COI THIEN THAI ENTERTAINMENT NETWORK

Coi Thien Thai - Vietnamese Entertainment Network

Please click the banner to support Coi Thien Thai !

Please click to support Coi Thien Thai!

TÌNH CA MÙA THU

Tác giả: Quỳnh Dao

[Chương 1][Chương 2][Chương 3][Chương 4][Chương 5][Chương 6][Chương 7][Chương 8][Chương 9][Chương 10]
[Chương 11][Chương 12][Chương 13][Chương 14][Chương 15][Chương 16][Chương 17][Chương 18]
[Chương 19][Chương 20]

Chương 1

flower

Đám đông đứng tựa ngưới vào lan can, đang vẫy tay về phía chàng.
Cái nắng ở phi trường thật chói mắt, làm chàng không làm sao nhận ra một ai. Trong cái hỗn độn đó, Thạch chỉ nghe những tiếng gọi bát nháo:
- Thiên Thạch!
- Thiên Thạch!
- Anh Thiên Thạch!
Cái ồn ào của động cơ máy bay. Cái áp lực không khí, khi phi cơ hạ cánh còn lùng bùng bên tai... làm Thạch không phân biệt được tiếng ai đã gọi. Với một chút lúng túng, bối rối... Thạch bước xuống cầu thang. Nắng như đổ lửa. Xa quê hương đã mười năm. Thạch không ngờ cái mùa hè của thành phố Đài Bắc lại nóng thế này. Đứng trong nắng, mỗi lần cơn gió thổi đến, là cái nóng lại hất vào mặt.
Thạch bước về phía đám đông đang vẫy tay. Người đầu tiên Thạch nhận ra là "nàng". Cô nàng đứng cạnh mẹ chàng. Cái dáng dấp nhỏ nhắn, không gầy lắm. Cái khuôn mặt tròn với chiếc miệng hơi nghịch. Rồi còn cái đôi mắt nữa, lúc không nói thì như cười còn lúc cười lại như nói. Đôi môi mỏng dễ yêu.
Nàng mặc chiếc robe màu xanh lá nhạt, với chiếc thắt lưng cùng màu...
Nhận xét đầu tiên của Thạch là cô nàng không đẹp lắm, không trắng và hơi lùn. Mười năm sống ở Mỹ, Thạch đã thấy biết bao nhiêu cô gái đẹp. Đông và Tây phương. Nhưng không hiểu sao giữu đám đông, Thạch lại nhận ngay ra nàng? Tại sao? Có lẽ vì cái tưoi mát? Tuổi trẻ? Cái đôi mắt kỳ diệu... Hay vì chiếc áo màu xanh lá non? Có lẽ... mà cũng có thể vì lần này.. lần trở về này là vì nàng cũng có thể vì cái vị trí đứng. Tóm lại, thật khó mà nói... Dù gì Thạch cũng đã nhận ra nàng trước.
Rồi kế đến mới tới mẹ. Thạch thấy mái tóc bà đã bạc phơ, chiếc lưng hơi gù, và cha thì gầy đi nhiều, lưỡng quyền của người nhô ra, chiếc miệng móm hẳn.
- Cha! Mẹ!
Mười năm trôi qua không phải là không hề rơi nước mắt, nhưng mà lần này Thạch cứ để cho nước mắt tự do tuôn trào có gì phải che giấu? Thạch chồm người qua lan can ôm chầm lấy đôi vai gầy của mẹ, để nghe mẹ thút thít không thành tiếng.
- Thiên Thạch! Thiên Thạch con!
Trong khi cha đứng cạnh đó giục:
- Thiên Thạch, con vào phòng kiểm tra hành lý đi, nhanh rồi chúng ta về. Cha mẹ và thân thuộc sẽ đón con ở ngoài phòng đợi. À, trước khi đi, nhớ chào họ hàng một tiếng nhé, ai cũng sốt sắng đón con từ sáng đến giờ đâý!
Thiên Thạch dụi nhẹ mắt lên vai áo của mẹ để lau sạch nước mắt rồi ngước lên chào từng người thân, rồi vội quay người đi vào phòng kiểm tra hành lý.
