Nói về Lư Tuấn Nghĩa là một người khoẻ mạnh,
giỏi giang anh hùng vô địch song xưa nay chưa từng quen tay dưới
nước bao giờ. Nay bổng chốc bị thuyền lật xuống nước làm cho
chàng ta luống cuống rã rời chân tay không biết lối nào mà trở,
Trương Thuận liền ôm lấy ngang lưng mà đem thẳng vào bờ. Khi vào
tới bờ đã thấy đèn đuốc sáng rực và có năm sáu mươi người đứng
đón sẵn ở đó, chúng đem Lư Tuấn Nghĩa vào đó đứng xúm vào và
tháo đao dây lưng ra cởi bỏ hết quần áo và toan đem dây thừng
trói lại, chợt đâu thấy Đới Tung chạy đến và quát ngay rằng :
- Không được động đến Viên ngoại cứ mời Viên ngoại vào chơi.
Đoạn rồi thấy một người mang ra một cái áo gấm, một bức quần
thêu đưa đến cho Lư Tuấn Nghĩa và có tám đứa tiểu lâu la đưa cỗ
kiệu đến dìu Viên ngoại lên kiệu mà khiêng đi. Đi được vài bước
xa trông đã thấy có hai ba mươi đèn lồng sa đỏ dẫn một toán
người ngựa là Tống Giang, Ngô Dụng, Công Tôn Thắng cùng các vị
Đầu lĩnh kéo đến. Khi kiệu Lư Viên ngoại gần tới nơi Tống Giang
vội vàng quỳ xuống trước kiệu, rồi các vị Đầu lĩnh cùng quỳ theo
cả một lượt ở sau. Lư Tuấn Nghĩa thấy vậy cũng vội vàng xuống
kiệu quỳ ra ngoài đất mà nói rằng :
- Tôi đã bị bắt đến đây xin cho sớm chết là hơn...
Tống Giang cười rằng :
- Xin Viên ngoại hãy cứ lên kiệu rồi sẽ hay.
Nói đoạn lại dìu Lư Tuấn Nghĩa lên kiệu rồi các vị Đầu lĩnh cũng
đều lên ngựa mà nổi trống khua nhạc đưa thẳng về Trung Nghĩa
Đường. Khi tới Trung Nghĩa Đường các vị Đầu lĩnh mời Lư Tuấn
Nghĩa ngồi ghế giữa đôi bên đèn đuốc sáng choang rồi Tống Giang
nói với Lư Tuấn Nghĩa rằng :
- Chúng tôi lâu nay nghe tiếng Viên ngoại khác nào sét đánh
ngang tai, nay được gặp ngài đây thực là thoả lòng khát vọng vô
cùng. Vừa rồi bọn anh em có người không phải lỡ phạm đến ngài,
xin ngài tha lỗi ấy cho.
Ngô Dụng cũng chạy đến mà rằng :
- Bữa trước tôi có vâng lệnh huynh trưởng tôi đến cửa ngài, giả
làm thầy đoán số để mời ngài đến núi Lương Sơn cùng tụ đại nghĩa
với nhau mà thay trời hành đạo. Vậy ngày nay ngài đã tới đây
thật hạnh phúc cho sơn trại không biết bao nhiêu mà kể.
Đoạn rồi Tống Giang mời Lư Tuấn Nghĩa ngồi vào ghế thứ nhất, Lư
Tuấn Nghĩa cười mà đáp rằng :
- Lư Tuấn Nghĩa tôi khi trước ở nhà thực không có phép gì chết
được, nhưng ngày nay đến đây thực không muớn sống làm chi, định
giết thì cứ giết cần gì phải đùa như vậy ?
Tống Giang vui vẻ đáp rằng :
- Lẽ nào chúng tôi dám đùa với Viên ngoại thực là chúng tôi khâm
phục uy đức của Viên ngoại, tựa hồ trong lòng đói khát đã lâu
bời thế chúng tôi mới lập kế đón ngài tới đây tôn làm chủ sơn
trại, cho anh em chúng tôi được sớm khuya theo lệnh của ngài.
- Thôi xin đừng nói nữa tôi đây muốn chết thì dể bằng muốn cho
tôi theo thì rất khó.
Ngô Dụng vội gạt đi rằng :
- Nếu vậy để hôm khác rồi ta sẽ bàn.
Nói đoạn liền sai đem rượu lên để thiết đãi Lư Tuấn Nghĩa không
sao từ chối được đành gượng uống dăm ba chén rồi nghỉ tại đó.
Ngày hôm sau Tống Giang sai giết trâu mổ ngựa bày tiệc linh đình
mời Lư Tuấn Nghĩa ra dự tiệc, Tống Giang mời năm lần bảy lượt
mãi sau Lư Tuấn Nghĩa mới chịu ngồi vào ghế giữa để uống rượu.
Được một vài tuần Tống Giang đứng dậy nói với Lư Tuấn Nghĩa rằng
:
- Đêm qua thực là có điều không phải xin ngài tha lỗi cho, Sơn
trại chúng tôi đây tuy hẹp nhỏ song Viên ngoại cũng nên xét đến
hai chữ trung nghĩa mà lưu lại ở đây tôi xin thực tình nhường
lại vị lại ngài xin chớ chối từ làm chi ?
Lư Tuấn Nghĩa đáp :
- Đầu lĩnh nói lạ thực ? Tôi đây bình sinh không có tội gì nhà
cũng đủ ăn, không đến nỗi đói sống làm dân nhà Tống chết phải
làm ma nhà Tống... không nói đến chữ trung nghĩa thì tôi còn
uống liều dăm ba chén ở đây, bằng nói đến hai chữ trung nghãi
thì cái bầu nhiệt huyết cùa tôi cũng khả dĩ tưới khắp ra đây
ngay lập tức.
Ngô Dụng tiếp luôn rằng :
- Viên ngoại đã không chịu ở đây thì cũng không nên cưỡng bách
làm chi, giữ được người Viên ngoại chứ giữ thế nào được bụng ;
có điều rằng anh em tôi cũng không được mấy khi ngài hạ cố đến
chơi, vậy ngài không bằng lòng nhập đảng chúng tôi cũng không
dám ép song xin ngài hãy lưu lại ở chơi mấy bữa rồi xin đưa trả
về nhà thế là ổn tiện.
- Đầu lĩnh cũng biết rằng lưu tôi chẳng nào thì xin cho tôi về
ngay có tiện không ? Tôi ở đây chỉ e sợ vợ con cửa nhà không
biết tin tức ra sao cả...
- Cái đó có khó gì, xin cho Lý Cố đem xe cộ về trước còn ngài ở
lại đây mấy hôm về sau cũng được...
Nói đoạn liền gọi Lý Cố lên cho ít tiền nong mà giao cho về
trước, khi Lý Cố sắp ra đi Lư Tuấn Nghĩa dặn với rằng :
- Sự khổ của ta các ngươi đã biết, ngươi về nhà nói với Nương tử
bất tất phải lo nếu ta chưa chết thì ta thế nào cũng về được.
Lý Cố vâng lời mà rằng :
- Các Đầu lĩnh quá yêu như vậy xin Chủ nhân ở chơi vài tháng sẽ
về có điều chi mà ngại.
