COI THIEN THAI ENTERTAINMENT NETWORK

Coi Thien Thai - Vietnamese Entertainment Network

Please click the banner to support Coi Thien Thai !

Please click to support Coi Thien Thai!

TÌNH CA MÙA THU

Tác giả: Quỳnh Dao

[Chương 1][Chương 2][Chương 3][Chương 4][Chương 5][Chương 6][Chương 7][Chương 8][Chương 9][Chương 10]
[Chương 11][Chương 12][Chương 13][Chương 14][Chương 15][Chương 16][Chương 17][Chương 18]
[Chương 19][Chương 20]

Chương 13

flower

Mấy hôm sau, phía quân đội lại tổ chức một đoàn tham quan dành cho giới trí thức cao cấp từ nước ngoài mới về ra thăm tiền tuyến, cổ động cho binh sĩ. Thạch cũng được mời và chàng quyết định là sẽ cùng với Ức San đi.
Cái ấn tượng đầu tiên về hòn đảo Kim Môn là một thành phố ngăn nắp, sạch sẽ. Ở đây mọi thứ đều được quân sự hóa tồi đa.
Máy bay vừa đáp xuống. Một sĩ quan đại diện cho quân đoàn đã có mặt sẵn ở sân bay tiếp họ.
Mọi người được trưởng đoàn giới thiệu. Sau đó, tất cả được đưa lên mười xe cam nhông chở vào khu doanh trại. Con đường xuyên đảo không dài lắm. Hẹp và vắng, đi qua những con phố như công viên. Ở đây chỗ nào cũng trồng cây. Vừa chắn gió vừa che mát cho đảo. Xe dừng lại trước một hang núi rộng, được dành cho bộ chỉ huy hành quân. Ở đây phái đoàn được thuyết trình về tình hình của hải đảo. Rồi mọi người được dẫn đi xem chỗ ăn ngủ của quân sĩ, nơi trận pháo. Những khẩu pháo nòng dài đang hướng ra biển khơi. Mọi người yên lặng theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình. Ở đây cũng có những pháo đài, phòng quan sát tiền tiêu... Máy nhìn xa hiện đại để theo dõi động tình của quân thù. Vị sĩ quan chỉ huy chỉ về phía trước nói:
- Ở đây kẻ địch thường hay lai vãng.
Thạch đứng trong đám đông nhìn tới trước. Trong cái mịt mù của biển. Kẻ thù xuất hiện... nhưng kẻ thù là ai? Nó có phải cũng là người chăng? Những năm sống ở nước ngoài. Cái hình dung về tổ quốc gần như trở thành trừu tượng. Một thành phố nhỏ. Một lũy tre, một tiệm bách hóa với mấy cái keo đựng kẹo, đựng đường. Mấy món hàng than, củi, trà, muối lèo tèo. Cô bán hàng ế ẩm ngáp dài nhìn ra cái nắng gay gắt buổi trưa. Tất cả là một cảnh thanh bình. Tất cả dễ thương một cách kỳ cục. Thạch không ưa chiến tranh.
Đứng trên pháo đài dõi mắt nhìn ra biển khơi... Chàng thấy những khẩu súng thật là xa lạ.
- Thạch này, nhìn vào ống kính viễn vọng xem - Hoàng đã đẩy ống nhắm về phía Thạch nói - Ngắm qua bên kia, cậu có thể nhìn thấy cả cảnh người đi trên đường.
Có cái gì xót xa trong tim. Đấy là kẻ thù ư? Những người dân vô tội đó lại là kẻ thù? Thạch do dự một chút nói:
- Thôi anh xem đi, tôi chẳng xem đâu.
Rồi quay người đi về phía góc pháo đài. Ức San có vẻ tò mò. Nhìn về phía Thạch, rồi ngập ngừng quay sang Hoàng:
- Cho em xem thử một chút đi.
Từ trên đài quan sát bước xuống, mọi người yên lặng, Ức San chợt nắm chéo áo Thạch giựt giựt hỏi:
- Anh làm sao vậy?
- Làm sao là làm sao?
- Tại sao lại có vẻ buồn buồn thế?
Ức San có vẻ khó chịu hỏi. Thạch cười nói:
- Em lúc nào cũng chỉ biết có Đài Loan. Đấy là một sự cách biệt về tuổi tác em ạ.
- Em đâu có nhỏ hơn anh bao nhiêu?
- Nhưng một năm ở Mỹ, nó dài hơn cả mười năm ở đây em ạ.
- Nếu vậy anh phải đưa em sang đấy, để em xem thử.
- Đương nhiên, nếu anh còn sang đấy. Anh sẽ đưa em sang.
- Cái gì... Không lẽ...
Vị sĩ quan hướng đạo đã đưa mọi người tới một cái hang rộng lớn. Ông ta nói:
- Chúng tôi sẽ xây ở đây một câu lạc bộ khiêu vũ. Một sân khấu để các văn nghệ sĩ từ hậu phương có thể ra đây biểu diễn cho anh em binh sĩ xem. Công trình có thể hoàn thành trong vòng sáu tháng nữa.
