Suốt mấy ngày liền, Thiên Thạch đều theo cha
mẹ đi thăm viếng bạn bè, ngày nào cũng ăn cơm khách. Trong
bàn tiệc lúc nào cũng được hỏi những câu hỏi giống nhau.
Thạch cảm thấy mệt mỏi nhưng cũng không thể ở nhà. Cao lương,
mỹ vị quá nhiều chất béo làm Thạch muốn rối loạn tiêu hóa.
Thấy thái độ của con, ông Ái cũng biết. Vì thế, với những
tiệc mời không quan trọng ông cũng tự khước từ. Thạch được
nghỉ ở nhà. Dù chỉ là một ngày nhưng Thạch thấy nhẹ đi thật
nhiều. Hôm ấy chàng nhờ cô Thúy nấu cho một nồi cháo trắng
và một ít cải khô. Thạch đã ăn một hơi ba chén, ăn xong thấy
thoải mái vô cùng Thạch vươn vai, vừa lúc Thiên Mỹ bước vào
với nụ cười:
- Bệnh thật hay giả bộ đấy.
- Ai giả bộ bao giờ? Hôm qua bị rối loạn tiêu hóa, bữa nay
còn chưa lại sức. Cô ngồi đây đi. Từ hôm về đến giờ, tôi
không có dịp nói chuyện nhiều với cô.
Thiên Mỹ gọi cô Thúy vào dọn dẹp bát đĩa. Vừa ngồi xuống đã
nghe Thạch hỏi:
- Bé Dung đâu rồi?
- Nó theo mẹ đi chợ rồi.
- Mẹ có vẻ cưng nó đấy. Có nó, cha mẹ cũng có vẻ vui phần
nào.
- Nhưng cháu ngoại thì bao giờ cũng là cháu ngoại. Bao giờ
anh lập gia đình và có con, mẹ sẽ thích hơn. Ồ! Thế nào, anh
có định lập gia đình trong mùa hè này không?
Thiên Thạch dụi tắt điếu thuốc rồi ngước mắt lên nhìn trần
nhà:
- Cô định đùa đấy à? Chúng tôi chưa có dịp trao đổi với nhau,
thì làm sao biết được là hợp nhau hay không? À, Thiên Mỹ! Em
nhận thấy Ức San thế nào?
Thiên Mỹ ngồi yên, những ngón tay nàng nghịch nghịch cái hòn
bi ve trang trí trên bàn mà Thạch đã mang từ Mỹ về, Mỹ không
biết phải trả lời anh như thế nào. Trước ngày Thạch về nước,
mỗi lần Mỹ đến Đài Bắc đều có gặp Ức San, hai người đã từng
cùng xem phim, cùng uống cà phê, nói chuyện. Ấn tượng của Mỹ
về Ức San cũng bình thường. San đã sinh ra trong một gia
đình khá giả, được nuông chiều, tính cũng lành. Nếu lấy anh
Thạch thì cũng được, nhưng khi anh Thạch từ Mỹ trở về, Mỹ
lại thấy Thạch đã có một sự thay đổi lớn. Không phải là anh
Thạch của mười năm trước mà là một trung niên điềm đạm
nghiêm túc, như vậy thì so với cái nhí nhảnh trẻ trung của
Ức San đã có một khoảng cách khá lớn. Cái mà anh Thạch cần
hiện nay là một người đàn bà trưởng thành tế nhị. Ức San lại
còn quá trẻ. Nhưng Mỹ không biết phải nói với Thạch thế nào
đây.
- Anh Thạch này, em không biết nói sao, em thấy Ức San là
một cô gái tốt, ngây thơ hiền lành. Cô ấy đẹp nhưng hình như
hơi trẻ con. Vì vậy, anh hãy suy nghĩ kỹ để biết cách mà hòa
hợp. Anh cần có thời gian ở gần cô ta nhiều hơn để mà tìm
hiểu.
- Anh cũng thấy cần phải thế. Chuyện liên lạc thư từ khá lâu,
nhưng lúc đối diện lại có những vấn đề khác xảy đến.
Tiếng chuông điện thoại trong phòng khách reo vang, sau đó
cô Thúy vào cho biết là Ức San muốn nói chuyện với Thiên
Thạch. Mỹ cười nói:
- Vừa nhắc đã đến, anh nên thừa dịp này mà mời cô ấy đến
chơi, hiện cha đang ở bên nhà bác Trần, chắc cô ấy biết anh
đang bệnh, nên gọi điện thoại để hỏi thăm đấy.
Thiên Thạch gật đầu, xỏ dép đi ra phòng khách, một lúc sau
quay vào nói:
- Ức San sẽ đến đây ngay, em cũng đừng đi đâu hết, ngồi đây
mình nói chuyện cho vui.