Nói đoạn từ tạ ra đi, Ngô Dụng đứng dậy để đưa chân Lý Cố xuống
núi. Ngô Dụng cưỡi ngựa đi đến đợi ở bến Kim Sa trước, được một
lát thì Lý Cố cùng các người nhà xe cộ đến nơi Ngô Dụng bèn sai
năm trăm tiểu lâu la ngồi vây lại xung quanh rồi gọi Lý Cố đến
trước mặt mà bảo rằng :
- Chủ Nhân nhà anh đã bằng lòng bàn với chúng ta nhập đảng ngồi
vào ghế thứ nhì rồi, trước khi chưa đi đến đây đã viết bốn câu
thơ ở trên vách tỏ ý rõ ràng ra đó anh đã biết chưa.
Lư hoa phơ phất chiếc thuyền bơi,
Tuấn kiệt rong chơi buổi tối trời
Nghĩa sĩ tay cầm ba thước kiếm
Phản rồi chém lũ ngịch thần chơi.
Trong bốn câu đó mỗi câu lấy một chữ đầu hợp thành '' Lư Tuấn
Nghĩa Phản '' anh đã biết chưa ? Ngày nay Chủ nhân các anh đi
lên đây thì đem tất cả các anh giết đi ngay, nhưng thế thì khí
ác quá ta tha cho các anh về, anh phải nói rõ cho mọi người biết
chủ nhân không về nữa nhé.
Lý Cố vâng lời rồi lạy lấy lạy để không thôi Ngô Dụng liền cho
chở thuyền đưa Lý Cố đi rồi, rồi lại trở về sơn trại uống rượu
đến chiều mới tan. Sáng hôm sau trong sơn trại lại làm tiệc vui
mừng rất là chững chạc. Lư Tuấn Nghĩa nói với các Đầu lĩnh rằng
:
- Các ngài có lòng thương không nỡ giết, tôi cũng cảm ơn song
thà rằng các ngài giết ngay còn hơn bắt giữ ở đây thực là một
ngày đằng đẳng coi bằng ba thu.. Vậy xin các ngài cho tôi cáo từ
hôm nay không thể lưu lại được nữa.
Tống Giang nói :
- Không mấy khi Viên ngoại tới chơi vậy ngày mai tôi xin mời
riêng ngài một tiệc để trò chuyện cùng nhau cho thoả lòng khát
vọng, xin ngài chớ từ chối.
Lư Tuấn Nghĩa không thể từ chối được lại phải lưu lại đến ngày
mai. Hết ngày mai lại đến Ngô Dụng thiết tiệc một ngày, rồi đến
Công Tôn Thắng một ngày, các vị Đầu lĩnh cố nài thiếc tiệc một
ngày tất cả hơn một tháng trời mà không hết lượt. Một hôm Lư
Tuấn Nghĩa lấy làm sốt ruột quá chừng liền nói với Tống Giang để
xin về, Tống Giang đáp rằng :
- Chúng tôi còn muốn lưu Viên ngoại ở chơi ít lâu, song ngài đã
nhất định đòi về như thế vậy ngày mai tôi xin mấy chén tiễn hành
riêng về phần tôi xin ngài chiếu cố đến cho.
Lư Tuấn Nghĩa ở đến ngày mai nhận bữa tiễn hành của Tống Giang,
rồi các Đầu lĩnh lại vật nài với Lư Tuấn Nghĩa mà rằng :
- Ca ca chúng tôi kính trọng Viên ngoại đến mười phần, thì tôi
đây cũng phải kính trọng Viên ngoại đến mười hai phần. Nay Ca ca
tôi đã được nâng chén rượu tiễn hành vậy còn chúng tôi không lẽ
ngài còn bỉ thử mà không nhận cho, như thế tthực là phiền lòng
cho anh em chúng tôi quá nổi.
Bấy giờ Lý Quỳ kêu to lên rằng :
- Tôi bị khổ sở biết bao nhiêu vào đến Bắc Kinh mời được ông ta
ra đây, nay ông không cho chúng tôi mời bửa tiệc tiễn hành là
nghĩa lý gì ? Nếu vậy tôi với ông quyết đấu một phen xem sao ?
Ngô Dụng nghe nói cả cười mà rằng :
- Từ cổ đến giờ chưa thấy ai mời khách như thế bao giờ ? Thôi
xin Viên ngoại xét đến lòng thành của họ mà ở lại ít bữa nữa rồi
mới có thể thoả thiếp cả được.
Lư Tuấn Nghĩa bắt buộc phải lưu lại bốn năm hôm nữa mới từ tạ ra
đi, bỗng đâu lại thấy Thần Cơ Quân Sư Chu Vũ dẫn đầu một tốp Đầu
lĩnh đến mà nói rằng :
- Chúng tôi đây tuy thị là hạng đàn em nhưng với Ca ca đây cũng
có đôi phần đóng góp, vậy không lẽ rằng : chúng tôi đây lại
không được tiễn chân Viên ngoại hay sao ? Viên ngoại không có
lòng chiếu cố tôi đây cũng không dám phàn nàn gì song chỉ sợ lũ
anh em đây họ lôi thôi sinh sự thực là khó chịu.
Ngô Dụng đứng lên đáp rằng :
- Anh em bất tất phải nóng nảy như vậy, để tôi mời Viên ngoại
hãy chiếu cố lưu lại ít hôm nữa là được rồi...
Lư Tuấn Nghĩa thấy vậy không thể từ chối được lại đành phải ngồi
lưu lại ít bữa nữa, đoạn rồi các Đầu lĩnh chia nhau tiễn tặng
loanh quanh làm cho Lư Viên ngoại phải trì trệ lần nữa chưa sao
mà dứt đi được. Khi Lư Tuấn Nghĩa bước chân ra đi chính đương
vào dạo tháng năm, tới nay thấm thoát đã hai tháng trời đất
giang sơn bỗng chốc đã nhuốm màu thu sắc, Lư Tuấn Nghĩa lấy làm
sốt ruột không sao chịu được liền nói với Tống Giang để khẩn
khoản xin về, Tống Giang cũng làm ra dáng chiều lòng Viên ngoại
mà nhận lời ngay.
Sáng sớm hôm sau Tống Giang sai lấy quần áo cũ cùng đao gậy của
Lư Tuấn Nghĩa đưa ra trả lại, rồi Tống Giang cùng các Đầu lĩnh
đem một mâm kim ngân để tặng cho Lư Tuấn Nghĩa. Lư Tuấn Nghĩa
cười mà nói rằng :
- Tiền của này trong sơn trại làm gì mà có, lẽ đâu tôi lại nhận
như thế ? Song ngày này không nhận cũng không lấy đâu làm lộ
phí, chỉ xin nhận đủ tiền trở về Bắc Kinh còn thì tôi không dùng
đến.
Nói đoạn nhận lấy ít tiền rồi bái tạ ra đi Tống Giang cùng các
Đầu lĩnh đưa chân tới bến Kim Sa rồi cùng nhau trở về sơn trại.
Lư Tuấn Nghĩa đi vội vàng chừng mười hôm về tới địa hạt Bắc
Kinh, hôm đó về gần tới thành thì trời đã gần tối chàng liền
nghỉ trọ ở ngoài hàng để sáng hôm sau sẽ trở vào trong thành.
Sáng hôm sau chàng trở dậy đi thẳng vào thành, khi đến một nơi
ước chừng còn cách hơn một dặm đường nữa thì vào tới trong thành
bỗng đâu thấy một người đầu tóc bơ phờ, áo khăn rách rưới chạy
đến trước mặt rồi lạy phục xuống đất mà khóc lên rưng rức, Lư
Tuấn Nghĩa ngạc nhiên nom đến thì chính là Lãng Tử Yến Thanh
liền hỏi luôn rằng :
- Tiểu ất ! Cớ sao ngươi đến nổi này ?
