Không hiểu là Trương Bình Thiên cố ý phô
trương hay không, mà qua ngày hôm sau, trên trang báo mà
Thiên cộng tác, có hàng tít lớn và tin về Thạch thế này:
"Tiến sĩ Ái Thiên Thạch vừa từ Mỹ về nước.
Tiến sĩ Thạch nguyên là sinh viên ban ngoại ngữ trường đại
học Đài Bắc. Tốt nghiệp xong năm 1960 đã sang Mỹ tu nghiệp,
đậu bằng phó tiến sĩ ở đại học nam Illinois, rồi tiến sĩ
ngành báo chí ở đại học Boston năm 1966. Hiện là giáo sư ở
đại học xx bên Mỹ. Đầu tháng vừa về nước thăm thân nhân,
đồng thời để hội ngộ với người vợ sắp cưới, quen nhau qua
những cánh thư, đó là cô Trần Ức San, tốt nghiệp đại học
thương mãi. Gia đình hai bên đang tích cực chuẩn bị lễ cưới,
sẵn đây chúng tôi..."
Tờ báo vừa phát hành, Thạch đã đón nhận tin trên với thái độ
giận dữ. Chàng thấy như bị xúc phạm, trong khi cha mẹ của
Thạch thì lại có vẻ hả hê, đám phóng viên bắt đầu kéo đến,
hỏi han đủ thứ, và cha mẹ của Thạch trong lúc vui miệng,
không những chỉ cung cấp tin tức liên quan của Thạch và Ức
San mà còn đem cả quãng đời thơ ấu của chàng ra mà kể hết.
Kết quả là những bài báo mà nội dung có tính cách đời tư,
lãng mạn như kiểu "Vị tiến sĩ tài hoa đã tìm được vợ đẹp,
bằng những cánh nhạn chân mây" hoặc là "Chim trời cá nước,
nhưng có duyên có nợ rồi cũng gặp nhau..." Những bản tin đó
làm Thạch vô cùng bực mình. Thạch xấu hổ đến độ chui rúc
trong phòng không dám ra ngoài. Thạch thấy giận cha mẹ. Sao
lại vạch áo cho người xem lưng, nhưng Thạch cũng không thể
cãi nhau với mấy ông ký giả. Thạch biết làm thế là không có
lợi mà lại khiến cha mẹ không vui. Trong riêng tư Thạch chỉ
van xin cha mẹ, từ đây về sau đừng tiếp, cũng đừng nói gì
cho mấy ông ký giả nghe nữa, nhưng mẹ Thạch lại không hài
lòng:
- Làm như vậy sao được? Người ta đã có nhã ý nói tốt cho
mình, mà mình lại đuổi người ta à?
- Nhưng mẹ cứ đem chuyện riêng của con ra nói cho họ biết,
để làm gì? Họ có hỏi, mẹ cứ bảo là không biết gì hết. Hai ba
lần là họ sẽ nản, họ sẽ không đến nữa đâu.
- Thiên Thạch này, cha con nhận xét là gần đây con đã thay
đổi nhiều quá. Con không có một chút tình cảm gì cả. Bây giờ
mẹ mới thấy cha con nói đúng. Người ta có nhã ý đến đây
phỏng vấn con vì người ta trọng nể con, thế thì phải kiêu
hãnh chứ? Con có biết con trai của bác Đổng là Đổng Chí Viễn
đấy! Lúc mới về nước nó còn mở cả một cuộc họp báo, rồi lại
diễn thuyết ở trường đại học, khiến ai cũng biết là nó trở
về. Còn con? Về một cách lặng lẽ, không muốn ai biết, báo
chí họ tự biết, họ tìm đến, con lại muốn mẹ không tiếp. Con
làm vậy coi có được không chứ?
Thạch bứt rứt:
- Mẹ, mỗi người có một cách sống riêng, chuyện của mình cũng
phải giữ lại một chút nào chứ? Không lẽ cái gì cũng bày ra
cho người ta biết hết? Vậy thì còn có ý nghĩa gì?
