Vừa bước vào cổng là đã nghe tiếng cười nói
ồn ào trong phòng khách, chắc là nhà có khách. Thạch lẻn
theo hành lang đi thẳng xuống nhà bếp. Đứng ở cửa, Thạch ra
hiệu cho cô Thúy yên lặng, rồi cởi giày nhón gót đi về phòng
riêng của mình. Không khí trong phòng thật nóng. Vừa bước
vào là mồ hôi đã lấm tấm đọng trên trán. Thạch cởi áo ra, mở
đèn mới tìm được quạt bàn. Tiếng cười từ phòng khách cứ vọng
vào. Không biết có chuyện gì, mà ai ai cũng có vẻ vui như
vậy. Nhưng Thạch không bận tâm lâu với chuyện đó. Bởi vì
điều chàng đang quan tâm, là phải làm thế nào để giải quyết
cho ổn việc thỏa hiệp với giáo sư Khưu và chuyện với Ức San.
Thạch rất cần ý kiến của người khác. Nhưng nếu bây giờ mà
Thiên Mỹ biết, thì chắc chắn là Thạch sẽ bị trách: "Anh đúng
là con người không kiên nghị, không có lập trường".
Nghĩ đến đây, bất giác Thạch đưa tay lên bàn, cần lấy bức
ảnh của Ức San lên. Cái đôi mắt của Ức San trong ảnh như say
đắm, như mong chờ. Nếu ta làm đúng như điều San mong mỏi ban
nãy thì có thể nói là San sẽ hoàn toàn sung sướng. San sẽ là
của ta. Nhưng sẽ nói với giáo sư Khưu thế nào đây? Chắc chắn
cũng không có gì. Giáo sư Khưu là con người hiểu biết, cảm
thông. Có lẽ ông sẽ nói: À, cái chuyện tình yêu mà. Đâu phải
chỉ mới có một người hy sinh tất cả cho tình yêu đâu? Còn
nếu Thạch chọn con đường ở lại, thì Ức San sẽ không còn là
của chàng. Chuyện chắc chắn như vậy.
Thạch nhìn vào ảnh cười cười. Chợt cũng có tiếng cười ngoài
cửa. Thạch giật mình bước nhanh ra.
Cửa mở, Thiên Mỹ đang đứng đấy tự bao giờ:
- Mặc áo quần, rồi đi ra đi ông.
Thạch lúng túng:
- Nhưng... làm sao... làm sao em biết anh ở trong này?
- À... Tại anh cả. Ai bảo anh mở đèn làm gì? Đứng ngoài
phòng khách em đã ngạc nhiên, tại sao đèn phòng anh đột
nhiên tỏa sáng. Em bước đến nhìn qua khe cửa, nhằm lúc anh
đang ngồi ngắm ảnh của Ức San và mỉm cười...
- Thiên Thạch, ra đây nào. Mẹ Thạch từ phòng khách nói vọng
vào - Không phải Thiên Mỹ đâu, mà cô Thúy đã cho cha mẹ biết
là con đã về từ nãy giờ. Có cả cha mẹ của Ức San ở ngoài này.
Con ra ngay đi. Ban nãy Ức San cũng đã điện thoại đến báo
cho cha mẹ biết cả rồi.
Hèn gì ban nãy vừa về đến nhà đã nghe tiếng cười. Thạch quay
sang Thiên Mỹ:
- Cha mẹ Ức San đến đây lâu chưa?
- À... Đến lâu rồi, ông bà ở đây dùng cơm tối đó. Hai người
bảo là để anh và Ức San có thì giờ tính toán chuyện hôn nhân
của hai người.
Và Thiên Mỹ cười tiếp:
- Nghe nói là anh vừa đến đấy là đã gặp địch thủ ngay. Bác
Trần bảo anh cứ cắm đầu ăn dưa mà có vẻ căng thẳng lắm. Đúng
không?
À, thì ra là như vậy. Mọi chuyện đã có sự sắp xếp. Thạch bực
mình nói:
- Cái thằng họ Mạc vô đạo đức ấy mà. Nó làm gì là địch thủ
anh được chứ?
- Nếu nó không xứng đáng là địch thủ thì anh chửi nó làm gì?
Đúng ra anh cần phải cám ơn hắn, vì nhờ có hắn, mà mọi
chuyện mới giải quyết được nhanh chóng chứ?
- Em nghĩ như vậy à?
- Ờ, nhưng mà em hỏi thật anh. Mọi thứ đã dứt khoát chưa?
