Lúc còn ở đại học, Trương Bình Thiên đã có
biệt danh là bạo chúa. Anh chàng không những có vóc dáng to
lớn hơn người da lại đen, môi dày, răng to bản, chỉ có đôi
mắt là nhỏ. Cho anh chàng đi đóng phim hẳn thích hợp với
những vai ác, bạo lực.
Nhưng anh chàng Trương Bình Thiên này lại là con người rất
hào phóng, Thạch và Thiên đã trở thành đôi bạn thân ngay từ
năm đầu. Thạch ở ngoài, còn Thiên ở ký túc xá, nhưng họ lại
gặp nhau khá thường xuyên. Cái học của Thiên không phải là
suông sẻ, lúc đầu Thiên học ngành Nông, sau quay qua Văn
khoa. Đó là chuyện chẳng ai ngờ. Vì khó ai mà tưởng tượng
nổi một anh chàng dềnh dàng như vậy mà lại có thể dính liền
được với thơ ca.
Lúc cùng học, Thiên không có bạn gái, bởi vì mấy cô thấy
Thiên ở xa xa là đã lánh trước, nếu không thì coi như đại
ca. Nhưng Thiên cũng không thấy phiền vì chuyện đó. lúc
Thạch và My Lập yêu nhau, đi đâu cũng rủ cả Thiên cùng theo,
cái bản chất hiền lành của Thiên làm Thạch cảm kích, đã
nhiều lần Thạch tỏ ý muốn Thiên tán tỉnh em gái mình. Nhiều
lúc Thạch cũng bày dịp để Thiên và Thiên Mỹ đi chung. Nhưng
Mỹ không hề có một sự rung động. Mỹ coi Thiên như một người
bạn của anh trai. Nàng cũng gọi Thiên bằng anh, đôi lúc ghẹo
phá thì gọi là bạo chúa. Thiên không hề bực mình vì chuyện
đó. Cứ "tại sao phải phân vân mãi chuyện tình?"
Ngay cả lúc Thạch lên đường. Cuộc chia tay bịn rịn với My
Lập, khi trông thấy hai người ôm nhau khóc. Thiên đã đứng
gần đấy vò đầu, bứt tóc gãi tai.
- Làm gì lại khổ vậy? Tại sao phải khổ như vậy chứ?
Khi đưa Thạch lên phi cơ, thấy Thạch phân vân Thiên lại nói:
- Này, đừng có như vậy, xấu lắm. Mình là nam nhi đại trượng
phu, không nên có thói nhi nữ thường tình. Hãy trông ta đây
này, nào có cần gì tình yêu. Bao giờ muốn cưới vợ, là chọn
ngay một cô nào đó hợp ý là cưới ngay. Chớ nói vòng vo tam
quốc chuyện tình yêu, mệt quá.
Sau khi Thiên Thạch ra nước ngoài. Bình Thiên đã trám ngay
chỗ chàng trong tòa báo. Thiên phụ trách phần tổng hợp tư
liệu. Cuộc sống cũng tạm ổn. Một khoảng thời gian dài, Thiên
chỉ sống với một mẹ già không hề nghĩ đến chuyện vợ con. Rồi
đùng một cái. Một hôm, Thạch nhận được giấy báo kết hôn của
Thiên, người phụ nữ có tên thật lạ. Hẳn không phải nằm trong
số những bạn bè ngày cũ. Thạch cũng có viết thơ hỏi nhưng
Thiên lại né tránh. Chỉ cho biết là sau khi lập gia đình,
cuộc sống cũng khá hạnh phúc. Có điều vì thêm miệng ăn nên
phải làm việc nhiều hơn. Rồi sau đấy thư từ qua lại cũng
giảm dần.
Bây giờ, ngồi trong phòng khách của Thiên, Thạch còn đang
nhìn quanh, thì Thiên đã từ phòng ngủ bước ra. Vẫn cái vóc
dáng to lớn, khuôn mặt thì không thay đổi mấy. Hơi mập một
chút, hơi đen hơn một chút. Bạn bè cũ gặp lại nhau còn gì
mừng hơn. Thạch tưởng là Thiên sẽ ôm chầm lấy mình và hét
lên, nhưng Thiên chỉ chụp mạnh vai chàng và cười lớn:
- Ồ, ông bạn! Đến từ lúc nào vậy?