Mẹ cha va một vài người thân đã xin phép được vào bên trong phòng kính. Mẹ nắm chặt tay Thạch, lại nước măt. Ở Mỹ đã mười năm, vậy mà Thạch vẫn không bị Mỹ hóa. Chàng không tự nhiên đến độ ôm chặt mẹ vào lòng, chỉ ngượng nghịu đứng đấy với những giọt nước măt.
- Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa, giờ thì con đã có mặt ở đây, mẹ nên vui lên mới phải chứ? Phải không cha?
-Đúng dấy, con nó nói phải đấy, Đức Phương ạ. Cha tuy đứng tuổi, nhưng vẫn gọi mẹ bằng tên thật ngọt- Thiên Thạch nó đã về đây rồi, bà còn gì không vui mà cứ khóc như vậy chứ?
Nhân viên kiểm tra đến. Thiên Thạch lấy chìa khóa mở valy ra, cha Thạch trước đó đã giao tế với nhân viên kiểm soát, nên mọi thử chỉ kiểm tra lấy lệ rồi thông qua.
Hai cha con khệ nệ hành lý, Thạch đi cạnh mẹ ra khỏi phòng kiểm soát. Bạn bè thân hữu ùn đến. Thạch vẹt đám đông đến trước mặt bà ngoại đã ngoài chín mươi, đang chống gậy đứng bên ngoài. Chàng ôm hôn người, rồi quay sang các chú, cô, cậu, anh em họ hàng... Sau đó đến cha mẹ của Ức San. Và nhận lấy lời mừng học thành tài trở về.
Thạch đứng trước mặt San với nụ cười:
- Cảm ơn Ức San đã ra đón tôi.
Ức San với nụ cười thẹn thùng, nhìn xuống. Thiên Thạch lại có cái cảm giác hụt hẫng khi phi cơ đáp xuống phi trường... Bây giờ quanh chàng là những nụ cười. Cha Thạch vội mời mọi người cùng về nhà. Nhưng những người thân ai cũng biết là Thạch sẽ rất bận nên đều khước từ hẹn hôm khác sẽ đến, rồi mạnh ai về nhà nấy. Cha của Ức San cũng bước đến bắt tay Thạch nói:
- Hôm nay là ngày đoàn tụ của gia đình cậu, chúng tôi xin phép miễn đến. Hôm khác nhé! Mai sẽ phone cho cậu biết sau.
Cha của Thạch không đồng ý:
- Đâu được, chúng ta người nhà cả mà. Về nhà tôi di, nghỉ một chút rồi chiều chúng ta đến nhà hàng Du Viên ăn mừng. Quý vị cũng phải có mặt.
- Tôi thấy như vậy không tiện... Bởi vì cậu Thạch xa nhà đã mười năm... Chắc là phải có nhiều chuyện để hàn huyên với gia đình... Hay là thế này nhé. Quý vị về trước, để Thiên Thạch nghỉ ngơi một chút. Chiều chúng tôi sẽ sang. Bữa tiệc chiều nay nên để chúng tôi lo. Bảy giờ tối, mình hẹn nhau ở nhà hàng Quốc Tân nhé?.
Mẹ của Thiên Thạch định nói gì đó, nhưng cha của Ức San đã kết luận:
- Vậy đi, chiều tối ta gặp lại.
Rôì ông nắm lấy tay vợ va Ức San quay đi.
Cái con hẻm thứ hai của đường Tín Nghĩa vẫn hẹp như ngày cũ. Cái quán mì ở đầu hẻm vẫn bán, nhưng người tài phú lạ hơn.
Vì con hẻm khá hẹp, nên xe taxi dừng lại ngoài đầu đường. Cha của Thạch trã tiền, rồi cùng với Thạch mang hành lý vào nhà. Ánh nắng gay gắt. Con mương cạnh hẻm vẫn dơ bẩn, rác rưới rải đầy. Mười năm rồi mà mọi thứ không đổi. Nhà của Thạch nằm gần cuối hẻm. Qua khỏi khúc quanh, đôi cột sơn đỏ trước cổng đã đập ngay vào mắt. Cô tớ gái lạ, không phải là Thiếu Hạ ngày xưa ra mở cổng, làm Thạch tưởng như bước lộn nhà.
Mẹ của Thạch đã giới thiệu:
- Đây là cậu Thạch đấy, Thúy ạ.
Cô tớ tên Thúy vội lên tiếng gọi "Cậu ạ".