Yến Thanh gạt nước mắt mà rằng :
- Đây không phải là chổ nói chuyện nói xin Chủ nhân đến chổ
khác.
Lư Tuấn Nghĩa liền theo Yến Thanh đến một chỗ vắng người để hỏi
thăm duyên cớ. Yến Thanh nói rằng :
- Sau khi Chủ nhân đi độ nửa tháng bỗng đâu thấy Lý Cố trở về
nói với Nương Tử rằng : Chủ nhân đã quy thuận với Tống Giang ở
lại Lương Sơn Bạc mà đứng vào hàng Đầu lĩnh thứ hai mà lưu lại ở
đó. Đoạn rồi hắn báo với Quan tư mà thông lưng với Nương tử
chiếm hết cả nhà cửa tư cơ, đuổi tôi ra ngoài thành. Hắn lại dặn
dò các nhà thân thuộc nếu ai chứa chấp tôi thì hắn đành phí mất
nửa gia tư để đem người ấy kiện đến cửa quan, nhân thế tôi phải
đi ra ngoài thành mà kiếm ăn quanh quẩn để đợi Chủ nhân về xem
sao ? Tôi chắc chắn rằng Chủ nhân không bao giờ chịu làm nghề
lạc thảo, song nếu có quả thế thực thì xin nghe lời tôi trở về
ngay đất Lương Sơn kẻo vào thành bây giờ thì không thể tránh cho
khỏi nạn.
Lư Tuấn Nghĩa nghe nói quát lên rằng :
- Vợ ta không phải là người như thế ngươi đừng nói liêù với
ta...
- Chủ nhân không có mắt ở đằng gáy làm sao biết được chuyện sau
lưng, bình nhật Chủ nhân chỉ chuyên chú vào mặt võ nghệ không
đoái đến những chuyện nhỏ nhen nhân thế mà Lý Cố tư thông với
Nương tử cũng không hay biết đến. Ngày nay hai người đã có mưu
mô với nhau nhận làm vợ chồng nếu Chủ nhân về đó thì quyết bị họ
hại chứ không sai.
Lư Tuấn Nghĩa quát lên mắng Yến Thanh rằng :
- Nhà ta ở đất Bắc Kinh năm sáu đời nay ai mà không biết tiếng,
thằng Lý Cố nó có mấy đầu mà dám làm như thế ? Chẳng hay chính
ngươi làm càn rồi ngươi lại nói liều lĩnh với ta ? Để ta về xem
sao rồi sẽ liệu cho ngươi một thể.
Yến Thanh nhất định không nghe ôm lấy áo Viên ngoại rồi khóc lên
như mưa như gió, Lư Tuấn Nghĩa giơ chân đạp Yến Thanh ngã lăn
xuống đất rồi một mình xồng xộc mà đi thẳng về nhà...
Khi về tới nhà thì thấy đám chủ quản cùng người nhà anh nào anh
nấy đều có vẻ kinh sợ bàng hoàng, đoạn rồi Lý Cố đón Viên ngoại
vào trong nhà cúi đầu lạy ngay lập tức Lư Tuấn Nghĩa hỏi :
- Yến Thanh ở đâu ?
- Xin Chủ nhân thong thả rồi hãy nói chuyện công việc còn nhiều
lắm, Chù nhân đi xa về khó nhọc hãy xin nghỉ một lát đã.
Vừa nói xong thì thấy Cổ Thị ở sau bình phong vừa khóc lóc vừa
đi ra Lư Tuấn Nghĩa lại hỏi luôn rằng :
- Nương tử đây rồi Yến Thanh đâu nói cho tôi biết...
Cổ thị gạt nước mắt mà nói rằng :
- Xin trượng phu đừng hỏi vội, nói ra dài dòng lắm hãy xin nghỉ
ngơi đã.
Bấy giờ trong bụng Tuấn Nghĩa lấy làm nghi hoặc khó chịu bèn cố
hỏi chuyện Yến Thanh cho kỳ được. Lý Cố nói rằng :
- Chủ nhân hãy thay quần áo vào lễ Từ Đường xơi nước hẳn hoi rồi
sẽ nói đi đâu mà vội.
Nói đoạn liền sai dọn cơm cho Lư Tuấn Nghĩa ăn, Tuấn Nghĩa ngồi
vào mâm cơm vừa toan cất bát đũa ăn thì bỗng thấy cửa trước cửa
sau ầm ầm cả lên, rồi thấy hai ba trăm người lính phủ xông đến
nơi, Lư Tuấn Nghĩa cả kinh ngồi ngây người hẳn ra rồi đám lính
bắt trói vừa đánh vừa dong về trong phủ Trung thư. Bấy giờ Lương
Trung thư đương ngồi ngay giữa Công Đường hai bên tả hữu có tới
bảy tám mươi người lính đứng dàn hàng, đoạn rồi chúng giải Lư
Tuấn Nghĩa vào quỳ ở một bên và Lý Cố cùng Cổ Thị quỳ ở một bên.
Quan Trung thư quát hỏi rằng :
- Tên kia ngươi vốn là lương dân ở đất Bắc Kinh cớ sao laị dám
lên nhập bọn với đám Lương Sơn Bạc đứng vào hàng Đầu lĩnh thứ
hai, nay ngươi lại toan về đây định kết liên trong ngoài để đánh
phá Bắc Kinh là nghĩa làm sao ? Phải mau mau mà thú thực ra
đây...
Lư Tuấn Nghĩa nói rằng :
- Việc đó nguyên vì chúng tôi khờ dại bị tên Ngô Dụng ở Lương
Sơn đem thuật tướng số lừa dối, sau lại bị bắt giam ở trên núi
hơn hai tháng trời nay mới thoát thân về đây chứ thực không có
lòng gì phản bội, xin ngài xét cho.
Lương Trung thư quát lên rằng :
- Ngươi nói lạ, ngươi ở Lương Sơn mà không thông đồng với chúng
thì sao chúng lại giữ ở lâu đến như vậy, vả chăng lại có vợ cùng
tên Lý Cố về cáo thú đây kia lại còn chối vì lẽ gì nữa ?
Lý Cố quỳ bên kia bảo với Lư Tuấn Nghĩa rằng :
- Chủ nhân đã đến đó thì thú thực đi thôi, trên vách ở nhà đã
viết bốn câu thơ phản nghịch đó là chứng cớ rõ ràng còn chối làm
chi cho thêm phiền ?
Cổ Thị cũng nói rằng :
- Việc đó không phải chúng tôi muốn làm hại gì, song nếu không
thú ra thì liên luỵ d0ến cả chúng tôi thêm khổ, người ta thường
nói '' Một người làm loạn chín họ bị oan ''.
Lư Tuấn Nghĩa nghe đến đó kêu lên rằng :
- Thực là oan uổng cho ta quá.
Lý Cố lại đế luôn rằng :
- Chủ nhân bất tất phải kêu ca làm gì việc đã rõ ràng như thế,
chi bằng thú phắt đi cho khỏi khổ.
Cổ Thị lại nói :
- Việc dối không ai đến chỗ cửa quan mà việc thực thì chối làm
sao được.. Đã đành một người làm việc thì chết cũng cam tâm
nhưng còn liên luỵ đến chúng tôi thì sao ? Vậy bất nhược thì thú
ngay cho khỏi đòn vọt đến thân.
Bấy giờ Trương Khổng Mục bẩm với Lương Trung thư rằng :
- Tên này nó rắn đầu rắn mắt xưa nay nếu không khảo tấu thì sao
nó chịu nói.
