Thạch tắt đèn trên bàn, tựa ra sau và nhắm
mắt lại.
Cả một ngày dự tiệc khá mệt mỏi, nhưng không hiểu sao Thạch
lại chẳng cảm thấy buồn ngủ chút nào, lúc còn ở Mỹ, Thạch
uống cà phê thường xuyên nhưng nào có nhằm nhò gì đâu? Hay
là cà phê ở quán "Hỷ Lâm Môn" khá đặc? Hoặc vì chưa quen với
giờ giấc ở quê nhà? Đúng rồi, giờ này ở Mỹ là ban ngày. Về
đã mấy ngày rồi mà Thạch vẫn chưa thích ứng.
Thạch ngồi yên, lắng nghe. Chợt có tiếng sáo từ xa vọng lại.
Tiếng sáo rõ dần... Có lẽ đã ở ngoài đầu hẻm... Nghe tiếng
sáo là Thạch biết ngay đó là tiếng sáo chào hàng của anh mù
làm nghề đấm bóp.
Thạch nhớ lại cái thời gian còn học ở trường đại học Đài Bắc,
có một buổi tối thứ bẩy, sau khi đưa My Lập về cư xá trở về.
Lúc đó khoảng một hay hai giờ khuya, khi cỡi xe đạp trên
đoạn đường Tân Nam Sanh Lộ đến Đông Môn. Bấy giờ đường khá
vắng, bên đường chí còn lác đác một vài xe mì, hủ tiếu... Có
cả mấy chiếc xích lô. Trời lạnh buốt, mấy ông đạp xích lô ế
khách đậu xe bên lề, co ro trong mấy tấm vải bạt, còn khi
trời nóng thì họ nằm trên nệm xe trần. Và bấy giờ, Thạch
thường xuyên gặp mấy tay đấm bóp mù này. Với chiếc sáo trên
tay. Tiếng sáo buồn ảo não mời khách. Tiếng sáo ngập đầy ý
thơ. Những bước chân dọ dẫm bước. Đôi hốc mắt sâu hoắm,
khuôn mặt như trơ với cả cảm xúc vì gió sương. Họ tượng
trưng cho nỗi cô đơn của đêm đen. Thật buồn, khi mà bao
nhiêu người sáng mắt đang say ngủ thì họ lại lang thang lần
mò kiếm ăn giữa bóng đêm dầy đặc.
Đã mấy năm trôi qua rồi. Tiếng sáo vừa xa lạ, vừa quen thuộc.
Gợi lại bao kỷ niệm thời trẻ. Cái thời mà Thạch chưa hiểu rõ
lắm vị đắng của cuộc đời, Thạch ngồi bật dậy. Chợt một ý
nghĩ len trong đầu, Thạch rón rén bước ra phòng khách, đến
thềm nhà tìm giày mang vào và đi thẳng ra cửa. Thạch cố hành
động một cách nhẹ nhàng, không làm kinh động giấc ngủ của
cha mẹ chàng. Chàng ra cổng, rồi vòng tay vào trong gài chốt
lại, mới bước ra ngoài.
Con hẻm dài hun hút, tối đen. Nhìn quanh chẳng thấy bóng một
ai. Tiếng sáo từ ngoài đại lộ vang vọng vào. Thạch bước ra
đầu hẻm. Có một bóng đen đang đi về hướng lộ Trí nghĩa và
Hàng Châu. Thạch vội bước tới nhưng khi đến gần chợt ngập
ngừng. Ta làm sao vậy? Anh đấm bóp à? Không... Thật ra thì
trong cái xúc động bất thần. Thạch chỉ muốn gặp người mù kia
như một tri kỷ ngày xưa.
Gặp để làm gì? Kể lể lại, là cái tiếng sáo kia, đã khiến
Thạch cảm hoài... Nghe tiếng sáo mới biết là mình đã về với
đất nước, với người thân, với ngôi nhà cũ... Nhưng nói những
điều đó để làm gì? Gã mù đấm bóp kia đâu có cần nghe những
điều ấy? Cái mà ông ta đang cần là tiền... Cái đồng tiền cần
thiết để nuôi sống bản thân và gia đình. Chớ đâu phải như
những tay đã có tiền, có địa vị rồi lại đòi hỏi những nhu
cầu phức tạp hơn.
Thế là Thạch quay người đi, buồn bã trở về con hẻm cũ.
Cái quán bán giò chéo quẩy ở đầu hẻm giờ này vẫn còn mở, mấy
ông phu xe đang bu quanh chiếc bàn tròn. Mùi bánh chiên bốc
lên thơm phức, Thạch thọc tay vào túi quần, còn mấy tờ giấy
bạc, thế là chàng bước vào quán.
Ông chủ quán đang chiên bánh, thấy Thạch vào vội buông đũa
xuống, chùi đôi tay vào chiếc tạp dề, cười nói:
- À! Cậu Thạch giờ này còn chưa ngủ à? Cậu dùng bánh chứ?
Thạch có vẻ ngạc nhiên. Từ lúc về đến giờ, chàng có ra đây
bao giờ. Sao ông ta lại biết tên? Ông chủ quán thấy thái độ
của Thạch giải thích:
- Mẹ cậu là khách quen của tôi, bà ấy mỗi lần ra đây, đều
nhắc tới cậu... Nào là cậu ở Mỹ bao nhiêu năm rồi, học ngành
gì. Kiếm tiền ra sao... Bà ấy còn khoe là cậu còn dạy cả
những sinh viên người Mỹ. Thật là vinh hạnh. Cậu thấy không,
người Hoa ta mà làm thầy cả thằng Mỹ nữa là...
