Con đường từ Đài Nam đến Đài Đông, khiến
Thạch nhớ lại cái thời chiến tranh. Những cái ổ gà khiến xe
bị xốc lên liên tục. Ức San ngồi cạnh phải chau mày, có vẻ
mệt mỏi. Thiên Mỹ thì đang thiu thiu ngủ, chỉ có bé Dung là
thích thú mãi đưa mắt nhìn ra ngoài, nắng như đổ lửa, đồng
ruộng bên đường trống vắng. Thiên Thạch kéo nhẹ đuôi san của
bé Dung hỏi:
- Con có thích không, hở Dung Dung?
- Dạ, thích.
Thạch chợt nhớ lại một mùa hè, chàng đã cùng mấy người bạn
đến Yellow Stone tìm việc làm. Một buổi tối dừng chân ở một
thị trấn nhỏ. Thạch đã mướn phòng nghỉ qua đêm. Ở đấy, chỉ
có một khách sạn, phòng ngủ lại tồi tàn, mở cửa ra là đã
nghe mùi mốc rồi. Sâu bọ bay ra tứ tung. Đêm đó, Thạch và
mấy người bạn không ngủ được đành ngồi hút thuốc thức suốt
đêm.
Trước đó, khi còn ở Đài Loan xem phim, Thạch chỉ thấy cái
hào nhoáng của nước Mỹ. Những tiện nghi sang trọng, những
tòa nhà cao tầng với nếp sống cao cấp. Những ánh đèn màu ở
khu giải trí Las Vegas không bao giờ tắt. Nhưng khi đã sang
nước Mỹ rồi, đến khu da đen ở Manhattan, đến khu phố nghèo
nàn ở phía nam Chicago, rồi vùng đất tồi tệ ở Los Angeles.
Thạch mới thấy được toàn diện nước Mỹ. Nó vẫn có những cái
xấu xa, nghèo nàn, mà bất cứ một nơi nào nghèo khổ trên trái
đất cũng có.
Xe khách chợt dừng lại. Thì ra để mọi người xuống dùng cơm
trưa, Thiên Mỹ kéo Ức San, bé Dung và Thạch xuống. Khu phố
chợ hai bên đường với những dãy nhà lụp xụp là những quán ăn
với những miếng thịt heo, gà, bò treo đầy trước cửa. Một
khung cảnh hỗn độn, những chiếc bàn không trải khăn, Ức San
lấy khăn tay ra che mũi tỏ vẻ khó chịu. Thiên Mỹ thì có vẻ
tự nhiên hơn, bé Dung nói:
- Mình vào ăn cơm đi mẹ, con đói bụng quá!
Thiên Mỹ có vẻ tiếc rẻ, nhìn Thạch:
- Phải biết vậy, ban nãy mình mang theo thức ăn ở nhà.
Thạch nói:
- Lúc nãy, nghe mấy người khách ngồi phía trước, họ bảo phải
mất thêm mấy tiếng đồng hồ nữa mới tới Đài Đông, hay là ta
vào kiếm cái gì ăn tạm đi.
Ức San lắc đầu:
- Em thà nhịn sướng hơn.
Thiên Mỹ tiếp:
- Em cũng chưa đói.
Thạch thì không chịu:
- Sợ bé Dung nó đói đấy chứ. Thôi ráng kiếm cái quán ăn nào
có vẻ sạch sạch một chút. Nếu sợ bẩn thì bảo họ trụng chén
đũa lại bằng nước đun sôi.
Cả đám người kéo vào một cái quán ăn có vẻ khang trang nhất.
Thạch gọi bốn tô mì, rồi gọi cả nước uống cho mọi người.
Thức ăn được mang ra, những tô mì thơm phức. Ức San cứ lấy
khăn tay lau đũa và muỗng, trong khi Thạch đã ăn gần hết tô
mì.
- Tuyệt! Tuyệt thật, ở Mỹ không bao giờ tôi được ăn một tô
mì ngon như thế này - Rồi quay qua nhìn Ức San. Thạch lại
cười nói - Có nhiều người lại cho rằng ở Mỹ cái gì cũng
tuyệt, còn Trung quốc thì cái gì cũng tồi, chỉ có những
người có nằm trong chăn mới biết chăn có rận.
Ức San hiểu ý Thạch, nguýt chàng một cái. Thạch lại quay
sang Thiên Mỹ:
- Ồ, Mỹ sao em cũng không ăn.
- Em thì không phải chê ăn, nhưng thật ra em chưa đói.
Ức San nhân dịp nói:
- Em cũng thấy no no làm sao.