- Về đã được hơn hai tuần, sao, Bình Thiên mi cũng khỏe chứ?
Thạch chìa tay ra bắt lấy tay Thiên, trong khi Thiên lại
đứng dang ra xa ngắm Thạch, từ đầu đến chân:
- Ồ, vẫn đẹp trai như ngày nào, không mập hơn, có phải vì bơ
sữa béo quá nên ăn chẳng tiêu phải không?
Rồi lại vỗ vỗ vai Thạch, Thiên nói một cách vui vẻ.
- Tuyệt! Tuyệt thật! Cậu đã quay về đây.
Thạch cảm động, cái tình cảm bạn bè sau bao năm xa cách vẫn
không thay đổi. Thiên vẫn tự nhiên như ngày nào. Chàng chụp
lấy tay bạn cuồng nhiệt:
- Vâng. Phải về chứ. Gặp lại bạn bè cũ mừng quá. Bạo chúa
này, mi cũng không thay đổi nhiều lắm.
- Bạo chúa, bạo chúa. Ồ, cái tên mà đã lâu lắm rồi chẳng
được ai gọi cả. Cậu gọi làm tôi nhớ đến thật nhiều kỷ niệm
xưa. Bây giờ thế nào? Áo gấm vinh qui à? Còn tôi, cậu xem
này.
Thiên vừa nói vừa khoát tay chỉ một vòng, phòng khách thật
lộn xộn, đồ chơi trẻ con, chăn nệm đủ thứ, một chiếc ghế mây
gẫy càng. Một bộ salon mà nệm đã bị nghịch phá đến lủng cả
lỗ... Rồi chiếc bàn ướt nước chưa lau... Một tấm ảnh gia
đình được phóng đại treo trên tường. Bình Thiên với vợ và
bốn đứa con.
- Cậu thấy đấy nhà này bây giờ sáu miệng ăn, sáu cái dạ dày
chỉ dựa trên đôi tay của một mình tôi.
Thạch cười với bạn:
- Người nào mà không trải qua cùng một con đường chứ?
- Thế còn cậu? Cậu vẫn còn tự do à?
- Chuyện của tôi dài dòng lắm, nói ngay không biết đâu. À,
còn bà xã của anh đâu rồi? Có phải chị ban nãy mở cửa cho
tôi vào đấy không? Mới đây mà đâu mất?
- Cô ấy đấy. Lương tôi chỉ có một ngàn hai mỗi tháng. Làm
sao có khả năng tìm người làm phụ giúp? Cô ấy có lẽ đã ra
ngoài tìm mấy đứa nhỏ về. Cậu ngồi đây nhé, để tôi vào trong
pha trà.
- Bạn bè cũ mà trà nước làm gì - Thạch nói - Cậu đi tắm rửa
cạo râu đi, chúng ta nói chuyện một chút rồi ra ngoài kiếm
cái gì ăn. Tôi mời đấy, cậu không có quyền từ chối. Cậu đừng
quên là tôi từ nước ngoài về nhé.
Bình Thiên đưa tay lên cằm sờ sờ râu rồi nói:
- Thạch này, tôi thấy... cậu bây giờ khác xưa nhiều lắm đấy.
- Dĩ nhiên rồi. Mười mấy năm rồi chứ đâu có ít ỏi gì? Cậu
cũng thế thôi.
- Nhưng ban nãy cậu bảo là tôi không có gì thay đổi cơ mà?
- Chuyện đó chỉ là cái vóc dáng bên ngoài.
- Nhưng tôi thì lại thấy mình chẳng có gì thay đổi cả. Ngoài
những lúc túng tiền nổi quạu, trách móc thời cuộc, trách móc
vợ con ra.
Thạch cười nói:
- Cái tật trách móc, chửi rủa là cái tật đã có từ lâu của
cậu đấy chứ. Cậu nhớ không, lúc trước mỗi lần không có tiền
xài, cậu thường hay nổi quạu với tôi.
- Cậu cũng còn nhớ chuyện đó nữa à? Thiên cũng cười - Thôi,
được rồi, bạn ngồi đây, mình đi tắm rửa, cạo râu. Cậu không
uống trà thật chứ?
Và không đợi Thạch đáp, Thiên đã bỏ đi ra nhà sau.
Trong lúc chờ đợi, Thạch lấy thuốc ra hút, chợt có tiếng trẻ
con ngoài cửa, rồi bốn đứa nhỏ, hai trai hai gái theo mẹ
chúng. Người đàn bà ban nãy đã thay áo chỉnh tề bước vào.
