Bấy giờ Thạch Tú cõng Lư Tuấn Nghĩa còn đương
quanh quẩn trong thành, tìm lối để tháo bất ngờ bị quân mã bốn
mặt đổ lại thả giây móc mà bắt cả đôi người rồi trói chặt mà dẫn
vào trong phủ. Khi vào tới nơi Lương Trung thư sai đem tên cướp
pháp trường lên trước công đường để hỏi, Thạch Tú lên đến nơi
trợn trừng mắt ầm lên rằng :
- Bớ quân đi làm đầy tớ, những tên đầy tớ kia Ca ca ta nay mai
đem binh đến đánh thành Đại Danh chém thây ngươi ra làm mấy đoạn,
ngày nay sai lão gia đến đây để báo trước cho chúng mày đó...
Chàng vừa nhiếc vừa mắng luôn mồm không thôi bao nhiêu người
đứng đó đều ngây hẳn người ra. Lương Trung thư thấy vậy trong
bụng băn khoăn suy nghĩ hồi lâu, rồi sai lấy gông đem gông hai
người lại và giam vào ngục tử tù, mà dặn Xái Phúc phải trông coi
cho cẩn thận.
Xái Phúc nguyên có ý muốn làm quen với bọn hảo hán Lương Sơn Bạc
liền cho Lư Tuấn Nghĩa và Thạch Tú vào một nhà lao sạch sẽ, và
thết cơm rượu rất là chu đáo không hề có một điều chi khinh bỉ.
Bấy giờ Lương Trung thư cho quân Vương Thái thú ở bản châu đi
kiểm điểm số người bị thương, thấy có tới bảy tám mươi người bị
chết còn thì gãy chân gãy tay vỡ đầu vỡ mặt, không biết tới đâu
mà kể. Lương Trung thư liền cho lấy tiền kho ra để cứu chữa
người đau và chôn hoá những người bị chết.
Ngày hôm sau thấy có người nhặt được mấy mươi tờ yết thị của bọn
Lương Sơn Bạc đem trình với Lương Trung thư, Trung thư cất lấy
xem trong tờ yết thị rằng : '' Nghĩa sĩ ở Lương Sơn Bạc là Tống
Giang có mấy lời nói cho các quan trong thành Đại Danh được biết
Lư Tuấn Nghĩa là người hào kiệt nhất đời ta muốn đón lên trên
núi để cùng thay trời hành đạo, sinh phúc cho dân ; thế mà các
ngươi dám nghe theo lời bọn gian tà lại hại người lương thiện,
rồi sao bắt cả người đưa tin của ta là Thạch Tú vào ngục, là
nghĩa làm sao ? Nếu các ngươi biết điều mà giữ toàn tính mệnh
của hai người mà bắt đứa gian phu dâm phụ ra nộp thì ta đây cũng
không sinh sự làm chi, bằng cố tình làm hại hai người thì nay
mai nhổ trại đem đại binh đến đâu thì đá vàng tan nát, trừ hết
gian tham giết tàn ngu bỉ, trời đất chứng minh quỷ thần phò hộ,
vui mừng mà đến khua múa mà đi, bao nhiêu con hiền cháu lành,
quan liêm lại tốt cùng hết thẩy con dân cứ yên phận làm ăn không
có việc chi kinh khủng, các ngươi nên biết ý ta...'' Lương Trung
thư xem đến đó liền gọi Thái thú họ Vương đến bàn định xem sao.
Vương Thái thú vốn người nhút nhát lại nghe những lời nói trong
tờ cáo thị thì trong lòng lấy làm lo sợ bèn đến nói với Lương
Trung thư rằng :
- Bọn Lương Sơn Bạc xưa nay triều đình muốn khu trừ không được
huống chi là quân ta đây thì thấm vào đâu, ngộ nhỡ nay mai bọn
ấy đem quân tới đánh mà ta đây không có binh viện thì hối làm
sao cho kịp ? Vậy cứ như ý tôi thì thiết tưởng ta nên lưu tính
mạng của hai người đó, nhất diện biểu tấu triều đình, nhất diện
viết giấy báo cho Xái Thái sư biết và đem quân mã của bản chân
ra ngoài thành hạ trại để phòng bị thì may ra mới có thể chu
toàn cho phủ Đại Danh, mà dân gian mới yên phận mà làm ăn được.