Lương Trung thư truyền lệnh cho tra tấn, tả hữu vâng lời trói Lư
Tuấn Nghĩa ra nằm vật ở đất và đánh luôn một trận bắn vọt máu
tươi chết ngất đi mấy lần mới tỉnh. Lư Tuấn Nghĩa không sao chịu
nổi đòn tấn liền thở dài than rằng :
- Quả nhiên Cung mệnh ta phải chết oan như thế này...thà bất
nhược nhận liền cho xong chuyện.
Trương Khổng Mục nghe nói liền biên hết khẩu cung rồi sai đóng
gông tử tù nặng trăm cân cho giam xuống ngục, những người ngoài
phủ thấy vậy ai cũng thương tâm không nỡ xem.
Điều đâu bay buộc ai làm ?
Anh hào hết đất phỏng cam chăng trời ?
Biết thân đã mắc cạm đời
Thà rằng vũng nước theo người cho xong ?
Bấy giờ trong ngục có một người Tiết cấp coi ngục tên là Xái
Phúc quê ở đất Bắc Kinh biệt hiệu là Thiết Tý Phu ngồi ở sạp
giữa và một người em ruột tên là Nhất Chỉ Hoa Xái Khánh cầm gậy
đứng hầu ở một bên, khi chúng dong Lư Tuấn Nghĩa đến nơi Xái
Phúc bảo với Xái Khánh rằng :
- Ngươi đem thằng tử tù ấy đem giam kỹ vào trong kia, ta đi về
nhà một lát rồi lại đến ngay đây.
Xái Khánh vâng lời đem Lư Tuấn Nghĩa giam vào trong ngục rồi Xái
Phúc cầm gậy đi ra lối cửa ngục, chợt đâu thấy một người quần áo
rách rưới tay bưng một thúng cơm hai hàng nước mắt sướt mướt đầm
đìa mà đi vào. Xái Phúc trông biết người đó là Lãng Tử Yến Thanh
liền hỏi rằng :
- Yến Thanh làm gì thế đi đâu như vậy ?
Yến Thanh quỳ xuống nước mắt ròng ròng nói với Xái Phúc rằng :
- Xin Tiết cấp Ca ca thương lại Chủ nhân tôi là Lư Viên ngoại
nay chẳng may bị giam vào trong lao không có ai đưa tiền cơm
nước, vậy tôi kêu xin được thúng cơm đây để đem vào cho Chủ nhân
ăn tạm xin ông rộng phép cứu cho...
Nói đến đó thì khóc nấc lên nằm phục xuống đất Xái Phúc đáp rằng
:
- Được việc đó tôi biết cả rồi anh cứ đem cơm vào cho ông ta
không hề chi.
Yến Thanh lạy tạ rồi đem cơm vào lao cho Viên ngoại, đằng kia
Xái Phúc vừa đi khỏi chỗ thì thấy một người hàng nước đến vái
chào mà nói rằng :
- Thưa Tiết cấp có một người khách ngồi đợi ở hàng tôi, định mời
Tiết cấp đến để nói chuyện xin ngài đến ngay cho.
Nói đoạn liền mời Xái Phúc đi ngay, tới nơi thấy Lý Cố ngồi đợi
ở đó đôi bên chào hỏi rồi mới ngồi rồi Xái Phúc hỏi Lý Cố rằng :
- Chẳng hay Chủ quản có việc gì bảo tôi ?
- Chẳng dám dấu gì Tiết cấp việc đó không thể để lâu được nữa,
lỡ ra thì khốn đêm nay thể nào cũng xin Tiết cấp kết quả đi
cho... Tôi có năm mươi lạng vàng đây xin đưa để cho ngài chi
dụng, còn các quan lại bên trên tôi xin chu biên tất cả.
Xài Phúc cười mà rằng :
- Chủ quản không coi miếng đát trên chính sảnh khắc tám chữ ''
Dân đỏ dễ lừa, trời xanh khó dối '' đó sao ? Việc này thực là
nhẫn tâm quá đổi ông tưởng tôi không biết chăng ? Ông chiếm hết
gia tư của người ta, lấy cả vợ con của người ta nay lại đưa tôi
năm mươi lạng vàng mà xui giết chết người ta, nếu ngày sau Quan
Tư xét ra thì tôi làm sao chịu nổi tội ?
- Nếu ngài chê ít thì tôi xin đưa thêm năm mươi lạng vàng nữa.
- Lý Chủ quản ơi ! Ông đừng rút vặt nữa, một ông Lư Viên ngoại
có tiếng ở Bắc Kinh như thế, mà chỉ đáng giá một trăm lạng vàng
chăng ? Tôi xin nói thực, nếu ông muốn chóng được việc thì cứ
đưa năm trăm lạng bỏ ra đây.
- Vâng, vâng tôi xin sẵn đủ cả đây nhưng đêm hôm thế nào ngài
cũng giúp cho là được rồi.
Nói đoạn vội vàng đưa tiền cho Xài Phúc, Xài Phúc đứng dậy nhận
tiền mà nói rằng :
- Sáng sớm mai cứ đến mà khiêng xác hắn về...
Lý Cố hớn hở vui mừng tạ ơn Xài Phúc rồi hai người cùng chia ngã
ra về.
Bấy lâu áo chủ cơm thầy
Đền ơn dễ có phen này ấy chăng ?
Song tham ghê cũng lạ chừng
Nỗi đời này biết than cùng với ai ?
Khi Xài Phúc vừa về đến nhà lại thấy một người vén rèm bước vào
cất tiếng chào rằng :
- Xài Tiết cấp xin chào ngài.
Xài Phúc vội quay lại nom thấy người ấy ra dáng khôi ngô hùng
tráng, ăn mặc chỉnh tề mình mặc áo thanh nhiên cánh nhạn, lưng
thắt giải ngọc não mỡ dê đầu đội mũ ngài chân đi giày đỏ vừa đi
vào vừa vái chào Xài Phúc.
Xài Phúc ngạc nhiên đáp lễ lại rồi hỏi rằng :
- Quan nhân ở đâu đến đây có việc gì cho chúng tôi được biết ?
Người kia nói :
- Xin ngài cho vào nhà trong rồi sẽ nói chuyện.
Xài Phúc liền dẫn vào một gian gác kín rồi mời ngồi ở đó để nói
chuyện. Người kia nói với Xài Phúc rằng :
- Tôi đây họ Sài tên Tiến tiểu tự là Tiểu Toàn Phong người ở
quận Hoàng Hải phủ Thương Châu dòng dõi vua Đaị Chu khi trước,
nhân xưa nay tôi vẫn có lòng sơ tài trọng nghĩa, kết giao hảo
hán bốn phương bất đồ bị lỡ phạm tội nên phải lưu lạc lên Lương
Sơn Bạc mà nhập bọn ở đó, nay vâng tướng lệnh của Tống Công Minh
xuống đây để dò tin tức Lư Viên ngoại, ngờ đâu Viên ngoại đã bị
đám tham quan nhũng lại, tớ phản vợ dâm, đồng ý với nhau để giam
vào tử tội tính mạng nay chỉ còn trông vào tay ngài. Bởi vậy tôi
không dám quản công khó nhọc liều mình đi vào tận đây nói rõ đầu
đuôi cho người biết... Nếu ngài chịu lưu tâm cẩn thận giữ gìn
tính mạng cho Lư Viên ngoại thì chúng tôi sẽ hết lòng tử tế
không bao giờ dám quên ơn, bằng sinh sự thế nào nay mai binh mã
tới phá hết thành trì giết sạch quan dân dẫu Thiên tử tới đây
cũng khó lòng cứu được. Tôi vẫn nghe tiếng ngài là trung nghĩa
hảo hán xưa nay nên mới rõ cho ngài biết, và gọi là có nghìn
lạng vàng đưa đến để ngài tiêu xin ngài chấp nhận lấy cho. Hay
là ngài có muốn bắt Sài Tiến thì cứ bắt ngay bây giờ tôi không
phàn nàn chi cả.