Đã mười năm rồi Thạch chưa hề được ai gọi như thế, nghe nói lạ làm saọ "Cậu"? Nếu bây giờ mà cô tớ kia biết là.... Thạch đã từng làm cái nghề hái táo cho nông trại... Không những chỉ hái, mà để tiết kiệm - có nhiều bữa Thạch đã phải lượm táo ăn thay cơm... Rồi còn những cái nghề khác nữa. Rửa chén trong nhà hàng, bồi bàn... Có lúc còn nhận rửa cầu xí cho ký túc xá nữ sinh viên đại học thì liệu cô có còn gọi là "cậu" một cách cung kính như vậy không? Cô Thúy đã vào trong, lấy đôi dép mới ra đặt trên bậc thềm cho Thạch, rồi nhanh nhẩu đỡ lấy hành lý trên tay chàng mang vào nhà...
Phòng khách vẫn như xưa, gạch láng bóng không trải thảm. Có bộ salon màu tro là khác, tường không trang trí bằng họa phẩm mà chỉ có những khung đầy ảnh của Thạch.. từ bức ảnh lúc còn bé xíu đến khi trưởng thành. Có bức Thạch đứng trên tày vẫy tay, đó là lần đầu tiên Thạch xa xứ, rồi bức chụp cảnh liên hoan ở Hawaii. Lúc mới xa nhà. Nhớ quê hương quá. Trong buổi liên hoan đó Thạch đã hát bản "làng tôi". Thạch còn nhớ khi hát đến đoạn "Ngôi nhà của tôi mẹ ơi. Bao giờ con mới được quay về.. tất cả liệu còn như ngày xưa..." thì giọng Thạch đã tắt nghẹn.. Bức hình đó do một người bạn tên Cao chụp cho Thạch. Lúc chụp, Thạch đang hát đến cái đoạn cuối nên trong ảnh.. vẫn thấy cái gì long lanh trong mắt. Có lẽ là bóng nước phản chiếu? Hay là bóng trăng.. cũng có thể là ánh sáng của những chiếc đèn màu mà cũng có thể là nước mắt...
Có một bức ảnh chụp lúc đến Sanfrancisco, Thạch đứng trên chiếc cầu treo Golden Gate nổi tiếng thế giới. Mặt trời sắp lặn. Một chú hải âu cô độc như chàng đang bay lượn. Thạch cho hai tay vào túi áo. Chàng còn nhớ lúc đó hai bàn tay mình đã nắm chặt lại với hai ước nguyện: Một là học thành tài. Hai là có nghề nghiệp vững chắc. Nụ cười tin tưởng hiện trên môi. Một sự tin tưởng can đảm...
Bức thứ ba, Thạch chụp khi đang ngồi trong xe hơi. Hình như đó là xe của tay mập Trương thì phải. Một tay đặt trên tay lái, tay kia để trên thành cửa xe, mặt ngước lên như đang chăm chú nhìn cái gì đằng trước... Không có nụ cười tin tưởng như ở những bức ảnh đầu... Thạch còn nhớ bức hình này đã chụp trong thời "nghỉ hè đau khổ". Lúc đó My Lập đã làm lễ cưới với ngưòi khác. Thạch mới là sinh viên năm thứ nhất thôi mà đã mang kính cận. Giáo viên chủ nhiệm chê là trình độ Anh Văn của Thạch quá kém yêu cầu Thạch hãy ghi danh ít môn một chút, dồn sức cho sự luyện tập Anh Văn. Thạch phải mất một năm mà việc làm trong mùa hè lại chưa tìm được. Thạch đã mượn xe bạn ngồi chụp hình gởi về nhà. Mục đích chỉ là để người thân ở quê nhà yên tâm và hãnh diện. Đấy là một sự lường gạt. Tay mập Trương là bạn học cũ của Thạch thời còn ở trung học, anh ta học bên công nghiệp. Phòng thí nghiệm khi nào cũng đầy việc làm. Trương khỏi phải phí công đi tìm. Có ai như chàng, học Văn khoa bài vở thì bù đầu với văn học nước Anh, rồi truyền thông đại chúng. Lúc trường còn dạy thì Thạch cũng có việc làm, nhưng khi hè đến Thạch lại giống như một con chó