Mỹ vừa bước vào phòng khách vừa hỏi - Ức San điện thoại đến
nói là mọi chuyện đã giải quyết dứt khoát. Có thể định ngày
gởi thiệp được rồi, để đến sau ngày cưới (ngày mồng
một)tháng chín cả hai sẽ sang Mỹ. Đúng không? Và như vậy có
nghĩa là... anh đã bỏ ý định ở lại rồi.
- Anh cũng không biết làm sao. Thạch ngập ngừng một chút nói
- Anh thì đã nhận lời của giáo sư Khưu, nhưng rồi lại bị Ức
San lay chuyển... Hay là thế này. anh cứ quay về Mỹ, một vài
năm sau trở về đây định cư luôn.
- Cũng được. Nhưng mà... Anh định gặp giáo sư Khưu nói sao?
- Anh định hỏi ý kiến em chuyện đó đây, bởi vì...
- Anh Thiên Thạch này, mình cứ ở trong phòng xầm xì thế này
không được, đi ra thôi. Chuyện đó tính sau đi. Còn bây giờ
phải ra phòng khách ngay đó, không thôi người lớn trông
họ...
- Vâng.
Thạch mặc quần áo chỉnh tề, rồi bước ra phòng khách, chào
cha mẹ Ức San rồi ngồi xuống bên cạnh mẹ mình. Bà Trần hỏi:
- Chỉ còn hơn tháng nữa thôi, nhắm có lo kịp không?
- Con thấy cái gì cũng đơn giản thôi.
- Nhưng sợ con Ức San không chịu. Nó muốn cử hành lễ cưới ở
câu lạc bộ Hữu Nghị, rồi còn tổ chức dạ vũ. Bạn bè nó khá
nhiều, nó lại muốn nở mày nở mặt.
Rồi bà quay sang mẹ Thạch khoe:
- Chị biết không, mấy hôm rày nó cứ theo tôi vào nhà bếp đòi
học nấu nướng, nhưng có học được gì đâu, động tí là bỏng, là
đứt tay mãi.
- Cái chuyện đó không lo. Cờ đến tay rồi phất cơ mà. Nữa sau
sang Mỹ rồi, có muốn hay không thì mọi thứ cũng đều phải
biết.
Cha của Thạch nói:
- Thiên Thạch, nếu rảnh con lập danh sách bạn bè nào mà con
định mời, để cha ghi thiệp nhé. Cha đã tính với bác Trần, lễ
cưới sẽ cử hành ngày mười hai tháng chín. Hôm ấy tốt ngày
lắm con ạ.
Ngày mười hai tháng chín. Nghĩa là cách hôm nay chỉ còn có
ba tuần lễ. Đám cưới và sau đấy, cuộc sống sẽ hoàn toàn thay
đổi. Chợt nhiên, Thạch thấy bối rối hẳn lên, chàng nói:
- Sao lại nhanh như vậy, hở cha?
Mẹ Thạch vội nói:
- Không nhanh như vậy thì làm sao kịp?
- Con đừng lo, mọi thư đã có người lớn lo cả. Mẹ của Ức San
lên tiếng - Con và Ức San cứ tiếp tục vui chơi. Ở chung
quanh thành phố Đài Bắc này còn có khá nhiều thắng cảnh, còn
chuyện cưới xin thì chẳng nên bận tâm làm gì. Đến hôm ấy tụi
con chỉ cần mặc áo cưới ra mắt họ hàng bạn bè là xong.
- Con thấy nếu có thể đơn giản một chút, vừa đỡ mệt vừa
không bị mấy ông nhà báo quấy rầy.
Cha của Ức San lắc đầu:
- Chuyện cưới hỏi là chuyện hệ trọng, một đời người chỉ có
một lần, phô trương một chút cũng nào có sao?
Cha của Thạch cũng nói:
- Có gì đâu mà con lại ngại. Nếu báo chí có đến thì càng tốt
thôi... Có nhiều người còn gọi điện thoại đến cho các tòa
báo, rồi còn làm cuộc họp báo nữa chứ. Tại sao ta lại phải
sợ báo chí chứ?
- Không phải là con sợ nhưng mà mình bận quá đâu có thì giờ
tiếp họ.
Mẹ của Thạch đứng về phía con:
- Đúng. Thạch nó nói đúng đấy. Trong lúc mọi người bận rộn,
thì làm sao có thể tiếp họ chu đáo được. Không chu đáo, thì
lại bị họ tố cũng khổ.
