Trụ Vương đang ngự trên ngai, Hoàng môn vào
báo:
- Quân thám thính dò biết Ân Phá Bại giảng hòa không được, chọc
giận Khương Văn Hoán, bị Khương Văn Hoán chém đầu rồi.
Vua Trụ kinh hãi ngồi làm thinh.
Ân Thành Tú khóc và thưa:
- Hai nước đua tranh, không nên chém sứ, lẽ nào Khương Văn Hoán
khi bệ hạ lắm. Vậy xin cho tôi ra trận liều chết báo thù cha.
Trụ Vương an ủi:
- Tuy khanh trung hiếu mặc lòng, song cũng phải đề phòng.
Ân Thành Tú lạy tạ, kéo binh ra trước dinh Châu khiêu chiến.
Quân vào báo, Khương Văn Hoán xin đi, Tử Nha nhận lời, Khương
Văn Hoán liền dẫn binh ra trận, kêu Ân Thành Tú nói:
- Ân Thành Tú! Ngươi ra đánh báo cừu cho cha ngươi phải không?
Bởi cha ngươi xúc phạm đến chư hầu, nên ta xử tội. Còn ngươi
muốn chết theo phải không?
Ân Thành Tú nổi giận mắng:
- Thất phu! Hai nước đang giao tranh sao được phép chém sứ? Cha
ta vâng lệnh Thiên Tử đến giảng hòa, nỡ nào ngươi đem chém đi.
Ta quyết ra đây hỏi tội ngươi báo cừu cho thân phụ.
Nói rồi xong tới đánh.
Hai bên hỗn chiến một hồi.
Khương Văn Hoán là con hổ phương Ðông, Ân Thành Tú làm sao chống
cự lại vừa đánh được vài mươi hiệp, Khương Văn Hoán chém Ân
Thành Tú rơi đầu xách về nạp cho Tử Nha.
Tội nghiệp! Ân Thành Tú nên trang trung hiếu, chỉ vì nóng trả
thù cha mà mang hại.
Trụ vương nghe tin Ân Thành Tú tử trận, kinh hãi hỏi triều thần:
- Binh chư hầu mạnh như vậy, biết làm sao?
Triều thần chưa có kế gì, ngồi im không đáp.
Bỗng có quân vào báo:
- Binh chư hầu công phá thành trì một loạt.
Lỗ Nhân Kiệt tâu:
- Tôi xin đem quân thủ thành rồi sẽ tính.
Tử Nha cùng các chư hầu công thành, thấy Lỗ Nhân Kiệt thủ thành
phải phép, biết không thể phá gấp được, liền thâu binh về, hội
chư hầu thương nghị.
- Lỗ Nhân Kiệt có tài và trung liệt, hết lòng thủ thành. Vả lại
thành triều ca chắc lắm, nếu có ráng phá được cũng còn lâu. Các
tướng có mưu trí không?
Các đệ tử thưa:
- Chúng tôi xin độn vào thành làm nội công. Nguyên soái đốc quân
bên ngoài làm ngoại kích thì lấy thành như chơi, có gì mà lo.
Tử Nha nói:
- Không nên làm như vậy. Nếu độn vào lấy thành không khỏi gây ra
cuộc đấu chiến, làm hại bá tánh trong thành. Thành Triều Ca lâu
nay đã bị hôn quân làm khổ nhiều rồi, chúng ta đến đây với mục
đích cứu dân, lẽ nào còn gây cho dân chết chóc. Như thế chúng ta
khác nào vua Trụ.
Các tướng nghe nói đều khen phải.
Tử Nha nói:
- Mấy năm nay Trụ vương bắt dân chịu sưu thuế nặng nề, nào cất
Lộc đài, nào chặt chân xem tủy, nào mổ bụng đàn bà chửa xem
thai, oán hận chồng chất trong lòng người dân, nay chúng ta muốn
lấy thành tốt hơn làm hịch bắn vào thành, khuyên dân chúng tản
bớt đi, còn thành không thì dễ phá.
Các tướng đồng nói:
- Nguyên soái luận phải lắm.
Tử Nha liền viết tờ hịch truyền quân dùng cung tên bắn vào thành
như bươm bướm.
Có bài thơ rằng:
Quân tướng triều ca ráng thủ thành,
Vì chúng sợ chết phải hà canh
Nếu không yết thị làm cho rã,
Vây phủ mười năm cũng nhọc nhằn
Khi thấy Tử Nha truyền quân sao mấy chục ngàn tờ cáo thị và bắn
vào bốn cửa thành, dọc theo đường sá.
Binh Thương trông thấy lượm lên xem thì thấy cáo thị ấy viết như
sau:
" Tây Kỳ đại Nguyên soái Khương Thượng.