mất chủ. Phải chạy xồng xộc, lục lạo việc làm khắp nơi. Thạch còn nhớ... mùa hè năm ấy, chàng cũng tìm được việc. Nhưng đó là một công việc vô cùng nặng nhọc. Phải lái chiếc xe tải chở đá thật to, xuyên suốt con đường từ Sanfrancisco đến Kansas mỗi đêm. Công việc bắt đầu lúc mười hai giờ khuya đến năm giờ sáng. Trong khi mọi người an ngủ thì Thạch phải vật lộn với cơn buồn ngủ hàng giờ. Mắt Thạch đỏ hoe. Con đường đầy những dốc mà một bên là vách núi sừng sững. Còn một bên là vực thẳm. Hơ hỏng một tí là không toàn thây.
Cái bức ảnh mặc áo tốt nghiệp là to nhất. Một tay cầm mảnh bằng cuộn tròn. Đã có bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nỗi chua cay. Chỉ một mình Thạch biết... Bức ảnh chụp với nụ cười. Nụ cười cho cha mẹ, thân thuộc bạn bè. Cho thấy một chút kiêu hãnh của người thành đạt. Có người đã nghĩ mọi thứ đã xứng đáng. Có bỏ xứ ra đi để đạt được vinh quang là xứng đáng. Nhưng với Thạch thì không hẳn như vậy, chàng cũng không thích kể khổ cho ai nghe, vì có nói chưa ai đã tin. Trên bức ảnh đó, còn có hai bức khác chụp sau khi ra trường. Không phải bao giờ cũng làm được cái nghề mà mình đã học. Thạch đã từng học làm báo, nhưng chàng có được làm ký giả đâu? Trái lại, chàng chỉ là một thư ký ở công ty bảo hiểm tai nạn xe cộ, ngày ngày cứ điền mãi những chữ: Tên họ, tuổi tác, tình trạng gia đình, nghề nghiệp. Bạn đồng nghiệp của Thạch chỉ là những học sinh tốt nghiệp phổ thông, hoặc cao lắm là sinh viên đang học dở dang. Trong khi Thạch lại là một tiến sĩ. Nhưng cũng nhờ cái bằng đó mà lương bổng của Thạch cao hơn. Hai mươi bảy ngàn đô một năm, với số lương đó sống một mình ở Chicago cũng thoải mái và cái tờ báo mà ngày xưa Thiên Thạch đã cộng tác ở Đài Bắc, mấy lần gọi chàng về giao cho chức vụ quan trọng, Thạch lại cự tuyệt. Cái đó không phải vì sự sai biệt giữa tiền đô và tiền Đài Loan, vậy thì tại sao? Thiên Thạch cũng không biết, Thạch không dám phân tích. Cái bức ảnh bên trái là chụp trước tòa nhà của công ty bảo hiểm. Cái cao ốc có kiến trúc tân kỳ, nắm bên cạnh bờ hồ Michigan đối với người Đài Loan thì thật kỳ lạ. Làm ở công ty bảo hiểm một năm Thiên Thạch thấy nhàm chán. Chàng muốn thay đổi không khí. May là bấy giờ có một trường đại học không danh tiếng lắm cần một giáo sư dạy Hoa Văn, thế là Thạch đổi việc làm. Một tiến sĩ báo chí lại phải kềm cập những sinh viên Mỹ với trình độ tiểu học Hoa Văn phát âm như mộy đứa trẻ con học nói. Nhiều lúc Thạch cũng ngán ngẩm. Cái bức ảnh cuối cùng la ảnh của Thạch với chín sinh viên Mỹ đang ngồi trên bãi cỏ, khuôn viên nhà trường. Một chiếc áo sơ mi mày cà phê, một chiếc quần tây dài với tẩu thuốc trên môi coi thật ra vẻ. Cái ước nguyện lúc ra đi, học thành tài có nghề nghiệp, đã được thực hiện. Nhưng có như ý không? Hay đã có những điều bất mãn?
Cha của Thạch đứng sau lưng chàng nói:
- Con có biết không? Mấy năm nay mẹ con đã sống nhờ những bức hình này đấy. Ngày nào bà ấy cũng ngắm mấy lượt.