Bằng nay giết hai tên đó đi thì khi quân giặc đến nơi một là
không có binh cứu viện, hai là triều đình đem bụng nghi ngờ mà
ba là dân sự rối loạn thì thành Đại Danh tất là nguy hiểm đến
nơi.
Lương Trung thư nghe nói khen rằng :
- Quan Phủ nói thế rất phải ta cũng phải làm như thế mới xong.
Nói rồi liền gọi Tiết cấp và Xái Phúc lên dặn rằng :
- Hai tên giặc đó không phải là tội tầm thường ngươi phải trông
nom cho cẩn thận không được hại đến người ta mà cũng chớ cho nó
trốn được ; việc đó phải tất vừa khoan vừa nhặt mà coi giữ luôn
luôn để sau này sẽ liệu.
Xái Phúc nghe nói đúng với tâm lý của mình đang thích liền vâng
lời trở xuống nhà lao mà theo lệnh để thi hành.
Lương Trung thư gọi hai người binh mã đô giám là Đạo Đao Văn Đại
và Thiên Vương Lỳ Thành lên công đường thuật lại tờ yết thị và
lời nói của Vương Thái thú cho hai người nghe. Lý Thành nói với
Lương Trung thư rằng :
- Đám giặc cỏ ấy bao giờ dám rời sào huyệt ra mà tướng công phải
sợ ? Chúng tôi dẫu tài hèn sức kém song xưa nay chịu lộc đã
nhiều chưa có chút công đền báo, vậy tôi xin hết lòng thần tử mà
đem quân ra đóng ngoài thành, nay mai quân giặc không đến thì
thôi mà quân giặc có vô phúc rời sào huyệt dắt díu đến đây thì
chúng tôi không phải nói khoác song cũng trừ cho kỳ tiệt không
còn một mống nào trở về nữa...
Lương Trung thư nghe nói cả mừng sai lấy mấy tấm đoạn hoa vàng
ra thưởng cho hai tướng, hai tướng tạ ơn lui ra đến sáng hôm sau
Lý Thành cho gọi các quân sĩ đến bàn việc chống cự giặc Lương
Sơn. Bấy giờ có một người uy phing lẫm lẫm tướng mạo đường đường
tên là Cấp tiên phong Sách Siêu chạy ra trước trướng Lý Thành
truyền lịnh rằng :
- Đám giặc cỏ Tống Giang nay mai sắp đến thành ta đây, vậy ngươi
phải đem quân bản bộ ra khỏi ba mươi dặm ngoài thành mà đóng
trại, rồi ta sẽ đem đại binh đến sau.
Sách Siêu vâng lịnh lui ra ngày hôm sau đem quân bản bộ tới núi
Phi Hổ Dực cách thành ba mươi lăm dặm mà hạ trại ngay cạnh núi.
Hôm sau nữa Lý Thành dẫn các tướng ra đất Hoè Thụ cách thành
chừng hai lăm dặm để hạ trại, bốn bên giấu sẵn đao thương, ba
mặt đào hầm khoét hố quân sĩ cùng các tướng đều hiệp lực đồng
tâm nghiến răng nghiến lợi chỉ đợi Lương Sơn đến là ra sức tranh
công.
Nói về bọn Lương Sơn Bạc khi tiếp được Yến Thanh và Dương Hùng
về báo, Ngô Dụng liền sai Đới Tung cùng đi để xem lương thảo và
dò các tin tức trung quân.
Sáng hôm đó các tướng đều theo thứ tự tiến binh đi đánh, duy còn
có phó tướng Quân Sư Công Tôn Thắng cùng Lưu Đường, Mục Hoằng,
Chu Đồng thống lĩnh quân mã coi giữ sơn trại ở nhà và thuỷ trại
có bọn Lý Tuấn coi giữ.