- Con nhìn lại con xem. Nhìn cho kỹ xem? Cái gì đáng được ca
ngợi thì cứ để cho người ta ca ngợi. Ngay cả chuyện giữa con
và Ức San cũng là một chuyện vui, thì tại sao phải giấu chứ?
- Mẹ, không phải chỉ có chuyện giữa con với Ức San! Ồ, nói
mãi mà mẹ cũng chẳng chịu hiểu cho. Tóm lại là con không
muốn tiếp xúc với mấy ông ký giả nữa. Nếu mẹ không chịu nghe
theo ý con, thì con trở về Mỹ ngay.
Câu nói cuối cùng của Thạch đã có tác dụng ngay. Thế là khi
mấy ông ký giả quay lại phỏng vấn, mẹ của Thạch đã tỏ ra kín
tiếng hơn và đúng như điều Thạch đã tiên đoán, sau đó họ
không còn đến nữa, Thạch đã yên tâm trong việc đối phó với
báo chí. Nhưng mấy thầy cũ ở trường đại học đã biết chuyện
Thạch quay về, giáo sư chủ nhiệm cũ của chàng đã mời dùng
cơm. Bữa tiệc đãi tại nhà, có cả sự hiện diện của những giáo
sư khác, Thạch thật sự xúc động, nhưng điều khiến cho Thạch
mừng nhất là được gặp lại giáo sư Khưu. Đó là người thầy mà
Thạch rất quý yêu. Về nước, đã mấy lần đến tìm nhưng không
được gặp ông. Bây giờ gặp lại, còn gì hơn? Giáo sư Khưu chỉ
trên bốn mươi, vậy mà đã già đi thấy rõ, đầu ông như sói hẳn
dù đôi mắt vẫn còn tinh anh, ông có vẻ mập hơn xưa nhiều.
Giáo sư Khưu gặp lại Thạch thì ông cũng rất mừng, ông choàng
tay qua bá lấy cổ chàng, cư xử như một người bạn. Đó là cái
bản chất cũ không thay đổi. Giáo sư Khưu đối với học trò
nhất là với những sinh viên giỏi, hoặc có năng khiếu đặc
biệt ông đều coi như ngang hàng. Cũng rủ nhau đi uống trà,
đi ăn quà vặt, không có sự phân biệt. Thạch đã theo học ông
mấy tín chỉ như Văn học Anh, văn học thế kỷ mười chín...
Phương pháp dạy học của giáo sư Khưu không lôi cuốn lắm,
nhưng kiến thức của ông thì lại là cả một kho tư liệu.
Khi Thạch định ra nước ngoài. Cha của chàng đã muốn chàng
chuyển sang ngành công nghiệp. Giáo sư Khưu thì lại không
muốn, ông muốn Thạch tiếp tục nghiên cứu sâu về văn học, và
khuyến khích chàng viết một cái gì đó. Khi qua đến Mỹ, Thạch
vào học ở trường Nam Illinois. Lúc đầu Thạch cũng muốn học
văn học Anh quốc, nhưng sau đó lại thấy rằng so với người Mỹ
bản xứ, trình độ Anh ngữ của chàng quá thấp thế là Thạch
quay sang ngành báo chí. Ở đấy chàng vẫn không bị tách rời
khỏi văn học, nhưng Thạch cũng phải học một cách khó khăn
như ngành văn. Chuyện Thạch chuyển qua học báo chí, là do
chính Thạch quyết định, nhưng mỗi lần gặp khó khăn chàng cứ
quay qua thầm trách giáo sư Khưu. Vì chàng nghĩ rằng chính
giáo sư đã ảnh hưởng đến chuyện chọn lựa của chàng. Ở Mỹ, ít
liên lạc, nhưng Thạch cũng biết nhiều tin về thầy Khưu,
đường công danh của người rất thuận lợi. Sau khi Thạch đã ra
nước ngoài được hai năm, ông đã được thăng lên chức phó giáo
sư rồi sau đó được một học bổng của hãng Ford đưa ông đến
trường đại học Standford tu nghiệp, sau đó quay về nước và
thành giáo sư thực thụ, thỉnh thoảng Thạch cũng có đọc được
một bài viết của giáo sư về văn học Mỹ, Nhưng chẳng bao giờ
Thạch nghe ai nói về chuyện lập gia đình của ông.