Những lời tâng bốc đó, làm Thạch đỏ cả mặt. Mấy tay xích lô
đứng gần đấy, nghe ông chủ quán nói đều quay qua nhìn chàng.
Thạch càng lúng túng hơn. Ông chủ quán bước ra, lấy chiếc
nùi lau, lau bàn mấy lượt rồi mới đặt dĩa bánh xuống. Rồi
mời Thạch ngồi. Thạch nhìn những người chung quanh, họ chỉ
đứng ăn, nên chàng cũng đứng cầm miếng bánh lên bỏ vào miệng.
Để hòa đồng, Thạch giả lả:
- Khuya thế này, mà các ông còn làm việc, cực quá hả?
Một tay xích lô đưa tay lên chùi miệng, rồi nói:
- Biết làm sao hơn? Nhà có tới sáu miệng ăn, không làm vậy
thì sao có ăn? À... Còn ông chủ, ông có tất cả mấy cậu lận?
Thạch chưa kịp đáp, thì ông chủ quán đã dành trả lời:
- Cậu Thạch đây chưa lập gia đình. Lần này về nước là để lo
chuyện đấy. Cô ấy tôi cũng đã thấy mặt qua. Đẹp lắm. À, mà
đám cưới xong, chắc cậu sẽ đưa cô dâu qua Mỹ luôn chứ?
- Dạ, chưa biết.
Thạch đáp, mà cảm thấy không vui. Cha mẹ khi không lại đem
chuyện nhà riêng tư ra kể lể cho người ngoài nghe làm gì.
Nhưng Thạch cũng giải thích thêm:
- Về đây lần này, chủ yếu là để thăm nhà... Lâu quá nên thấy
nhớ vậy thôi.
Một ông xích lô khác nói:
- Bây giờ có rất nhiều người ở nước ngoài về thăm nhà. Cái
bà chủ thường bao xe tui cũng có cậu con từ Mỹ về. Cậu ấy
cho bà ta một chiếc nhẫn hột xoàn to như con mắt cá... À...
Bà chủ đó còn nói, con bà ta ở Mỹ kiếm tiền một năm, đủ để ở
Đài Loan ta xài cả đời... Bởi vậy, tôi mà có đạp xe gãy cả
chân, tôi cũng cố làm sao cho thằng con tôi được qua Mỹ học.
Thiên Thạch bỗng thấy miếng bánh thật khó nuốt. Chàng vội
móc hết những đồng tiền có trong túi ra, đặt hết lên bàn và
nói nhanh:
- Ông chủ này, bao nhiêu tiền đủ trả hết mấy cái bánh mà
chúng tôi đã ăn không? Thôi cảm ơn nhá.
Chàng như nói với tất cả mọi người, rồi vội vã rút lui.
Thạch không đi vào hẻm, mà bỏ ra ngoài ngã ba. Đi thật nhanh
như cố trốn chạy.
Ngày đó, Thạch đã ra nước ngoài với ý định gì? Hình như
chẳng có gì cả. Bấy giờ là thời thượng. Tốt nghiệp xong là
phải ra nước ngoài, chứ bằng không sẽ không tìm được việc
làm. Vậy mà Thạch đã có một chân biên tập ở một tờ báo Anh
ngữ ngay. Đương nhiên lương khởi điểm không cao lắm. Nhưng
chi phí cho cá nhân ra, Thạch cũng còn dư chút đỉnh để lại
cho gia đình. Vậy mà rồi Thạch cũng bỏ đi... Ra đến nước
ngoài Thạch vẫn liên lạc với những người bạn cùng khóa nhưng
ở lại. Đó là những người có gánh nặng gia đình. Vậy mà Thạch
thấy họ cũng sống thoải mái chứ có gì đâu. Có lẽ những bức
xức của họ cũng có nhưng chẳng như chàng. Họ nếu có buồn
phiền chẳng qua là vì không được ra nước ngoài. Không đạt
được mơ ước. Còn Thạch? Chua chát hơn. Đó là cái cảm xúc của
một người sau khi đạt đến mục đích chợt phát hiện ra mọi thứ
chẳng như ý. Ảo tưởng như chiếc bong bóng vỡ tan.
Mọi người đã trầm trồ, hâm mộ cái bằng tiến sĩ ở nước ngoài,
áo gấm vinh qui. Nhưng có ai biết đâu là để đạt được những
thứ đó. Thạch đã đánh đổi cả một tuổi xuân hồn nhiên. Niềm
vui của tuổi trẻ... Nỗi cay đắng trong mười năm xa xứ... Cái
kỳ thị chủng tộc của những anh da trắng mắt xanh. Nỗi khổ
của những anh học văn cứ gặp phải trắc trở, buồn phiền trong
việc làm. Mọi thứ còn mờ mịt hơn cả sương, hãi hùng hơn biển
và lạnh buốt cô đơn hơn băng giá. Những buồn phiền đó, có
giải thích thế nào người ta cũng không hiểu, trừ những sinh
viên có cuộc sống mười năm phiêu bạt như chàng.
Vừa đi, vừa nghĩ như vậy, bất giác Thạch đã đến trước mái
trường ngày xưa. Qua ánh đèn đường, mọi thứ đã đổi khác.