Thiên Mỹ cười:
- Ai lại làm chuyện như vậy? Em có chút việc phải ra phố
ngay bây giờ.
Và Thiên Mỹ bỏ ra ngoài ngay sau đó.
o0o
Ức San mặc áo dài màu hồng, tóc búi cao để lộ chiếc cổ trắng
nõn. Cô có vẻ tươi mát. Thạch mời Ức San ngồi, rồi nhờ cô
Thúy mang vào một ly nước ngọt. Ức San hớp một hớp nước, rồi
nói:
- Bác trai bảo là anh không được khỏe?
- Cũng không có gì, chẳng qua vì mấy hôm trước dùng thức ăn
nhiều chất béo quá nên hơi khó tiêu.
Chỉ trao đổi có mấy câu. Thạch không biết nói gì nữa. Không
khí trong phòng chợt căng thẳng, chỉ có tiếng quạt máy chạy
sè sè, Ức San ngồi nhìn khung ảnh có hình của mình, yên lặng.
Liên lạc thư từ với Thiên Thạch trên bốn năm. Lúc đầu chỉ để
vui chơi, bởi vì với một người mình chưa quen biết, chưa hề
gặp mặt một lần, thì làm sao nước chuyện cảm tình? Nhưng rồi
cũng phải viết, một phần vì nghịch ngợm, một phần vì làm
theo ý của cha mẹ. Mỗi lần Ức San đến nhà bác Ái chơi, câu
chuyện của người lớn trước mặt nàng lúc nào cũng xoay quanh
Thiên Thạch, có mấy lần hai ông bố lại mang hình của anh ta
ra cho nàng xem. Rồi dần dần, những lá thơ những tấm ảnh
khiến người trong hình từ xa lạ trở thành quen thuộc. Cái
con người tài danh kia, ngoài chuyện học giỏi, điềm đạm, có
sự nghiệp và rất hiếu thảo với cha mẹ. Anh ta lại rất thích
ăn chè đậu xanh trong mùa hè, mùa đông lại cuộn mình trong
chăn với quyển sách, cũng thích ăn khoai lùi. Không xem hát
thì thôi mà mỗi lần đã xem là xem liên tục cả ba phim...
Lúc đầu, Ức San chỉ chịu liên lạc thư từ với Thiên Thạch,
với một điều kiện là phải được tiếp tục làm bạn với Từ Gia
Tuấn. Một người bạn trai mà San rất thân, từ năm thứ hai ở
đại học. Từ Gia Tuấn là một thanh niên thời thượng, học luật
nhưng thích khiêu vũ, đánh cầu, thích mặc quần ống túm, đua
xe và xem tiểu thuyết kiếm hiệp. Anh chàng nổ rất to, nhưng
con người lại trống rỗng. Ức San không biết làm sao mà anh
chàng lại bò lên được đại học, tuy hiểu rất rõ con người của
Gia Tuấn, nhưng San vẫn thích chơi. Bởi vì Gia Tuấn đẹp trai,
lại sống theo thời thượng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Gia Tuấn thụ huấn quân sự ở Cao
Hùng, Ức San thì không lấy được học bổng để du học, định đi
xuống phía nam kiếm việc làm, nhưng bị cha mẹ phản đối, nên
chỉ còn cách nằm nhà. Cũng chính vì rảnh rỗi nên Ức San đã
viết thư cho Thiên Thạch, qua năm sau, đến kỳ thi lấy học
bổng du học, San lại thất bại lần nữa! Trong khi Gia Tuấn đi
thụ huấn quân sự lại quen với một vũ nữ tên là Vương Thúy
Nga. Anh chàng cũng thi rớt học bổng du học nên quyết định ở
lại Cao Hùng tìm việc làm, và công khai chung sống với Thúy
Nga. Chuyện này đã khiến cho Ức San đau khổ một thời gian,
nàng hận Gia Tuấn, không phải vì Gia Tuấn bỏ rơi nàng, mà vì
Gia Tuấn sống chung với vũ nữ. Tự ái bị tổn thương, Ức San
lại lăn xả vào chuyện ăn chơi, bên cạnh đó vợ chồng Đổng Chí
Viễn lại giới thiệu cho San một số bạn, nhưng San chỉ đi
chơi chung có mấy lần là lại thấy chán. San không biết sử
dụng cái thời gian trống trải của mình vào việc gì, ngoài
chuyện viết thư cho Thạch. Mấy lần thi lấy học bổng du học
đều thất bại. San chỉ còn một cách để được ra nước ngoài là
qua Thạch thôi, vì vậy, những bức thư gửi đi gần như là
thường xuyên. Thư trả lời của Thạch lại khá sâu sắc. Thạch
đã cho San biết rất nhiều thứ mà San chưa biết. Chẳng hạn
như:
"... Hôm nay, sau giờ dạy, tôi lái xe xuống phía nam
Chicago, ở đây khá bẩn, rác rưởi đầy đường. Mỗi lần có một
cơn gió là giấy vụn bay tứ tung, mà người ở đây phần lớn là
da đen, chẳng ai thèm quan tâm đến họ. Vấn đề an ninh xã hội
ở đây cũng không tốt. Tối ra đường lơ tơ mơ là có thể bị ăn
gậy ngay, mà đã ngã xuống thì cái ví tiền cũng bị biến mất.