Khi còn ở trong nước, Thạch cũng nghe đồn về chuyện thầy
Khưu đang đeo đuổi một nữ sinh cùng lớp với Thạch, đó là
Diệp San San, một cô sinh viên có thân hình thật hấp dẫn,
nhưng cái đầu lại rỗng, lúc đó Thạch đã không tin, chỉ có
một lần cùng My Lập đi xem phim, chạm mặt với hai người,
Thạch mới thấy thất vọng. Bởi vì Thạch không nghĩ rằng với
một người có chiều sâu như giáo sư Khưu lại để mắt xanh đến
một cô gái tầm thường như vậy. Sau đấy, San San lấy chồng,
một quan chức ở bộ ngoại giao rồi bỏ học theo chồng ra nước
ngoài, giáo sư Khưu sút hẳn, ông thường rúc mãi trong nhà
làm bạn với rượu và thuốc lá.
- Ồ! Thiên Thạch cậu về bao giờ thế? Sao tôi không hay?
Tiếng giáo sư Khưu hỏi, khiến Thạch quay về với thực tại:
- Về đã gần tháng nay, em có đến tìm thầy mấy lần nhưng
không gặp, tưởng thầy đến nơi khác dạy rồi chứ.
- Tôi mới làm một vòng Đông nam Á. Cậu về cũng vui thật, có
định ở lại dạy học không?
- Dạ! Thạch quay nhìn quanh rồi đáp - Có lẽ chưa được, vì em
chỉ mới về phép.
- A, vậy cậu dạy học bên ấy à? Thế thì tuyệt. Lúc trước tôi
nghe ai đó nói là cậu làm việc ở công ty bảo hiểm. Thế thì
bây giờ dạy gì? Văn học Trung quốc ư?
- Nào có được như vậy! Chỉ dạy tiếng Hoa thôi - Rồi Thạch
nhìn thấy cái vẻ ngỡ ngàng trên mặt giáo sư Khưu, vội giải
thích thêm - Thì thỉnh thoảng cũng có diễn giảng một vài bài
về văn học Trung quốc vậy.
Vợ của giáo sư chủ nhiệm đã bước ra mời mọi người vào phòng
ăn. Thức ăn do chính tay bà nấu rất vừa miệng, lại không lắm
dầu mỡ. Thạch đứng lên nâng ly với vợ chồng gia đình chủ
nhiệm, cảm ơn cái bữa tiệc đã tiếp đãi chàng. Mọi người cùng
nâng ly, chẳng ai xem Thạch như một người học trò cũ nữa mà
như một người cùng vai vế. Họ rủ chàng ở lại dạy, giáo sư
Khưu ngồi kế bên chàng, sau bữa cơm đã kéo tay Thạch đứng
lên nói:
- Đến nơi tôi ở, ngồi chơi một chút nhé.
- Thầy vẫn ở nơi cũ à?
Giáo sư Khưu nhún vai:
- Tôi làm gì có tiền mà mua nhà riêng.
Trong bóng đêm Thạch không nhìn rõ được mặt giáo sư Khưu,
nhưng chàng biết là có một sự bất mãn trong lời nói của
thầy. Thạch nói:
- Ý của em không phải vậy. Em định hỏi là...
- À, tôi hiểu rồi, tôi vẫn còn độc thân, anh ạ.
