Tối hôm ấy từ nhà Ức San quay về, ông Thành
Dân có vẻ không được vui. Ông không nói chuyện với Thạch,
chỉ gọi vợ vào phòng riêng. Hai người đã nói chuyện thật lâu,
sau đấy bà Đức Phương mới bước ra, bảo Thạch đi ngủ sớm.
Chuyện gì để mai hãy tính. Thạch vào phòng lại nằm trằn trọc
mãi mà không làm sao ngủ được. Thế là chàng ngồi dậy, nhẹ
nhàng bước ra ngoài.
Đẩy chiếc xe đạp ra sân, chàng cài cửa lại cẩn thận.
Thạch đã đạp xe như vậy mấy lượt qua trước cửa nhà Ức San.
Đèn trong phòng Ức San vẫn còn cháy sáng, có nghĩa là San
chưa ngủ. Mấy lần Thạch định lấy sỏi ném về khung cửa đó,
nhưng rồi lại thôi. Ngày xưa khi còn yêu My Lập. Những lần
giận cãi nhau, về nhà không ngủ được. Thạch cũng thường hay
đạp xe đến khu nhà nàng ở, rồi lảng vảng ngóng trông, để
giảng hòa.
Thạch còn nhớ chưa quên. Có một lần trong một buổi dạ hội.
My Lập không có sự thuận ý của chàng, đã khiêu vũ với một
tay sinh viên khác bên trường Luật. Hôm ấy trên đường về nhà.
Thạch đã lầm lì không thèm nói với Lập. Lập vừa bước xuống
xe. Thạch đã đạp xe chạy về ngay, không nói một tiếng giã từ.
Sau đó quay về nhà, khi cơn giận đã lắng xuống, Thạch thấy
hối hận, không làm sao ngủ được. Chàng lại xách xe chạy lại
đến trước cửa nhà Lập. Bên trong còn đèn, nhưng chàng lại
không dám gọi, chàng lấy hai hòn sỏi ném vào khung cửa, rồi
ngồi ngoài chờ. Một lúc, My Lập bước ra mở cửa, vừa trông
thấy Thạch đã giận dữ đóng sầm cửa lại.
Thạch lại đứng bên ngoài gõ cửa, rồi chờ. Cứ như vậy đến cả
tiếng đồng hồ.
Song My Lập lại quay ra:
- Anh điên rồi à?
- Em mở cửa ra đi. Anh chỉ cần một phút, anh muốn giải thích.
Nhưng My Lập lại quay vào. Tắt đèn giả vờ như định ngủ.
Thạch lại gõ cửa.
- Anh làm ơn đi về đi. Giờ này còn quấy phá, định không cho
ai ngủ cả sao?
- Hãy cho anh một phút trình bày.
- Anh điên rồi.
- My Lập! Anh van em mà.
- Có gì mai gặp ở trường rồi sẽ tính sau.
- Anh không thể chờ đến mai được.
- Tại sao?
- Vì anh sợ là... Rủi ra đường anh bị xe đụng chết thì sao?
- Anh hù em hả?
My Lập nói vậy nhưng rồi cũng mở cửa cho Thạch bước vào. Dĩ
nhiên điều mà Thạch định nói không phải là chỉ một vài câu.
Có điều My Lập rất bảo thủ, nên ngoài lời xin lỗi chân thành
và kèm (và) nụ hôn (ra) theo mọi thứ (đã ngừng lại) mới êm
đẹp. Mấy năm sau, khi ở Mỹ, nhận được tin My Lập lấy chồng,
Thạch bỗng nhớ đến cái đêm hôm ấy. Tại sao mọi thứ chỉ dừng
lại ở đấy. Sao không tiến xa hơn. Nếu bấy giờ mà Thạch bạo
dạn hơn. Mọi chuyện có lẽ đã khác. Vì đứng trên đạo nghĩa,
Thạch sẽ không thể bỏ đi ra nước ngoài được và như vậy Thạch
có lẽ đã giống như Trương Bình Thiên. Tìm một việc làm gì đó...
Rồi lấy vợ, có con. Sống một cuộc sống bình thường như bao
nhiêu người khác.