Những người còn lại chẳng ai có vẻ gì quan tâm đến lời của
Thạch và mẹ.
Hai vợ chồng bác Trần ngồi nán lại thêm một chút nữa rồi cáo
từ ra về. Trước khi bước qua cổng. Mẹ của Ức San còn nói với
Thạch:
- Ban nãy khi Ức San gọi điện thoại tới nói là mọi chuyện đã
giải quyết xong, bác mừng lắm. Không phải là bác phô trương,
chứ Ức San tuy là còn trẻ con, nhưng con gái bác nó thật thà
và thuần hậu lắm. Nó rất tin tưởng ở con và bác cũng tin là
hai đứa rồi sẽ hạnh phúc, giao nó cho con bác rất yên tâm.
Câu nói cuối cùng của mẹ Ức San làm Thạch cảm động, chàng
nói:
- Cám ơn bác, cháu hứa sẽ cố gắng hết sức để chăm sóc cho
San.
Sau khi vợ chồng bác Trần về rồi, Thạch kéo tay Thiên Mỹ về
phòng riêng nói:
- Anh thấy là nên nói cho giáo sư Khưu biết sự thay đổi của
anh càng sớm càng tốt. Anh cũng đã gặp giáo sư chủ nhiệm
khoa, ngỏ ý với ông ấy ý định mở phân khoa báo chí, bây giờ
lại thay đổi, thế này thật khó nói. Anh đã khiến mọi người
mừng rồi lại thất vọng, anh thấy thật xấu hổ.
Thiên Mỹ ngồi cạnh bàn, tay nghịch nghịch cây bút chì.
- Cũng gay đấy, anh có biết là suốt buổi chiều này giáo sư
Khưu đã gọi điện thoại đến hai lần khôing?
- Vậy à?
- Vâng, từ lúc cơm chiều đến giờ. Chính (đích thân) em trả
lời điện thoại.
Thạch yên lặng, ngay lúc đó điện thoại trong phòng khách đột
nhiên reo vang. Thiên Mỹ vội bước ra phòng khách trống vắng.
Như vậy có nghĩa là cha mẹ đã về phòng riêng. Nàng ra tiếp
điện thoại. Thạch nghe tiếng Mỹ nói qua máy:
- Vâng, vâng... Tôi lập tức báo cho anh tôi ra tiếp ngay.
Thạch đoán là điện thoại của giáo sư Khưu nên chàng vội bước
ra. nhưng khi nhìn sắc diện của Thiên Mỹ, Thạch đã linh tính
ngay là có chuyện không hay. Chàng tiếp lấy điện thoại trên
tay Mỹ.
Đúng như điều Thạch dự liệu.
- Sao? Thế nào? Chuyện gì? Chuyện gì đã xảy ra chứ?
- Giáo sư Khưu... Ông ấy vừa bị xe đụng.
- Xe đụng?
- Vâng, Ông ấy bị một chiếc xe gắn máy đụng phải. Hiện đã
được đưa vào khoa cấp cứu ở bệnh viện Đài Bắc.
- Vậy ư?
Thạch buông ống nghe xuống, điếng người.
o0o
Phòng cấp cứu đầy nghẹt người. Thạch kéo tay Thiên Mỹ len
vào, chàng đụng ngay giáo sư chủ nhiệm khoa, ông nhìn thấy
chàng lắc đầu:
- Thôi, đừng vào nữa, Thạch ạ. Trễ rồi.
Thạch không nghe, đẩy tay giáo sư ra, xông vào. Trên giường
một tấm drap trắng phủ kín từ trên xuống, máu loang từng bệt
trên ấy. Chứng tỏ rõ ràng một sự thật. Thạch chợt nhớ tới
lần nói chuyện cuối cùng với thầy Khưu, hôm ăn mì ở quán cóc
nhỏ. Giáo sư Khưu vậy đó, một con người bình dị. Chỉ mong
mỏi được ăn cái mà mình thích. Sống với cái ý riêng của
mình. Được uống rượu, chuyện vãn với bạn bè hợp ý là đủ. Bất
cần danh lợi. Một con người như vậy sao trời lại không để
cho sống? Sao vô tình và tàn nhẫn như vậy? Thạch nhoài tới,
Thiên Mỹ định kéo tay anh giữ lại nhưng không còn kịp, Thạch
đã kéo một phần tấm drap trắng ra (lên). Cái khuôn mặt đẫm
máu với cặp kính cận còn đó. Sao vậy được? Thạch đã định gặp
giáo sư một lần nữa, nhưng cứ do dự để trở nên muộn màng.