Có nhiều người vận đen, còn bị toi mạng. Trước kia, có lần
một sinh viên người Hoa về khuya trên khu vực này, chợt thấy
ai đó vỗ vai mình, anh ta giật mình quay lại thấy một khuôn
mặt đen ngòm, còn đang khiếp đảm thì gã da đen kia đã lên
tiếng cảnh cáo, đuổi anh ta ra khỏi khu vực nguy hiểm, nếu
không sẽ bị mất mạng. Ức San, em thấy đấy, đâu phải người da
đen nào cũng xấu cả đâu..."
"... Hôm nay đã là mùa xuân. Nhìn cái mực nước ở đại lộ bờ
hồ là biết ngay, cái mùa xuân ở Chicago rất là ngắn, nó như
chỉ phớt qua. Còn cái mùa hè thì lại dài một cách kỳ cục. Em
biết không, đến mùa hè là người của cả thành phố như dồn hết
ra bờ hồ. Nhưng anh không đến đấy. Có lẽ mẹ đã kể cho em
biết là trước kia khi còn ở trong nước, anh là người rất
thích bơi lội, nhưng không hiểu sao qua đến đây, cái ý thích
đó lại không còn. Ức San, bây giờ ở Đài Loan hẳn có rất
nhiều bãi tắm. Anh làm sao quên được cái hòn đảo thân yêu
của anh chứ..."
"... Có một người ba,n từ Boston đến thăm anh. Mới có một
năm mà hắn đã thay đổi quá nhiều. Bà vợ người Mỹ của hắn vừa
bị đụng xe chết để lại cho hắn một thằng con trai hai tuổi.
Ban ngày đi làm, tối về nhà là hắn uống rượu. Một đêm hắn
uông cả chục lít bia. Hắn bảo nếu khônng uống như vậy là hắn
không làm sao ngủ được. Anh khuyên hắn mang con về Đài Loan,
nhưng hắn nói: Thà là một mình hắn khổ. Chứ hắn không thích
bị người khác thương hại. Anh đưa hắn đi ăn cơm, hắn lại
uống rượu thay cơm, rồi nhắc lại cái chết của vợ, hắn òa lên
khóc, anh muốn đưa hắn về, nhưng không làm sao xê dịch hắn
nổi, vì rượu bia đã làm hắn phát phì như chiếc thùng gỗ,
phải nhờ mấy ông bồi bàn khiêng phụ hắn ra xe. Nhìn hắn mà
anh bối rối không biết phải xử trí như thế nào..."
"...Anh ngồi trong nhà chuẩn bị giáo án cho ngày mai. Bên
ngoài tuyết rơi, Nhưng tuyết hôm nay lại không trắng xóa.
Mùa đông ở xứ này rất dài. Mỗi lần đông đến, anh lại nhớ đến
Đài Loan. Nhiều lúc định bỏ mặc mọi thứ để quay về quê hương
tìm một ngôi trường nhỏ nào đó dạy học, ở sâu trong quê càng
tốt. Vì như vậy, ngoài giờ dạy, anh có thể trồng một ít hoa,
một ít rau cải trên mảnh đất của mình. Xa lánh chốn ồn ào..."
"... Bữa nay đến Boston, không khí khác hẳn với ngày trước,
có nhiều người Hoa hơn. Nhưng những người này còn trẻ quá,
nên có vẻ hơi sôi nổi. Đến cái phòng cũ mà ngày xưa anh đã
từng ở, thì đã có một người Ấn mướn, ông ta đã xóa đi hết
tất cả những kỷ niệm cũ của anh, nên không còn gì để lưu
luyến, tìm lại những người bạn cũ thì phần lớn đã không còn,
kể cả vợ chồng giáo sư Lục quen biết. Lúc ra đi họ có báo
tin cho anh, nhưng không rảnh để đi tiễn, bây giờ nhìn ngôi
nhà trống vắng và bụi bặm, lưới nhện giăng đầy, bỗng cảm
thấy có cái gì buồn buồn. Bây giờ, họ ở đâu? Anh cũng không
biết. Người Hoa ở cái xứ này, giống như những bụi lục bình
vô định. Nhưng có thế nào cũng không thoát khỏi sự cô đơn..."