Khi quân mã Lương Sơn kéo đến thì quân sỉ liền vào báo với Sách
Siêu, Sách Siêu nghe báo bèn vào Hoè Thụ Phi báo với Lý Thành
biết, Lý Thành nhất diện cho người vào trong thành, nhất diện
chỉnh đốn binh mã đến trại Sách Siêu để tiếp ứng. Sách Siêu đón
Lý Thành vào trong trướng bàn việc quân, đầu trống canh năm ngày
hôm sau quân sỉ ăn cơm thực sớm rồi nhổ trại kéo quân đến bãi
Rữa Gia dàn thành trận thế. Bấy giờ vạn rưỡi nhân mã dàn trận
chỉnh tề rồi Lý Thành cùng Sách Siêu nai nịt cẩn thận cưỡi ngựa
chiến đứng dưới cửa cờ, để đợi binh mã bên kia. Được một lát
thấy về phía Đông bụi bay rợp đất có một hảo hán đen lớn vác
song phủ đi đầu dẫn năm trăm quân kéo đến. Khi tới nơi hảo hán
múa song phủ quát lên rằng :
- Có biết tay hảo hán Hắc Toàn Phong gia gia ở Lương Sơn Bạc đây
không ?
Lý Thành ngồi trên lưng ngựa nom thấy vậy cười mà bảo với Sách
Siêu rằng :
- Xưa nay cứ nói đến hảo hán ờ Lương Sơn Bạc té ra toàn đồ giặc
cỏ như thế cả làm gì mà sợ Tiên phong thử coi xem, sao không bắt
lấy thằng ấy trước đi đã.
Sách Siêu cười mà rằng :
- Việc đó bất tất phải đến tay tiểu tướng, chắc hẳn có người
khác lập công...
Nói chưa dứt lời thì thấy viên thủ tướng Vương Định múa gươm
trường dẫn một trăm quân mã bộ hạ xông ra để đánh. Vương Định
vừa mới kéo ra đã bị Lý Quỳ sát cho một trận chạy hết cả Sách
Siêu thấy vậy vội kéo quân ra để tiếp đánh, bất đồ vừa được mấy
bước thì thấy chiêng trống vang lừng rồi có hai toán quân mã ở
trong sườn núi kéo ra, toán bên tả có Giải Trân, Khổng Lượng ;
toán bên hữu có Khổng Minh, Giải Bảo đều kéo năm trăm lâu la sát
đến Sách Siêu thấy bên kia có quân tiếp ứng liền kinh sợ kéo
quân về bản trận. Lý Thành hỏi :
- Sao không bắt thằng giặc ấy đi ?
Sách Siêu đáp rằng :
- Tiểu tướng đuổi qua núi đương sắp đánh bắt bất đồ có quân phục
kéo ra không sao hạ thủ ngay được.
- Chà ! Quân giặc cỏ ấy thì sợ cái gì ?
Nói đoạn toan kéo quân lính tiền bộ lên để đánh, chợt đâu trông
thấy phía trước có một toán nhân mã vừa kéo đến một nữ tướng kéo
lá cờ đỏ chữ vàng thêu năm chữ '' Mỹ Nhân Nhất Trượng Thanh ''
đi đầu bên tả có Cố Đại Tẩu bên hữu có Tôn Nhị Nương dẫn một
nghìn nhân mã, toàn thị là bọn năm dài bảy ngắn, ngũ nhạc tam
sơn kéo cả đến đó.
Lý Thành nom thấy lại cười mà rằng :
- Quân mã kia thì làm gì được Tiên phong ra đánh mặt trước để
tôi chia binh ra bốn mặt bắt quân giặc cỏ cho tuyệt nọc đi.
