Về đến nhà Bích Ngọc vào phòng khép
cửa lại. Nàng lên giường định ngủ ngay.
Một ngày căng thẳng, lại mệt mỏi... Bao
nhiêu chuyện dồn dập. Dù là chuyện của bạn
bè nhưng Ngọc lại khổ tâm không ít.
Và có lẽ vì mệt, cũng
có thể vì rượu. Thật nhanh, Bích Ngọc thiếp
đi.
Nhưng giấc ngủ không
phải hoàn toàn là bình thản... Những cơn ác mộng
vật vờ. Ngọc ngạc nhiên - Không hiểu sao trong
những giấc mơ đó chỉ hoàn toàn thấy khuôn
mặt của Chiến chứ không thấy Chí Hào...
Ngọc không thể không thừa nhận một
điều... Chiến mạnh khỏe, rắn rỏi
hơn Hào. Đó là hai con người với lại cá tính
khác nhau. Nhưng đôi lúc như hòa nhau thành một.
Nhiều lúc Ngọc không phân biệt được. Và khi
tỉnh dậy, Ngọc thấy cổ họng khát
bỏng, người lại ướt vã mồ hôi.
Một sự giằng co đáng sợ.
Bích Ngọc ngồi dậy
nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài trời tối sẫm. Nhìn vào
đồng hồ. Mới mười một giờ
hơn. Ngọc bước vội ra phòng khách, tìm một ly
nước lọc giải khát. Đèn ở đây còn sáng
choang, mẹ đang ngồi xem ti vi.
Thấy Ngọc bước
ra, người mẹ hỏi:
- Con có muốn ăn gì không,
mẹ nấu cho?
Ngọc vừa rót nước
vừa nói:
- Thôi không cần, con chỉ
thấy khát thôi mẹ.
Người mẹ nhìn con gái
lo lắng.
- Hình như con không
được khỏe phải không? Ban chiều lúc con
về nhà mẹ thấy con xanh xao thế nào đấy!
Bích Ngọc ngồi xuống
gần mẹ trấn an.
- Ban nãy con có uống tí
rượu rồi đi ra gió nên hơi choáng váng, nhưng
bây giờ thì không sao rồi.
Bích Ngọc nói, mặc dù
vẫn còn thấy nhức đầu. Buổi chiều
đến giờ chưa có hạt cơm trong bụng,
nhưng Ngọc vần không thấy đói.
- Con đã uống rượu
với ai vậy? Người mẹ hỏi - Thù Chiến
à?
- Không phải con chi uống có
một mình, sau đấy mới gặp bọn Triết.
Bích Ngọc thở dài rồi
tiếp:
- Thấy anh Triết cũng
tội... Cả người anh ấy như sút hẳn
đi.
Người mẹ với cái
nhìn theo quan điểm của mình nói:
- Cái đó cũng đúng thôi.
Gieo gì thì gặt nấy chứ? Con thấy không, đàn ông
hay đàn bà gì cũng vậy. Một người không
thể đứng cùng một lúc trên hai con thuyền.
Tại hắn tham lam quá. Vừa muốn có vợ con,
lại vừa muốn Khả Di. Mà trên đời này
đâu có gì đơn giản vậy? Ai cũng là con
người cũng biết cảm xúc. Tham quá trắng tay
thôi.
Bích Ngọc biện hộ cho
bạn
- Chuyện không hẳn như
vậy đâu mẹ. Nội tình phức tạp hơn. Ngay
chính con nè cũng chịu không hiểu... Đồng ý là
Triết hành động sai, chỉ vì Triết yêu Khả
Di. Nhưng mà chị Mỹ thì cũng...
Bích Ngọc không nói tiếp.
Bởi vì Ngọc chợt nghi vấn. Mỹ có hoàn toàn không
đúng không? Ở đây ai là đúng, ai không đúng? Làm sao
có thể khẳng định được. Chuyện
tình cảm là chuyện phức tạp không ai có thể
nhận định một cách chính xác.
Người mẹ thấy
Bích Ngọc đang nói nửa chừng, chợt dừng
lại nên tò mò hỏi:
- Thế nào? Mỹ thì sao?