Thạch đậy khuôn mặt người quá cố lại, quay ra. Giáo sư chủ
nhiệm khoa đứng ngoài cửa như chờ đợi, nhưng Thạch không để
ý, đi thẳng ra ngoài. Chỉ có Thiên Mỹ là đứng lại nói cái gì
đó với giáo sư. Rồi nhận một phong thư.
Sau đó, Thạch nghe Mỹ kể lại mới biết giáo sư Khưu đã gửi
thư cho chàng. Chiếc xe gắn máy của gã say rượu đã vô tình
đụng ngã giáo sư, cán qua cả người ông. Lúc nằm xuống, phong
thư vẫn còn nắm chặt trong bàn tay.
Thạch cầm lá thư, nhìn những nét chữ quen thuộc... Còn đó,
mà người đâu? Bất giác hai hàng lệ chảy dài xuống má. Thạch
đi vào phòng riêng, khép cửa lại, và mở thư ra.
"Cậu Thạch.
Chia tay với cậu xong, về đến nhà vẫn thấy lòng đầy hứng
khởi. Nên lại ra ngoài mua thêm rượu thịt, để một mình độc
ẩm. Cậu có biết độc ẩm nó hay ở chỗ nào không? Ta có thể
ngồi trong bất cứ tư thế nào. Có thể vừa đọc sách vừa uống.
Nhất là đọc kiếm hiệp, sẵn đây tôi muốn phổ biến cho cậu cái
thú đọc kiếm hiệp... Những quyển tiểu thuyết kiếm hiệp hay,
giọng văn rất ngắn gọn, tươi sáng, sự miêu tả rất căng thẳng
và đầy hào hùng. Kẻ xấu trong truyện kiếm hiệp, cũng xấu một
cách rất là Wholesome (sạch sẽ), không làm cho người đọc lợm
giọng. Lúc còn học ở Mỹ, tôi từng biết là có nhiều tay đại
học rất mê truyện kiếm hiệp, có thể giải thích một phần là
vì họ quá mệt mỏi với cuộc sống thực tại, muốn trốn lánh
quên lãng. Nhưng bên cạnh đó ta cũng không thể phủ nhận một
điều đấy là tiểu thuyết kiếm hiệp cũng là một "hiện tượng
văn học". Mà đã là hiện tượng thì cũng là nghệ thuật, bất
luận nó được xếp ở hàng thứ mấy.
Thôi, quay lại chuyện của chúng ta. Cái tạp chí mà chúng ta
định ra đấy mà. Không nhất thiết nó phải ra một quý một lần.
Có thể là hai tháng cũng được. Trước nhất phần văn học Tây
phương ta có thể giới thiệu mấy nhà văn hiện đại của Mỹ. Có
thể nhờ các bạn hiện đang còn ở Mỹ phụ giúp phần này. Còn
phần phê bình văn học là phần challenge (thách thức) nhất.
Mấy năm gần đây tôi định thử, nhưng một phần là vì không có
đủ thì giờ, một phần vì không có sự cổ vũ cụ thể nên vẫn
không làm được, bây giờ đã có cậu, chúng ta có thể hệ thống
hóa công việc, dĩ nhiên là ta không thể làm được như Edmund
Wilson. Nhưng ít ra ta có thể dùng cái phương thức của ông
ta để làm việc, tôi nghĩ là sẽ không gặp trở ngại nhiều lắm.
Đương nhiên làm công tác văn học là một chuyện khó, nhất là
với văn học thuần túy. Ta sẽ không thể sống bằng quảng cáo
hay chờ đợi một sự bán chạy. Công sức bỏ ra hẳn nhiều, mà
thu lợi không bao nhiêu. Mỗi kỳ bán được năm trăm số là giỏi
lắm rồi. Không biết cậu nghĩ sao. Chớ tôi thấy chỉ cần cho
báo sống là được.
Có lẽ chúng ta cũng cần có thời gian để chuẩn bị. Báo sớm
nhất là tháng giêng. Nhưng như vậy cũng là quá chậm. Cái
quyết định ở lại của cậu đã làm tôi nôn nóng. Tôi hiểu cậu ở
lại một phần là vì cậu muốn, nhưng một phần cũng là vì tôi,
tôi cảm động lắm.
Tôi đang uống rượu nhưng chưa say đâu. Cái cảm xúc đầy ứ
đang ở trong lòng khiến tôi gọi điện thoại cho cậu ngay.