Dùng cáo thị một chương, rao cho quân dân bốn cửa. Bởi vua Trụ
độc như nước lửa, nên dân Thương tha oán lầm than. Cất Lộc đài
dân chết cả vạn, yêu Ðắt Kỷ giết chết chẳng biết bao nhiêu người.
Muốn coi tủy thì chặt chân, muốn xem thai thì mổ bụng. Bày ao
rượu giết người hầu hạ, sai chinh Tây, giết kẻ chiến trường. Vì
vợ đau mổ bụng Tỷ Can, nghe vợ nói cạo đầu Cơ Tử. Chém Ðiện hạ
độc hơn hùm dữ, giết Chánh Cung lòng khác người phàm. Hại Ngạc
Hầu nên mới có giặc Nam phương, giết Quốc trượng mới gây thù
Ðông trấn. Tám trăm cõi chư hầu đều giận, mấy triệu binh hào
kiệt đồng lòng nên vào năm ải như không, phá thành nào cũng dễ.
Thương là thương con đỏ, cám là cám dân đen, nên lửa than chẳng
muốn nhuốn nhen, vì ngọc đá hãy còn lẫn lộn. TơØ cáo thị hết
lòng khuyên bảo, muộn lẽ dân sớm tính việc hàng đầu, dâng thành
đặng được sống lâu, nếu nghịch mạng ắt chết oan ức, hoặc là kiếm
phương xa ẩn dật, hoặc là tìm đồng trống mà náo nương, nếu canh
chấu đón đường, ắt xe rồng khó tránh, mau mau xa lánh, chóng
chóng dời chân, bằng đợi đốt rừng ắt là uổng mạng."
Ai nấy xem cáo thị đều khen:
- Võ Vương quả thật nhơn đức. Nguyên soái dạy quá rõ ràng. Nếu
nghịch lại không dâng thành thì e khó sống. Vì năm ải rất nhiều
tướng tài mà thủ không được, huống hồ chi một thành nầy. Nghĩ kỹ
lại Trụ Vương vô đạo bất nhơn, mình có liều cũng vô ích.
Quân dân đồng lòng đợi tới tối mở cửa dâng thành.
Các tướng biết được hết sức trừng trị nhưng không ai nghe theo
cả.
Ðến canh ba, quân dân mở cửa thành kêu lớn:
- Chúng tôi là dân tị nạn xin mở cửa dâng nạp Triều Ca.
Kẻ nói trước, người nói sau vang trời dậy đất.
Lúc nầy Tử Nha đang ngồi trong dinh tính mưu phá thành.
Xảy thấy quân vào báo:
- Bẩm Nguyên soái! Bốn cửa thành Triều Ca đều mở, quân dân kêu
Nguyên soái đến họ dâng thành.
Tử Nha mừng rỡ, truyền các binh tướng vây ngoài thành cứ một đạo
là một cửa, cấm không được sát hại quân dân trong thành, và
không được lấy những thứ gì dù lớn dù nhỏ. Nếu ai trái lệnh sẽ
xử ngay lập tức. Binh sĩ tuân lịnh vào thành bình an. Chư hầu
đóng binh từ Ngọ môn cũng trở lại.
Lúc nầy Trụ Vương đang ăn uống với Ðắt Kỷ nơi Lộc đài, bỗng nghe
quân ó vang trời, tiếp đó lại có Hoàng môn quan vào quỳ mọp tâu:
- Quân dân mở cửa thành cho bọn giặc vào rồi. Hiện chư hầu và
Khương Thượng đang đóng binh tại Ngọ môn...
Trụ Vương thất kinh, vội gióng trống lâm triều.
Bá quan đông đủ. Trụ Vương hỏi:
- Trẫm không ngờ quân dân trở lòng mở cửa dâng thành cho Khương
Thượng. Bây giờ tính làm sao đây?
Lỗ Nhân Kiệt tâu:
- Chư hầu và Khương Thượng đóng quân tại Ngọ môn thì trước sau
cũng vào đây. Chi bằng tảng sáng chúa tôi ta điểm binh ngự lâm
đến đánh liều một trận, may thắng thì tốt, nếu thất trận có chết
cũng đành. Chứ chẳng lẽ bó tay chờ chết sao?
Trụ Vương khen phải, liền truyền Lỗ Nhân Kiệt điểm binh.
Bấy giờ Tử Nha họp chư hầu bàn rằng:
- Ðã gần sáng rồi, các vị hãy điểm binh lập tức, phải lấy hết
sức mình đánh với Trụ Vương một trận, đừng nên để thất bại.
Chư hầu đồng thưa:
- Chúng tôi xin y lệnh Nguyên soái đánh trận nầy, dẫu có chết
cũng quyết không chạy. Nếu ai nhút nhát, bại tẩu thì xin Nguyên
soái trảm tức thì.
