tướng.
Từ trước tôi đã muốn đầu Châu, nay được chiếu chỉ sai đi chinh
phạt . Tôi sẳn lòng xếp giáp quyết chí dâng binh, ngặt vì Trịnh
Luân và Lữ Nhạc ra sức giao công, kế gặp Ân Hồng và Mã Nguyên
chống chế . Bây giờ những người ấy đã đền tội , chỉ còn có một
Trịnh Luân chưa chịu phục tùng. Vậy mai nầy xin Thừa Tướng cướp
dinh, để cha con tôi có dịp trở về ánh sáng, phạt Triều Ca, giết
Ðắt Kỷ, kẻo để họ Tô mang tiếng với đời.
Tô Hộ kính dâng thơ.
Tử Nha xem xong mừng rỡ, rạng ngày truyền năm cha con Hoàng Phi
Hổ đi tiên phuông , Na Tra đi hậu tập, Nam Cung Hoát đi phía tả,
Ðặng Cửu Công đi phía hữu, sắp đặt xong xuôi đợi canh hai xuất
trận.
Ngày hôm ấy, Trịnh Luân, Tuân Chương và Lưu Phủ trở về gặp Tô Hộ
bàn :
- Ðiện hạ rủi mất rồi, chúng ta phải dâng sớ về triều viện binh
mới được.
Tô Hộ ậm ừ mới, đợi đến đêm tối Tử Nha đến cướp dinh . Binh
tướng không ai hay biết, riêng gia đình Tộ Hộ lén gói ghém đồ
đạc gọn gàng.
Vào nữa đêm hôm ấy , các đạo binh Châu đã mai phục, một tiếng
pháo lớn nổ vang , năm cha con Phi Hổ áp vào .
Nam Cung Hoát đánh thốc vào phía tả , Ðặng Cửu Công đốc chiến
nơi hữu dinh.
Trịnh Luân thất kinh cỡi thú mắt lửa tròng vàng, cầm gián ma xử
ra cự địch, gặp ngay cha con Hoàng Phi Hổ đánh nhau kịch liệt .
Lưu Phủ thấy Ðặng Cửu Công vào dinh hữu thì xua binh chận lại
đánh nhầu .
Tuân Chương gặp Nam Cung Hoát ở tả dinh, vội ra uy đối địch.
Trong lúc dinh Thương bị náo loạn, Tử Nha lại sai quân tiếp ứng
đánh nhau lở đất long trời .
Riêng cha con Tô Hộ thì không tham gia đến chiến cuộc, dẫn trọn
gia quyến mình vào cửa thành Tây Kỳ .
Bấy giờ Ðặng Cửu Công đánh với Lưu Phủ, Lưu Phủ cự không lại bị
Ðặng Cửu Công chém bay đầu .
Còn Tuân Chương đánh không lại Nam Cung Hoát, liền giục ngựa bỏ
chạy, rủi gặp Hoàng Thiên Tường đâm một thương nhào xuống ngựa ,
binh Châu thừa thắng tràn vào phá dinh Thương như vào chỗ không
người .
Ðặng Cửu Công rảnh tay đến trợ chiến với Hoàng Phi Hổ, vây Trịnh
Luân vào giữa .
Trịnh Luân một mình cự với sáu tướng làm sao cho lại, bị Ðặng
Cửu Công nắm trúng dây đai vật xuống đất .
Binh Châu bắt trói đem vào thành đặng lập công.
Rạng ngày, Tử Nha ra khách, các tướng vào hầu, thưa lại các việc
cướp dinh bắt tướng , kế đó, có quân vào báo :
- Cha con Tô Hộ xin đến hầu .
Tử Nha mời vào .
Tô Hộ và Toàn Trung chưa kịp thi lễ, Tử Nha đã bước đến mời ngồi
và nói :
- Quân hầu nhơn đức và khẳng khái , thiên hạ ai cũng biết. Nay
thuận cơ trời, bỏ chỗ tối về chỗ sáng, chừng cậy thế thần tiên ,
thiệt là tay hào kiệt. Tôi yêu kính biết chừng nào .
Tô Hộ thưa :
- Cha con tôi tội nặng, nhờ ơn Thừa Tướng rộng dung .
Tử Nha truyền dẫn Trịnh Luân vào .
Trịnh Luân đứng làm thinh , trợn hai con mắt nhìn Tô Hộ và Toàn
Trung như muốn ăn tươi nuốt sống.
Tử Nha nói :
- Trịnh Luân ! Người tài phép bao nhiêu mà dám nghịvh mạng . Nay
đã bị trói sao chẳng quỳ xuống hàng đầu !
Trịnh Luân nạt lớn :
- Thất phu ! Ta với ngươi là hai nước cừu địch , nay rủi kế chủ
ta, nên ta mới bị ngươi bắt. Ta quyết lòng chịu chết, đừng khi
ta nhiều lời .
Tử Nha truyền dẫn ra ngoại thành xử trảm.