Vợ Thiên dục các con:
- Chào chú Thạch, đi con!
Và quay sang Thạch, cô ta giới thiệu:
- Đây là bốn đứa nhỏ của chúng tôi. Đại Bình, Tiểu Bình,
Uyển Tâm, Uyển Minh. Hai đứa lớn đã đi học, đứa lớp ba, đứa
lớp hai. À, còn anh Bình Thiên đâu rồi.
- Anh ấy đi tắm rồi.
Thiên Thạch nói rồi đứng dậy. Hai đứa con gái của Thiên
giống cha hơn, nó có vẻ to con, còn lại thằng con trai lại
giống mẹ. Bốn đứa đứng đấy sắp hàng nhìn chàng. Trong khi mẹ
chúng đã bỏ đi ra sau.
Thạch ngoắc mấy đứa nhỏ đến gần. Cho mỗi đứa một đồng năm
cắc có hình tổng thống Kennedy, thằng lớn hỏi Thạch:
- Đây là tiền của Mỹ đấy à?
Thạch cười:
- Nhưng ở đây xài không được, chỉ cầm chơi thôi.
Thằng nhỏ hỏi:
- Vậy là không thể mua kẹo ăn được phải không?
Đứa con gái tỏ ra biết chuyện:
- Dĩ nhiên là không, mày xem ở trên đồng tiền hình ai đó?
- Tổng thống Kennedy của Mỹ chứ ai!
Thằng lớn lại nói:
- À... cái ông bị ám sát chết đó mà.
- Đúng rồi.
Đứa con gái nhỏ hỏi:
- Thế tại sao in hình ông ta lên đây chi vậy?
- Để kỷ niệm.
- Kỷ niệm gì?
Thiên Thạch thấy lúng túng:
- Bởi vì, bởi vì...
Bình Thiên đã bước ra, trông thấy lũ nhỏ với Thạch, vội hỏi:
- Các con đã thưa chú chưa?
Rồi nhìn đồng tiền trên tay mấy đứa bé, Thiên quay sang
Thạch:
- Cái này cậu mang từ Mỹ về đấy à? Có dư không cho mình xin
một cái.
Thạch vét túi lấy đồng xu cuối cùng ra đưa cho Thiên, Thạch
bỏ vào túi rồi nói:
- Sinh mệnh của tổng thống Mỹ không được bảo vệ một cách chu
đáo, họ dân chủ thật, tự do đi ngoài đường, dễ dàng bắt tay
với mọi người, nếu gặp kẻ xấu thì coi như thua.
Thiên Thạch gật đầu:
- Nhưng kẻ mưu sát cũng không phải dễ trốn thoát. Tổng thống
Kennedy cũng quá chủ quan. Trước đó ông ta đã được cảnh cáo
nhưng nào có chịu nghe theo, ông ấy đúng là một người quân
tử. Cái chết của ông ta làm tôi thấy hối tiếc mấy ngày.
- Thôi, hãy để chuyện đó qua một bên, bây giờ quay lại
chuyện của chúng ta. Bà xã tôi nói cần gì phải ra ngoài ăn,
ra nhà hàng gọi mấy món về đây, thêm một chai rượu là đủ, ở
nhà nói chuyện tự nhiên hơn.
Suốt buổi chiều hôm ấy, hai người ngồi trong phòng khách nói
chuyện. Vợ của Thiên thỉnh thoảng mang nước và trái cây vào
rồi rút lui, để hai người được tự do. Sau đấy hai người dùng
cơm tối, thức ăn gồm có một cái lẩu và mấy món xào do nhà
hàng mang đến. Vợ của Thiên cũng góp thêm vô mấy món cải
xào, cô ta và mấy đứa nhỏ dùng cơm ở nhà sau, để Thạch và
Thiên thoái mái ở trong phòng khách. Bạn bè lâu ngày gặp
lại, Thạch và Thiên vừa ăn uống vừa nói chuyện rất nhiều, từ
chuyện còn đi học, cho đến lúc Thạch gặp My Lập, rồi chuyện
mười năm ở nước ngoài. Rượu đã khiến cho câu chuyện tuôn
mãi.
- Thật tôi nghĩ không ra với cái dáng dấp của cậu, làm sao
hơn mười năm ở nước ngoài lại không có lấy một cô bạn gái?