Mọi người trầm trồ bàn tán. Một công trình vĩ đại trong lòng núi, để phục vụ cho những con người đã chịu hy sinh cái nếp sống xa hoa trong thành phố ra tận biên cương giữ gìn quê hương. Rồi tất cả lại được mời vào phòng ăn. Năm chiếc bàn phủ khăn trắng đặt gần những chiếc bàn ăn khác đã ngồi đầy các binh sĩ. Ngồi cạnh Ức San và Thạch là hai anh em nhà họ Mạc. Họ đều là Hoa kiều từ Mỹ về. Đó là những con người năng động. Họ hỏi rất nhiều thứ. Có những thứ hoàn toàn không liên quan đến đời thường của binh sĩ, mà Thạch biết là họ hỏi chỉ là hỏi. Ra khỏi đây là họ sẽ quên ngay. Với những con người hời hợt đó, Thạch không muốn tiếp chuyện. Nhưng trên bàn ăn, họ lại là người chăm sóc cho Ức San rất kỹ. Thạch thấy khó chịu, lúc tráng miệng, Thạch liếc nhanh anh chàng ngồi kế bên San, rồi giả vờ hỏi San:
- Nói cái gì mà có vẻ tâm đắc vậy?
San chưa kịp nói, thì gã họ Mạc kia đã lên tiếng:
- À, tôi đang kể cho cô San đây nghe cảnh sống ở Boston đấy mà.
San chợt chen vào:
- À, anh Thạch, anh không biết là anh Mạc đây là giáo sư trường đại học Harward ư?
- Nhưng tôi chưa được làm giáo sư thực thụ - Gã Mạc đắc ý nói - Tôi mới đậu bằng tiến sĩ chưa được bao lâu nên mới chi được mời diễn giảng ở đấy thôi.
Ức San ngước lên, ánh mắt khâm phục nhìn Mạc:
- Bên ấy, con gái người Hoa nhiều không?
- Cũng không ít, nhưng chẳng có ai đẹp như cô.
Thiên Thạch khó chịu nói:
- Cám ơn lời tán dương vừa rồi của anh dành cho vợ chưa cưới của tôi.
Rồi Thạch đứng dậy kéo tay San, quay sang Mạc, Thạch nói:
- Xin lỗi anh nhé, chúng tôi còn phải ra quán lưu niệm mua một vài món quà mang về cho gia đình.
Rồi Thạch bước ra ngoài. San bước theo sau. Đường trên phố hẹp. Mấy cái quán bán đồ lưu niệm có bán cả đặc sản địa phương như rượu cao lương, khô cá.
- Em có muốn mua gì không?
- Không.
- Mua hai chai rượu cao lương cho cha em nhé?
- Thôi, cha em chỉ uống rượu ngoại.
Ức San nói như thách thức, Thạch cũng không vừa:
- Vậy thì anh mua hai chai cho cha anh vậy. Dù gì thì người cũng không đến độ sính đồ ngoại.
- Sính đồ ngoại cũng đâu có gì đáng chê?
- Anh không hề chê chuyện đó - Thạch vừa trả tiền cho chủ quán vừa nói - Có điều hơi tiếc, có nhiều người cứ tưởng là chỉ có đồ ngoại là nhất, rồi tập cho cả con cái tư tưởng mê chuộng nước ngoài gần như tôn sùng. Họ trở thành những thằng Tây mũi tẹt.
Hai người bước ra ngoài. Ánh nắng bỗng trở nên gay gắt. Bao nhiêu cái bực dọc uất ức ức lên cổ. Vậy mà Ức San còn nói:
- Anh Thạch. Tôi không còn chịu đựng được anh nữa. Từ sáng đến giờ các hành động của anh khiến ai cũng bực mình. Người ta có ý tốt với em, anh lại hạ nhục người ta. Đó là một tính xấu. Mình thất chí trong khi người khác đạt được chí, rồi ganh tị? Như vậy đâu có phải là anh hùng. Anh nghĩ kỹ lại xem, có đúng không?
Nói xong, San bỏ đi hướng khác để Thạch đứng lại một mình như trời trồng trong nắng.
Lúc lên phi cơ quay về thành phố, Ức San cố tình đến ngồi bên cạnh anh chàng Mạc, bà xã của Hoàng thì đang chuyện vãn với một bà khác nên ngồi riêng, thế là Hoàng kéo Thạch đến ngồi bên cạnh mình. Thạch thấy thật mệt mỏi. Không phải chỉ vì chuyến đi xa mà vì cả sự xung khắc với Ức San, chàng ngồi xuống ngã người ra sau. Hoàng nói chuyện nhưng Thạch giả vờ không nghe, mắt nhắm lại.
Một lúc Hoàng lại thúc tay vào người Thạch viết một mảnh giấy. Thạch bắt buột phải đọc:
- Lần trước cậu không cho mình biết là cậu đã có bạn gái. Cô ấy là người yêu đấy à?
Thạch cười nhẹ, gật đầu. Hoàng lại đưa mảnh giấy khác:
- Cậu phải cẩn thận đấy, họ Mạc đang ngấp nghé đến cô bạn của cậu.
Thạch cười buồn, viết vào giấy:
- Chuyện đó nếu nó đến thì phải chịu thôi.
Hoàng lắc đầu:
- Không thể như vậy được. Lối nói của cậu là của những tay theo thất bại chủ nghĩa. Những kẻ an phận. Cậu đã sống ở Mỹ những mười năm rồi còn gì? Sao chẳng có tinh thần thực dụng của Mỹ chứ?
Viết xong, Hoàng hướng mắt về phía Ức San, Thạch nhìn theo. Thấy San và Mạc nói chuyện có vẻ rất tâm đắc. Hai người cũng đang nói chuyện bằng lối bút đàm. San có vẻ rất vui. Hoàng viết cho Thạch:
- Cậu thấy không, nhiều người không những học được cách thực dụng của Mỹ, mà họ còn ứng dụng rất khá. Cậu thấy thế nào, có cần tôi sang đấy can thiệp cho cậu không?
Thạch lắc đầu:
- Thôi khỏi. Có làm rùm lên chỉ xấu thôi.