Cuối sân vận động, trước kia là bãi cỏ hoang, nay đã mọc lên
ngôi nhà cao tầng. Xa xa trước ký túc xá nam sinh, nơi trước
là bãi đất trống cũng mọc lên một ngôi nhà khác. Thạch ngập
ngừng bước, chợt thấy dãy nhà gỗ trước kia dùng làm phòng
học bây giờ vẫn còn đó. Chàng xúc động một cách chân tình,
giống như một người đi xa bất ngờ gặp lại bạn bè cũ. Thạch
vội bước nhanh tới, ghé mắt nhìn qua khung cửa sổ. Bên trong
tối đen, chỉ lờ mờ nhận ra những dãy bàn trống ngay ngắn.
Thạch chợt nhớ lại cái thời mình còn là sinh viên năm thứ
nhất... cỡi xe đạp trên đường về đi ngang qua khu cư xá nữ
sinh nằm sau lùm cây xanh. Nhìn thấy mấy cô nữ sinh ra vào
mà chợt nổi hứng huýt sáo, rồi bỏ chạy luôn chứ không dám
dừng xe lại... Mới đây mà đã hơn mười năm rồi. Thời gian
trôi qua nhanh quá. Mọi thứ cả tốt lẫn xấu đều đã vô tình bỏ
đi.
Thạch men theo con đường đá sỏi đi ra cổng lớn, chàng đi
dưới những cây thốt nốt thật cao. Bầu trời đen thẫm. Thạch
nhớ, trước hôm lên đường xa xứ, Thạch cũng đã đến đây từ
biệt mái trường. Chàng đứng trước đôi cổng lớn. Hứa với mấy
cây thốt nốt này là sẽ đứng thẳng lưng với cuộc đời, nhưng
rồi mọi thứ có thực hiện được không? Thạch chợt thấy mình vô
cùng yếu đuối.
Yếu đuối? Vâng, con người khi đứng trước căng thẳng khó
khăn, mới nhận chân ra được cái thật của mình. Chuyện chưa
xảy ra thì cứ để cho nó tự nhiên đến lúc giật mình lại không
đủ can đảm ngăn chặn. Đấy là chàng. Kìa cuộc sống gay cấn
đánh gục mọi ước mơ, hoài bão. Khi tiếng sét tình yêu không
bình thường xảy ra. Thạch mới nhận chân ra được con người
thật của mình.
Cái buổi chiều mùa đông kia. Vừa đạp xe đến trước cổng thư
viện, Thạch đã gặp Gia Lợi. Thật ra đấy không phải là sự
tình cờ. Thạch biết Gia Lợi thường đến thư viện vào giờ đó
nên cố tình ghé qua.
Thấy Gia Lợi ôm một chồng sách. Thạch vội chạy đến đỡ lấy,
bỏ lên bọc bagage. Nhìn phớt qua, Thạch thấy phần lớn là
sách của Henri Miller, chàng nói:
- Chị thích gì ở những quyển sách này? Còn tôi, thì tôi lại
không mê. Nhà văn này hành văn dài dòng quá. Đọc một mạch
tới mấy hàng mới dứt câu, mà khi đọc đến đoạn cuối thì tôi
đã quên bẵng đi đoạn đầu.
Gia Lợi cười:
- Trước kia, tôi cũng có cái nhận xét giống anh. Đọc sách
ông ta nhức đầu thật. Viết về một phụ nữ, ông ta không hình
dung một cách rõ ràng về mắt, mũi, miệng của cô ta thế nào,
mà chỉ để cho độc giả cảm nhận ra sắc đẹp của cô ta. Nhưng
bây giờ đọc quen rồi, tôi lại thấy đó là một cách diễn đạt
độc đáo. À, anh có đọc qua quyển Aspen Paper chưa?
- Chưa.
- Nếu có dịp anh nên tìm đọc xem. Truyện đó kể về một bà lão
hồi tưởng lại về cuộc sống của mình. Cách viết khá sống
động.
Gia Lợi nói, rồi đột nhiên đề nghị:
- Hôm nay, anh ghé qua nhà tôi dùng cơm nhé. Bữa nay chỉ có
một mình tôi ở nhà.
Gia Lợi chỉ nói vậy thôi. Thạch không khước từ, Gia Lợi về
trước, Thạch đến con đường gần đấy rước Mãn Mãn dùm Gia Lợi,
và khi về đến nhà giáo sư Lục đã thấy Gia Lợi rót sẵn cho
chàng một ly trà.
Thạch vừa uống trà vừa nói:
- Tôi ở nhà có một mình, nên chỉ uống trà có buổi sáng. Bên
nhà lại hay gởi trà sang nên thường có dư, để lần sau ghé
qua tôi sẽ mang đến một ít trà.
Gia Lợi vừa cởi bớt áo cho bé Mãn Mãn vừa nói:
- Muốn uống trà phải có thời gian. Mọi người ngồi quây quần
bên nhau, từ từ thưởng thức mới thấy ngon. Anh không có thời
gian rồi, tôi cũng vậy. Nhiều người hỏi, thế tôi bận gì? Tôi
cũng khôang biết trả lời sao? Thôi anh ngồi đây chơi với bé
Mãn Mãn, tôi phải ra sau hâm mấy món ăn.