"... Mỗi lần nghĩ đến chuyện mười năm trước là lòng lại xao
xuyến. Buồn có, vui có. Có một số người nhìn anh mà trầm trồ.
Có bằng cấp, có sự nghiệp lại có cả tình yêu. Nhưng anh lại
cảm thấy không có sung sướng như vậy. Cái khổ tâm chỉ có
mình biết. Có nói ra cũng không ai hiểu cho, người ta lại
nghĩ là mình kiểu cách. Có lẽ vì cô đơn. Mà sống một mình
quen rồi, nên khi gặp lại sự săn đón quan tâm của người khác
lại thấy lúng túng. Bây giờ sợ nhất là làm cho gia đình thất
vọng. Hôm trước nghe mẹ than phiền anh không còn là anh như
ngày cũ..."
Ngay từ đầu cha mẹ của Ức San cũng đã ngầm cho Ức San biết
là nếu mọi chuyện êm đẹp thì có thể tiến đến hôn nhân, để
sau đấy San sẽ được theo chồng đi Mỹ. San thì chỉ im lặng
với thái độ chờ xem, mãi cho đến khi chuyện viết thơ biến
cái sự quen biết thành tự nhiên, thì San mới có ý định là
chấp nhận nhưng cũng phải chờ. Cái gì cũng phải đợi mặt đối
mặt.
Thế bây giờ Ức San thấy thế nào? Có thất vọng không? Phần
nào... Vì Thiên Thạch chỉ mới trên ba mươi, vậy mà người lại
già trước tuổi. Lúc đầu San đã lầm tưởng đấy là sự thận
trọng, nhưng rồi khi tiếp xúc, San lại mới hiểu ra là một
thứ muộn phiền tiêu cực. San thật khó hiểu. Một người có
đường công danh thuận lợi như vậy. Sự nghiệp lại mới bắt đầu
mà sao lại tiêu cực thế? San cũng biết chuyện cũ của Thạch.
Mối tình tan vỡ với My Lập, Nhưng đấy là chuyện lâu lắm rồi.
Một sự thất tình nhất thời thôi. Nó phải phôi phai. Đâu phải
là San không thấy qua những người đàn ông thất tình? Vả lại
bây giờ đã có San. San tuy học không hơn ai, nhưng cũng còn
hơn khối người, mà San lại đẹp. Thạch phải thấy điều đó chứ?
San không đòi hỏi Thạch phải cười suốt ngày, nhưng ít ra
phải có một bộ mặt phải tươi vui một chút. Tại sao Thạch lại
không như Đổng Chí Viễn. Chí Viễn đã sang Mỹ mấy năm trời,
mà nào có lấy được bằng tiến sĩ đâu. Vậy mà trở về dạy học
rồi cưới vợ... Chí Viễn sống một cách vui vẻ, thoải mái. Chỉ
cần đặt chân đến nước Mỹ là người ta thấy hãnh diện. Họ kể
lại một cách phấn khởi là đã từng đến nơi này, nơi nọ, gặp
người này người kia. Những người nghe say mê theo dõi, hâm
mộ một cách thích thú. Thế còn Thạch, Thạch hơn hẳn Chí Viễn
nhiều thứ. Vậy mà mấy lần đi dự tiệc với chàng, có ai hỏi
đến Thạch chỉ uể oải trả lời:
- Ồ, cũng chẳng có gì đáng nói, đám người Hoa chúng ta bên
ấy, bất luận đi học hay đi làm đều cảm thấy cô đơn vô cùng.
Cái thái độ của Thạch, như một người lầm lũi bước trong sa
mạc. San cũng biết để đạt được ngày nay. Thạch đã từng làm
đủ mọi thứ. Nhưng mà, đâu phải chỉ có một mình Thạch. Bao
nhiêu người khác đã từ Đài Loan sang Mỹ học, để có kinh phí,
đã phải làm đủ mọi thứ nghề, từ đánh giày, lau đĩa, rửa chén,
quét dọn, lau chùi, thậm chí phải hái trái cây, nuôi ngựa ở
các nông trại xa xôi. Nhưng có ai lại mặc cảm và xuống sắc
như Thạch đâu? Trái lại khi đã thành đạt. Họ còn mang những
chuyện đó ra để hãnh diện về cái gương phấn đấu của tuổi trẻ
nơi xứ lạ quê người...
Ức San nâng cái khung ảnh ở trên bàn có hình mình ở bàn lên.
Cái khung ảnh này khá đặc biệt, gồm hai tấm kiếng rời ghép
lại, có trục sắt ở giữa chịu lại, do đó không có phần khung
nhôm hay gỗ bên ngoài hạn chế chu vi, vì vậy ảnh đẹp hơn,
nổi bật hơn. Ức San trong ảnh đang cười, nụ cười thật rạng
rỡ.