Vẫn ngôi nhà nhỏ cũ, nhưng lại bừa bãi hơn trước. Giường
không trải drap, sách vở lại vứt tứ tung, nơi nào cũng có,
rồi ly rượu, gạt tàn thuốc, bao thuốc lá... quần áo dơ bẩn
máng đầy trên ghế. Bước vào nhà, giáo sư Khưu phải vẹt lối
và tìm một cái ghế trống cho Thạch ngồi, ông thì ngồi trên
giường, lấy ra một chai rượu, hai cái ly, một gói đậu phộng,
vừa ngồi xuống, ông cười nói:
- Không có gì phải ngại cả, ly thì mới mua về, đậu phộng thì
còn trong bao, tất cả đều hợp tiêu chuẩn vệ sinh Mỹ.
Thạch định lên tiếng, nhưng không hiểu sao lại thôi. Chàng
ăn vài hột đậu phộng rồi hớp một ngụm rượu, như để biểu thị
cho giáo sư Khưu biết là mình rất tự nhiên.
- Cậu thấy đấy, cái phòng của tôi như vầy, cô nào ghé qua là
phải chạy ngay thôi - Ông hớp một hớp rượu, rồi tiếp - Nhưng
mà cái gì rồi cũng quen, bây giờ tôi đã thích ứng với cuộc
sống này, tôi chẳng thấy gì buồn phiền cả. À, lúc nãy nghe
cậu nói, ở bên ấy cậu chỉ dạy tiếng Hoa thôi, sao lại yếu
như vậy?
Bản tính của giáo sư Khưu là như vậy, ông thích nói thẳng.
Nhưng Thạch lại thích những người như thế, vì vậy Thạch mới
gặp và thân thiết với Trương Bình Thiên, Gia Lợi và giáo sư
Khưu. Thạch thành thật nói:
- Dạy cái môn đó thì vô vị thật! Nhưng biết làm sao hơn? Em
đã từng làm việc ở nhà báo, đi săn tin, biên tập v.v...
Nhưng làm sao cự lại được dân bản xứ của họ? Còn ngồi nhà
viết văn ư? Bao nhiêu nhà văn bên ấy đã lâm vào cái thế túng
quẫn, em chui đầu vào đó nữa để làm gì? Phải tìm một việc
làm gì để có bánh mì ăn. Lúc đầu em nhận một chân trong công
ty bảo hiểm xe hơi. cuộc sống cũng ổn thỏa, nhưng làm một,
hai năm, lại thấy chán, quay qua dạy học. Thầy hỏi tại sao
không dạy văn học Trung quốc? Như vậy mới nặng ký. Em cũng
muốn lắm chứ, nhưng môn đó có bao nhiêu học sinh học? Trái
lại những thứ như tiếng Hoa hội thoại, vỡ lòng v.v... lại có
rất nhiều người học, vì họ cần giao tế.
Giáo sư Khưu đi tìm cái ống vố, nhét thuốc lá sợi vào, hít
một hơi rồi hỏi:
- Thế tại sao cậu lại không về đây? Bây giờ ở đây đang mở
nhiều trường báo chí, cậu về mở một, hai tín chỉ đâu thành
vấn đề? Người ta ra nước ngoài học về những ngành khoa học
kỹ thuật tiên tiến và ở luôn bên đó không về còn có lý. Còn
những người như cậu, học về văn, về báo chí, học xong lại
không chịu trở về nước.
Thạch ngồi yên lặng. Có biết bao người đã hỏi Thạch câu hỏi
đó: "Tại sao cậu không về Đài Loan?", Thạch cũng đã nhiều
lần tự hỏi. Tại sao? Chẳng có một lý do nào? Có một điều
chẳng ai chịu hiểu "Người khác không về tôi cũng không về".
Cũng giống như lúc đi được người ta hỏi "Anh học văn khoa mà
sang Mỹ làm gì?". Thì câu trả lời vắn tắt là "Thấy người ta
đi thì tôi cũng đi". Đơn giản vậy nhưng chẳng đơn giản chút
nào. Có một thứ mà chẳng ai dám thừa nhận, đó là cái "hư
danh". Đi du học như một phong trào thời thượng. Đi để cho
những người ở lại họ trầm trồ mơ ước, cho thỏa mãn cái háo
danh của mình. Đôi lúc chuyện đó đã phải trả bằng những cái
giá rất đắt, phải cực khổ cả tâm hồn lẫn thể xác, nhưng vẫn
làm. Thạch cũng ở trong số đó. Thạch yếu đuối không dám nhìn
thẳng vào sự thật: "Tôi cũng muốn về đây làm việc, nhưng
mà..."