Hôm ấy, Thạch đã được đãi món thịt chưng, đậu hũ xào thịt,
rồi cải và súp. Thạch thấy đậu hũ, đã reo lên:
- Trời ơi! Đậu hũ, tuyệt quá! Mấy năm rồi, tôi chưa được ăn
món này, chị mua ở đâu vậy?
Gia Lợi vừa gắp thức ăn cho bé Mãn Mãn vừa nói:
- Mua ở đâu à? Muốn mua thì chỉ có nước đến New York hoặc
nhờ hãng hàng không mang từ Đài Loan sang. Còn cái này là do
chính tay tôi làm ra. Đến Mỹ mấy năm nay, cái gì thì không
biết, chứ còn cái ăn thì tôi đã tìm ra được một chân lý. Đấy
là muốn ăn cái gì thì phải tự một mình làm. Bằng không, tốt
nhất thì đừng nên nghĩ đến. Anh biết không? Lúc mới ra nước
ngoài, ai cũng mang một hoài bão to lớn. Cái mộng ước của
tôi lúc bấy giờ là làm sao chen chân được vào văn đàn Mỹ.
Nhưng rồi khi học xong lại phát hiện ra một sự thật, là nếu
không lấy chồng ngay sẽ vĩnh viễn biến thành gái già. Thế
đấy và tôi vội vã lập gia đình. Mà lập gia đình xong là phải
sinh con. Con sinh ra lại bận rộn, ít ra phải trên năm năm.
Mãi cho đến lúc thằng bé đến trường, ta mới rỗi rảnh. Nhưng
bấy giờ, nhuệ khí tuổi trẻ đã không còn... chỉ biết làm một
cái gì đó để giết thời giờ thôi... Và vậy là... tự mình làm
thử một số thức ăn mình thích xem... Cũng chính vì thế, mà
anh biết không, ở New York có mấy bà giáo biết làm cả giò
chéo quẩy nữa đấy...
Hôm ấy, Thạch đã được ăn một bữa cơm thực ngon. Chàng ăn một
hơi ba chén, phá cả kỷ lục mấy năm liền ở Mỹ. Gia Lợi nhìn
Thạch ăn mà thích thú, nhưng cũng nói:
- Thôi, ăn vừa đủ no thôi, ăn nhiều quá coi chừng tức bụng
đấy. À... một lúc anh phụ tôi rửa chén nhé? Tôi đưa cháu Mãn
Mãn lên lầu nghỉ đây.
Mồi lần đến nhà giáo sư Lục dùng cơm. Thạch thích nhất là
cái khoảng thời gian bé Mãn Mãn đi ngủ. Đối với Thạch mà
nói, thì được ngồi một mình bên Gia Lợi, không có gì để nói
cũng là một niềm vui. Thạch không biết Gia Lợi có cùng một ý
nghĩ với mình không. Chàng chỉ cảm thấy Gia Lợi thích như
vậy.
- À! Có người bạn từ New York vừa mới gởi cho một dĩa hát
Tàu, toàn những bản nhạc cũ, anh có thích nghe không?
Gia Lợi đưa con lên lầu xong, bước xuống rót hai ly trà
nóng, hỏi. Và không đợi Thạch đáp, nàng đã đặt dĩa hát vào
dàn máy Hi-fi.
Lúc đầu Thạch ngồi thẳng lưng lắng tai nghe. Bản nhạc đầu
tiên là bản nhạc rất cổ "Vạn Lý Trường Thành". Khi đến hai
câu: "Vạn lý trường thành dài vạn lý, bên kia trường thành
là quê hương" ngập đầy cái tình cảm gợi nhớ, buồn phiền, thì
trái tim của Thạch như lắng xuống. Những mảnh đời vụn vặt
thời thơ ấu như hiện ra. Thạch không dằn được xúc động, úp
mặt vào lòng bàn tay... Rồi bản thứ hai "Nỗi nhớ quê hương",
bản thứ ba "Giữa đêm xuân nghe tiếng trêu ở Lạc thành", bản
thứ tư "Tô Vũ chăn dê". Thì Thạch không còn chịu được
nữa.Cái hình ảnh, lúc Thạch còn nhỏ xíu, mẹ Thạch ngồi vá áo
dưới ngọn đèn mờ. Vừa may vừa khe khẽ hát: "Tô Vũ chăn dê
bên biển Bắc, trời đông vừa rét lại vừa đen..." Thì nước mắt
Thạch chảy dài xuống má.
Gia Lợi đã đến bên Thạch, bàn tay mềm mại của nàng đặt trên
vai chàng... Thạch nhìn lên... bắt gặp khuôn mặt cũng ràn
rụa nước mắt. Thạch xúc động úp mặt mình vào tay Gia Lợi.
Một thứ tình cảm tổng hợp hoài hương, nhớ nhung... Muốn được
an ủi... Rồi tình yêu... Cái tình cảm không ngăn cách bằng
biên giới hôn nhân... Mà là thứ tình sâu kín, bao năm cô đơn
chôn giấu gặp được người đồng điệu... Và cho đến lúc cái dĩa
hát ngừng quay. Gia Lợi mớt rút tay về, nàng không cho dĩa
hát lại mà đi vào phòng vệ sinh. Thấm ướt chiếc khăn lau mặt
đưa cho Thạch.