Bây giờ tuy đứng ngoài bờ tường nhà Ức San, Thạch rất muốn
gặp San, nhưng ngay cả chuyện ném đá vào cửa sổ, Thạch cũng
không có can đảm, Ức San không phải là My Lập. Hai cái tình
cảm hoàn toàn khác hẳn nhau. Với My Lập, Thạch có thể cuồng
nhiệt, giận hờn, cãi nhau rồi lại hòa giải. Còn với Ức San,
Thạch lại ở vị trí một người anh cả. Yêu đấy, nhưng không
còn cái lãng mạn, nông nổi ngày xưa.
Thạch quanh quẩn mãi ngoài ngõ. Tiếng rao của ông bán giò
chéo quẩy, rồi tiếng sáo của người mù làm nghề đấm bóp.
Tiếng sáo như lời than vãn về những tháng năm nào đã trôi
qua. Có quá nhiều thứ để mà hối tiếc. Ánh đèn đường vàng vọt
cô đơn, hàng cây lá hắt hiu nhẹ lay theo cơn gió. Thế là
Thạch buồn bã quay về.
Tờ mờ sáng hôm sau là ông Thành Dân đã bỏ đi ra ngoài. Mẹ đã
biết là Thiên Mỹ sẽ lên thành phố nên đã ra chợ mua một vài
món ăn ngon. Chỉ còn Thạch ở lại nhà. Ăn sáng xong, ngồi
trong phòng khách đọc báo. Ở Mỹ mà có được một tờ báo Hoa
văn đọc là tuyệt vời. Thường ở bên ấy, mỗi khi mượn được một
tờ báo Hoa văn, là Thạch đọc ngấu nghiến gần như muốn nuốt
từng chữ.
Về nước rồi, mấy hôm đầu thấy báo là Thạch đọc hả hê. Có
điều đọc xong, Thạch lại đâm ra thất vọng. Trang đầu với
những tin tức đọc nức lòng. Nhưng trang hai, nơi mục xã hội...
Sao lại lắm tin tệ nạn thế? Một người chỉ vì mấy đồng bạc
cũng giết người... Rồi một người khác chỉ vì một cô gái điếm
thôi mà cũng nhảy lầu tự tử... Chuyện này không phải là ở Mỹ
không có... Phải nói là hơn gấp trăm lần nữa. Nhưng không
hiểu sao, mỗi lần đọc xong, Thạch lại quên bẵng ngay, Có lẽ
vì đó không phải là quê hương, không phải là đồng bào của
Thạch chăng?
Chợt nhiên có tiếng chuông điện thoại, Thạch đứng dậy.
- Ai đó? Ức San à?
- Không phải, Thiên Mỹ đây. Có chuyện gì không anh?
- Ồ, không, em đang ở đâu vậy?
- Dạ, ở bến xe, mẹ bảo em là khi nào đến thành phố cứ chờ ở
nhà ga, sẽ bảo anh ra đón, vậy mà nãy giờ em chờ đã hai mươi
phút rồi chẳng thấy anh. Thôi được rồi, anh khỏi ra, em sẽ
đón xe về ngay.
Mãi đến giờ dùng cơm trưa mà ông Thành Dân vẫn chưa về,
Thạch hỏi mẹ:
- Chuyện gì đã xảy ra vậy, mẹ? Tối qua, trở về cha đã nói
với mẹ sao?
Bà Đức Phương vừa gắp miếng thịt gà cho Thiên Mỹ, vừa nói:
- Đương nhiên là họ không hài lòng. Chuyện này cũng không
thể trách họ được.
- Con không trách, nhưng họ đã quyết định thế nào?
- Họ chưa quyết định, chờ ý kiến của Ức San.
- Thế Ức San thì sao? Tối qua, cha chẳng nói gì về Ức San cả
sao?
Bà Đức Phương yên lặng, trong khi Thiên Mỹ chen vào:
- Ban nãy nghe mẹ kể lại thì Ức San thấy cha vừa đến nhà cô
ấy xong, là San bỏ đi ngay. Nghe nói là có cái hẹn gì với
anh em nhà họ Mạc đấy.