Nhưng đã gọi mấy lần mà không có cậu, thế là tôi viết bức
thư này, tôi sẽ gởi ngay. Bao giờ nhận được thư, nhớ Phone
cho tôi ngay nhé.
Khưu Thượng Phong
Viết trong cơn nửa say nửa tỉnh."
Thiên Thạch đọc qua một bận, rồi lại đọc lần thứ hai, giáo
sư Khưu đã đem lá thư này đi gởi cho chàng và gặp nạn. Thạch
úp mặt xuống bàn... Qua bức thư, Thạch mới nhận ra nỗi cô
đơn thấm thía của giáo sư Khưu.
Chàng xếp lá thư, cất vào hộc tủ, đứng dậy bước ra ngoài.
Thiên Mỹ vẫn còn chưa ngủ, đang ngồi yên lặng trong cái bóng
tối dầy đặc của phòng khách.
- Anh đi đâu vậy, anh Thạch?
- À... đi dạo một vòng.
- Em cũng không ngủ được, em đi cùng với anh nhé?
Thạch ngồi xuống cạnh Mỹ:
- Thôi, em đi ngủ đi, để không sáng mai sẽ mệt. Bé Dung nó
còn vòi vĩnh nữa.
- Anh Thạch này. Thiên Mỹ nhìn anh nói - Dù gì thì người
chết cũng đã chết rồi.
- Anh biết.
Và Thạch đứng dậy, chàng không muốn nghe Mỹ nói thêm gì nữa.
Nên nói:
- Em đi ngủ đi, anh ra ngoài một chút.
Thạch bước ra ngoài, chàng đi về hướng phòng trọ của giáo sư
Khưu. Con đường giữa khuya vắng lặng. Thạch muốn tìm lại một
cái gì đó. Nỗi ray rứt khôn cùng. Khi đến nơi, Thạch chợt
giật mình. Phòng có ánh đèn. Thế là thế nào? Thạch không tin
dị đoan. Thạch biết là giáo sư Khưu đã chết. Chàng bước tới
gõ cửa.
Cửa bật mở. Người ra mở cửa lại là giáo sư chủ nhiệm khoa.
- Cậu Thạch đấy à? Chưa ngủ sao?
Thạch chỉ lắc đầu:
- Thật không ngờ - Giáo sư chủ nhiệm nói - Anh ấy là giáo sư
trẻ nhất ở trường đại học này. Một con người vừa có kiến
thức vừa có tình cảm. Cậu biết không, mấy năm trước anh Khưu
được học bổng của Ford Foundation sang Mỹ, mình tưởng là cậu
ấy rồi cũng sẽ như bao nhiêu người khác, một đi không trở
lại... Nhưng rồi không những trở về đúng hạn, mà còn mang về
cho nhà trường một lô sách giáo khoa quý. Tôi hỏi: "Sao cậu
về chi vậy?", thì cậu ấy cười đáp: "Nhớ cái tổ quá!". Thật
ra tôi biết không phải như vậy. Cậu ấy đã vì cái đất nước
còn lạc hậu này... Cậu cũng biết đấy, Khưu rất được học trò
quý, vì cái bản tính thân thiện và cởi mở của cậu ấy.
Thạch gật đầu. Giáo sư chủ nhiệm tiếp:
- Cái khó ở đây là cậu Khưu lại không có lấy một người thân.
Ban nãy tôi lục lọi hết tất cả các ngăn kéo trong phòng,
không tìm thấy một địa chỉ thân nhân nào của Khưu. Vì vậy,
tôi định là mai sẽ liên lạc với cậu. Mình sẽ thay mặt cho
gia đình Khưu mà tổ chức lễ tang. Nhà trường đứng ra tổ
chức, nhưng cũng cần có sự giúp đỡ của cậu.
Thạch lại gật đầu.
- Cậu đã nhận được bức thư của cậu Khưu chưa? Chính vì...
Thạch không ngăn được cảm xúc, vội vã bước ra ngoài đường.
Chận một chiếc taxi, nhảy lên nói địa chỉ. Ngồi trong xe,
Thạch khóc òa. Xe đến trước cửa nhà, tuy là đã ngưng khóc
nhưng Thạch vẫn mệt mỏi.
- Ông khỏe chứ?
Anh tài xế taxi có vẻ quan tâm, Thạch gật đầu.
- Cám ơn, tôi cũng không làm sao đâu. |
|