Thạch cảm thấy có cái gì êm ả trong lòng, chàng ngồi yên đấy
hưởng thụ cái cảm giác phẳng lặng của mặt nước hồ thu không
gợn sóng, để mặc tình cảm tuôn trào, có cái gì đó như xoa
dịu. Thạch lấy khăn lau mặt xong, xếp lại thành một hình
vuông ngay ngắn, rồi đứng dậy nói:
- Thôi, bây giờ tôi phải về, còn phải viết cho xong phần báo
cáo.
Gia Lợi lặng lẽ đến bên hành lang lấy chiếc áo khoác của
Thạch đưa cho chàng, cảm thấy chiếc áo chưa đủ ấm, nàng lại
vào trong lấy chiếc khăn choàng cổ của chồng ra đưa cho
Thạch.
- Bên ngoài gió lạnh lắm đấy! Anh phải mang thêm thứ này.
Thạch đã nhìn Gia Lợi thật lâu, không phải cái nhìn của gã
độc thân với một bà chị, mà là một cái nhìn tình cảm dành
cho người khác phái.
- Bao giờ tôi mới trả lại?
Gia Lợi không trốn tránh cái nhìn của Thạch. Do dự một chút
rồi đáp:
- Ngày mai anh mang đến cũng được mà.
Nhưng rồi Thạch không dám quay lại. Thạch biết chỉ cần quay
lại một lần nữa là Thạch bị chinh phục ngay. Và như vậy mọi
chuyện rồi sẽ diễn biến ra sao? Gia Lợi sẽ phản ứng như thế
nào, nếu nàng cự tuyệt tình chàng. Tự ái của Thạch sẽ bị tổn
thương. Mà nếu nàng chấp nhận thì chồng và con nàng sẽ đau
khổ ra sao? Thạch đã phải đấu tranh để rồi cuối cùng chàng
đã mang chiếc khăn quàng kia ra bưu điện gởi trả. Thạch cố
dằn không quay lại nhà Gia Lợi, Nhưng rồi đêm nằm lại mất
ngủ. Thạch không làm cách nào khác hơn là nhảy lên xe đạp
chạy vòng vòng chung quanh nhà nàng mãi đến lúc trời gần
sáng mới quay về.
Trong dịp lễ Tạ ơn. Một gia đình trong thành phố, đã mời
những người Hoa quen biết đến dùng cơm. Thạch biết hôm ấy
thế nào Gia Lợi cũng có mặt thế là chàng không dám tham dự,
mãi đến đầu tháng mười hai. Tuyết đã rơi thật nhiều. Thạch
vẫn còn nhiều đêm đạp xe quanh quẩn bên nhà Gia Lợi, gần đêm
Noel thì Thạch bị cảm lạnh. Thạch không bao giờ quên được
cái lần bệnh đó. Một buổi tối trong lúc ngủ, giật mình tỉnh
giấc, Thạch thấy căn phòng như nóng ran, có ai đã nhóm lửa
trong phòng ư? Thạch định ngồi dậy, nhưng lại cảm thấy đầu
nhức như búa bổ. Phòng tối đen. Bây giờ Thạch mới biết cái
nóng nó phát ra từ cơ thể mình. Thạch muốn bật ngọn đèn ở
đầu giường nhưng cũng không bật nổi. Đây là lần đầu tiên,
sau ngày đến nước Mỹ, Thạch mới bệnh nặng như thế này.
Thạch phải cố gắng hết sức mới bước được xuống giuờng. chàng
mở ngăn kéo trong hộc bàn lấy ra hai viên aspirine, rồi rót
ly nước uống.
Sau đấy ngã xuống giường nằm đấy. Muốn lấy thử thân nhiệt
lại không có nhiệt kế. Thạch nằm như vậy đến chiều tối. Sau
khi thuốc aspirine hết công hiệu, chàng sốt trở lại. Mệt mỏi
khiến Thạch không xuống giường lấy thêm thuốc uống và chàng
đã nằm vật vã như vật đến sáng. Cái căn phòng của chàng muớn
nó chỉ thông với nhà của chủ bằng một cánh cửa sau, vì vậy
cuộc sống của hai bên gần như cách biệt. Sau khi trời sáng,
Thạch định sang nhà bà chủ để gọi điện thoại, nhưng Thạch đã
hoàn toàn kiệt sức không ngồi dậy nổi. Buổi chiều cố gắng
ngồi dậy, Thạch đến gõ cửa nhà bà chủ. Nhưng chẳng có ai lên
tiếng trả lời. Có lẽ họ đi phố cả rồi. Thế là Thạch chỉ còn
biết tựa người vào lan can, quay về phòng riêng của mình.
Rót lấy ly nước, uống thêm mấy viên aspirine, Thạch lại
thiếp đi. Đến khi tỉnh dậy thì trời lại sụp tối. Bây giờ là
mùa nghỉ đông, bạn bè hẳn không có đến trường, mà Thạch lại
quên cả số điện thoại của họ và Thạch lại biếng lười nằm đấy
với cái bụng trống rỗng. Qua ngày thứ ba, Thạch không còn
chịu nổi nữa, lại chập choạng bước đi lên nhờ điện thoại nhà
chủ, định liên lạc với một sinh viên người Hoa khác. Chủ nhà
vừa nhìn thấy sắc diện của Thạch đã giật mình, và sau đấy
Thạch được xe cứu thương chở thẳng vào bệnh viện.