- Khung ảnh đẹp quá - San nói - Đem khung ảnh ở trong nước
ra so, thì thật một trời một vực.
Thạch đứng dậy bước ra phía sau San, cùng ngắm. Người trong
ảnh đang hướng mắt về phía chàng. Khuôn mặt trẻ với ánh mắt
đợi chờ, ánh mắt long lanh. Chợt Thạch đặt tay lên phần vai
trần của San, rồi cúi xuống hôn nhẹ lân ấy.
- Đây là lần đầu tiên, chúng ta riêng rẽ bên nhau, phải
không Ức San?
Ức San không ngờ Thạch lại chạm đến người nàng. Một sự tiếp
xúc dịu dàng nhưng không có cái nhiệt tình của tình yêu.
Ngày trước khi mới quen Từ Gia Tuấn, khiêu vũ hai lần, là
trên chiếc xích lô đưa về nhà, Gia Tuấn đã thô bạo cúi xuống
hôn nàng. San đã đẩy Gia Tuấn ra giận dữ, nhưng Gia Tuấn chỉ
trố mắt nhìn nàng và nói một cách tự nhiên:
- Làm gì mà em lại cổ lỗ sĩ như vậy? Ở Mỹ người ta chỉ cần
đưa bạn gái đi chơi một lần là đã hôn nhau. Còn chúng ta dù
gì cũng đã là bạn cũ rồi.
Đương nhiên là San vẫn còn giận, nhưng điều mà Gia Tuấn nói
không phải là không có lý. Từ sách báo, phim ảnh đến tiểu
thuyết của Mỹ, San đã thấy điều đó. Ở Mỹ, hôn nhau chỉ là
một hành động biểu lộ tình cảm. Đó là chưa nói giữa nàng và
Gia Tuấn dù gì cũng có một chút cảm tình. Thô bạo là một
phần bản chất của người đàn ông. Đàn ông phải có mới lôi
cuốn được phụ nữ. Còn cái thái độ hiên nay của Thạch, nó mềm
yếu và xa lạ quá. Phải chăng vì còn một chút ngượng ngùng?
- Vâng, lần đầu tiên. Cũng nhờ anh bệnh đấy, bằng không
chẳng biết bao giờ chúng ta mới có cơ hội này.
Thạch không đi vào vấn đề nói:
- Về đây, anh sợ tiệc tùng quá, làm gì mà ngày nào cũng phải
đến nhà hàng... Rồi phải giữ lễ, mệt quá.
- Vậy mà em tưởng là các anh về đây phải thích chuyện đó lắm
chứ. Em có người bạn cũng học ở Mỹ viết thơ về nói là bên Mỹ
không dám vô nhà hàng ăn, thèm quá những thức ăn Tàu...
- Dĩ nhiên tiệc tùng thì cũng thích, nhưng đến đấy mãi cũng
chán, vả lại anh cũng không thích đóng kịch mãi. Ngồi ở bàn
tiệc, cứ phải cười nói giao tế, rõ ràng là biết người ta nói
sai mà vẫn phải gật đầu, dạ dạ... giả dối phát chán.
- Nhưng mà... Họ đều là bạn bè thân thuộc, họ có tâng bốc ca
ngợi quá lố... Cũng là vì họ muốn làm mát lòng cha anh thôi.
Thạch bỏ đi lại phía giường, ngồi xuống nói:
- Em không hiểu, thật ra thì anh cũng biết đấy là giao tế.
Nhưng bản thân anh lại không thích. Anh yêu sống thật. À...
Hôm nay, không phải tiệc tùng, em dẫn anh ra quán cóc, ăn
quà vặt đi.
- Sao nghe nói là anh đang đau bụng cơ mà?
- Cái đó không quan trọng. chẳng qua là vì dầu mỡ làm nặng
bụng, bây giờ chúng ta ăn những món ăn nhẹ rồi thả rong trên
phố... như một khách nhàn du sau bao ngày xa nhà trở lại,
chứ không phải với tư cách là một sinh viên du học mới về.
Được không? San biết không, hôm kia khi đi ngang qua đường
xe lửa, chợt thấy mấy cái quán cóc mà mình thích khi trước
biến đâu mất, lòng chợt buồn, giống như cái món quà mình
quý, giữ kỹ trong ngăn kéo, bây giờ cần, mở ra lại thấy mất
tiêu vậy đó.
- Những cái quán cóc ăn được, bây giờ họ làm ăn phát đạt, họ
lên nhà hàng hoặc siêu thị cả. Chẳng hạn như mì xào của ông
Ngô, bánh chiên ông Cả...
- Nhưng anh tin là... mùi vị của nó hẳn không giống như ngày
xưa.
Ức San chợt quay qua hỏi:
- Ở Mỹ, có quán cóc không?
- Có chứ, nhưng thức ăn lại đơn điệu, phần lớn chỉ có món
hotdog, sandwich và pizza.