Mẹ thấy cô ấy hành dộng vậy là đúng. Ai
lại bất nhân như Triết? Bỏ bê vợ con, mãi
cho đến lúc bị người tình đá đít
mới quay về tổ cũ. Mẹ mà là Mỹ, mẹ
cũng không chấp nhận chuyện đó.
Bích Ngọc không hài lòng.
- Mẹ này. Mẹ chưa rõ
chuyện nội bộ của người ta thì đừng
phê phán như vậy là không đúng. Ở đây phải
thấy rõ một điều là... anh Triết cũng có
lương tâm nên không cương quyết dứt khoát
được, còn Khả Di cũng là người quá
hiền lành biết nghĩ đến người khác nên
chọn hy sinh. Kết quả là chỉ có chị Mỹ
hưởng lợi chiếm thượng phong hơn
tất cả.
- Không thể nói như vậy
được. Người mẹ lắc đầu -
Mặc dù me rất quý Khả Di, nhưng cái gì cũng
phải công bằng. Trên công luận, ai cũng thấy rõ
một điều đấy là Khả Di đã giựt
chồng người ta.
Bích Ngọc rót thêm một ly nước.
- Nhưng mà... ở đây
mẹ cũng rõ... Ai là người bị thiệt thòi
nhất chứ?
Người mẹ suy nghĩ
rồi cười.
- Chẳng ai vui sướng
cả, mà phải nói là cả ba cùng khổ, đúng không?
- Sự thật là vậy. Bích
Ngọc tựa người vào ghế nói - Mẹ biết
không hôm nay trông anh Triết mà thấy tội.
Người mẹ nói:
- Nhưng dư luận sẽ
không đứng về phía cậu ấy!
Bích Ngọc lắc
đầu.
- Xã hội chúng ta rõ là kỳ
cục... Cái gì cũng tiến bộ nam nữ thì bình
quyền... Vậy mà phụ nữ vẫn được ưu
tiên, lúc nào cũng bị xem là phái yếu và không cần
đúng hay sai. Phụ nữ lúc nào cũng được
bênh vực tuyệt đối.
Người mẹ nói:
- Mẹ thấy Mỹ không có
lỗi gì trong chuyện này cả!
- Bây giờ chị ấy
đã tống anh Triết ra khỏi nhà. Làm như vậy là
đúng à?
- Đó cũng tại
Triết. Cậu ấy đã làm việc không suy nghĩ. Có
đời nào đã là chồng là cha lại không nghĩ
đến vợ con. Mang hết tình cảm của mình cho
người tình? Vậy là đúng ư? Mẹ không thể
vì chuyện Di là bạn bè con, rồi mù quáng bênh vực
họ. Rõ ràng lỗi ở đây hoàn toàn ở Triết.
Bích Ngọc ngồi suy nghĩ
lời mẹ. Ngay lúc đó, chuông điện thoại
đột ngột reo. Người mẹ cầm máy lên,
chợt tái mặt:
- Ở đâu đấy?
Sở cảnh sát à? Mấy ông tìm ai?
Người mẹ nghe xong,
trao ngay cho Ngọc.
- Sở cảnh sát họ tìm
con nè.
- Sao có chuyện kỳ cục
vậy? Bích Ngọc ngạc nhiên không kém - A lô chuyện gì
vậy? Vâng, là tôi đây, Vâng, Vâng... tôi sẽ đến
ngay. Vâng, mười phút nữa thôi.
Và Bích Ngọc đặt máy
xuống, rồi chạy ngay về phòng thay áo.
Ba phút sau nàng đã có một
ngoài phòng khách, với ví tay đầy đủ.
Người mẹ hỏi:
- Chuyện gì vậy con?
Bích Ngọc vừa
bước ra cửa, vừa trả lời:
- Dạ... anh Triết và Thù
Chiến họ đã đánh lộn trong quán.
Trên đường đi. Bích
Ngọc thấy đầu căng thẳng. Sao lại có
chuyện kỳ cục vậy. Ban nãy lúc bỏ đi.