Trong đêm nhân loại đang chào đón chúa giáng sinh, Thạch đã
nằm trong bệnh viện. Chung quanh một màu trắng. Drap trắng,
áo blouse trắng, bệnh viện trắng, tuyết rơi ngoài khung cửa
cũng trắng xóa. Còn lòng của Thạch là một khoảng trống hư
vô. Bệnh viện bấy giờ cũng ngập đầy không khí của ngày Noel,
loa êm đềm nho nhỏ phát ra những bản nhạc thánh ca, rồi
những gói quà đầy màu sắc, bạn bè thăm viếng với những nụ
cười. Nhưng lòng Thạch lại như trơ cứng trong đêm giáng
sinh, người nhà của nhân cùng phòng với Thạch đã mang vào
một cây thông Noel, Bà vợ của ông ta và hai đứa con trai nhỏ
khoảng mười tuổi đang quây quần bên cạnh, họ có vẻ rất hạnh
phúc. Thạch nhắm mắt lại, cố không nhìn, không nghe thấy.
Nhưng mọi thứ như cố chen vào người chàng. Cái tình cảm lạc
lõng cô đơn, xa xứ, rồi cơn bệnh đã khiến cho Thạch chợt tủi
thân. Trong đêm giáng sinh, ai cũng bận rộn với niềm vui và
hạnh phúc. Có ai nhớ đến chàng? Thạch không dám mong đợi,
chàng không đợi, càng không dám mong Gia Lợi sẽ đến thăm,
chưa hẳn cô ấy biết chàng bệnh. Mà có biết thì cũng còn gia
đình riêng của cô ấy nữa chứ?
Mãi đến tối cũng chẳng có ai đến, cô y tá mang phần cơm vào.
Có gà quay, có nước trái cây rồi bánh mì mềm, đậu. Có một
dĩa to kem lạnh, anh bệnh nhân cùng phòng với Thạch đã ăn
một cách vui vẻ. Chỉ có Thạch, và để che đậy nỗi buồn phiền
của mình, Thạch cũng cố cầm muỗng nĩa lên. Nhưng chưa ăn
được miếng nào thì nước mắt đã chạy dài, vội buông dao nĩa
xuống đi thẳng ra hành lang. Bên ngoài, những cây Sapin với
đèn màu rực rỡ. Nhưng Thạch lại quay đi không muốn ngắm,
chàng đi thẳng vào phòng vệ sinh. Ở đây, mọi thứ vắng lạnh.
Thạch đứng bên khung cửa sổ nhìn ra ngoài, tuyết rơi thật
dầy. Chàng cảm thấy yên ổn một chút. Ở đây có thể nghỉ ngơi
một cách thoải mái, có thể để cho nước mắt tự do tuôn chảy.
Nhờ vậy mà khi quay trở về phòng, cõi lòng tê tái của Thạch
cũng vơi đi. Bệnh nhân bên cạnh có vẻ thỏa mãn với hạnh phúc
của mình, như để chia sẻ, anh ta còn tặng cho Thạch một
chiếc cravate, khiến Thạch vô cùng cảm động.
Qua ngày hôm sau, Thạch được xuất viện. Bác sĩ dặn dò chàng
phải nghỉ ngơi thêm hai tuần lễ. Chiều hôm ấy Gia Lợi ghé
qua thăm. Cô ta còn mang thêm một chục cam vàng, với mấy
quyển sách và tạp chí Trung quốc. Ngồi trong căn phòng nhỏ
hẹp chật chội, ngộp thở. Gia Lợi đã nhìn Thạch với ánh mắt
thương xót làm cho Thạch cảm thấy bao nhiêu chướng ngại
chàng đã cố dựng lên bị băng hoại cả, chàng không còn dằn
được lòng, nắm lấy tay Gia Lợi kéo vội về phía mình.
o0o
Qua khỏi cái cổng trường đại học Đài Bắc, Thạch đi dọc theo
đường Tân Sanh Nam Lộ để trở về nhà. Đêm đã thật khuya,
đường vắng lặng. Thỉnh thoảng mới có một người cỡi xe đạp
lướt ngang qua. Chẳng ai để ý đến Thạch. Chàng bước đến trạm
xe bus ngồi xuống ghế đá. Mấy năm qua, Thạch đã không dám
nghĩ đến đoạn cuối của câu chuyện giữa chàng và Gia Lợi.
Nhưng hôm nay, Thạch nghĩ. Thôi, thì cứ hồi tưởng một lần
rồi thôi. Để khỏi phải bứt rứt, và từ đây về sau, chỉ nên
nghĩ đến Ức San thôi.
Sau lần Gia Lợi đến thăm cho đến khi Thạch lấy được cái bằng
tiến sĩ, họ thường xuyên gặp nhau. Gia Lợi thường xuyên ghé
qua chỗ trọ của Thạch. Chuyện vãn, thỉnh thoảng làm phụ
Thạch một vài món ăn, hay đôi khi chỉ lặng lẽ ngồi đấy. Với
những sinh viên du học sống độc thân, thì Gia Lợi gặp cũng
đã khá nhiều, có người trưởng thành từ gian khổ đã trở nên
khô cằn, hoặc cương quyết hơn, nhưng cũng có người tàn tạ
yếu mềm hẳn, chẳng hạn như Thạch. Nếu bây giờ mà Thạch ao
ước điều gì mà Gia Lợi có thể cung ứng, thì chẳng những xua
đuổi được cái nỗi cô đơn mà còn giúp cho kẻ cần cứu vớt một
sức mạnh. Gia Lợi thấy đấy cũng không có gì quá đáng. Vả lại
giáo sư Lục cứ mãi bận rộn với sự nghiệp, con trẻ thì lại có
thú vui riêng của nó, tự Gia Lợi cũng cảm thấy cô đơn cần có
bạn. Lúc đầu chỉ là một sự chia sẻ tình cảm, nhưng sau đấy
là một biến động và khó có thể ngăn cản được chuyện này, họ
đã tìm đến nhau một cách vô điều kiện.