- Thế à? Vậy mà ở đây, gần bên sở thú có một cửa hàng ăn
chuyên bán hotdog của Mỹ, người ta phải chen chân với nhau
mới mua được.
- Mùi vị thế nào?
- Cũng không có gì đặc biệt, có điều họ bán rất đắt.
Thạch không dằn được cười:
- Chẳng có gì ngạc nhiên. Tại đó là thức ăn Mỹ cơ mà. Về đây
chưa bao lâu mà anh đã phát hiện dân mình có cái tâm lý sùng
bái Mỹ một cách kỳ cục. Bất cứ cái gì có gắn mát Mỹ là tốt.
- Anh cũng sang Mỹ học, cái đó không phải là vì sùng bái Mỹ
ư?
- Cũng có thể mà cũng không. Có điều khác là anh đã nhìn
thấy tâm lý đó quá lệch lạc. Sống ở Mỹ trên mười năm, anh đã
thấm thía và nhận chân được nhiều thứ.
- Ở bên ấy, có lẽ vì khổ quá, anh mới có cái tâm lý như
vậy... À... Anh có thể kể lại một vài cái khổ mà anh đã phải
chịu đựng cho em nghe, được không?
- Nó không cụ thể, thành thử khó có thể diễn đạt. Cái khổ mà
anh gánh cũng không phải cái khổ về vật chất, mà là thuộc về
tinh thần, nó vô hình. Có sống ở nước Mỹ, bên cạnh những tay
da trắng, em mới thấy là mình cô lập, lẻ loi. Họ thảo luân
chuyện chính trị,bóng đá, quyền anh... chuyện tương lai của
đất nước, chuyện giáo dục. em sẽ có cái cảm giác như họ nói
chuyện riêng của họ, không liên hệ gì đến ta cả. Mình chỉ là
người nước ngoài. Có thành công, có xuất sắc cỡ nào, có nói
tiếng Anh giỏi đến đâu, thì vẫn là người ngoại quốc. Em sẽ
hỏi còn cộng đồng người Hoa thì sao? Người Hoa ở Mỹ cũng có
nhiều hạng. Lớp thành đạt, có cơ ngơi ngồi chung một chiếu.
Những người Hoa khác không dám đến gần. Còn số đông bình
thường, có việc làm có vợ con, thì gần như an phận, chỉ nghĩ
đến cái nhà nhỏ của mình, thế giới của họ như thu hẹp lại.
Còn những tay chưa bao giờ lập gia đình lúc nào cũng nơm nớp
lo sợ không lập được gia đình, phải sống độc thân, thế là
dành hết tâm trí cho việc xã giao, tìm bạn... Mọi người chia
ra làm nhiều mảng. Đua tranh nhau bằng vật chất. Sống quên
cả bản thân. Kết quả, mỗi người là một hòn đảo biệt lập
chung quanh chỉ là nỗi cô đơn.
- Em không tin là ở Mỹ, anh lại buồn như vậy.
- Anh không buồn, nhưng cũng không vui. Anh không yêu nước
Mỹ, mặc dù ở đấy anh đã thành công, chưa thất bại. Nhưng anh
vẫn thích về đây hơn, không phải vì đời sống ở đây thoải mái
hơn mà là vì tình cảm. Nhưng rồi anh lại thấy, hình như ở
lại cũng không được, vì ở đây, hình như anh cũng đã bị bứng
gốc.
- Em tin là cha mẹ anh không thích anh ở lại đâu.
Thạch đột ngột quay qua nhìn San:
- Thế San thì sao?
- San à?
Ức San chỉ tròn mắt không đáp. Thạch không biết là San có
hiểu câu hỏi của chàng hay không?
- Nếu mà... như điều em nói, thì em có đồng ý để anh ở lại
đây không?
Ức San lắc đầu ngay:
- Không.
- Tại sao? Thạch hỏi - Ở lại dù gì cũng đóng góp được cho
đất nước, tạo nên lợi ích cho đồng bào mình. Còn ở bên ấy,
học trò của anh, toàn là người nước ngoài.
Ức San suy nghĩ một chút rồi nói:
- Em nghĩ là xứ Đài Loan này nhỏ bé quá, không thích hợp cho
việc xây dựng sự nghiệp lớn, và là con người... Tốt nhất là
ta nên nghĩ đến bản thân trước, rồi đất nước sau, như vậy
mới thực tế chứ.
- Nhưng nếu anh bây giờ an phận, không muốn làm cái gì to
tát, chỉ muốn có một cuộc sống bình thường như mọi người
thì... em nghĩ sao? em có còn thấy tin yêu anh như trước
không?