Ngọc thấy hai người vẫn còn uống
rượu một cách đàng hoàng cơ mà? Mới cách
mấy tiếng đồng hồ. Vậy mà lại
đập lộn nhau. Chuyện gì? Phải chăng vì
rượu? Có ai bị thương không? Sao lại bị
nhốt ở bót cảnh sát? Ai thưa bắt.
Ngọc phóng lên taxi, nói
địa chỉ. Khi chiếc xe dừng lại
trước cổng bót. Ngọc đã trả tiền và
bỏ cả tiền lẻ thối lại. Nàng báo tên
với cảnh sát trước cổng, rồi chạy
vội vào trong. Ngọc chỉ ngồi đợi một
chút đã thấy người ta đưa Triết và Thù
Chiến ra.
Triết đứng
đấy với đôi mắt ngây dại. Tóc tay rối
bù, như người mất trí. Còn Thù Chiến? Áo sứt
nút mặt tím bầm mấy chỗ. Người ngợm
giống như kẻ bụi đời.
Bích Ngọc không nhìn họ lâu
được
- Chị đến đây
bảo lãnh cho họ phải không?
Vị sĩ quan hất hàm
về phía bọn Triết hỏi Ngọc:
Ngọc gật đầu,
không đáp.
Vị sĩ quan nói:
- Chúng tôi cũng vừa sưu
tra lý lịch họ xong. Toàn là những nhân vật tài danh
nổi tiếng...
Rồi ông ta cười:
- Đâu phải bọn lưu
manh phá hoại đâu? Buồn chuyện gì mà lại
đập lộn? Phá quán? Đây là lần đầu,
lại nể là người đàng hoàng nên chúng tôi chỉ
phạt vi cảnh. Vây giờ chị hãy ký vào tờ
giấy này, là có thể lãnh họ ra ngay.
Bích Ngọc vừa ký vừa
thăc mắc:
- Chuyện xảy ra thế
nào vậy ông?
Vị sĩ quan trực
kể:
- Họ uống rượu
say mèm - Nhất là anh ca sĩ Thù Chiến này. Anh ấy
uống xong vỗ bàn rồi khóc và hét. Nhiều
người quen mặt, biết anh ấy, mới
bước tới can ngăn, nhưng anh ta không những
không dừng lại, mà con vung tay lên đánh người,
thế là trận hỗn chiến xảy ra. Cả quán
rượu như muốn vỡ tung. Ẩu đả loạn
xạ. Đến độ chủ quán rượu không
biết làm sao hơn là gọi cảnh sát, thế là chúng tôi
phải đến can thiệp, mang họ về đây.
- Thế còn anh Điền
Triết? Ông đạo diễn Điền Triết này?
- Anh ấy thì đỡ
hơn, cũng say khước, nhưng lại ngồi yên
như ông phỗng đất, không nói năng gì đến
ai cả. Nhưng vì ông ta đi chung với Thù Chiến, nên
chúng tôi bắt buộc phải mang ông ta đến đây
luôn.
Bích Ngọc thở dài, rồi
quay qua nhìn Thù Chiến bây giờ cũng có vẻ tỉnh
rượu. Anh ta đứng đấy yên lặng nhìn
Ngọc. Đương nhiên Chiến biết Ngọc
đến đây làm gì.
Bích Ngọc làm xong thủ
tục, tiến đến phía hai người nói:
- Thôi bây giờ mình về
đi!
Thù Chiến không nói một
lời gì với Ngọc. Chỉ đỡ Triết
đứng dậy rồi ra ngoài. Anh chàng như chẳng
biết đến sự hiện diện của Ngọc.
Ngọc cũng yên lặng,
đi sau lưng hai người.
Ra khỏi bót cảnh sát,
Ngọc nói:
- Để tôi đưa hai
người về nhà nhé?
- Thôi không cần.
Chiến nói, giọng vẫn
còn đầy dỗi hờn.
- Cám ơn cô đã đến
bảo lãnh cho chung tôi. Bây giờ chúng tôi có thể một
mình về nhà được rồi.
- Anh Thù Chiến này!