Mẹ của Thạch cười:
- Cha của con cứ nói: Mẹ chỉ biết nghĩ đến con và ném ông ấy qua một bên.
Lời của mẹ làm Thạch quay lại xúc động, thế gian này chỉ có mẹ cha là yêu con không đắn đo, không nề chuyện thành bại. Xa nhà một thời gian quá dài phải chăng vì cuộc sống làm nhạt nhòa đi tình thân phần nào? Thạch định dang rộng đôi tay ôm lấy me và cha rồi khóc một trận cho hả hê, nhưng lại không làm được. Chàng hiểu cha mẹ đã lớn tuổi, bóng đã ngã về chiều, chỉ có một nguồn vui duy nhất, sự thành đạt của đứa con. Nụ cười của Thạch sẽ mang đến niềm vui và Thạch không đành lòng để cho những giọt nước mắt của mình làm tan đi giấc mộng đẹp. Chàng nói:
- Mẹ nhớ con như vậy, thì con không trở về bên ấy nữa đâu.
Nhưng cha của Thạch vội nói:
- Vậy đâu có được, ở bên ấy con có địa vị và sự nghiệp, làm sao bỏ dở được chớ? Cha me tuy thương nhớ con, muốn con ở lại lâu, nhưng cũng không thể vì chút tình riêng đó mà cản trở sự nghiệp công danh của con đâu.
Sự nghiệp ư? Cái mà Thạch đang cần là tình thương của cha mẹ và tình yêu. Chàng có thể bỏ hết mọi thứ vì Thạch đã thấy mệt mỏi. Nhưng rồi Thiên Thạch lại không đủ can đảm nói điều đó với cha mẹ. Chàng chỉ cười buồn:
- Con chỉ nói đùa thôi.
Mẹ Thạch vội chen vào:
- Xem ông kìa! con nó vừa về tới, ông đã vội giở giọng làm cha ra rồi.
Cha thạch cười đùa:
- Thì lâu lắm rồi mới có dịp như vậy. Bà thông cảm cho tôi chứ?
Ngay lúc đó cô Thúy từ nhà sau bước ra, đứng đó như định thưa điều gì. Cha Thạch hỏi:
- Thúy. Con làm gì đấy?
- Dạ con muốn báo cho cậu biết là nước tắm đã pha xong.
Mẹ Thạch nói:
- Được rồi. Con mang đồ đạc của cậu vào phòng trong đi.
Và quay sang Thạch, người tiếp:
- Thạch! Con đi tắm đi. Trời nóng lắm phải không? Mẹ thấy áo con ướt đẫm cả mồ hôi. Lúc này thời tiết nóng bức thật!
- Trước kia hình như đâu có nóng như bây giờ hả mẹ?
- Cũng không xê xích bao nhiêu. Có lẽ vì con ở xứ lạnh khá lâu, bên ấy có máy điều hòa không khí. À, mà nghe nói bên Mỹ nhà nào cũng có gắn máy lạnh phải không con?
Thạch ngạc nhiên:
- Ai nói vậy mẹ?
- Thì chỉ đoán vậy thôi.
- Không phải đâu, số hộ có máy điều hòa không khí cũng không nhiều lắm. Thật ra thì nước Mỹ cũng không phải là thiên đàng như mọi người đã tưởng. Trước kia khi còn ở trong nước, con đi xem chiếu phim cứ tưởng ở Mỹ nhà nào cũng giống như cảnh ở khu Beverly Hills, những đại lộ rộng thênh thang, nhà toàn bộ điện khí hóa, ai cũng có tiền, nhưng thực tế không phải như vậy. Con lộ số ba mươi đến bốn mươi ở Chicago vừa bẩn vừa nghèo nàn. Họ còn bẩn hơn gấp chục lần cái con hẻm vào nhà của chúng ta.
- Thôi con đi tắm đi, Thiên Thạch! Còn cái chuyện ở nước Mỹ, chúng ta từ từ sẽ nói sau. Tắm xong con nằm nghỉ một lúc, người nhà của Ức San sắp qua rồi đấy!
Nói đến Ức San, bất giác hai vợ chồng già lại nhìn nhau. Rồi mẹ quay sang Thiên Thạch hỏi thêm một câu:
- Con thấy con bé nó cũng không khác với ảnh chụp bao nhiêu phải không?