Xài Phúc nghe nói đổ toát mồ hôi ngây người một lúc, không sao
trả lời được Sài Tiến nói rằng :
- Anh hùng xử sự không nên rủi rắng trù trừ, thế nào thì xiin
quyết ngay cho.
Xài Phúc nói :
- Xin hảo hán cứ về tôi khắc xin chu tất.
Sài Tiến tạ ơn mà rằng :
- Ngài đã nhận lời sau này xin đền ơn lớn.
Nói đoạn quay ra kêu người theo hầu là Đới Tung đưa vàng cho Xài
Phúc rồi vái chào mà ra đi. Xài Phúc thấy hai người đi rồi trong
trù trừ khó nghĩ vẩn vơ hồi lâu rồi mới đi vào trong ngục, đem
các chuyện đó thuật cho Xài Khánh nghe. Xài Khánh nói với anh
rằng :
- Anh vẫn là người quyết đoán xưa nay một việc con con này có
làm chi mà khó ? Người ta thường nói '' Giết người phải thấy
máu, cứu người phải đến nơi ''. Vậy ngày nay đã có một nghìn
lạng vàng ở đây, ta cứ đem kê lót hết tất cả mọi nơi, từ Lương
Trung thư đến Trương Khổng Mục toàn thị là những giống tham lam
làm chi họ chẳng nhận ? Khi nhận được tiền rồi thì họ phải kết
án liều lĩnh đem bắt đi đày, rồi đó cứu được hay không thì đã có
bọn hảo hán Lương sơn Bạc ta biết đâu được đến đấy nữa.
- Ngươi nói chính hợp ý ta, vậy em đem Lư Viên ngoại để vào một
chỗ tử tế cơm nước cho ông ta cẩn thận, và bảo qua cho ông ta
biết trước.
Hai anh em bàn định xong liền đem tiền đi lo lót các nơi cho cẩn
thận, ngày hôm sau Lý Cố đợi mãi không thấy Xài Phúc kết quả Lư
Viên ngoại liền vội vàng chạy đến để hỏi, Xài Phúc đáp rằng :
- Chúng tôi đương định hạ thủ thì thấy Lương Trung thư cho người
xuống bắt phải giữ gìn cẩn thận lấy tính mệnh của họ Lư mà không
cho làm bậy, vậy việc đó ông cứ lo ở quan trên cho xong rồi tôi
khắc hạ thủ ngay có khó gì ?
Lý Cố lại quay về cậy người mang tiền đến nói với Lương Trung
thư, Lương Trung thư đáp rằng :
- Đó là công việc của lao Tiết cấp không lẽ ta thân hành đến đó
hạ thủ ? Hãy để dăm ba hôm nữa thì nó cũng chết chứ sống thế nào
được mà vội ?
Bấy giờ Trương Khổng Mục cũng đã nhận được tiền của Xài Phúc rồi
đem văn án rút bớt tội xuống, rồi Xài Phúc lại thúc giục để kết
đoán mau cho xoing công việc, Trương Khổng Mục đem văn án lên
trình Lương Trung thư, Trung thư hỏi rằng :
- Việc này nên kết đoán thế nào cho phải ?
Trương Khổng Mục nói :
- Chúng tôi thiết tưởng việc Lư Tuấn Nghĩa tuy có người cáo thú,
song không có gì làm bằng chứng, vả có ở Lương Sơn Bạc ít lâu
song cũng là theo đóm ăn tàn không phải là chính phạm, vậy việc
này chỉ nên phạt bốn mươi trượng đem đày ra Viễn châu là hợp lẽ,
chẳng hay tướng công nghĩ sao ?
Lương Trung thư gật đầu khen rằng :
- Khổng Mục xử thế rất phải chính hợp với ý ta nên cho thi hành
ngay đi.
Nói đoạn truyền cho Xài Phúc đem Lư Tuấn Nghĩa lên luyện án cho
biết, phạt bốn mươi trượng thay gông sắt nặng hai mươi cân và
sai Đổng Siêu, Tiết Bá áp giải đi sang Sa Môn đảo. Nguyên Đổng
Siêu, Tiết Bá ngày trước ở phủ Khai Phong áp giải Lâm Xung đi
sang Hoành Hải, bất đồ giữa đường bị Lỗ Trí Thâm hộ cứu không
sao hại được Lâm Xung khi trở về bị Cao Thái uý quở phạt liền
đem đày sang đất Bắc Kinh, tới đây Lương Trung thư thấy chúng là
người tinh nhanh được việc nên lại cho vào trong phủ để cung ứng
việc quan.
Hôm đó hai tên vâng lệnh Trung thư đem Lư Tuấn Nghĩa ra phòng Sứ
thân rồi hai người trở về nhà để gói ghém hành lý, khi tới phố
bỗng gặp Lý Cố mời hai người vào hàng rượu để đánh chén nói
chuyện, chè chén hồi lâu rồi Lý Cố nói với hai người rằng :
- Chẳng giấu gì các ông Lư Viên ngoại chính là người thù của nhà
tôi, ngày nay đi sang Sa Môn đảo đường sá xa xôi hắn ta tiền
nong không có, không lẽ hai ông đi một chuyến xa hàng ba bốn
tháng trời mà không có một đồng xu nào thì chịu làm sao được ?
Vậy tôi gọi là có hai đỉnh bạc lớn đây kính tặng các ông làm lộ
phí xin các ông cố hết sức giúp tôi đem tên ấy ấy tới đâu rồi
kết quả hắn ngay đi, và đem miếng thịt ở mặt về đây cho tôi được
biết chẳng tiện hơn hat sao ?
Hai anh em kia nghe nói nhìn nhau một lúc rồi Đổng Siêu nói rằng
:
- Chỉ sợ không làm xong thôi...
Tiết Bá nói :
- Lý Đại quan nhân đây là người tử tế, ta nên giúp ngài việc
này, rồi sau đây ta có việc gì ngài sẽ giúp ta chứ sao ?
- Vâng ! Tôi không phải là người vong ân bội nghĩa sau này thế
nào cũng sẽ xin báo đáp các ông...
Nói đoạn đưa cho mỗi người năm mươi lạng bạc rồi cáo từ ra về,
Đổng Siêu, Tiết Bá cũng nhận lấy tiền rồi hai người về nhà thu
thập hành lý và áp giải Lư Tuấn Nghĩa lên đường. Khi sắp sửa ra
đi Lư Tuấn Nghĩa nói với hai người rằng :
- Nay tôi mới bị đòn đau các ông hãy khoan thứ cho tôi đến mai
hãy đi thì hơn.
Tiết Bá mắng lên rằng :
- Thôi bịt mồm lại, chúng ông cũng hắc vận nên mới gặp thằng
cùng thân như mày... Từ đây sang Sa Môn đảo vừa đi vừa về sáu
nghìn dặm đường phí tổn kể hết biết bao nhiêu ? Thế mà mày không
có một xu nào thì chúng ông làm cách gì mà đi được ?