Bà Đức Phương quay qua trừng mắt với con gái:
- Ai mượn con xía vào vậy? Ức San nó cũng chưa phải là cái
gì của anh con, thì đương nhiên là nó có quyền đi chơi với
người khác chứ?
- Con không có phải là chê trách gì chuyện đó, nhưng mà ở
đây tại sao có sự trùng hợp lạ lùng vậy? Vừa mới có chuyện
với anh Thạch là nhận lời đi chơi với người khác ngay. Như
vậy có phải là vô tình lắm không?
- Anh con cũng kỳ, chuyện của giáo sư Khưu có phải là chuyện
nhà đâu mà dồn hết cả sức ra lo, bỏ bê Ức San, nếu mẹ là nó,
mẹ cũng giận chứ.
- Nhưng chuyện anh Thạch lo là chuyện chính nghĩa, không lẽ
cô ấy lại không hiểu?
Thạch chen vào:
- Mẹ có biết là Ức San đi đến mấy giờ mới về không?
- Mẹ không biết, vì lúc cha con ra về thì nó lại chưa về, có
điều bác Trần bên ấy nhận định là quyết định của con quá đột
ngột nên bây giờ bên ấy cũng không biết làm sao, chờ Ức San
quyết định.
- Còn định gì nữa - Thạch bực dọc nói - Cô ấy đang có giá mà,
buông con ra là có người rước ngay.
Bữa cơm tiếp tục trong cái không khí kém vui. Sau đấy Thạch
và Thiên Mỹ ra phố. Trước khi đi, Thạch hỏi mẹ:
- Thiệp cưới đã phân phát chưa hở mẹ?
- Con hỏi để làm gì?
- Nếu chưa thì đừng gởi, mà nếu lỡ rồi, thì mình phải đăng
báo xin dời lại.
- Chuyện đó có cha với mẹ lo, con khỏi phải quan tâm.
Thạch và Thiên Mỹ ra phố. Thành phố với cư dân đang Âu hóa.
Áo bỏ trong quần, cravate, veston... dù trời đang nắng gắt.
Nhưng bên cạnh đó, thỉnh thoảng Thạch cũng gặp một vài người
ăn mặc chất phát đang ngắm nhìn phố phường một cách ngẩn
ngơ.
- Em có thấy họ không? Thạch vừa chỉ vừa nói với Thiên Mỹ -
Hình như họ mới ra thành phố lần đầu.
- Ở thành phố Đài Nam có nhiều người đã trên bẩy mươi tuổi
mà vẫn chưa hề biết đến thành phố Đài Bắc ra sao đấy.
- Chuyện đó rất bình thường, ngay như bên nước Mỹ đâu phải
ai cũng biết New York hay Washington? Có nhiều người không
muốn rời khỏi nơi mình ở không phải vì họ không có tiền, mà
chẳng qua vì họ không thích di động.
- Nhưng phần lớn thì ai ai cũng có óc tò mò, họ muốn đi đó
đi đây để biết với người. Đó là trường hợp của Ức San.
- Chuyện anh nhận lời giáo sư chủ nhiệm khoa ở lại đã quyết
định. Anh cũng đã nói với Ức San tạm thời ở lại thôi. Cô ấy
phải hiểu chứ?
- Anh Thạch, anh vẫn còn muốn lập gia đình với Ức San chứ?
- Vâng, nhưng cái vấn đề ở đây không lệ thuộc vào anh nữa.
- Không thể nói như vậy được, nếu thật sự anh yêu Ức San,
thì anh cần phải tích cực hơn. Gặp thẳng cô ấy, trình bày
lập trường, chứ còn thụ đông thế này. Sợ là Ức San sẽ vào
tay người khác thôi.
- Nếu San yêu anh thì sẽ không có chuyện đó xảy ra.
- Anh Thạch à, anh đừng quên là... Có thể Ức San yêu anh,
nhưng cô ấy lại yêu cái nước Mỹ hơn.
- Nghĩa là...