Thạch quay sang nhìn cha mẹ. Chàng chỉ "dạ" một tiếng rồi đi về phòng riêng lấy quần áo. Đứng trước của gian phòng, Thạch chợt xúc động. Cái gian phòng sáu mét vuông ngày nào vẫn như cũ. Chiếc giường hẹp vẫn kê sát bên của sổ, rồi cái đèn bàn cổ cong, chiếc chiếu. Ngay cả cái vết mực mày xanh trên chiếu vẫn nguyên. Thạch nhớ có một lần My Lập đến đây chơi, hai người ngồi bên mé giường nói chuyện. Thạch đã lật quyển sách của cô nàng ra, tinh nghịch viết ở ngay trang đầu "My Lập vợ tương lai của Thiên Thạch". Lúc đó My Lập đã nguýt chàng, rồi giật lấy cây viết, sự giành giựt của hai người đã làm cho mực trong cây viết văng tóe ra, bắn cả lên chiếu. Từ đấy, mỗi đêm khi lên giường ngủ Thạch đã lãng mạn đến độ kéo gối qua một bên để áp mặt mình lên cái vết mực xanh kia. Lúc đó khuôn mặt của My Lập với ánh mắt giận hờn, với đôi môi trề ra một chúc, như hiện rõ trong đầu chàng. Bây giờ nhìn lại chiếc chiếu cũ. Mấy năm rồi đã cố gắng quên đi, từng giọt nhớ không ngờ lại xuất hiện. Thiên Thạch tựa đầu lên vách tường. Kỷ niệm cũ như quay về. Chiếc bàn học bên cạnh đó, với tấm kính trên mặt bàn, phía dưới vẫn còn cái thời dụng biểu ngày xưa và một câu châm ngôn "Việc gì ta không thích thì đừng làm cho người khác" rồi "Tương lai rực rỡ chỉ có ở nước ngoài". Thiên Thạch bước tới bên kệ sách. Cái tấm ảnh của My Lập mặc áo thể thao, đầy đội nón rơm, không biết ai đã dẹp đi mất chỉ còn lại bức ảnh của chính mình. Thạch còn nhớ cái bức ảnh đó chụp lúc hai người đến núi Quang Tử chơi. Lần đó Thạch cũng mặc áo thể thao, đầu đội nón kết. Bấy giờ để leo núi mỗi người đều mang theo một chiếc gậy, hai cây gậy tre màu vàng nâu vẫn còn để nằm trong kẹt kia. Có lẽ mẹ chàng không biết chuyện đó, nên không đem đi cất. Thạch cầm cây gậy của My Lập lên ngắm nghía rồi để lại chổ cũ, không hiểu ai đã để bức ảnh của Ức San bên cạnh đầu giường của chàng. Phòng tắm đã được bố trí thêm một chiếc bồn tắm bằng men kiểu mới, phía trên tường là một khung cửa kính để ánh sáng lọt vào, ở đây có thể nghe rõ cả tiếng nói cười của nhà bên cạnh, một điều khác hẳn với thời gian còn ở Mỹ.
Tắm rửa xong, Thạch vừa mặc áo vào, đã thấy mồ hôi lấm tấm trên người, Thạch bước ra phòng khách, quạt trần được mở tối đa nhưng mẹ Thạch từ dưới bếp đã mang ra một chén chè nóng, người bước vội đến tắt quạt rồi nói:
- Vừa mới tắm xong, không được mở quạt, dễ bị cảm lạnh. Nào con đến đây. Mẹ biết con thích ăn chè đậu xanh, nên đã nấu sẵn, con ăn ngay cho mát.
Thạch chọn một chiếc ghế hướng về phía sân sau, Thạch biết ở đây vẫn còn những bụi hoa hồng mà cha đã bỏ công chăm sóc, việc tiêu khiển của cha sau ngày về hưu cũng hiện lên. Ăn xong chén chè để làm vui lòng mẹ, Thạch đã xin thêm một chén nữa, mẹ gọi thật vui:
- Thúy ơi! Mang ra thêm cho cậu một chén nữa đi con.