Những ngày tháng đó, Thạch cảm thấy cuộc sống thật hạnh
phúc. Những cái gì lén lút hồi hộp bao giờ cũng căng thẳng
và đầy kích thích. Có lần Thạch đã năn nỉ Gia Lợi hãy ly dị
và làm vợ chàng. Gia Lợi đã hỏi ngược lại:
- Bản thân anh đã vững vàng chưa? Nếu anh bảo là đã thì em
sẵn sàng ly dị chồng để về với anh.
Thạch đã không trả lời được. Nhưng cả hai đều biết. Thạch
không phải là hạng người vô trách nhiệm. Thạch mang trên vai
một gánh nặng. Thạch không muốn đánh mất đi kỳ vọng của cha
mẹ. Vả lại, lấy một người đàn bà ly dị chồng đối với quan
niệm của người phương đông là cả một điều không phải. Rồi
còn tình cảm với Ức San? Đó là chưa kể, Gia Lợi lớn tuổi hơn
Thạch, lại có bé Mãn Mãn. Thạch chưa chuẩn bị được cái tâm
hồn yêu trẻ con. Cái mà Thạch muốn, Thạch cần chỉ là Gia
Lợi. Giống như một người khi mùa đông đến cần có một chiếc
áo lông, có vậy thôi. Nếu thật sự Thạch muốn cưới Gia Lợi,
chưa hẳn cô ấy đồng ý thôi giáo sư Lục, mà Thạch có chắc là
mình sẽ mang lại hạnh phúc cho nàng không? Nếu không, rồi
mọi chuyện sẽ đi đến đâu? Gia Lợi là một người đàn bà can
đảm và tỉnh táo, chính vì vậy mà khi Thạch trình xong luận
án tiến sĩ, ngay hôm sau, Gia Lợi đã đến từ giã Thạch ngay.
- Xin có lời chúc mừng tiến sĩ Thạch, anh đã qua rồi cái
đoạn đường đầy gian khổ để đến với vinh quang.
Thạch đã cúi xuống định hôn, nhưng Gia Lợi đã né tránh.
- Tôi có mang đến cho anh một món quà nhỏ đây.
Gia Lợi đưa cho Thạch một cái kẹp cravate rất đẹp, bên trên
có khắc cả tên của Gia Lợi, rồi lại cài lên cravate cho
Thạch, lấy thêm một chai champagne ra, Gia Lợi chợt nói:
- Ồ! Cái mở nút chai không biết đã quẳng ở đâu rồi. Thôi thì
chúng ta tìm một nơi nào khác đi, để chúc mừng, cũng như để
chia tay với anh.
Thạch tái mặt:
- Em định đi đâu chứ?
- Không đi đâu cả, nhưng cũng không còn ở đây.
- Gia Lợi...
- Anh Thạch, anh đã đậu xong bằng tiến sĩ, đó không phải chỉ
đánh dấu anh đã đi hết một đoạn đường học vấn, mà còn có
nghĩa là anh đã trải qua một quãng đời. Bây giờ thì anh có
muốn làm gì thì đều ở vị trí một người đã trưởng thành. Nếu
nói theo kiểu Mỹ thì có nghĩa là anh đã dứng vững được bằng
chính dôi chân của mình. Mọi thứ rồi sẽ diễn biến bằng cái
nhìn khác, và trong cuộc sống mới này, anh cũng không nên
nhớ đến tôi, bởi vì mỗi chúng ta là một cá thể độc lập.
- Nhưng mà... Gia Lợi, anh còn chưa vào đời mà?
- Tôi biết. Nhưng mà bây giờ tôi nên ra khỏi nơi anh. Mấy
tháng qua tôi giống như một đứa con nít lén lút cha mẹ trốn
ra khỏi phòng để tìm thú vui với bạn bè, dĩ nhiên những trò
chơi rất là thú vị. Nhưng mà đến một lúc nào đó, rồi cũng
phải quay về nhà. Trước khi bị cha mẹ phát hiện, bằng không
sẽ là rất phiền phức. Vì vậy, anh Thạch ạ, anh nên suy nghĩ
thật chín chắn, đừng để cho những thứ phiền muộn đó xảy ra.
Hôm qua, anh đã đạt được mảnh bằng tiến sĩ, đó là một điều
đáng mừng vui, không nên để cho những buồn phiền phá vỡ cuộc
vui đi.
Thạch đã nghĩ ngợi rồi nói:
- Để chiều nay anh đi mượn xe, rồi chúng ta vào thành phố.
Chúng ta phải có một cái tiệc nho nhỏ. Gia Lợi, anh van em,
hãy để cho anh một cái gì trước khi chúng ta chia tay.
Gia Lợi suy nghĩ rồi gật đầu nói:
- Cũng được, vậy thì chai champagne này để dành cho tối nay.