Tô Hộ quỳ xuống thưa :
- Trịnh Luân nghịch mệnh trời, Thừa Tướng giết cũng phải , song
nghĩ người ấy trung nghĩa, tài phép cũng cao, nay đang lúc dụng
người , một tướng hay không dễ kiếm. Xin Thừa Tướng rộng dung.
Tử Nha bước xuống đở Tô Hộ dậy, vừa cười vừa nói :
- Ta cũng rõ Trịnh Luân trung nghĩa, nên lấy oai để quân hầu có
cớ mà dụ dỗ nó . Nay quân hầu đã xin, lẽ nào ta hẹp lượng.
Tô Hộ mừng rỡ, vội ra ngoài dụ dỗ Trịnh Luân .
Trịnh Luân thấy Tô Hộ bước tới, cúi mặt làm thinh.
Tô Hộ nói :
- Trịnh tướng quân ơi ! Lời xưa nói : Biết thời là kẻ hào kiệt ,
sáng trí mới gọi hùng anh . Nay Trụ vương vô đạo không kể đến
giang sơn xã tắc làm cho nước nhà điên đảo, thiên hạ lầm than,
chúng ta là lũ tôi thần lẽ nào cớ cắm đầu phò một bạo chúa mà
không thấy cái hại trước nhân dân. Chỉ có những vì vua nhân đức
mới làm cho nước mạnh dân giàu , Võ vương nhân đức có thừa, bốn
biển anh hùng đều dốc lòng phò trợ . Cơ trời đã vậy, chúng ta
chống lại làm sao . Nếu tướng quân chịu đầu thì ta thưa với Thừa
Tướng dùng vào việc cử binh phạt Trụ cứu dân lành, như vậy là
nghĩa, là nhân, là biết thời biết vận.
Trịnh Luân nghe nói thở ra, làm thinh ngẩm nghĩ .
Tô Hộ xem chừng Trịnh Luân đã hồi tâm, liền nói tiếp :
- Sở dĩ ta ép tướng quân là thấy tướng quân là bậc anh hùng
trung liệt, không nỡ để thác oan , nếu tướng quân chịu chết vì
một ông vua bạo ngược thì thiên hạ chẳng gọi tướng quân là trung
đâu . Cũng như hiện nay các chư hầu đều bỏ Trụ đầu Châu, chẳng
lẽ họ là những người bất trung cả sao ? Lời xưa nói nói : Chim
khôn chọn cây lành mà đổ , tôi hiền tìm chúa thánh mà phò , nếu
phò vua Trụ mà được tiếng trung, thì ta đây là hàng quốc thích
ngồi hưởng giàu sang, lấy triều đình điều khiển thiên hạ chẳng
sướng hay sao mà đi đầu một đứa khác để phải cúi luồn . Tướng
quân phải xét kỷ kẻo uổng thân.
Trịnh Luân nghe Tô Hộ nói dường như tĩnh giấc chiêm bao, thở dài
một tiếng đáp :
- Nếu không nhờ quân hầu dạy dỗ thì tiểu tướng đã liều mạng rồi.
Ngặt vì tôi vừa xúc phạm với Thừa Tướng, e Thừa Tướng không
dung.
Tô Hộ nói :
- Thừa Tướng là người rộng lượng, đức độ cao dầy, lẽ nào chấp
nhứt việc nhỏ , Tướng quân đừng nghi nan, để ta vào thưa lại.
Nói rồi vào bái Tử Nha, thuật lại mọi điều.
Tử Nha cười lớn :
- Trong lúc chiến chinh, ai vì chủ nấy, nay đã quy hàng thì coi
như người một nhà, đâu còn cố chấp .
Nói rồi truyền tả hữu ra mở trói cho Trịnh Luân .
Trịnh Luân vào quỳ lạy thưa :
- Tôi không biết cơ trời nên nhọc lòng Thừa Tướng. Nay Thừa
Tướng ban ơn không giết , tôi lẽ nào không phục tùng.
Tử Nha bước xuống đỡ Trịnh Luân dậy, an ủi :
- Ta biết tướng quân trung nghĩa, trong đời ít kẻ sánh bằng. Chỉ
tại vua thất đức, không phải tại tướng quân bất trung. Nay chúa
ta trọng hiền đãi sĩ , Tướng quân phải hết lòng phò tá, chớ nên
nghi ngờ.
Trịnh Luân mừng rỡ tạ ơn.
Tử Nha dắt Tô Hộ đến ra mắt Võ vương và tâu :
- Ký châu hầu Tô Hộ nay đã về Châu , xin vào ra mắt.
Võ vương mời Tô Hộ đến, và khuyên :
- Ta ở Tây Kỳ giữ đạo làm tôi, không dám phạm luật , chẳng biết
vì cớ nào mà thiên tử đem binh chinh phạt mãi. Nay khanh về với
nước ta thì ta với khanh đối với nhà Thương cũng vẫn giữ niềm
thần tử, đợi thiên tử tu nhơn tích đức, ta sẽ tính việc với
khanh.
Nói rồi quay lại bảo Tử Nha :
- Tướng phụ thay mặt ta dọn yến tiệc thết đãi Tô hầu .
Tử Nha vâng lệnh cũng Tô Hộ lui gót. |