Bích Ngọc bứt rứt,
nhưng Chiến lắc đầu.
- Cô về đi, một
lần nữa cám ơn cô!
- Nhưng các anh đi đâu
chứ?
Ngọc hỏi, không yên tâm vì
thấy Triết và Chiến chưa hoàn toàn tỉnh táo
Nhưng Chiến quay lại,
ánh mắt có vẻ khó chịu.
- Cô còn quan tâm đến
bọn này à?
- Đương nhiên là quan
tâm. Bích Ngọc nói một cách tự nhiên - Bởi vì các
người đều là bạn của tôi
Nhưng Chiến lắc
đầu.
- Cô nói sai rồi. Triết thì
đúng, còn tôi? Tôi biết phận mình tôi không dám nhận cái
danh dự đó đâu.
Rồi Chiến ngoắc
lấy một chiếc taxi, dìu Triết ngồi vào, đóng
cửa lại.
Chiếc xe xả khói chạy
thẳng.
Bích Ngọc đứng
ngẳn ra nhìn theo, lòng lạnh buốt. Bích Ngọc thấy
cái ánh mắt và thái độ của Chiến ban nãy hoàn toàn
giống hệt Chí Hào.
Và Ngọc cũng vội
ngoắc lay một chiếc taxi khác, leo lên. Ngọc dặn
bác tài chạy đuổi theo chiếc xe vừa chạy.
Bác tài ngạc nhiên nhưng không hỏi. Riêng Ngọc thì
Ngọc hiểu tại sao mình lại làm như vậy.
Xe dừng lại trước
tòa chung cư, nơi có căn hộ của Chiến.
Chiến dìu Triết bước xuống xe, thấy
Ngọc đuổi theo. Chỉ đưa mắt lạnh
nhìn Ngọc, rồi tiếp tục dìu Triết vào nhà.
Ngọc lúng túng hỏi:
- Tôi có thể vào nhà anh
được chứ?
Thù Chiến liếc nhanh
về phía Ngọc rồi nói:
- Nhà chỉ có hai người
đàn ông, cô vào có thấy bất tiện không?
Bích Ngọc chau mày lắc
đầu:
- Tôi có làm điều gì không
phải đâu! Sao anh lại khó chịu vậy? Dù gì chúng ta
vẫn là bạn cơ mà?
- Cô vẫn coi tôi là bạn?
Ngọc không nói, chỉ
hỏi:
-
Tại sao hai người lại đánh lộn chứ?
- À! Vì buồn, bực mình
ngứa tay, bất mãn đủ thứ.
Chiến nhún vai nói:
- Cô thấy đấy, chúng
tôi sống như những tên hề. Chỉ giỏi làm trò
cười cho thiên ha. Vậy mà cứ nghĩ tưởng
mình ngon lành lắm. Chúng tôi buồn mà họ lại dám vui
vẻ... Có phải bực mình không? Vì vậy, phải
đánh, thế là đánh nhau!
- Nhưng nghe ông cảnh sát nói
là tại anh khóc lóc, la hét người ta mới kéo
đến mà.
- Tôi không vui. Thì tôi có quyền
la hét để hả hơi. Chuyện đó có gì lạ.
Con người thật là kỳ cục. Tại sao lúc mình
bình thường tôi đứng trên sân khấu tôi cũng
hét, nhưng họ lại nghe, lại còn vỗ tay... Còn hôm
nay tôi hét, họ lại cười, có phải là họ
đã chọc giận tôi không?
- Anh thật là...
Bích Ngọc nói nhưng rồi
ngưng lại. Nàng như cảm thông cái nỗi buồn
trong lòng Chiến. Bây giờ thì Ngọc hiểu. Tình cảm
của Chiến dành cho nàng khá đặc biệt, đấy
không phải là chuyện đùa.
Chiến tiếp tục:
- Cô thấy đấy. Tôi
nguyên là một người đầy mặc cảm, Tôi
thật sự yêu cô, nhưng trước mắt cô, tôi là
một tên hề không hơn không kém.
Rồi chiến cười
buồn,.