Tối hôm ấy cả hai đến nhà hàng quen thuộc mà Gia Lợi thích,
chọn một chiếc bàn nơi góc phòng, họ gọi món beefsteak. Bồi
bàn mang một sô đá to ra, để ướp lấy chai champagne. Gia Lợi
hôm ấy, mặc chiếc áo màu xanh đen, cổ tròn tay dài, khiến
nàng có vẻ quý phái. Chai champagne được khui ra. Cả hai
cụng ly, không ai nói với ai lời nào. Thạch không biết uống
rượu nhưng cũng nốc cạn từng ly một. Gia Lợi biết uống nhưng
lại chỉ nhấm nháp. Sau khi có rượu đã ngà ngà, câu chuyện
mới nổ ra. Gia Lợi hỏi Thạch định làm gì? Sắp xếp chuyện với
Ức San ra sao? Sau đấy Gia Lợi lại rót đầy một ly rượu.
Thạch đã xúc động nói:
- Anh không biết nói gì để cám ơn những niềm vui mà em đã
mang đến cho anh.
Gia Lợi hớp một hớp rượu.
- Đúng ra phải nói là cả hai ta cùng cám ơn nhau.
- Gia Lợi có biết không? Trong thời gian qua, gặp chuyện vui
hay buồn gì. Anh cũng đều nói cho em nghe. Nó đã trở thành
một thói quen của anh rồi. Em đã là một phần của đời anh.
Bây giờ không có em, anh không biết rồi mình sẽ sống ra sao
nữa?
Gia Lợi đã cười nói:
- Bắt đầu sẽ là một khoảng trống nhưng rồi dần dần anh sẽ
tìm được cách để lấp đầy khoảng trống đó đi. Anh đừng vội vã
kết luận là mình sẽ không làm được điều đó. Bởi vì, anh thấy
đấy, trên đời này có gì là bất biến đâu?
Thạch đã yên lặng rót đầy một ly rượu khác và nốc cạn. Gia
Lợi đã nhìn chàng với nụ cười, và nói:
- Anh phải ăn cái gì chứ! Đừng có làm mất đi cái không khí
vui của ngày hôm nay, ăn xong chúng ta sẽ khiêu vũ, và tôi
phải về nhà trước mười hai giờ đêm.
Trong lúc khiêu vũ, Thạch đã nồng nặc mùi rượu. Họ đã dìu
nhau chậm chạp trên piste nhảy. Họ như quên bẵng đi cả thế
giới chung quanh, gần mười hai giờ khuya, Thạch đã đưa Gia
Lợi về nhà, xe vừa dừng lại, Thạch đã không dằn được lòng,
úp mặt vào người Gia Lợi khóc nức nở. Gia Lợi đã nâng đầu
Thạch lên, tay sờ lên cằm mới cạo sạch râu của chàng.
- Anh có nhớ ban chiều tôi nói gì không? Hãy can đảm cứng
cỏi một chút. Anh bây giờ đã là người lớn rồi kia mà.
- Không, không bao giờ anh làm chuyện đó được.
- Không phải là anh không làm được mà chỉ vì anh không muốn
làm. Gia Lợi nhìn thẳng vào mắt Thạch tiếp - Hãy làm thử đi,
rồi anh sẽ làm được. Chuyện đó dễ hơn thi lấy bằng tiến sĩ
cơ mà? Khi nào anh muốn khóc, anh cứ nghĩ thế này nè. Người
đàn bà họ chỉ kính trọng người đàn ông cương quyết cứng cỏi.
Còn cái yếu đuối chỉ làm người khác thương hại mà thôi.
- Có nghĩa là bấy lâu nay, Gia Lợi đã tốt với tôi, chỉ vì
thương hại tôi ư?
Gia Lợi không trả lời, chỉ lặng lẽ nhìn, Thạch chợt nhớ đến
chuyện cách đây không lâu. Thạch cũng đã hỏi Gia Lợi có cảm
thấy hạnh phúc không? Thì Gia Lợi cũng lặng yên không nói.
Gia Lợi mở cửa xe, bước xuống:
- Thôi, tôi vào đây. tạm biệt! Anh nhớ lái xe cho cẩn thận
nhé!
o0o
Thạch chậm rãi đứng dậy. Trạm xe bus hoàn toàn vắng lặng.
Chàng thong thả bước về phía đường Tín nghĩa, chợt nhớ lại
trên đường về nước khi ghé ngang qua Nhật bản, chàng đã tìm
đến một cửa hàng bán nữ trang định mua một chuỗi ngọc trai
cho Ức San. Cái cửa hàng nữ trang đó, đèn sáng trưng, trải
nhung đỏ với những hạt ngọc trai chưng đầy. Thạch đã nhờ cô
bán hàng lấy cho xem một hạt đẹp nhất, để viên ngọc lăn trên
lòng bàn tay. Thạch đã nghe một bà người Mỹ đứng bên cạnh
nói:
- Cẩn thận đó! Coi chừng nó rơi mất rồi không tìm được một
hạt thứ hai giống như vật đâu.
Gia Lợi là một hạt ngọc trai không những đẹp mà lại còn cao
quý. Sẽ không bao giờ Thạch tìm lại được một hạt ngọc như
vậy nữa.
Về đến đường Tín Nghĩa, Thạch lại lăng lẽ quẹo vào con hẻm
về nhà, đến trước cửa, Thạch lại rón rén cởi giày bước vào
nhà. Giống như lúc đi.
Ở phương đông đã xuất hiện một vầng hồng đỏ ối. |
|