Sau đó xe đến Đài Đông, vừa xuống bến xe, bọn Thạch đã được
xe của hãng đường đến đón. Tài xế bảo là Định Á đã gọi điện
thoại đến nhờ đón giùm. Thạch, Ức San, Thiên Mỹ và bé Dung
được đưa về nhà khách của hãng đường, chàng lại được ông
trưởng phòng họ Khương tiếp đón, sau đấy lại được mời ăn,
ông Khương đã giới thiệu:
- Đầu bếp của nhà hàng này chế biến thức ăn ngon lắm. Ông ta
là người Sơn Đông. Có lần một nhà ngoại giao đến đây tham
quan, ăn cơm xong đã có ý định đưa ông ta qua Mỹ. Nhưng sau
đó có lẽ vì bận việc, nên quên bẵng không trở lại đây nữa.
Đang nói chuyện thì người đầu bếp từ trong bước ra, đó là
một người đàn ông cao lớn, có nước da ngăm đen, vừa được ông
Khương giới thiệu, ông ta đã hỏi:
- Ông Thạch ở nước ngoài có thường ăn cơm Tàu không?
- Cũng ít khi lắm. Chỗ tôi làm cũng ít tiệm cơm Tàu. Phần
lớn nó ở Chicago hay New York, những tiệm cơm này đa số để
phục vụ cho người Mỹ.
Một vị khách ngồi trong bàn ăn hỏi:
- Này ông đầu bếp, ông cũng định sang Mỹ nữa à?
- Đâu có. Chỉ hỏi cho biết vậy mà. Nhưng tôi cũng có một
đồng hương. Không biết ông ta đã làm cách nào mà sang được
nước Mỹ. Nghe nói đã mở được tiệm ăn ở Washington, phát đạt
lắm.
- Vậy mà còn nói là không có ý định - Ông Khương cười nói -
Ông cũng định sang nước Mỹ nữa, phải không?
Ông đầu bếp cười hì hì và quay sang nói với Thạch:
- Ông Thạch này, tôi thì từ nào đến giờ chỉ quanh quẩn trong
nước, nếu ông có cách nào mang được tôi sang bên đấy cho
biết với người ta thì tôi sẽ mang ơn ông lắm.
Thạch cười nhẹ định nói. Em gái tôi, nó cũng muốn sang Mỹ
chơi, mà tôi còn không có cách nào để giúp nó nữa là...
Nhưng nhìn thấy cả bàn đều hướng mắt về phía mình, nên đành
nói:
- Vâng, để tôi về Đài Bắc, tôi sẽ đến đại sứ quán hỏi xem,
rồi cho ông biết sau, được chứ?
Ông đầu bếp bắt tay Thạch lắc lia lịa có vẻ xúc động lắm.
Tối hôm ấy, khi trở về phòng nghỉ, Thạch đã khẳng khái nói
với Thiên Mỹ:
- Cái đất nước này kỳ lạ thực, từ anh sinh viên đại học cho
đến cái ông đầu bếp, ai ai cũng đều muốn sang Mỹ. Người thì
với lý do đi học, người thì để kiếm tiền, người thi muốn
cưới vợ đầm. Tóm lại, ở đất nước mình không khổ, nhưng ai
cũng muốn bỏ đi. Sang đến đấy rồi, khổ cực, rên rỉ, nhưng
lại không quay về. Nghĩ ra thì thật là kỳ cục.
Thiên Mỹ nói:
- Đâu phải tất cả đâu. Anh đã quay về rồi đó. À, tối qua anh
đã điện thoại cho giáo sư Khưu, hai người nói chuyện gì mà
lâu dữ vậy.
Thạch liếc nhanh về phía Ức San, rồi nói:
- Lần trước anh đến gặp ông ấy. Ông ta khuyên anh ở lại dạy
học rồi thành lập một tờ báo. Anh nói vấn đề lớn quá, để anh
suy nghĩ lại xem. Vì vậy, hôm qua ông ấy mới điện thoại cho
anh.
Ức San hỏi:
- Anh trả lời ông ấy thế nào?
- Anh chưa quyết định.
Thiên Mỹ nói:
- Thế anh có ý ở lại không?
- Anh cũng chưa biết.
Tất cả yên lặng, mỗi người theo đuổi mỗi ý nghĩ riêng, sau
đấy Ức San than mệt và đi ngủ trước. Đợi San đi xong, Mỹ
nói:
- Anh Thạch, em thấy anh có vẻ mâu thuẫn. Đứng trên phương
diện tình cảm thì em rất mong anh sẽ ở lại. Chúng ta xa cách
nhau đã mười năm. Cha mẹ lại đứng tuổi, mà anh đâu phải về
thường xuyên được. Biết lần sau anh về, cha mẹ có còn sống
không? Em biết là anh dạy học bên ấy cũng không vui lắm. Ở
lại đây, trên phương diện tinh thần anh sẽ thấy thoải mái
hơn. Nhưng làm như vậy chắc chắn là anh sẽ mất Ức San ngay.