- Tôi tiết lộ điều này cho cậu biết nhé. Lúc tôi đến trường
đại học Standford. Một viện trưởng ở trường đại học miền tây
mời tôi ở lại dạy Hoa văn, lương bổng rất hậu. Nhưng tôi đã
khước từ, mặc dù tôi biết ở bên ấy, công việc vừa nhẹ nhàng
lại đủ tiện nghi, nhiều người đã khuyên tôi nên ở lại nhưng
tôi vẫn không nhận.
- Tại sao vậy?
Giáo sư Khưu lại nhả khói, không nhìn Thạch ông lại liếc
nhanh gian phòng. Rồi trả lời:
- Bởi vì tôi luyến tiếc nơi này.
Rồi như để giải thích thêm, ông nói:
- Cái căn phòng này tuy nó dơ bẩn, bừa bãi thật. Nhưng dù gì
nó cũng là một cái "tổ" của tôi. Chỉ có ở đây tôi mới cảm
thấy yên ổn, thoải mái. Nhưng cái cảm giác này chỉ có sau
khi tôi đi Mỹ và trở về.
Thạch suy nghĩ một chút nói:
- Thầy còn có được cái tổ, còn em lại không có.
- Nhưng cậu lại có gia đình, có cha, có mẹ, như vậy không
phải là hạnh phúc hơn tôi gấp trăm lần sao?
- Thạch cười buồn:
- Nói ra không biết thầy có tin không? Chớ cha mẹ em chỉ
muốn đuổi em trở lại Mỹ.
Giáo sư Khưu chau mày nói:
- Tôi tin, tôi tin điều cậu nói. Mấy năm gần đây ở cái xứ
Đài Loan này lại phổ biến cái tâm lý lệch lạc đó. Bất luận
là nam phụ lão ấu, ai nấy đều muốn qua Mỹ cả. Qua bên đó để
làm gì. Không biết, chỉ cần biết đi Mỹ là được rồi.
Rồi ông quay lại nhìn Thạch với ánh mắt chân tình:
- Tôi nghĩ cậu phải khác. Cậu phải làm những cái gì mà cậu
thích, phải tự chủ, phải biết cái gì đúng cái gì sai.
- Vấn đề ở đây, là em cũng không biết là em muốn gì?
Thạch buồn bã nói. Lúc nào ở gần giáo sư Khưu là Thạch thố
lộ hết mọi thứ, giáo sư Khưu không phải chỉ là một người
thầy kính yêu mà con là một người bạn tri kỷ.
- Lúc còn ở bên đấy thì em muốn về. Em muốn được gần gũi gia
đình với những kỷ niệm đã qua. Mười năm ở Mỹ là mười năm
gian khổ, chứ có sung sướng gì đâu. Nhưng rồi khi về đây,
cái cảm nghĩ lại thay đổi, tất cả không giống như điều mà
mình đã tính. Đau khổ nhất là khi trở về lại thấy như mình
chỉ là một người khách, chứ không phải là về cái nhà của
mình nữa.
- Đương nhiên là ai cũng có cái cảm giác xa lạ đó. Dù gì xa
quê hương cũng đã hơn mười năm. Nhưng mà nếu cậu quyết định
ở lại, thì cái cảm giác đó sẽ biến đi ngay. Ai cũng vậy cả,
đó chẳng qua chỉ là tác động tâm lý. Nếu cậu ở lại chúng ta
có thể mở thêm một ngành học mới, hoặc làm một tờ báo để
giới thiệu những tác giả và nền văn học Âu Mỹ hiện đại. Tôi
đã mơ ước làm chuyện này lâu rồi nhưng không tìm được người.