Sách Siêu lãnh tướng lệnh múa kim tiêu vỗ ngựa xông ra để đánh
Nhất Trượng Thanh, Nhất Trượng Thanh bèn quay ngựa vào trong khe
núi mà chạy Lý Thành chia quân để đánh bỗng gặp Lý Ứng cùng Sử
Tiến, Tôn Tần dẫn quân mã ầm ầm kéo đến chàng bèn kinh sợ lui
quân vào bãi Rữa Gia. Bấy giờ Giải Trân, Khổng Lượng xông vào
bên tả ; Giải Bảo, Khổng Minh xông vào bên hữu rồi ba viên nữ
tướng cũng quay ngựa lại để đánh quân mã Lý Thành đều kinh sợ
kéo nhau chạy tháo về trại, khi về gần tới trại thì gặp Lý Quỳ
chặn ngang đường để đánh Lý Thành, Sách Siêu hết sức đánh tháo
lấy đường mới được thoát về trong trại, trở về đến trại kiểm
điểm nhân mã thiệt hại không biết tới bao nhiêu mà kể.
Quân mã Tống Giang thấy vậy cũng không đuổi theo liền tạm dừng
quân mã hạ trại để nghỉ, Lý Thành bị thua trận đầu liền cho
người báo với Lương Trung thư, Trung thư sai Văn Đạt lập tức
phải đem quân bản bộ để đánh giúp, khi Văn Đạt ra tới nơi Lý
Thành đón vào trong trại để cùng bàn việc quiân. Văn Đạt cười
bảo Lý Thành rằng :
- Việc đó con con thế bõ gì mà phải nghĩ, để sáng mai đánh cho
chúng một trận là xong.
Hai người bàn định xong đầu canh tư hôm sau truyền quân sĩ trở
dậy ăn cơm, rồi sang canh năm kéo quân ra đánh, bên kia quân mã
Tống Giang cũng ầm ầm kéo đến như gió thổi nước reo thế mạnh
không biết đâu mà kể. Văn Đạt thấy vậy liền truyền quân mã dàn
thành thế trận và lại truyền cung nỏ ra bắn giữ ven trận. Bên
trận Tống Giang có một viên đại tướng dẫn lá cờ thêu năm chữ ''
Tích Lịch Hoả Tần Minh '' đi ra trước trận quát to lên rằng :
- Đám quan lại tham nhũng ở phủ Đaị Danh nghe ta nói, đã lâu nay
ta định đem quân đến đánh thành trì, song còn thương đám lương
dân trong thành nên chưa nỡ quyết. Nay ngươi đem Lư Tuấn Nghĩa
và Thạch Tú cùng hai đứa gian phu dâm phụ ra nộp trả đây thì ta
sẽ lui quân lập tức không hề xâm nhiễm làm chi, bằng ngu xuẩn
không nghe thì ta cho biết...
Văn Đạt nghe nói cả giận bèn hỏi lên rằng :
- Ai bắt thằng giặc ấy cho ta ?
Nói dứt lời Sách Siêu phóng ngựa ra trước cửa trận quát lên rằng
:
- Thằng kia nguyên là mệnh quan của nhà nước, triều đình đã phụ
chi ngươi mà nỡ bỏ kiếp làm người để đi làm lạc thảo ? Nay ta
bắt ngươi quyết xé ra làm muôn đoạn mới thôi.
Tần Minh nghe câu đó lại như lửa cháy đổ thêm dầu đùng đùng nổi
giận múa Lang Nha Côn xông ra để đánh, Sách Siêu cũng phóng ngựa
ra đánh với Tần Minh, đôi bên cùng ngựa hăng người khoẻ đánh
nhau tới hai mươi hiệp không phân được thua, bên kia Hàn Thao
đứng trong trận tiền quân dương cung đặt tên nhắm Sách Siêu bắn
một phát trúng phải cánh tay tả, Sách Siêu bỏ rời đại phủ ra rồi
quay ngựa chạy về bản trận. Tống Giang cầm roi trỏ vẫy tam quân
nhất tề xông ra đánh giết máu chảy thành sông xương phơi đầy nội
đuổi đánh khỏi bãi Rữa Gia cướp cả tiểu trại ở Hoè Thụ Phi, rồi
Văn Đạt chạy về Phi Hổ Dực kiểm điểm quân mã chia ba thiệt mất
một phần.
Chiều hôm đó Tống Giang đóng quân ở Hoè Thụ Phi Ngô Dụng bàn kế
rằng :
- Quân binh thua chạy trong lòng tất khiếp nếu không thừa kế
đánh tràn thì sau này tất khó phá ngay được.