- Nghĩa là nếu anh cho chuyện Ức San yêu nước Mỹ là xấu, thì
anh hãy quên cô ấy đi. Còn ngược lại, nếu anh nghĩ đó chẳng
qua chỉ là một thứ thời thượng... thì anh nên tích cực trong
chuyện tình yêu.
- Theo em thì thế nào?
- Anh muốn biết ý kiến của em à? Thú thật thì em không ưa gì
cô ấy, em cũng thấy là Ức San không xứng đáng với tình anh.
Nhưng bên cạnh đó thì em cũng phải thừa nhận là cô ấy bình
thường nghĩa là không có khuyết điểm. Nếu anh thấy được là
được.
Cả hai vào quán nước uống trà. Thạch chợt có ý định gọi điện
thoại về nhà xem có gì lạ không? Ông Thành Dân tiếp điện
thoại, Thạch hỏi:
- Có ai tìm con không, ba?
- Con đang đợi điện thoại của ai à?
- Dạ không, con muốn biết là có ai gọi điện thoại cho con
không vậy mà... Chẳng hạn như ở trường đại học?
- Vậy thì không có.
Rồi ông ngỏ ý muốn nói chuyện với Thiên Mỹ, Thạch đưa máy
cho em. Chàng thấy hai người nói chuyện thật lâu.
Thạch hỏi, có chuyện gì không, Thiên Mỹ chỉ nói:
- Không có, cha chỉ bảo em là cùng anh di dạo cho thoải mái,
kiếm cái quán ăn nào ở ngoài ăn cơm chiều luôn. Cha muốn
được thư thả buổi chiều này không bị quấy rầy.
Như vậy hẳn là đã có vấn đề. Tình trạng này không thể để cù
cưa như thế này mãi được. Thạch đề nghị với Thiên Mỹ:
- Hay là anh cùng em đến nhà Ức San xem sao?
Thiên Mỹ ngước lên nhìn Thạch:
- Anh sợ đi một mình à?
Thấy Thạch không trả lời. Thiên Mỹ ngần ngừ rồi nói:
- Thú thật với anh, ban nãy cha vừa cho em biết. Cái tay họ
Mac đấy, không hiểu sao hắn lại biết chuyện anh không trở về
Mỹ. Hắn cũng biết là giữa anh và Ức San có vấn đề nên hôm
nay đã mời Ức San đến Dã Liễu du ngoạn. Nghe nói, hắn còn
ngỏ ý cầu hôn nữa.
Lời của Mỹ như một tiếng sấm rền bên tai. Thạch chưa kịp
phản ứng thì Mỹ lại tiếp:
- Lúc cha qua nhà bác Trần, thì bác ấy đã kể hết cho cha
nghe. Bác gái ngồi cạnh thì phàn nàn là cái tay họ Mạc đó có
vẻ không được chững chạc. Nhưng bác trai thì không quan tâm
lắm đến cái chuyện đó. Bác nói mục đích bây giờ là làm thế
nào để Ức San được ra nước ngoài. Cha có vẻ giận, cha nói
bác Trần thực dụng không nghĩ gì đến giao tình cũ.
- Thế còn ý kiến của Ức San thì sao?
- Em không biết, em không nghe cha đề cập đến.
Thạch chợt cảm thấy cổ như khô hẳn lại. Chàng muốn uống một
ly trà. Trời nóng thật, đi ra ngoài đường người lại đông như
kiến. Thạch bỗng nói:
- Trời nóng quá! Phố xá lại đông nghẹt người như thế này
thật ngộp thở. Muốn ở lại cũng không được.
Lời của Thạch khiến Thiên Mỹ đứng hẳn lại nhìn anh, rồi lẳng
lặng Mỹ vẫy tay gọi xích lô. Trên đường về nhà cả hai không
nói gì cả. Khi về đến nơi, Thạch nhìn vào nhà. Trời đã tối
nhưng trong nhà lại không có ánh đèn (sáng). Cha mẹ Thạch
đang ngồi ngoài sân hóng mát, có mấy con đom đóm đang lấp
lánh trên cỏ. Bà Đức Phương thấy hai con trở về đã ngạc
nhiên:
- Còn sớm quá mà sao các con lại về?