- Tôi cũng không biết tại sao nữa, có lẽ cái ngành học của
tôi không được người ta ưa chuộng, cậu có biết không, với
tập thể của người Trung quốc ở New York các quan điểm của họ
thật quái lạ, các cô thích chọn chồng cho họ toàn nghề bác
sĩ, hoặc kỹ sư, còn các nghề khác lại xếp hàng phía sau
chót.
- Thật là khó tin.
- Nhưng đấy là sự thật. Cậu biết không? Có một mùa hè tôi đã
cố tình đến New York tham dự một dạ vũ. Có mấy cô gái coi
được một chút, họ nghe tôi nói là học ngành văn là họ lợt
lạt ngay. Sau đấy tôi cũng có tìm đến tận nhà, nhưng họ lại
viện cớ bận không tiếp.
- Thế còn những cô gái khác thì sao?
- Thì một số đã có chồng, một số khác thì cam chịu cảnh gái
già.
- Không lẽ cuộc hôn nhân nào cũng được cân bằng nghề nghiệp.
- Cũng có cái do tình yêu kết hợp, nhưng rất hiếm. Ở Mỹ hôn
nhân gần như là một thị trường. Mấy cô gái muốn lấy chồng
thường mang đối tượng đặt lên bàn cân rồi sau đấy mới quyết
định.
- Thực dụng quá, nhiều khi thấy nó trơ tráo.
- Chỉ có gái Hoa thôi, chứ còn gái gốc Mỹ thì họ không hề có
ý nghĩ như vậy. Họ cắp bồ hoàn toàn không có sự cân nhắc
theo kiểu vật chất. Thích là chơi mà không thích thì thôi.
Mấy cô người Hoa ở Mỹ thường hay rất kiểu cách. Lần đầu bạn
rủ đi chơi, họ giữ kẽ một cách hết sức kỹ càng, khi bạn đã
được chấm, hẹn hò lần thứ hai thì bạn sẽ được hỏi như bị
thẩm vấn. Học ở trường nào? Ngành gì? Có bằng tiến sĩ chưa?
Nếu bạn được lọt vào vòng chung kết, thì cô ta sẽ tiếp tục
đi chơi để tìm hiểu, còn nếu không bạn sẽ bị khước từ. Mà
nếu được chọn thì bạn phải tiến hành cầu hôn ngay, bằng
không thì...
- Thì cô ta sẽ cầu hôn ngược lại à?
Bình Thiên chen vào hỏi.
- Chuyện đó thì tôi chưa gặp, nhưng sau khi được ra hiệu để
bạn tiến đến, mà bạn vẫn còn mập mờ thì lần sau có đến, xin
lỗi, họ không chờ đợi bạn đâu và sẽ tìm ngay một đối tượng
khác.
- Hèn gì, hiện nay có rất nhiều sinh viên du học nước ngoài
đã về cưới vợ bản xứ.
Vợ của Thiên sau khi cho các con đi ngủ, đã ra phòng khách
ngồi gần đấy nghe hai người nói chuyện chợt chen vào:
- Anh chỉ nói tốt về phía các anh thôi. Thật ra thì phía nữ
chúng tôi cũng có rất nhiều vấn đề đó chứ.
Trương Bình Thiên vỗ tay vào đùi cười lớn:
- Đúng rồi, bên phía nữ của họ cũng có cái khổ tâm của họ
chứ. Cậu biết không? Cậu qua Mỹ không bao lâu thì Chu Minh
Lệ. Cái cô học hậu sinh viên hóa đấy, cũng sang Mỹ học. Lúc
đầu đám sinh viên người Hoa bên Mỹ hết sức săn đón. Lệ khá
đẹp nên cũng có chút kiêu hãnh, rồi một, hai năm sau, đám
sinh viên mới từ nước nhà sang càng ngày càng đông, những
người mới tới tuy không đẹp bằng Lệ nhưng họ trẻ hơn. Mấy
anh sinh viên sau một thời gian đeo đuổi Lệ, không đạt được
mục đích đã thay đổi mục tiêu. Lúc đầu Lệ cũng không đặt
thành vấn đề, chỉ lo học cho đến lúc đậu được bằng tiến sĩ
hóa, thì mọi chuyện trở nên gay cấn. Những tay chưa có bằng
tiến sĩ thì không dám nhìn lên. Có ai muốn cưới một cô vợ
giỏi hơn mình? Còn những anh đã có bằng tiến sĩ thì có tâm
lý muốn cưới vợ trẻ hơn. Hoặc nếu không thì cũng do quen
sống độc thân, tuổi lại lớn nên thường hơi khó tánh. Có
người thì lại đã có gia đình. Thế là mãi đến bây giờ Lệ vẫn
còn độc thân, cách đây không lâu có người bạn ở tòa báo tôi
cộng tác, có việc sang Mỹ, anh ta bảo là có gặp Lệ ở trường
đại học Columbia và nhận xét, Lệ bây giờ tánh khí có vẻ khác
thường. Đấy anh thấy chưa!