Tống Giang khen phải liền truyền lệnh những quân lính giỏi đắc
thắng lập tức đêm hôm đó phải tiến lên để đánh.
Đêm hôm đó Văn Đạt đương ngồi lo nghĩ ở trong trướng chợt thấy
lính báo :
- Về phía bên Đông có một dãy lửa kéo đến.
Chàng thúc quân sĩ lên ngựa đi ra phía Đông để xem thì thấy lửa
sáng rực trời không biết bao nhiêu mà kể, chợt lại thấy về phía
bên Tây cũng có một dãy lửa nữa kéo đến chàng quay ngựa về phía
Tây để xem, đương khi chợt thấy tiếng kêu dậy đất rồi có Tiểu Lý
Quảng Hoa Vinh cùng phó tướng Dương Xuân, Trần Đạt ở dãy lửa về
phía bên Đông kéo xông vào.
Văn Đạt kinh sợ vội kéo quân về Phi Hổ Dực chợt lại thấy về phía
bên Tây có Hồ Duyên Chước dẫn phó tướng là Âu Bằng, Yến Thuận
kéo quân xông đến, hai phía đều hăng hái ra sức hò reo vang lừng
mà kéo ập vào, đoạn rồi lại thấy Tần Minh dẫn phó tướng là Hàn
Thao, Bành Dĩ ở phía sau ầm ầm kéo đến người reo ngựa hét đông
đúc không biết tới đâu mà lượng được. Quân mã Văn Đạt đều rối
loạn cả lên liền nhổ toàn trại mà chạy, chợt lại thấy phía trước
reo hò ầm ỹ rồi có một tiếng súng kêu nổ dậy trời quân sĩ đến
hết hồn mà chạy đi không được. Nguyên đó là Oanh Thiên Lôi Lăng
Chấn kéo quân theo lối đường hẻm đến bên núi Phi Hổ Dực nổ súng
ra hiệu để cho các mạn nhân mã biết đường mà đánh.
Khi đó Lâm Xung dẫn phó tướng là Mã Lân, Đặng Phi đón chặn đường
đi của Văn Đạt rồi bốn bên trống trận nổi lên ầm ầm, đóm đuốc
sáng rực cả trời làm cho quân mã của Văn Đạt đều tháo chạy rối
lên không sao giữ được. Văn Đạt múa đại đao hết sức cướp đường
để chạy, may gặp có Lý Thành kéo binh để tiếp hai người đều hợp
quân làm một vừa đánh vừa chạy giật lùi mãi đến khi trời sáng
mới về tới thành. Lương Trung thư nghe tin quân thua sợ kinh hết
cả hồn vía vội điểm binh ra thành tiếp đón đám tàn quân của hai
tướng, rồi đóng chặt cửa thành giữ riết ở trong nhà mà không dám
thò ra đánh nữa.
Sáng hôm sau quân mã của Tống Giang kéo đến đóng trại ở chân
thành phía Đông rồi sắp sửa để đánh phá chân thành. Bấy giờ
Lương Trung thư họp các quan lại để bàn kế giải cứu, Lý Thành
nói rằng :
- Quân giặc đến thành rất là cần cấp nếu lững thững tất bị hãm
mất thành, vậy Tướng Công nên cho người lập tức về báo cho Kinh
Sư với Xài Thái sư để ngài tâu với triều đình mang binh ra cứu,
cỏn ở đây nhất diện nhờ Quan phủ Đại Danh sức cho dân phu đem đủ
các đồ gỗ đá cung tên, để ra sức cùng nhau giữ thành thì may ra
mới khỏi nguy được.
Lương Trung thư nghe nói liền viết thư sai gia tướng là Vương
Định dẫn mấy tên quân mã lẻn ra khỏi thành để phi báo về Kinh
Sư, và cầu cứu các nơi phủ huyện còn trong thành thì nói với
Vương Thái thú lập tức bắt dân phu coi giữ rất là cẩn thận.