Thiên Thạch yên lặng, sắp những hột đậu phộng lại thành một
hàng dài. Chàng nhận thấy cũng có những hột đậu phộng giống
nhau. Thạch nói:
- Em thật rối rắm, em không biết phải làm thế nào nữa.
- Cậu cứ về suy nghĩ đi. Tôi thấy để cậu tự suy nghĩ chứ tôi
không muốn sử dụng những ngôn từ to lớn như phục vụ quốc
gia, xây dựng đất nước, mở mang trí tuệ đồng bào v.v... để
thuyết phục cậu. Tôi chỉ cảm thấy rằng chúng ta không cần
phải giúp đỡ nước Mỹ mà cần ở lại đất nước này để phát
triển, không biết cậu có đồng ý như vậy không? Nếu thấy
không hợp thì quay về đấy cũng không muộn. À! Mà cậu đã là
công dân Mỹ chưa?
Thạch lắc đầu:
- Chưa. Nhưng em có giấy thường trú ở Mỹ.
- Vậy thì không có gì phải sợ. Nếu thấy không thích hợp, cậu
quay trở về bên ấy cũng kịp mà.
- Có lẽ nên vậy, đúng rồi, như vậy cũng hay.
Giáo sư Khưu uống hết ly rượu rồi nói:
- Nếu cậu chịu ở lại một, hai năm là tuyệt. Cậu thử nghĩ
xem, trong khoảng thời gian đó ta sẽ làm được rất nhiều thứ.
Cậu thấy đấy, lúc đầu tôi chỉ định kéo cậu về nhà chơi,
không ngờ lại tính chuyện lâu dài mới chết. Ờ, mà ban nãy
nghe có mấy người đó nói chuyện tình chuyện gì của cậu, có
không?
Thiên Thạch biết là giáo sư Khưu định nói đến chuyện Ức San,
nên gật đầu.
- Thế cô ấy thế nào? Cậu có mang theo ảnh ở đây không?
Thiên Thạch móc ví lấy ảnh của San ra. Giáo sư Khưu vội lục
đống sách trên bàn, một lúc mới tìm được kính. Ông mang vào
ngắm nghía hình San rồi nói:
- Đẹp! Đẹp như cái cô bạn ngày trước của cậu đấy. À! cô đó
tên gì nhỉ? Đúng rồi, Trương My Lập. Cô này có vẻ trẻ hơn.
Nghe mấy người kia bảo là... sắp làm đám cưới rồi, phải
không? Nếu đúng thì đừng quên mời tôi nhé?
- Chưa đâu. Mấy ông ký giả họ phóng đại đấy.
Rồi Thạch mang hết mọi chuyện kể cho giáo sư Khưu nghe. Sợ
giáo sư hỏi thêm. Thạch chận đầu trước:
- Thế còn giáo sư? Bao giờ?
- Bao giờ làm sao? Chẳng có gì cả - Giáo sư Khưu rót thêm
rượu cho Thạch, nói - Cậu bước vào cái phòng này, cậu đã
thấy mọi thứ rồi còn phải hỏi.
Thạch đưa tay lên ngăn lại:
- Em không biết uống, nên không thể uống thêm rượu được.
Giáo sư Khưu cũng không ép, nói như để giải thích:
- Chuyện hôn nhân bây giờ đối với tôi không còn là vấn đề
thời sự. Tình yêu nó tùy thuộc duyên số. Cậu biết không, mấy
năm nay, nhiều bạn bè tốt bụng đã giới thiệu cho tôi rất
nhiều cô, nhưng tất cả lại không như ý mình. Không phải tại
tôi kén. Tôi đã nói với cậu rồi, người vợ phải thế nào? Đơn
giản thôi. Chỉ là một người đàn bà đúng nghĩa. Thế còn mấy
cô bây giờ? Thật khó nói, nếu không phải là nắm đầu chồng
thì lại là người ấu trĩ. Họ lúc nào cũng muốn nổi bật, thích
ra nước ngoài, thích được chiều chuộng... Kết quả là tôi
không chịu nổi nên ở vậy tốt hơn.