Cái màu hồng trên má San biến mất:
- Chuyện đó em chưa nghĩ đến - Rồi quay mặt hướng ra ngoài,
San nói - Không lẽ cái ý hướng ngày xưa của anh, đi ra nước
ngoài, chỉ để sau này có một cuộc sống an phận ở Đài Loan
thôi sao?
Thạch suy nghĩ:
- Lúc đó thì anh muốn làm một cái gì to tát, nhưng ở Mỹ mười
năm thì lại thấy chán chê, chỉ muốn tìm một nơi êm ả sống
thôi.
- Em thật không hiểu anh.
- Anh không tin là em không hiểu. Thôi được rồi bây giờ mình
tạm thời gác chuyện đó qua một bên. Bây giờ ra phố tìm cái
gì ăn chứ.
Con đường hẻm thật ngột ngạt, hình như cái nắng cả một ngày,
đều được nhốt kín cả trong hẻm ra tới lộ lớn. Cái nóng có
bớt đi một ít, nhưng con đường trải nhựa lại bốc hơi nóng
lên. Hàng cây xanh hai bên đường không đủ mát. Mới một chút
đấy mà Thạch đã thấy ướt cả lưng. Nhìn những giọt mồ hôi
trên trán Thạch, Ức San cười nói:
- Điệu này phải đưa anh vào quán kem ngay mới được.
Đứng trước cửa quán kem, Thạch như ngẩn ra:
Cái quán kem này, ngày xưa qua ký ức chỉ có một cánh cửa
nhỏ, sân gạch lúc nào cũng ướt, phải mang guốc vào mới không
ướt chân. Thật bẩn, nhưng vì ở gần nhà, nên Thạch thường hay
ghé vào. Có lần Thạch đã cùng thằng bạn có tên là Trương
Bình Thiên vào đây ăn kem cây. Trước mặt mỗi đứa là một đĩa
bốn cây kem đậu đỏ. Hết đĩa này thay đĩa khác. Kết quả, hai
đứa đã ăn hết mười đĩa. Bổ đồng, mỗi đứa đã ăn hết hai mươi
cây. Khách cả tiệm gần như bu quanh theo dõi, miệng và lưỡi
cúa Thạch gần như bị đông cứng, nhưng vẫn phải ăn. Đến cây
kem thứ hai mươi mốt thì các bắp thịt như chẳng còn cảm
giác. Thạch nói không ra tiếng. Lần đó Trương Bình Thiên đã
thua. Thạch được mời xem một chầu phim nhưng từ đó Thạch
không còn dám ăn kem nữa.
Hôm nay đứng trước cửa quán, kỷ niệm cũ như quay trở về,
ngay cả cái bảng quảng cáo phim lúc đó Thạch vẫn không quên.
Nhưng diện mạo quán kem bây giờ lại hoàn toàn đổi khác. Nó
đã được nới rộng ra tới ba lần và sạch như một quán kem bên
Mỹ.
Thạch gọi hai miếng dưa hấu ướp lạnh, rồi nói với San:
- Trước kia, anh thường hay đến đây, mọi thứ không giống như
bây giờ. Có lẽ vì kiếm được nhiều tiền, nên chủ quán đã biến
mọi thứ trở nên sang trọng hơn.
- Ồ! Anh không biết đấy chứ, đây là quán kem nổi tiếng nhất,
nó còn mở cả chi nhánh nữa. Kem ở đây ngon nên rất đắt
khách, ông chủ bây giờ có những mấy cái biệt thự, con cái
thì đều ở cả nước Mỹ.
Sao chuyện gì cũng dính đến nước Mỹ? Thạch nghĩ - Những
người ăn nên làm ra phải có con cái ở Mỹ thì mới là giai cấp
giàu sang.
- Dưa hấu ngon quá, em có cần ăn thêm không? À! Mà cái ông
ngày xưa nổi tiếng là vua dưa hấu bây giờ vẫn còn sống chứ?
- Còn, nhưng ông ấy đã kinh doanh ngành khác. À, anh Thạch,
dưa hấu ở Mỹ có ngon không?
Lại cũng Mỹ, tại sao ở đây lại kỳ cục vậy? Không lẽ mặt
trăng ở Mỹ cũng tròn hơn ở đây sao?
- Ồ! theo em thì dưa hấu ở Mỹ ngọt hơn ở Trung quốc à?
Cái thái độ châm biếm của Thạch khiến San thấy khó chịu:
- Anh thật là kỳ! Em chỉ muốn hỏi cho biết vậy thôi. Thôi
được rồi, bảo họ tính tiền, rồi mình đi nào, em sẽ đưa anh
đi dạo phố.