Lư Tuấn Nghĩa phàn nàn kêu rằng :
- Chúng tôi cũng cơn đen vận túng bị án oan khuất các ông thương
lại cho tôi.
Đổng Siêu mắng lên rằng :
- Anh là một thằng thần giữ của xưa nay một cái lông cũng không
dám nhổ ra... Nay trời xui khiến vậy cho anh biết thân một mẻ,
thôi đừng oán hận nữa không đi được thì chúng tôi dắt đi.
Lư Tuấn Nghĩa thấy vậy đành im hơi nuốt giận mà đi, đi đến ngoài
cửa Đông hai người kia liền ôm cả đồ khăn gói khoác lên gông bắt
Lư Tuấn Nghĩa phải đeo rồi vừa đi vừa đánh mắng nhiếc rất là tàn
ác. Chiều hôm đó ước chừng đi được mười bốn mười lăm dặm đường
thì trời đã gần tối Đổng Siêu, Tiết Bá liền dẫn Viên ngoại vào
hàng để nghĩ. Khi vào tới hàng cất khăn gói ô áo xuống Tiết Bá
bảo với Lư Tuấn Nghĩa rằng :;
- Chúng ông thực là khổ ai lại người làm việc quan phải hầu đứa
có tội ? Mày có ăn cơm thì đi thổi lấy mà ăn.
Lư Tuấn Nghĩa lại phải đeo gông kè kè ở cổ đi xuống bếp nhờ tên
tiểu nhị lấy củi ra để nấu cơm, tên tiểu nhị rửa hộ nồi niêu vo
gạo hộ rồi đặt lên cho Lư Tuấn Nghĩa nấu cơm. Nguyên Tuấn Nghĩa
xưa nay là ông chủ nhà giầu không quen việc bếp núc thổi nấu,
nay lại vớ được nắm củi ướt cứ thổi được lửa lên lại tắt phụt đi
mất, chàng ta lại phải cúi đầu xuống thổi tro bụi vung lên không
sao mà mở mắt ra được Đổng Siêu thấy vậy lại lảm nhảm mắng nhiếc
luôn mồm rất là khổ sở. Được một lát cơm canh đã chín hai anh
kia xới lên ăn nóng với nhau không hề cho Lư Tuấn Nghĩa một
miếng nào cả. Mãi sau còn thừa một chút canh mới gọi Tuấn Nghĩa
lên cho rồi Tiết Bá mắng chửi luôn một hồi nữa, khi ăn uống xong
chúng bắt Lư Tuấn Nghĩa phải đi đun nước rửa chân, rồi lấy chậu
nước đương sôi bắt chàng nhúng chân vào rửa. Chàng vừa mới tháo
giày ra bị Tiết Bá cầm hai chân ấn vào nước nóng bỏng giãy kêu
lên như người chết. Tiết Bá lại mắng rằng :
- Chúng ông hầu hạ thế mày còn kêu gì ?
Đoạn rồi hai người lấy dây xích đem Lư Tuấn Nghĩa khoá vào sau
cửa buồng rồi đi ngủ với nhau, đầu trống canh tư sáng hôm sau
hai tên trở dậy sai tiểu nhị nấu cơm ăn uống với nhau, rồi lấy
khăn gói hành lý giục giã ra đi Lư Tuấn Nghĩa nom thấy hai chân
thì đã bỏng toạc cả da ngoài không sao mà bò đi được. Bấy giờ
đương dạo mùa thu trời mưa không dứt hột đường lội và trơn Tuấn
Nghĩa đi được một bước lại ngã một bước Tiết Bá liền cầm gậy
đánh luôn vào lưng bắt phải đi mau. Đi chừng mười lăm dặm đường
đến chổ khu rừng gần đó Lư Tuấn Nghĩa nói với hai người rằng :
- Tôi không thể nào đi được nữa các ông thương lại cho tôi nghỉ
một lát.
Khi đó trời gần sáng rõ đường vẫn vắng tanh hai anh kia đưa Lư
Tuấn Nghĩa vào đến một khu rừng rồi Tiết Bá nói rằng :
- Chúng ta dậy đi sớm quá bây giờ mỏi mệt lắm rồi ta muốn vào
nghỉ đây một lát nhưng chỉ sợ thằng này nó chạy mất thôi.
Lư Tuấn Nghĩa nói :
- Tôi dẫu có cánh cũng không bay đi đâu được...
Tiết Bá nói :
- Chả tin gì anh được chúng tôi hãy trói anh vào đây đã.
Nói đoạn vớ cái thừng cài ở lưng ra quàng ngang vào bụng Lư Tuấn
Nghĩa rồi mang ra gốc cây thông trói chặt vào gốc cây đó. Đoạn
rồi Tiết Bá bảo với Đổng Siêu rằng :
- Đại ca chạy ra canh ở ngoài kia hể có ai đến thì đằng hắng lên
cho tôi biết.
- Được ! Chú cứ hạ thủ mau đi.
Nói đoạn Đổng Siêu ra đi Tiết Bá cầm gậy giơ lên đầu Lư Tuấn
Nghĩa mà bảo rằng :
- Anh đừng nên trách tôi đây là tên Lý Chủ quản nhà anh thuê
chúng tôi kết quả cho anh, nếu không chết ở đây thì đến Sa Môn
đảo cũng chết, vậy bất nhược tôi kết quả sớm cho xong, anh có
chết xuống âm ty thì cũng đừng oán tôi nhé ? Ngày hôm nay sang
năm là giổ đầu anh đó.
Lư Tuấn Nghĩa nghe nói hai hàng nước mắt đầm đìa đành phải cúi
đầu chịu chết Tiết Bá liền giơ gậy lên để ra tay kết quả anh
tù...
Trời cao đất rộng có hay !
Trông gương tôi chúa tớ thầy mà nghe !
Bây giờ giáo sẵn gươm kề
Nào ai hào hiệp nặng vì với ai ?
Khi đó Đổng Siêu ở ngoài nghe đến tiếng huỵch một cái thì tưởng
Tiết Bá đã kết quả xong bèn vội vàng chạy vào để xem, bất đồ khi
vào tới nơi thấy Lư Tuấn Nghĩa vẫn còn trơ trơ trói vào gốc cây
mà Tiết Bá đã ngã lăn xuống đất vất rời cây gậy một bên Đổng
Siêu lấy làm lạ nói lẩm nhẩm rằng :
- Quái ác ! Chẳng hay anh này dùng sức quá mà ngã chăng ?
Nói đoạn giơ tay đỡ Tiết Bá dậy thì thấy Tiết Bá đã chết đờ ra
miệng thổ ra toàn những máu tươi, mà có mũi tên cắm vào giữa
bụng, Đổng Siêu thấy vậy vừa mới cất mồm toan kêu thì bỗng lại
thấy tiếng dây cung bật tách, rồi một mũi tên cắm ngay mặt Đổng
Siêu rồi ngã lăn ngay xuống. Đoạn rồi có một người ở trên cành
cây gần đó lần xuống đi đến chổ Viên ngoại rút dao lưng ra cắt
trói cho Lư Viên ngoại và tháo gông ra ôm Viên ngoại mà khóc lên
rưng rức. Lư Tuấn Nghĩa mở mắt nhìn thì chính là Lãng Tử Yến
Thanh liền kêu lên rằng :
- Tiểu Ất ôi ! Chẳng hay hồn ta được gặp ngươi đó ?
Yến Thanh đáp rằng :
- Tôi theo Chủ nhân từ Bắc Kinh đến đây ai ngờ quả nhiên đến khu
rừng này, chúng toan hạ thủ thực vừa rồi tôi bắn hai phát tên
chết cả hai đứa đó Chủ nhân có trông thấy hay chăng ?