o0o

Về đến phi trường thành phố, lại được đại diện quân đội ra đón đưa đến phòng chiêu đãi. Rồi lại một màn diễn văn chào đón những người con yêu của đất nước.
Trong khi quân đội có nhiệm vụ bảo vệ biên cương thì trí thức có bổn phận xây dựng đất nước... Thạch mệt mỏi, mà tất cả cũng đều mệt mỏi. Sau bữa ăn thì giải tán.
Ức San lặng lẽ đi trước. Thạch tuy vẫn còn bực bội, nhưng vì cuộc đi này vì Thạch gợi ý để San đi theo, nên không thể không bước tới.
- Còn đi đâu nữa không, tôi đưa đi?
- Thôi, tôi mệt quá rồi, chỉ muốn về nhà thôi.
Thạch đành phải gọi taxi, đưa San về dưới tận nhà nàng. Xe dừng lại trước cửa, San bước xuống, nói lời từ giã rồi vào nhà, chứ không mời Thạch vào luôn.
Thạch đứng một chút, rồi quay người ra. Trời còn sớm. Chàng không về nhà ngay, mà đi ra phố, vừa đi vừa nghĩ ngợi. Chuyện này để tự nhiên sẽ diễn biến xấu. Nhưng nếu không can thiệp thì tay Mạc lại xem thường mình. Làm sao nén được cái bực mãi được. Con người ngoài cái danh lợi ra, còn phải có khi phách. Nếu San là người ham vui, chẳng vững tâm thì có lập gia đình hạnh phúc rồi sẽ thế nào? Thạch bước vào một tiệm giải khát, gọi một miếng dưa hấu nghĩ ngợi. Mãi khi màn đêm buông xuống, mới quay về nhà.
Vừa bước vào nhà, Thạch rất ngạc nhiên. Đèn không mở sáng, nhưng cha mẹ chàng vẫn ngồi đấy như chờ đợi.
- Cha mẹ, con mới về. Sao chẳng mở đèn lên hở mẹ?
- Để như vậy mát mẻ hơn.
Mẹ của Thạch nói, giọng nói như có cái gì trách cứ. Còn cha của Thạch thì đứng dậy đến bật sáng ngọn đèn giữa phòng. Rồi quay lại chàng với ánh mắt giận dữ:
- Con làm như vậy có được không? Rủ người ta đi rồi đến nơi bỏ mặc? Tất cả những đạo đức phương đông của con trước khi rời khỏi đất nước đâu rồi? Con tưởng là mình ngon lắm rồi à? Không coi ai ra cái gì cả. Ba mươi mấy tuổi đầu rồi mà cách cư xử cơ bản cũng không biết... Con về đây mới đầy một tháng thôi mà làm cho mọi thứ như rối tung ra.
Dưới cái ánh sáng chói mắt của ngọn đèn. Dưới cái giận dữ của cha, Thạch ngẩn ra hỏi mẹ:
- Chuyện gì vậy hở mẹ?
- Ơ - Người mẹ vừa lấy quạt quạt nhẹ vào lưng Thạch nói - Con có vẻ nóng quá. Cởi bớt cái áo ngoài ra đi... Con cũng kỳ. Phải biết Ức San nó là gái, lại là con một, quen thói được nuông chiều. Con phải nhẫn nhịn một chút mới phải chứ?
Ông Ái quay lại trừng mắt với vợ:
- Đức Phương, bà nói vậy là thế nào? Con trai bà đã quá mức như vậy, phải thế nào Ức San nó mới về khóc lóc kể cho cha mẹ nó biết chứ? Bà không những không dạy con, còn nói điều đứng về phía nó...
- Anh Thành Dân này, anh cũng đừng quá khích như vậy, chuyện gì cũng phải có mặt trái mặt phải của nó. Mình cũng chưa rõ sự việc, rầy con vậy cũng không phải.
Sau khi chận chồng xong, mẹ Thạch mới quay sang con:
- Thạch, mẹ hiểu con. Nhưng con cũng không nên đòi hỏi Ức San nhiều quá. Cô ấy đẹp lại còn trẻ, đương nhiên là thích được nuông chiều. Đấy con xem, cãi nhau có được cái ích lợi gì? Đi đã mệt lại còn không vui. Bác Trần bên ấy vừa gọi điện thoại qua, có vẻ không hài lòng, bảo là con ngang ngược quá. Thật ra mẹ biết là không hề có chuyện đó. Nhưng mà có thế nào thì mai con cũng nên sang đấy, nói một vài lời phải trái, đưa nó đi chơi đâu đó giảng hòa là hay hơn, con ạ.
Biết phải giải thích thế nào đây? Thạch bực dọc cởi bớt áo rồi bước vào phòng tắm. Phải gột rửa cho hết bụi bậm trên người. Một ngày xúi quẩy. Đã bị trêu tức, về nhà còn bị mang tiếng là nhợt nhạt, bỏ bê.
- Thạch à, con ăn chè đậu xanh không, mẹ mang ra?
- Cảm ơn mẹ, con không đói.
- Vậy thì con ra phòng khách ngồi chơi đi. Cái phòng con đóng im ỉm từ sáng đến giờ, nó nóng ghê lắm.
Thạch không thể làm khác hơn là quay ra phòng khách ngồi bên cạnh mẹ, húp chén chè. Chàng không nhìn rõ khuôn mặt của cha nhưng nhìn thấy người cứ hút thuốc liên tục biết hẳn là người vẫn còn giận. Thạch chợt thấy thật phiền. Có nhiều thứ mà chỉ có thể để trong lòng, nói ra chẳng ai tin. Cuộc đời sao lắm thứ rắc rối. "Sỉ diện" rồi cái "thế giá". Không lẽ sống ở đời lúc nào cũng phải vì người khác? Không thể sống vì bản thân?
- Mẹ à, mai này con định xuống Đài Nam thăm Thiên Mỹ. Con đã hứa trước với nó rồi.
Thạch nói, mẹ của Thạch chỉ ngồi yên. Không khí thật căng thẳng. Thôi vậy cũng được, nơi này chỉ là chỗ tạm dừng chân. Rồi ta sẽ quay về với nước Mỹ. Ở đấy tuy lạnh lùng, nhưng ít ra nó cũng có những cái hay của nó. Ở đấy, mạnh ai nấy sống, không cần có cái gọi là "sỉ diện", không cần cái tình cảm phức tạp dây mơ rễ má giằng co. Tờ giấy đô la màu xanh là trên hết. Mọi thứ xem ra rất đơn giản.
Cuối cùng Thạch cũng nghe mẹ nói:
- Thôi được, đi thì đi đi, nhớ đưa Ức San theo. Cái gì cũng phải giải quyết cho tốt đẹp con ạ.
Thạch bưng chén chè lên húp, nhìn mẹ và chợt thấy thương mẹ vô cùng.
 

Xin các bạn vui lòng nhấn chuột vào quảng cáo để ủng hộ Cõi Thiên Thai!

Please click to visit Coi Thien Thai's sponsor

(TRUYỆN QUỲNH DAO)

Join Cõi Thiên Thai's Mailing List To Receive Updates & News - (Recommended for people who live in Viet Nam)

Subscribe Unsubscribe

Last Update: July 4, 2005
This story has been read (Since July 4, 2005):

flower

This page is using Unicode font - Please download Unicode Font here to read
Web site: http://www.coithienthai.com
E-mail: [email protected]

Please click on the banners to visit our sponsors! Thank you!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!
Advertise here! Click here!
(This window will be closed in 20 seconds)