Nói rồi, ai nấy đếu kéo binh ra, gióng trống inh ỏi.
Vua Trụ lúc nầy sốt ruột ngồi chờ Lỗ Nhân Kiệt điểm quân thì xảy
thấy Hoàng môn quan hơ hải chạy vào tâu:
- Chư hầu mời bệ hạ đến Ngọ môn nói chuyện.
Vua Trụ liền nai nịt hẳn hoi, cầm siêu đao lên ngựa truyền cầm
cờ long phụng đi trước, còn mình theo sau.
Lỗ Nhân Kiệt nghe tin liền đem quân theo bảo giá Lôi Côn, Lôi
Hàng hầu hai bên.
Ra đến nơi, Trụ Vương thấy Tử Nha đứng trước, bốn vị chư hầu
đứng sau.
Tử Nha trông thấy Trụ Vương liền bước ra xá và nói:
- Lão thần là Khương Thượng vì mặc giáp trong mình nên làm lễ
không trọn, xin bệ hạ rộng dung.
Trụ Vương phán hỏi:
- Ngươi là Khương Thượng đó hay sao?
Tử Nha tâu:
- Phải!
Vua Trụ lại phán:
- Ngươi khi trước là quan đại phu của trẫm, tại sao lại lỗi đạo
làm tôi trốn qua Tây Kỳ bày điều phản nghịch. Nay lại dụ chư hầu
cướp thành lấy ải của trẫm, lại giết thiên sứ phơi thây. Tội
đáng chết mười phần, hôm nay trẫm đã ra đến đây sao chưa chịu bó
mình chịu tội, hay là ngươi muốn cự với trẫm phải không?
Tử Nha tâu:
- Bệ hạ cầm quyền trị muôn dân chư hầu đều cống lễ, giữ trọn
nghĩa làm tôi, lẽ nào dám nghịch thiên tử. Bởi bệ hạ trên chẳng
kính trời lỗi đạo thất chánh, hành hạ bá tánh chém giết đại thần
nghe lời đàn bà không nghe lời trung thần can gián. Bệ hạ vô đạo
đã lâu nhưng không biết sửa mình thì còn trách cứ chư hầu muôn
dân phản nghịch làm sao? Bệ hạ tội chất bằng núi, oán rộng tợ
biển, trời hờn người giận thiên hạ trở lòng. Nay tôi vâng theo
phép trời phạt tội đại ác. Xin bệ hạ đừng gọi hai tiếng phản vua.
Trụ Vương nghe nói phán:
- Trẫm đã làm những gì các ngươi gọi là tội ác?
Tử Nha mỉm cười nói lớn:
- Tất cả binh tướng chư hầu, dân chúng hãy nghe cho kỹ tôi kể
tội Trụ Vương đây.
Nói rồi quay lại hài tội Trụ Vương rằng:
1- Bệ hạ làm thiên tử, tức là cha mẹ dân sao lại ham mê tửu sắc,
không kính đất trời, không tế sơn hà, chẳng trọng xã tắc, xa
người hiền, gần người dữ bỏ điều đức hạnh lỗi đạo cang thường.
Ấy là tội thứ nhất.
2- Khương hoàng hậu là mẹ các nước không phạm tội chi, sao bệ hạ
nghe lời Ðắt Kỷ dứt bỏ tình nghĩa, khoét mắt đốt tay, hành hình
một cách thảm thiết. Rồi lại phong Ðắt Kỷ là chính cung, hễ Ðắt
Kỷ nói gì nghe nấy bỏ chánh quên nhân. Ấy là tội thứ hai.
3- Thái tử là từ quân. Ðông cung là vua phó sau nối cơ nghiệp
cai trị chư hầu, sao bệ hạ nghe lời dứt tình phụ tử, ban gươm
lệnh cho Triều Ðiền, Triều Lôi đi chém hai vị Ðiện hạ, không
trọng phần hương lửa, mang tội với tổ tông. Hùm dữ chẳng ăn thịt
con, sao bệ hạ độc hơn cầm thú. Ấy là tội thứ ba.
4- Những quan triều của tiên vương trước kia để lại giúp việc
chánh cho thiên hạ thái bình, không có lỗi gì sao bệ hạ nỡ giết
như đốt Mai Bá hại Dao Cách giết Thương Dung, mổ tim Tỷ Can, cạo
đầu Cơ Tử. Ấy là tội thứ tư.
5- Chữ tín là cội rễ vua phải lấy điều tín nghĩa trị dân, sao bệ
hạ gạt chư hầu vào chầu dùng kế độc phân thây Ðông bá hầu Khương
Hoàng Sở, giết Nam Bá Hầu Ngạc Sùng Võ làm thiên hạ đảo điên. Ấy
là tội thứ năm.