- Bây giờ đành rằng ngươi cứu ta thoát nạn song đã bắn chết hai
người lính nhà quan thì tội càng nặng lắm vậy ngươi định đi đâu
tránh cho khỏi tội mà đi ?
- Nguyên trước vì Tống Công Minh nên chủ nhân mới phải như thế,
vậy nay chủ nhân không lên Lương Sơn Bạc còn đi đâu được nữa ?
- Nhưng hiện nay ta bị đòn đau lại vừa bị đau chân không thể đi
được thì làm như thế nào ?
- Bây giờ sự gấp đến nơi tôi xin cõng chủ nhân mà chạy ngay đi
cho thoát.
Nói đoạn rồi vất hai xác ngay ra đó rồi đeo cung nỏ dắt dao lưng
tay cầm gậy lưng cõng Lư Tuấn Nghĩa rồi theo về phía Đông để
chạy, đi được mười lăm dặm đường nghe mỏi mệt quá chừng, chàng
liền tìm vào một cái hàng con con ở thôn gần đó để ngủ trọ và
kiếm cơm nước ăn uống với nhau.
Nói về Đổng Siêu, Tiết Bá bị chết trong rừng không ai biết tới,
sau có người đi biết tới liền đến sở tại báo cho Lý trưởng cùng
các chức dịch trong làng biết, tụi Lý trưởng thấy vậy vội vàng
báo tin về phủ Đại Danh và khất quan cho người về khám. Khi Quan
tư sai người về khám thấy mũi tên có bốn chữ Lãng Tử Yến Thanh
chúng liền bẩm với Lương Trung thư, lập tức sức cho dân xã các
nơi và sai người đi dò xét để bắt Yến Thanh và Lư Tuấn Nghĩa.
Hôm đó Tuấn Nghĩa và Yến Thanh vào trọ trong hàng, bất đồ Tuấn
Nghĩa bị roi đòn đau đớn bệnh lại nổi lên không sao đi được đành
phải lưu lại đó để dưỡng bệnh ít lâu. Tên tiểu nhị ở điếm đó
nhân thấy có tin đồn là Quan tư yết giấy tróc nã hai người giết
lính công sai thì trong bụng lấy làm ngờ vực liền báo với Lý
trưởng rằng :
- Trong hàng tôi có hai người khách trọ nom khả nghi lắm, hoặc
giả là người giết lính công sai cũng nên.
Lý trưởng thấy nói liền đem chuyện báo cho bọn lính đi do thám
biết để cùng đến thám nã.
Hôm đó Yến Thanh nhân không có tiền mua thức ăn liền vác nỏ đi
ra quanh ven làng để bắn chim chuột về nấu ăn, khi về đến nửa
chừng thì thấy dân làng reo hò ầm ỷ cả lên, Yến Thanh nấp vào
gốc cây để xem động dạng gì ? Đương khi đó chợt trông thấy hơn
trăm người lính đều vác gươm vác dao xúm đi xung quanh trói Lư
Tuấn Nghĩa lên xe mà dong đi qua đó. Yến Thanh thấy vậy cả kinh
toan xông vào để cứu song trong tay không sẵn đồ đạc đành lui
lại, mà không dám thò ra nữa. Chàng vừa bực tức vừa buồn bã nghĩ
vẩn vơ còn một kế là lên Lương Sơn Bạc nói với Tống Công Minh
đem quân xuống cứu thì mới thoát cho chủ được.
Chàng nghĩ vậy bèn lập tức gấp đường mà quay lên Lương Sơn Bạc,
chàng đi đến nửa đêm hôm ấy trong bụng vừa đói vừa khát không có
một đồng tiền nào để mua thức ăn thức uống bèn đi thốc lên một
khu rừng cây ở trên ngọn núi đất mà ngủ đến sáng.
Sáng ngày hôm sau chàng nghĩ trong bụng bụng lấy làm lo âu phiền
muộn, thương cho chủ nhân mà ngại cho mình đói khát bơ vơ không
biết rằng có tìm được người cứu hay không ? Chàng đương nghĩ vẩn
vơ thì thấy trên cành có tiếng chim khách kêu réo liền nghĩ thầm
trong bụng định bắn con chim, để vào trong làng nấu nướng nhờ mà
ăn cho đỡ đói. Nghĩ vậy liền trở dậy vác nỏ chạy ra ngoài rừng
ngẩng cổ lên nom thì thấy con chim khách cứ quay đầu vào chàng
kêu ríu rít, Yến Thanh cầm tên nỏ ra tay rồi ngẩng trông lên
trời lẩm bẩm khấn rằng :
- '' Yến Thanh tôi chỉ còn có một cây tên này nếu mà có thể cứu
được chủ nhân ra thì tên bắn chim rơi xuống, bằng tính mạng chủ
nhân tôi có đến nổi thế nào thì mũi tên bắn ra chim kia sẽ bay
đi mất ''.
Nghĩ đoạn đặt tên lên nỏ kêu lên một tiếng '' Như Ý Tử chớ lầm
ta '' rồi nghe đến tách một cái trúng ngay vào đuôi con chim
khách, con chim khách bị tên bắn vào liền vỗ cánh bay sè xuống
chân núi. Yến Thanh đến nơi tìm quanh tìm quẩn không thấy con
chim khách ở đâu thì trong lòng phiền não vô hạn. Chợt đâu thấy
có hai người đi đến trước mặt, chàng ngẩng cổ lên nom thì thấy
một người chít khăn mỏ lợn sau gáy có đôi vòng bạc vòng đồng,
mình mặc áo lá đen chân đi một đôi giày đen tay cầm một cây gậy
đoản ; và một người khoác nón trắng mặc áo lụa thắt lưng đỏ chân
đi giày da vai khoác khăn gói, tay cầm gậy đoản lưng dắt yêu đao
cùng lượn qua trước mặt mà đi. Yến Thanh thấy vậy quay mình lại
nhìn rồi nghĩ thầm rằng : '' Ta đương kiết cáu không có đồng
nào, bất nhược quay lại đánh luôn cho mỗi thằng mấy cái cướp lấy
khăn gói để lấy tiền tiêu rồi về Lương Sơn Bạc cũng được ''.
Chàng nghĩ đoạn liền bỏ cung nỏ xuống đó đuổi theo hai tên kia,
hai anh kia đương cắm đầu cắm cổ vội vàng đi, bị Yến Thanh sấn
đến đánh cho một quyền ngã lăn xuống đất rồi Yến Thanh cũng ra
tay đánh luôn anh đi trước một thể. Bất đồ Yến Thanh chưa kịp
đánh thì đã bị anh đi trước phang cho một gậy vào giữa đùi bên
tả ngã lăn ngay xuống. Đoạn rồi anh bị ngã đứng phắt dậy dẫm
chân lên bụng Yến Thanh rút dao ra toan chém, Yến Thanh vội kêu
lên rằng :
- Hảo hán ơi ! Tôi chết không tiếc chi song đáng thương một nổi
không ai báo tin ccho tôi...
Anh chàng kia dừng tay lại xách Yến Thanh đứng dậy mà hỏi rằng :
- Thằng này mày nói rằng là báo tin gì ?
- Bác định hỏi tôi mần chi ?
Bấy giờ anh đi trước kia nắm lấy cổ tay Yến Thanh thấy có hoa
chạm vẽ trên tay liền vội hỏi rằng :
- Anh có phải là Lãng Tử Yến Thanh gì đó ở nhà Lư Viên ngoại hay
không ?