Bên kia Tống Giang truyền lệnh các tướng vây thành hạ trại ba
mặt Đông, Tây, Bắc bỏ trống cửa Nam ngày ngày cho quân đến đánh
phá. Nhất diện lại sai người về sơn trại thôi thúc lương thảo
làm cách lâu dài để vây đánh lấy thành Đại Danh, cứu lấy hai
người cho kỳ được.
Lý Thành, Văn Đạt ngày nào cũng đem quân ra đánh không nên công
trạng chút gì, còn Sách Siêu vì bị trúng mũi tên vẫn không sao
khỏi được, tính mạng thành Đại Danh cơ hồ gần nguy cấp tới nơi.
Nói về Vương Định dẫn hai tên lính thẳng vào Đông Kinh tới phủ
Thái Sư nói với lính gác vào báo cho Thái Sư biết, Xái Thái sư
nghe nói liền truyền cho Vương Định vào hầu. Vương Định vào tới
nhà trong đưa mật thư lên trình với Thái sư, Thái sư xem xong cả
kinh hỏi rỏ mọi việc Vương Định liền đem mọi việc Lư Tuấn Nghĩa
và binh thế của Tống Giang bẩm rõ cho Thái sư biết. Thái sư bảo
với Vương Định rằng :
- Ngươi đi xa tới đây hãy còn mệt nhọc hãy ra nghỉ ngoài trạm,
để ta họp các quan bàn định xem sao rồi sẽ liệu.
Vương Định bẩm rằng :
- Thành Đại Danh hiện nay như trứng để đầu đẳng nếu lỡ ra bị hãm
thì các phủ huyện ở Bắc Hà tất nguy, vậy xin ân tướng mau mau
cho quân ra tiểu trừ mới được.
- Ta hiểu rồi ngươi cứ ra đó khắc ta liệu.
Vương Định lạy chào lui ra Thái sư liền mời các quan văn võ ở
Viện Khu Mật lập tức đến bàn việc quân. Khi các quan ở khu Mật
viện cùng ba nhà Thái uý đã tề tựu cả Thái sư bèn thuật chuyện
cho nghe và bàn hỏi xem cách dùng binh sai tướng như thế nào, để
bảo toàn phủ Đại Danh cho được ? Các quan nghe nói đều len lét
nhìn nhau không ai nói được câu gì cả, chợt đâu thấy một người
đứng sau bộ quân Thái uý chạy ra vái chào mà nói rằng :
- Chúng tôi xin tiến cử một người, ân tướng cho phép chúng tôi
xin nói.
Nguyên người này họ Tuyên tên Tân mặt đen chìu chịu mãi ngửa lên
trời tóc quăn râu đỏ mình cao tám thước, khiển cây cương đao võ
nghệ rất giỏi trước đã làm chức Quân mã ở Vương phủ người ta
thường gọi là Xú Quân Mã, nhân khi chàng đánh được Phiên Tướng,
Quận Vương có lòng yêu quý võ nghệ liền gả con gái cho làm vợ,
sau quận chúa thấy chàng xấu quá đến nỗi buồn bực mà chết. Nhân
vậy chàng cũng không được trọng dụng mà hiện nay vẫn giữ chức
Binh Mã ở Bảo Nghĩa Sứ trong Vương phủ. Hôm đó chàng thấy các
quan đều im ỉm không ai nói được câu nào liền có ý tức giận mà
chạy ra kêu với Thái sư. Bấy giờ Thái sư nghe nói liền hỏi Tuyên
Tân rằng :
- Tướng quân định tiến cử ai cứ nói cho ta biết ?
- Bẩm Thái sư khi chúng tôi còn nhỏ có một người anh em quen
biết ở trong làng họ Quan tên Thắng vốn con cháu của Võ An Hầu ở
cuối đời nhà Hán khi trước, anh ta tướng người vạm vỡ cũng giống
như ông tổ là Quan Vân Trường khiển cây đao Thanh Long Yển
Nguyệt hiện nay đương làm Tuần Kiểm ở Bồ Đông là một chức tầm
thường ở dưới. Người đó lúc nhỏ có đọc Kinh Sử rất giỏi về võ
nghệ, khoẻ muôn người không địch nay nếu lấy lễ mời lên bái làm
thượng tướng thì đám giặc cỏ tất là trừ hết, mà nhà nước được
yên tĩnh từ đây.