6- Việc hình phạt cốt để răn người, sao bệ hạ nghe lời Ðắt Kỷ
chế Bào Lạc giết quan gián nghị, lập Sái Bồn hại kẻ cung nga,
khói độc lên ngút trời xanh, hồn oan kêu vang địa ngục. Trời sầu
đất oán quỷ giận thần kinh. Ấy là tội thứ sáu.
7- Của là báu của nước, tiền là mạng của dân, đáng việc mới
dùng, bệ hạ xài phí đào ao chứa rượu, găm thịt làm rừng, lập Lộc
đài lãng phí gần hết của kho, sai Hầu Hổ đốc công nhũng lạm tiền
dân chúng. Kẻ giàu thì hao bạc, dân khó phải làm sưu, hiếp đáp
dân nghèo kẻ mạnh phải mang bệnh người đau phải bỏ mình. Chỉ vì
cuộc chơi mà làm cho nhân dân thảm họa. Ấy là tội thứ bảy.
8- Làm con người phải biết hổ thẹn, huống chi bậc chí tôn. Bệ hạ
nghe lời của Ðắt Kỷ gạt Giả thị lên lầu trêu hoa ghẹo nguyệt,
vua bất chính với vợ tôi thần, khiến người đàn bà trinh tiết
phải gieo mình xuống lầu tự vận. Hoàng Quý Phi vì chị dâu đến
can gián, bệ hạ cũng quăng xuống lầu giập thịt tan xương. Nỡ nào
làm chuyện bất nhân như vậy? Ấy là tội thứ tám.
9- Bệ hạ thay trời trị dân, phải ở cho nhân đức, nỡ nào chặt
chân kẻ bộ hành xem tủy, mổ bụng đàn bà chữa xem thai, mạng dân
như cỏ rác, chỉ việc vui chơi mà làm cho vợ mất chồng, con xa
mẹ, tội ác không lấy gì so sánh được. Ấy là tội thứ chín.
10- Ðạo làm vua, việc yến ẩm phải chừng mực, lẽ nào ngày đêm
cùng với Ðắt Kỷ vui say mãi trên Lộc đài, không nhớ đến việc
nước, không lâm triều, bỏ cả chánh sự, nghe lời Ðắt Kỷ bắt con
nít thiến dương vật ăn cho bổ dưỡng, làm cho đứa con trai tuyệt
tự, chết oan. Ấy là tội thứ mười.
Tuy có trung thần can gián, bệ hạ cũng không nghe, làm cho thiên
hạ trở lòng, tướng binh bỏ mạng. Như Thiên tử, quả là kẻ dữ hại
dân. Nay chúng tôi phò vua Võ là vua nhân đức đến đây cứu dân
phạt tội. Bệ hạ không nên dùng tiếng phản vua mà nói.
Trụ Vương nghe hài tội nổi xung, đứng trợn mắt nhìn.
Tám trăm chư hầu đồng nói lớn:
- Chúng ta giết hôn quân vô đạo mà cứu dân.
Khương Bá Hầu giục ngựa tới, giơ siêu đao nói lớn:
- Ân Thọ, có ta đến đây! Chị ta tội gì ngươi khoét mắt đốt tay,
cha ta tội gì ngươi phân thây xẻ thịt? Thù sâu tợ biển, oán chất
bằng non. Nay nhờ Võ Vương hội chư hầu đến đây, ta quyết trừ kẻ
vô đạo báo cừu.
Nói rồi chém một đao. Trụ Vương đỡ khỏi, Khương Văn Hoán chém
tiếp một nhát, Trụ Vương đỡ rồi đánh lại.
Chư hầu xông vào trợ chiến. Chúa tôi ấu đả nhau trước Ngọ môn.
Võ Vương trông thấy than:
- Bởi thiên tử vô đạo nên mới sinh ra cớ sự như vậy. Chúa tôi
đánh với nhau còn chi là cang thường nữa?
Than rồi nói với Tử Nha:
- Ba vị chư hầu sao không lấy lẽ phải can với thiên tử, nỡ nào
hỗn chiến với vua?
Tử Nha nói:
- Bởi Trụ Vương phạm mười tội với trời đất, không phải đạo làm
vua. Ðã không phải vua thì ai đánh cũng được. Tôi không dám can
chư hầu.
Võ Vương nói:
- Tuy vua bất chánh, song đạo làm vua không nên đánh vua như
vậy, xin Nguyên soái gỡ rối này.
Tử Nha tâu:
- Nếu Ðại Vương muốn như vậy thì truyền quân gióng trống lên để
cứu Trụ Vương.
Võ Vương không hiểu, ngỡ đánh trống thì chư hầu lui về, nên
truyền đánh trống rất dữ. Chư hầu nghe hiệu trống đồng xông vào
các tướng áp tới phủ vây. |