Yến Thanh nghe nói liền nghĩ bụng thể nào cũng chết bất nhược
nói phắt cho nó bắt để cùng chết với chủ còn hơn. Chàng liền nói
rằng :
- Tôi chính là Yến Thanh ở nhà Lư Viên ngoại đây.
Hai người kia thấy nói vậy đều nhìn vào Yến Thanh mà nói rằng :
- Giá chậm tí nữa thì chúng tôi giết oan mất, nào ai biết đâu là
Tiểu Ất ca đây. Bác có biết hai người chúng tôi không ? Tôi là
Bệnh Quan Sách Dương Hùng và ông này là Biển Mạnh Tam Lang Thạch
Tú cùng làm đầu lĩnh ở Sơn Bạc đây. Nay chúng tôi vâng tướng
lệnh Tống Ca ca đến Bắc Kinh để thăm tin Viên ngoại rồi Quân sư
tôi cùng Đới Viên trưởng cũng đến sau kia.
Yến Thanh thấy vậy mừng rỡ liền đem chuyện Lư Viên ngoại thuật
lại cho hai người nghe Dương Hùng bảo với Thạch Tú rằng :
- Nếu vậy tôi với Tiểu Ất ca cùng trở về sơn trại để báo với
Tống Ca ca cón Thạch huynh một mình đi vào Bắc Kinh để dò xét
xem sao rồi sẽ về báo.
Thạch Tú vâng lời rồi giở thịt khô bánh nướng cho Yến Thanh ăn
và đưa khăn gói cho Yến Thanh khoác để cùng về Lương Sơn với
Dương Hùng.
Khi về đến sơn trại Yến Thanh thuật hết chuyện cho Tống Giang
nghe, Tống Giang nghe nói cả kinh liền họp tất cả các Đầu lĩnh
để tính kế cứu Lư Tuấn Nghĩa.
Về phần Thạch Tú một mình đem mấy thứ quần áo cần dùng đi vào
tới địa hạt Bắc Kinh, gặp khi trời tối không được vào thành lại
phải đến hàng để trọ. Sáng hôm sau chàng cơm nước xong đi vào
tới trong thành chợt thấy ở trong phố xá các người đều lao xao
nói với nhau người nào nom cũng có vẻ buồn bã thương tâm hết
thảy. Thạch Tú thấy vậy trong lòng lấy làm nghi hoặc bèn lần ra
đến giữa chợ tìm một ông già để hỏi chuyện, ông già thấy Thạch
Tú hỏi thì thở dài lắc đầu mà nói rằng :
- Ông ở xa đến đây không biết, nguyên Bắc Kinh tôi đây có một
ông Lư Viên ngoại là tay tài chủ anh hùng phúc đức, dạo trước bị
đám Lương Sơn Bạc bắt lên núi mấy tháng mới được thả về, khi về
nhà bị Quan tư đem đầy sang Sa Môn đảo ; sau không biết vì sao
lại đánh chết hai người lính giải rồi Quan tư bắt được liền kết
án xử tử mà đem chém ở ngoài chợ, chỉ vào khoảng giờ Ngọ hôm nay
là hành hình đó.
Thạch Tú nghe đến đó giật nẩy mình toát mồ hôi vội cắm đầu cắm
cổ chạy ra hàng cơm gần chỗ pháp trường rồi trèo tót lên gác để
ngồi. Tên tửu bảo chạy theo lên hỏi rằng :
- Ngài định mời ai, hay định xơi rượu một mình ?
Thạch Tú trợn mắt lên mà nói rằng :
- Rượu cho nhiều thịt cho lớn đem lên đây hỏi cái gì ?
Tửu bảo sợ mất vía vội quay ra lấy hai cân rượu, một mâm thịt bò
lớn rồi bưng lên Thạch Tú ăn một hồi no say đâu đấy rồi ngồi đó
để đợi. Được một lát thì thấy dưới phố ào ào cả lên chàng liền
chạy ra chổ cửa sổ để nom, thì thấy phố xá nhà nào cũng đóng cửa
kín mít cả, tửu bảo chạy lên nói với Thạch Tú rằng :
- Ngài say rồi hay sao ? Ở đây hôm nay có việc quan cấm cả các
hàng xin ngài trả tiền rồi đi chổ khác cho...
Thạch Tú trừng mắt lên quát rằng :
- Cái quái ! Tao sợ gì ! Muốn sống bước ngay đi ông đánh cho một
mẻ bây giờ.
Tên tửu bảo nín thít đi thẳng xuống lầu không dám nhìn lại nữa.
Hồi lâu bỗng thấy chiêng trống vang lừng thừ đằng xa đi đến
Thạch Tú nom ra cửa sổ thấy trên con đường chữ thập ngay trước
cửa lầu vây bọc lấy một khu pháp trường, rồi thấy mười mấy đôi
tay đao dong Lư Tuấn Nghĩa bắt quỳ ở đó. Thiết Tý Phụ Xái Phúc
cầm thanh pháp đao Nhất Chỉ Xoa Xái Khánh nâng đầu gông lên bảo
với Lư Tuấn Nghĩa rằng :
- Lư Viên ngoại ơi ! Chắc ông khôn ngoan ông cũng biết việc này
không phải là anh em chúng tôi không cứu được ông, song thực là
số phận ông sui ra như thế. Vậy chúng tôi đã đặt vị thứ của ông
vào trong miếu Ngũ khánh kia rồi xin hồn ông về đó mà hưởng thụ.
Nói đoạn thấy có tiếng xướng lên rằng :
- Đúng giờ Ngọ ba khắc rồi...
Đoạn rồi Xái Khánh tháo gông ở cổ Lư Tuấn Nghĩa ra và Xái Phúc
cầm pháp đao ra tay cẩn thận, bấy giờ Trương Khổng Mục cầm văn
án đọc to lên cho mọi người nghe rồi treo biển lên để hành hình.
Thạch Tú ngồi trên gác thấy tuyên án xong liền rút dao ra thét
gầm lên một tiếng rằng :
- Bọn hảo hán Lương Sơn Bạc đây...
Xái Phúc, Xái Khánh nghe tiếng kinh sợ rụng rời vất bỏ Lư Viên
ngoại đấy mà tháo thân chạy trước, Thạch Tú ở trên gác nhảy
xuống giơ đao chém vung chết mười mấy người rồi hai tay ôm lấy
Lư Tuấn Nghĩa mà chạy thẳng về phía Nam. Khi đó Thạch Tú dắt Lư
Tuấn Nghĩa ùa chạy bất đồ luống cuống không thuộc đường lối
trong thành Bắc Kinh còn Lư Viên ngoại cũng mê mẩn tâm thần cũng
không nhấc chân đi được, hai người lẩn quẩn quanh co không biết
lối nào mà ra khỏi thành cho thoát.
Bên kia Lương Trung thư nghe báo có người đến cướp pháp trường,
liền hạ lệnh lập tức đóng các cửa thành mà cho nhân mã đi lùng
bắt lại...
Mới hay :
Giữa trường giáo dựng gươm xây
Xông pha ngang dọc một tay anh hùng.
Chỉ e sức yếu đường cùng
Tay không khôn thoát khỏi vòng mà ra ?
Phũ phàng chi mấy tài hoa ?
Đất bằng gây cuộc phong ba ầm ầm...
Nào ai nghĩa nặng tình thâm.
Bây giờ thời vận thăng trầm hỏi ai ? |