Thạch ăn tiếp. Sau đấy mới hút một điếu thuốc và ngã người ra sau, bây giờ chàng mới cảm thấy thư thái. Lúc còn ở phía bắc Chicago, căn hộ của Thạch nằm ở lầu tư của một chung cư khá rộng có ba phòng sinh hoạt và một nhà bếp. Thạch đã trang bị rất đầy đủ cho căn hộ của mình. Một hệ thống âm thanh trị giá trên một ngàn năm trăm đô la. Rồi nhà bếp với các lò điện hiện đại nhất, nhưng Thạch rất sợ về nhà. Căn hộ rộng quá làm cho Thạch cảm thấy nỗi cô đơn như tràn ngập khắp nơi, có nhiều lúc tan sở Thạch đã không về ngay mà lái xe ra tận vùng ngoại ô hoặc đi lòng vòng trên phố, một lúc lâu mới về nhà. Bây giờ trong cái phòng chật hẹp, dưới cái tình cảm chăm sóc của cha mẹ, Thạch lại thấy hạnh phúc vô cùng. Cha từ sân bước vào, cởi bỏ chiếc nón ra. Người ngồi xuống đối diện với chàng, Thạch vội ngồi thẳng người lại, vớ lấy chiếc vali nhỏ bên cạnh, vừa mở ra vừa nói:
- Cha mẹ, đi đường xa nên con không có mang nhiều. Chỉ có ít này, con cũng không biết nên mua cái gì. Có chiếc nhẫn mặt ngọc này mẹ mang thử xem có vừa không?
Mẹ Thạch có vẻ xúc động, miệng suýt xoa tiếc tiền, nhưng lại có vẻ rất hài lòng vì sự hiếu thảo của con.
- Thiên Thạch con bày vẽ quá! Mẹ đã già rồi, đâu cần gì thứ này.
- Ồ! có gì đâu mẹ. Mẹ có biết không ở bên bắc Mỹ các bà lão càng lớn tuổi, càng mang nhiều nhẫn trên tay để cho thấy cuộc sống của họ an định, mẹ thích chứ?
- Thích thì thích, nhưng mà hẳn đắt lắm hà con?
-Đâu có bao nhiêu, mẹ đừng hỏi đến chuyện giá cả.
-Được rồi! Được rồi.
Bà cụ vừa bước ra ngoài vừa đưa bàn tay đeo nhẫn lên ngắm nghía, người thật vui. Thạch lại lấy từ vali ra một bàn cạo râu bằng điện.
- Còn cái này con xin tặng cha, cái này cạo râu tiện lắm. À còn nữa con có mang cả xì gà Cuba về đây. Con biết cha rất thích xì gà, đúng không?
Người cha đã cầm máy cạo râu điện lên ngắm nghía, rồi đặt lên bàn, lấy một điếu xì gà Habana đốt lên và hút mấy hơi, gật gù nói:
- Tốt đấy! Thơm đấy! Khác hẳn với thuốc lá ở đây. Nhưng mà con phí tiền chi vậy? Ở đây cha cũng không cạo râu thường xuyên, lớn tuổi rồi cái gì cũng đơn giản bớt. Con biết không? Công việc hàng ngày của cha bây giờ là chăm sóc cây cảnh, đọc báo. Thế thôi. Còn mẹ con thì cứ vài hôm lại căm cụi may áo cho bé Dung, con của Thiên Mỹ, không thì bà ấy lại đan áo, chứ không còn như ngày xưa. Già rồi mắt đã kém, không thể làm gì khác.
Thiên Thạch chợt nhớ ra hỏi:
- Ồ con quên mất, em Thiên Mỹ lúc này thế nào sao hôm nay không thấy đến?
- Nó có nhắn lời với cha là hôm nay không thể ra đón con, bởi vì bé Dung không được khỏe, Thiên Mỹ có nhắn một hai hôm nữa sẽ lên gặp con.
Mẹ của Thạch nói, Thạch gật gù.
- Trước ngày con rời nước Mỹ, con cũng có nhận được thư của Mỹ, nó nhờ con lúc ghé Nhật mua hộ cho nó xâu chuỗi ngọc. Thế bây giờ Thiên Mỹ và Định Á thế nào? Họ có hạnh phúc không? Thư không hề nói đến nên con không biết.
-Đã lấy nhau rồi thì có hợp hay không cũng phải ráng chịu đựng phải vậy thôi, trước kia chúng đã tự do kết hôn mà. Bây giờ thế nào cũng đâu thể trách ai được?