- Anh Thạch bảo: Phố xá đông đúc nghẹt thở quá!
Thiên Mỹ nói rồi đi vào trong thay áo.
- Các con đã ăn gì chưa?
Thạch gật đầu, rồi ngồi xuống bên cạnh mẹ. Chàng muốn hút
thuốc, nhưng gói thuốc trong túi không còn. Thấy cha chỉ
ngồi yên lặng, Thạch hỏi:
- Cha đã gặp Ức San rồi phải không? Mỹ đã kể cho con nghe.
- Nếu con đã biết thì cũng tốt. Chuyện của con với Ức San
bây giờ mong manh lắm, cái đó cũng khó trách bác Trần được,
họ chỉ có một mụn con. Hy vọng của họ là được qua Mỹ mà con
không giúp thực hiện được, thì họ chỉ còn cách tìm người
khác thay.
- Nhưng đó là ý của bác Trần hay của Ức San?
- Của ai thì cũng thế thôi. Ức San sẽ nghe lời cha mẹ.
Mẹ của Thạch cũng chen vào:
- Thiên Thạch, chuyện con ở lại mẹ cũng không tán thành
nhưng vì con cũng trên ba mươi rồi. Không lẽ mẹ lại can
thiệp? Cha con mấy hôm rày đã dùng mọi cách thuyết phục họ,
Nhưng thấy không hy vọng. Thành thử ra, thành hay không là
tùy ở con đấy.
Thiên Mỹ đã thay áo xong bước ra nói:
- Mẹ! Cái chuyện mà Ức San đi chơi với tay họ Mạc cũng chưa
hẳn có nghĩa là Ức San sẽ lấy Mạc. Có khi đó chỉ là một
chiến thuật để làm áp lực với anh Thạch thôi, thành thử ra
theo con thấy, thì cha mẹ hãy để cho anh Thạch trực tiếp gặp
mặt Ức San. Như vậy mới giải quyết được mọi thứ, chứ ngồi
đây đoán mò thì có được ích lợi gỉ
Ông Thành Dân nói:
- Cha thấy thì Ức San nó không quay lại đây. Có nghĩa là đã
rõ lập trường rồi.
Thiên Mỹ lắc đầu:
- Cha chẳng hiểu tâm lý phụ nữ chút nào cả, con thấy thì anh
Thạch đột ngột thay đổi. Ức San dù có thuận thảo, cô ấy cũng
muốn tỏ rõ lập trường là anh Thạch có muốn làm gì thì cũng
phải hỏi qua ý kiến của cô ấy.
Bà Đức Phương chen vào:
- Thiên Mỹ nó có lý đấy, anh ạ. Thôi thì để cho Thạch qua
đấy xem sao?
Ông Thành Dân yên lặng, Thạch suy nghĩ, Thiên Mỹ động viên:
- Đi đi, anh Thạch. Em bảo cô Thúy điện thoại sang bên ấy
nói Ức San ngồi nhà chờ anh nhé?
Thiên Thạch vừa ngượng ngùng vừa cảm động nhìn em. Nhưng rồi
chàng cũng đứng dậy.
- Hãy can đảm lên anh ạ, đừng tự ái gì cả. Đây là chỗ mà tự
ái không có đất đứng, để em bảo Thúy nó lấy xe đạp cho anh
đi nhanh nhé?
Có một con đom đóm lập lòe vượt qua màn đêm. Hình như tất cả
người thân đều hướng ánh mắt về phía chàng. Thạch quyết định
và bước ra ngoài. Tiếng của Thiên Mỹ từ sau vọng tới:
- Cố thành công anh nhé!
Thạch phóng lên xe đạp. Bên ngoài trời đã mát hẳn, những
hàng cây kè ở hai bên đường vươn thẳng lên nền trời đen.
Thạch nhấn mạnh chân để xe lao vút tới, với tất cả phấn khởi
của tâm hồn. Biết đâu? Rồi mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn
thỏa.
Hình như có một cánh chim đang về đâu.
Hết |
|