Xài Kính nghe nói cả mừng liền sai Tuyên Tân làm sứ đem văn thư
yên mã lập tức ra Bồ Đông để đón Quan Thắng, Tuyên Tân vâng lệnh
đem văn thư trở ra và cùng dăm người hầu cùng đi. Khi Tuyên Tân
tới nơi hai bên chào hỏi rồi Quan Thắng mời vào trong sảnh mà
hỏi rằng :
- Cố nhân đã lâu không được gặp chẳng hay có việc chi mà khó
nhọc tới đây ?
- Nay nhân bọn giặc cỏ vây đánh thành Đại Danh tôi có đem tài an
bang định quốc của huynh trưởng nói với Thái sư, Thái sư liền
sai tôi vâng sắc chỉ của triều đình đem tiền lụa yên nhung đến
đây để đón huynh trưởng, vậy xin huynh trưởng chớ nên từ chối mà
đi ngay cho.
Quan Thắng nghe nói cả mừng nói với Tuyên Tân rằng :
- Người anh em tôi đây họ Hắc tên Tư Văn là anh em kết nghĩa với
tôi, khi trước mẫu thân ông ta mơ thấy ông Tinh Mộc Can. Ông này
giỏi đủ mười tám môn võ nghệ mà tới nay vẫn còn chìm đắm ở đây
thực là đáng tiếc, nay nếu cùng đi ra mà sức cứu giúp nước nhà
thì làm chi mà không được ?
Tuyên Tân lấy làm vui mừng liền giục hai người mau mau ra đi
Quan Thắng bèn dặn dò nhà cửa rồi cùng với Hắc Tư Văn, dẫn mười
mấy người ở Quan Tây theo Tuyên Tân lập tức đi vào Đông Kinh.
Khi vào tới Đông Kinh tới phủ Thái sư có lính canh cửa đưa vào
hầu Thái sư, Xái Thái sư trông thấy Quan Thắng mình cao hơn tám
thước, râu nhỏ hai hàng mày ngài mắt phượng, mặt dài môi đỏ rõ
ra một vẻ đường đường thì trong bụng cả mừng liền hỏi ngay rằng
:
- Tướng quân năm nay bao nhiêu tuổi ?
Quan Thắng bẩm rằng :
- Chúng tôi năm nay ba mươi hai tuổi.
- Hiện nay giặc Lương Sơn vây đánh thành Đại Danh tướng quân có
cách gì khả dĩ giải vây đi được ?
- Xưa nay chúng tôi vẫn nghe đám giặc cỏ ấy lẩn lút ở chổ bến
nước, để quấy nhiễu lương dân nay nhất đán rời xa sào huyệt đó
là tự gây tai hoạ mà thôi. Song nay nếu cứu được thành Đại Danh
cũng khó nhọc vô cùng, vậy tôi xin lĩnh mấy vạn tinh binh thẳng
tới Lương Sơn để đánh rồi sau đánh bắt quân giặc khiến chúng đầu
đuôi không kịp cứu nhau thì mới có thể tất thắng được.
Thái sư bảo với Tuyên Tân rằng :
- Đó là kế vây Nguỵ cứu Triệu, kế ấy chính hợp ý ta.
Nói đoạn truyền Viện Khu Mật cắt lấy nghìn rưỡi quân tinh nhuệ ở
Sơn Đông, Hà Bắc cho Hắc Tư Văn làm tiên phong Tuyên Tân làm hậu
hợp Quan Thắng thì lãnh binh Chỉ Huy Sứ, bộ quân Thái uý là Đoàn
Thường tiếp ứng lương thảo đi sau, đoạn rồi khao thưởng tam quân
mà lập tức khởi trình đi đánh Lương Sơn Bạc.
Mới hay :
Ba quân hổ báo uy danh đất ;
Một trận binh đao khí dậy trời.
Thế gian chỉ hiếm anh tài,
Chỉ e thiên hạ hiếm người mắt xanh !
Bây giờ tướng giỏi binh tinh,
Thử xem Sơn Bạc tan tành hay chăng ? |