Anh nghĩ xem có đúng không? Cô ấy liên hệ với anh bằng thư
từ mấy năm qua, chỉ với mục đích duy nhất là được xuất
ngoại. Anh là cái phao của cô ấy, nếu bây giờ anh ở lại Ức
San làm sao đạt được nguyện vọng, và như vậy chắc chắn cô ấy
sẽ không chọn lấy anh.
- Nếu vậy thì đành thôi.
- Nhưng sự việc đâu có đơn giản như vậy. Anh có dám chắc là
anh không yêu Ức San không?
- Nhưng ở xứ Đài Loan này, không phải là khônng còn đàn bà.
- Đồng ý là như vậy. Nhưng chuyện dính líu tình cảm giữa anh
và Ức San đâu phải dễ dàng xa nhau. Anh cần phải suy nghĩ
cho kỹ.
- Nhưng mà chuyện anh ở lại chỉ có tính cách tạm thời. Một
hoặc hai năm thôi, Ức San có thể chờ anh được mà.
- Nhưng anh ở lại chỉ có một hay hai năm thì có giúp ích
được gì cho đất nước đâu?
- Mục đích anh ở lại, không phải là vì ai cả, mà chỉ vì
chính bản thân anh, anh muốn có một thời gian yên ổn. Nếu
anh quyết định ở lại thì... Thiên Mỹ em có thể giúp anh
thuyết phục được cô ấy không?
o0o
Ngày hôm sau, Thạch cũng không lên đường về ngay Đài Bắc. Họ
đã sử dụng cả buổi sáng để đi dạo phố Đài Đông. Buổi chiều
thăm vườn lê, qua ngày hôm sau mới đáp xe đến Hoa Liên.
Thành phố rộng rãi, đường phố không có những ánh đèn màu,
cái không khí yên tĩnh của phố biển như cuốn hút lấy Thạch.
Buổi tối ngồi dưới ánh trăng. Thạch như trở lại cái thời kỷ
niệm ở đại học. Cái bao la của biển, cái cheo leo của vách
núi. Chàng nghĩ phải chi có thật nhiều thời gian chàng sẽ ở
lại đây. Nhưng San thì lại khác, San chỉ nói:
- Mệt quá! Mệt chết đi được, lần sau em chả dám đến đây nữa.
Ở Hoa Liên chơi hai hôm, rồi tất cả mới đáp tàu hỏa về Đài
Bắc. Cha của Thạch đã ra đến tận cửa đón:
- Đi chơi thế có vui không, Ức San? À, còn bé Dung Dung nữa,
lại với ngoại nào. Con đi chơi vui chứ?
Thiên Thạch đang nghỉ trong phòng khách. San và Thiên Mỹ vào
nhà trong rửa mặt. Mẹ Thạch với chiếc quạt trên tay, chỉ có
mẹ chàng mới có vẻ quan tâm đến Thạch:
- Con đi chơi vui chứ?
- Nhưng chẳng có nơi nào tuyệt bằng ở nhà, mẹ nghĩ có đúng
không?
- Đúng. À mà hôm nay mẹ đã nói chuyện với cha con. Mẹ thấy
nếu không có gì trở ngại, thì tụi con cũng nên làm đám cưới
ở đây, rồi hãy đi về bên ấy. Con thấy thế nào?
Thạch giật mình:
- Ồ! Sao mẹ lại gấp gáp quá vậy? con đã nói với mẹ rồi, con
cần một thời gian để tìm hiểu.
- Tìm hiểu gì nữa? Chúng con đã liên lạc thư từ mấy năm nay.
Con về đây cũng đã hơn tháng. Ngày xưa, cha mẹ có được như
vậy đâu. Ngày mẹ lấy cha, mẹ còn chưa rõ mặt mũi cha con như
thế nào. Nhưng rồi mọi thứ cũng đều tốt đẹp. Thời đại văn
minh các con cái gì cũng cầu kỳ quá.
- Thôi, được rồi, mẹ cho con thêm vài ngày nữa, để chúng con
thảo luận với nhau trước, rồi cho cha mẹ biết sau nhé?
- Dĩ nhiên là được. Nhưng mẹ muốn nó càng sớm thì càng hay,
con ạ. |
|