Cả hai bước ra ngoài, San gọi chiếc xích lô đi về hướng
Hoành Dương. Những dãy nhà hai bên phố thật đồ sộ, đẹp mắt
nhưng Thạch lại thấy bứt rứt. Thạch và San ít ra cũng trên
trăm ký, trong khi gã đạp xích lô lại vừa gầy vừa yếu. Thạch
không dám nhìn qua nhưng cũng có thể hình dung dưới cái nắng
gay gắt, những giọt mồ hôi đã ướt đẫm cả lưng người, gã xích
lô còng lưng mà cố đạp. Thạch nhớ lại cái thời còn đi học
trong nước, chàng với My Lập mỗi người một chiếc xe đạp,
cũng mồ hôi nhưng hạnh phúc dường nào. Thạch ít khi ngồi
xích lô, chỉ vì một lần trời mưa, Thạch và My Lập đã ngồi
xích lô với chiếc dù trên tay, mưa đã làm cho cả hai như
ngăn cách hẳn với thế giới bên ngoài, lúc đó Thạch nào còn
tâm trí đâu mà nghĩ đến người đạp xe, mà nếu có hẳn cũng
không có cái cảm nghĩ như bây giờ. Xe vừa đến vườn hoa,
Thạch vội và khoát tay cho xe dừng lại, Ức San ngạc nhiên:
- Ngừng ở đây làm gì vậy?
- Xuống đây được rồi, mình đi bộ một quã ng cho vui.
Thạch lấy ví ra, đưa cho gã xích lô trên trăm bạc, gã cám ơn
rối rít và tò mò nhìn chàng với ánh mắt danh cho người bệnh
tâm thần.
Ức San không hài lòng:
- Sao anh trả chi nhiều vậy?
- Em không thấy trời quá nóng. Bắt người ta chở nặng thế này
tội quá, số tiền anh trả cho hắn nếu tính sang đô la chỉ có
mấy cắc bạc, trị giá có hai lon coca thôi.
- Hèn gì người ta bảo những tay ở Mỹ về vung tiền như nước.
Thạch thấy San đã hiểu lầm mình, vội nói:
- Không phải là anh muốn cố tình phô trương là mình vừa ở Mỹ
về. Mà chẳng qua vì anh thấy bứt rứt với cái cực khổ của
người khác. Thôi được rồi đừng nhắc chuyện đó nữa. Chúng ta
vào công viên xem qua một vòng đi.
Công viên bây giờ không còn cái bộ mặt xơ xác của ngày cũ.
Dưới anh nắng chói chang là một màu đỏ lóa mắt. Những hàng
lan can, những cái xích đu, tàu hỏa dành cho trẻ con, Rồi cả
những tiểu đình, với hoa văn đẹp lôi cuốn khách. Nhưng Thạch
đi một vòng lại có cái cảm giác cái công viên này, nó giống
như một cô gái quê mà bắt phải mặc âu phục, nên đã bị biến
chất. Thạch thấy thất vọng hơn là ưa thích. Ra khỏi công
viên, Ức San hỏi:
- Anh có muốn ghé qua mấy tiệm sách không? Nghe bác gái ở
nhà nói, ngày xưa anh thích quanh quẩn mãi trong tiệm sách
mà.
Thạch liếc nhanh về phía San, bất giác chàng nhớ đến My Lập
của mười năm về trước, San cười có phần nào giống My Lập, có
lẽ vì cái tuổi gần nhau. Thạch nói nhanh:
- Cũng được, nghe nói ở Đài Loan bây giờ sách dịch cũng
nhiều lắm, để vào đấy xem có cái gì mua không?
Sách dịch quá nhiều đến độ Thạch phải kinh ngạc. Từ khoa học
kỹ thuật đến nhân văn. Có cả những sách nguyên bản bằng Anh
ngữ. Thạch hỏi người bán sách:
- Ở đây có nhiều người đọc tiểu thuyết bằng Anh ngữ lắm à?
- Có chứ, nhưng phần lớn chúng tôi cung ứng cho người Mỹ.
Thạch đi dọc theo mấy quầy sách. Mắt như hoa hẳn, sách rất
nhiều nhưng phần lớn là của những tác giả Thạch không nghe
tiếng. Có lẽ vì Thạch đã xa xứ mười năm, chàng lại không có
thời gian đọc sách ngoài chuyên môn của mình nên không biết.
Chiều đã xuống, nhưng cái nóng vẫn còn đấy. Cả hai lại quay
ra phố. Người qua lại trên đường đông đến muốn ngộp thở,
Thạch đề nghị:
- Chúng ta tìm một chỗ nào mát để nghỉ đi.
- Để em đưa anh tới khu thế giới mới. Ở đấy có một quán nước
bán nước chanh muối rất ngon. Sau đấy chúng ta sẽ đi ăn.
Suýt tí nữa thì Thạch đã buột miệng theo kiểu Mỹ: "Cũng
được, tùy ý bạn" nhưng Thạch đã ngăn lại kịp thời. Chàng
nói:
- Tùy em. |
|