- Vậy mà... Tôi lại không
chịu an phận. Làm sao có thể coi là ngang hàng một
người như động vật quý được
nuôi trong lồng son gác tía, còn người kia chỉ như
loài thú hoang dã? Vậy mà không biết thân. Dại thật! Có
phải là ếch nhái đòi ăn thịt thiên nga không?
Lời của Chiến làm tim
Ngọc đập mạnh. Cai thái độ tự châm
biếm của Chiến làm tim Ngọc nhói đau.
Chí Hào cũng đã từng ví
von như thế.
- “... Em thì là một sinh viên
giỏi, cầu tiến, em lại là đứa con gái ngoan
trong gia đình. Em toàn bích, trong khi tôi chỉ là một
thằng con trai hư đốn, một thứ lãng tử.
Con đường của chúng ta đi không giống nhau,
khác hẳn nhau. Vậy mà tại sao em lại cứ đeo
theo tôi hoài vậy? Em không sợ cuộc đời mình
xuống dốc, không sợ người ta cười chê
ư?”.
Chí Hào như vậy
đấy. Một con người đi trong bóng tối,
biết đường tối mà vẫn đi. Ở
đây, Thù Chiến có nhiều cái tương đồng
của Chí Hào. Nhưng không phải là cùng đi một con
đường. Mà là cái thái độ, cái ngang tàng, bất
cần đời.
Ngọc không dằn
được
- Anh nói đi... anh là ai?
Chiến không trả lời
thẳng Ngọc, hỏi lại:
- Cô nghĩ tôi là ai chứ?
- Tôi thấy anh là Thù Chiến,
nhưng anh cũng là Chí Hào. Có phải là anh chưa
chết... Anh đã giả vờ để gạt tôi
phải không?
Chiến lắc đầu.
- Bích Ngọc, cô đã lầm
rồi... Cô hãy buông tôi ra. Cô nghe này... Tôi là Thù Chiến
chứ không phải là Chí Hào. Tôi không phải là một
vật thế thân của anh ấy. Mãi mãi không là thể...
Bích Ngọc lùi ra sau, nhưng
vẫn không tin.
- Anh... chắc chắn là anh
lừa dối tôi. Anh là Chí Hào và anh chưa chết.
- Làm gì có chuyện đó.
Chiến lạnh lùng nói - Tại sao tôi phải dối cô
chứ? Tôi không phải là Chí Hào. Tôi cũng không muốn
đóng vai thế cho một ai, mà tôi là tôi. Thù Chiến
đây. Cô có nghe không? Tôi hoàn toàn khác hẳn Chí Hào. Nếu cô
muốn tìm Chí Hào từ thân xác tôi... Thì cô sẽ thất
vọng... Không có chuyện đó đâu. Tôi cũng không muốn
đóng vai trò đó đâu. Tôi là một người khác, cô
hiểu chưa? Bây giờ tôi biết là... cô đang xúc
động mạnh. Vậy tốt hơn... cô nên về nhà
nghỉ đi. Cô sẽ bình thản trở lại, và cô
sẽ thấy rõ.
- Không... không...
Bích Ngọc ôm mặt, rồi
chợt òa lên khóc.
- Cô Ngọc này... Cô hãy nghe tôi.
Thù Chiến nói. Và Ngọc
biết rằng đấy là sự thật. Nàng không
đợi Chiến nói thêm, vội vã quay người
chạy ra ngoài, phóng lên taxi về nhà.
Trên đường, Ngọc
đã khóc một cách thoải mái. Bất chấp cái nhìn tò
mò của ông taxi. Nước mắt không hẳn là sự
thất vọng mà như một sự thỏa mãn. Vì hình
như Ngọc đã tìm được lời giải
đáp.
Về đến nhà. Những
giọt nước mắt còn chưa ráo trên mặt
Ngọc đã làm mẹ nàng ngạc nhiên
- Ồ, con thế nào vậy?
- Con cũng không biết.
Ngọc đáp - Nhưng con dám đoan chắc với
mẹ là sau cái khóc lần này, mãi mãi về sau... con sẽ
không khóc nữa, con sẽ bình thản hơn... trên mọi
phương diện.
|