Giáo sư nói xong, lại nốc thêm một hơi rượu:
- Nói vậy chứ, có chê người khác thì cũng phải nhìn lại
mình. Như tôi này, sống như sâu bọ, có cô nào thèm đâu mà
kén với mở.
Thiên Thạch thấy giáo sư Khưu có vẻ say, nên mạnh dạn hỏi:
- Thế còn Diệp San San. Hình như trước kia thầy cũng có ý...
Giáo sư Khưu chợt đưa tay lên như ngăn Thạch:
- Vâng, tôi công nhận, cô ấy rất gợi cảm. Đúng, San San ấu
trĩ, nhưng điều đó không đáng trách vì lúc đó cô ta còn quá
trẻ. Cái ấu trĩ từ từ rồi sẽ mất. Người đàn bà ngoài những
yếu tố khác ra cũng cần phải gợi cảm một chút.
Thạch chợi nhớ đến Gia Lợi. Đúng! Ngoài cái thông minh, tế
nhị, người đàn bà cũng cần phải gợi cảm.
- Em đồng ý cái quan điểm đó của thầy.
Giáo sư Khưu đứng dậy:
- Như vậy là vui rồi. Lần đầu tiên chúng ta có chung quan
điểm. Cụng một ly đi, rồi ta ra ngoài mua thêm cái gì về
nhắm cho đến khuya, được chứ?
Thiên Thạch nhìn đồng hồ, nói:
- Thôi, để lần sau vậy. Bây giờ đã khá khuya rồi.
Giáo sư Khưu không ép:
- Cũng được, vậy để tôi đưa cậu một đoạn đường nhé.
Thạch có vẻ quan tâm khi nhìn sắc diện của thầy:
- Thầy cũng không nên uống rượu nhiều quá, uống nhiều quá
không tốt đâu.
- Không đến nỗi nào đâu - Giáo sư nói - Cậu biết không, tôi
thường độc ẩm hàng tiếng đồng hồ. Cái đầu tôi mà thiếu rượu
là không làm được cái gì cả. Tối nay tôi còn phải viết giáo
án, phải có rượu mới viết được. À, mà cậu về nhà, thử nghĩ
đến những đề nghị của tôi xem sao nhé?
- Vâng, em sẽ nghĩ.
Cả hai bước ra khỏi nhà. Bên ngoài trời mát lạnh. Gió từ
khoảng đồng trống thổi vào. Đêm với những ánh sao lấp lánh
trên trời cao. Một mảng trăng lưỡi liềm không hòa điệu. Con
đường khá vắng, chỉ có một chiếc xe bus cũ kỹ lướt qua với
mấy người khách. Chiếc xe chạy cà tịch cà tang như người say
rượu. Có một đám bụi mù. Hàng cây thốt nốt hai bên đường vừa
quen thuộc vừa xa lạ. Con đường này khi xưa Thạch đã đi qua
biết bao lần vậy mà hôm nay như thờ ơ. Mọi thứ như vây phủ
bởi lớp bụi thời gian, Thạch chợt thấy cảm hoài. Vui buồn
với những kỷ niệm cũ.
Đứng lại trước cửa một quán ăn nhỏ. Giáo sư Khưu đã xiết
mạnh tay Thạch và nói:
- Nghĩ kỹ đi nhé, rồi có quyết định thế nào thì cũng báo cho
tôi một tiếng.
- Vâng, em sẽ trả lời thầy - Thạch nói mà lòng vẫn bâng
khuâng - Và trước khi có câu trả lời, em vẫn có thể đến đây
chứ?
Giáo sư Khưu như hiểu tâm tình Thạch, đáp nhanh:
- Vâng, cậu muốn đến bất cứ lúc nào cũng được.
Rồi ông đứng đấy, trong khi Thạch men theo đường Tân Sanh
Nam đi thẳng về nhà. |
|