- Ở Mỹ thì trường hợp đó khá phổ biến.
- Nhưng chắc cũng có người họ cũng có gia đình hạnh phúc.
- Dĩ nhiên là vậy.
Thạch bất chợt nhớ đến gia đình giáo sư Lục. Giáo sư bận rộn
luôn với sự nghiệp, còn Gia Lợi thì có bé Mãn Mãn, họ vẫn cố
giữ cái truyền thống của Trung quốc, mặc dù Gia Lợi đôi lúc
cô đơn, nhưng rồi cũng quay về với quỹ đạo của mình, cái
quan trọng là biết tự kiềm chế.
- Ồ, cậu lại nghĩ gì nữa vậy? Bình Thiên nâng cao ly rượu
hỏi Thạch - Cậu có thấy say chưa?
- Chưa, nhưng thôi bây giờ hãy quay sang cậu đi. Hình như
cậu có một gia đình khá hạnh phúc? Cậu biết không, lúc ra đi
mình cứ mãi hồi hộp sợ là cậu sẽ ế, sẽ mãi sống cuộc đời độc
thân.
Thiên cười lớn:
- Ồ, ở hiền gặp lành mà. Tôi không cần phải chạy đôn chạy
đáo như cậu, mà tự động nó đến đấy, đúng không em?
Thiên quay sang nhìn vợ, khiến vợ chàng phải đỏ mặt. Thạch
đã tò mò hỏi:
- Chuyện diễn biến thế nào, kể cho mình nghe đi.
- Cũng không có gì thần kỳ. Chúng tôi là những người chân
đất, chứ không giống như quý vị thả hồn lên tận mây xanh mơ
mộng, nói chuyện tình yêu. Vợ tôi làm ở nhà báo, tôi cũng
làm ở đấy, cô ấy nhận ra tôi là con người thực tế, làm việc
có trách nhiệm, chứ không phải loại không tưởng, nên cô ta
có cảm tình. Còn tôi thì thấy cô ấy tỉ mỉ vui vẻ, dễ coi nên
chúng tôi kết hợp với nhau.
- Hai người đã sống với nhau rất hạnh phúc chứ?
- Có lẽ, tôi thì ngày ngày đến sở làm, vợ tôi suốt ngày thì
bận rộn với cái ăn cái mặc. Chẳng có ai ở không đâu mà nghĩ
ngợi đến cái gọi là hạnh phúc hay không? Nhưng tôi làm việc
rất cật lực, vợ tôi cố lo thu xếp việc nhà. Nhìn thấy đám
trẻ khỏe mạnh, chăm học tôi cũng cảm thấy an ủi, ngôi nhà
này tuy nhỏ một chút, nhưng là nhà của chúng tôi. Vợ tôi
cũng cố thu vén dành một it thời gian để trồng một vườn hoa
nhỏ sau nhà, chủ nhật không có tiền để đi phố thì chúng tôi
quây quần ở cái vườn hoa đó. Hôm nào, có được chít đỉnh tiền
thì đưa vợ con đi sở thú hoặc những nơi danh lam thắng cảnh
gần đây chơi. Chúng tôi không hề cảm thấy cuộc sống mình đơn
điệu.
Rồi quay sang Thạch, Thiên nhìn bạn nói:
- Có lẽ cậu nghĩ rằng: Ồ, cái thằng bạn của tôi, tại sao nó
lại an phận như vậy? Nhưng tôi lại nghĩ khác, đòi hỏi càng
nhiều thì thất vọng càng lớn. Tốt nhất là mình nên biết thế
nào là đủ để cuộc sống của mình vui vẻ hơn.