Cha của Thạch tiếp lời:
- Cách đây hai năm, nó đòi ly dị chồng, nhưng cha me đâu có đồng ý. Người Trung Quốc của chúng ta rất coi trọng hôn nhân việc ly dị là một chuyện bất đắc dĩ lắm mới có. Nhưng mà bây giờ cha thấy thì chúng cũng vui vẻ rồi.
- Ông nói sao, chứ mỗi lần chúng về đây. Tôi thấy con Mỹ nó có vẻ buồn buồn làm sao, chứ không vui vẻ như ngày trước.
Mẹ của Thạch nói nhưng cha chàng đã chặn lại:
- Bà này lạ không? Lúc chưa lấy chồng nó còn là con gái thì đương nhiên phải khác với lúc có chồng có con chứ?
Thiên Thạch cảm thấy có cái gì không ổn, nhưng chàng cũng không buồn cãi lại cha, chàng chỉ nói:
- Lúc con ra đi. Con còn nhớ Thiên Mỹ với đôi bím tóc thả dài trước ngực, mỗi lần được hỏi đến, đều nói: "Em không thích có bạn trai đâu, có bồ để làm cái gì? Có người yêu giống như có chiếc bóng lẽo đẽo đi theo sau lưng, muốn làm cái gì cũng không được". Không ngờ bây giờ Mỹ không những có một chiếc bóng mà còn thêm một cái đuôi. Con không làm sao hình dung được cái dáng dấp của Thiên Mỹ khi đã làm một người mẹ.
Cha của Thạch đã lấy điếu thuốc ra khỏi miệng nhìn chàng, nói:
- Nếu con không kén, thì cũng đã thành cha lâu rồi.
Và quay sang mẹ chàng. Cha lại tiếp:
-Đức Phương này! Thật tình anh cũng không nghĩ là con trai của chúng ta ở Mỹ cả chục năm nay mà vẫn chưa chọn được nguời hợp ý. Em có nghĩ là nó đã quá kén chọn không? Hay tại vì nó chưa quên được con Trương My Lập?
Mẹ Thạch vội nói:
- Nhưng bây giờ thì nó đã về đây, không phải là mọi chuyện rồi sẽ giải quyết? Bà Trần cũng đã nói. Nên mọi chuyện suông sẻ không trở ngại, thì bà ấy cũng muốn thấy Thiên Thạch với Ức San làm lễ cưới ngay, và như vậy chuyện ông có cháu nội không phải là còn xa vời nữa?
- Không phải là tôi muốn có cháu nội, mà tại vì tôi nghĩ đến con. Thằng Thiên Thạch năm nay cũng ba mươi hai tuổi rồi, cứ sống độc thân mãi không tốt. Cái gì cũng vừa phải thôi. Đừng kén quá! Người ta không biết lại tưởng là con mình nó không được bình thường.
Mẹ Thạch nhìn qua thấy con trai đang dụi tàn thuốc vào gạt tàn, đôi mày chau lại một cách khó chịu. Bà biết con có vẻ không hài lòng nên vội nói:
- Thiên Thạch con đi thay áo đi, có lẽ nhà họ Trần cũng sắp đến rồi đấy.
 

Xin các bạn vui lòng nhấn chuột vào quảng cáo để ủng hộ Cõi Thiên Thai!

Please click to visit Coi Thien Thai's sponsor

(TRUYỆN QUỲNH DAO)

Join Cõi Thiên Thai's Mailing List To Receive Updates & News - (Recommended for people who live in Viet Nam)

Subscribe Unsubscribe

Last Update: June 17, 2005
This story has been read (Since June 17, 2005):

flower

This page is using Unicode font - Please download Unicode Font here to read
Web site: http://www.coithienthai.com
E-mail: [email protected]

Please click on the banners to visit our sponsors! Thank you!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!
Advertise here! Click here!
(This window will be closed in 20 seconds)