Thiên Thạch có vẻ xúc động:
- Cậu đã lầm rồi. Nhìn cảnh sống của cậu hiện nay thì nó có
chật vật một chút, nhưng tôi đang nghĩ rằng cậu là con người
biết sống. Cậu đã tìm được hạnh phúc.
- Cậu đừng thổi phồng tôi quá! Thật ra thì tôi cũng không
hiểu được ý nghĩa của cuộc đời. Chẳng qua vì bận quá nên
không có thì giờ để tìm hiểu, đôi lúc tôi cũng mơ mộng,
nhưng nếu lúc đó tôi cũng đi du học như cậu thì không biết
bây giờ thế nào hở? Có lẽ cũng giống cậu, cũng long đong,
cũng may là tôi ở lại, bằng không thì làm sao gặp được người
vợ hiền thục thế này.
- Khỉ anh! Vợ của Thiên mắng yêu chồng, nhưng lại cười một
cách thỏa mãn - Anh Thạch lần sau đến nhớ đưa người yêu đến
chơi nhé!
- À, nói nghe coi chuyện của hai người đến đâu rồi?
Thạch hết nhìn Thạch rồi lại nhìn đến vợ bạn. Thật ra thì
chàng cũng muốn nói hết mọi thứ, bởi vì chàng đang cần một ý
kiến khách quan. Hôm nay Thạch đến tìm Thiên, ngoài cái ý
thăm bạn còn để hỏi ý kiến. Cái thời còn ở đại học, cả hai
đã thân đến nỗi không còn gì để giấu nhau. Mười năm đã qua
rồi, tưởng tình cảm cũng nhợt nhạt nhưng khi gặp nhau Thạch
lại tìm thấy ở người bạn cũ những cởi mở của ngày xưa, thì
không có gì để dấu diếm. Nhưng vợ Thiên thì dù gì cũng là
người lạ. Thạch hơi ngượng và Thiên như nhìn ra:
- À, cái ông bạn của tôi đã lớn tuổi mà vẫn còn e thẹn, nào
em đi ngủ trước đi, để anh nói chuyện với Thiên Thạch này
một chút.
Vợ Thiên đã đi vào trong. Thiên Thạch mới mang hết mọi điều,
mọi thứ ra nói. Chuyện của Ức San... Rồi có lẽ vì hôm ấy
Thạch đã uống rượu nhiều, rượu đã khiến cho con người cởi
mở. Thạch đã không dấu diếm mang cả chuyện Gia Lợi ra nói.
Mối tình của chàng và Gia Lợi không đẹp nhưng tiếp xúc với
nàng mãi mãi không bao giờ quên được.
- Ở bên cạnh cô ấy, tôi có cái cảm giác yên ổn lạ lùng. Gia
Lợi không lớn hơn tôi bao nhiêu. Nhưng có cái trí tuệ nhạy
bén của người đàn bà, có lẽ cũng vì cô ấy làm nghề viết
lách, nên có cái nhìn và hiểu khá sâu sắc. Bên Gia Lợi, tôi
có cảm tưởng như được che chở... Bạn có thể cho là vì cuộc
sống của tôi quá đơn điệu, cái khổ cực của cuộc sống làm tôi
yếu đuối, mệt mỏi. Tôi cần tình thương.
- Thế bạn có mơ ước là sẽ được mãi mãi bên Gia Lợi không?
- Có chứ, nhưng khi nghĩ kỹ, lại không có can đảm. Tôi sợ
nếu mình mà chung sống với người đàn bà đã có chồng, có con,
cha mẹ biết được sẽ buồn, sẽ thất vọng. Còn Ức San nữa, tôi
sẽ xử trí ra sao? Nghĩ tới, nghĩ lui càng nghĩ càng không có
can đảm.
- Và mọi thứ không được giải quyết?
Thạch ngồi yên. Biết nói sao? Trước kia thì không hẳn như
vậy. Thạch đã từng đập lộn với bọn lưu manh ở trước rạp hát,
khi chúng xúc phạm My Lập. Vậy mà khi sang Mỹ, Thạch đã trở
nên yếu đuối không dứt khoát.
Thiên thấy bạn yên lặng nên nói tiếp:
- Mình nghĩ là chuyện gì đã qua nên để cho nó qua đi. Còn
chuyện hiện tại là Ức San thì phải giải quyết.
- Vâng, chuyện của Ức San - Thạch quay lại, đốt một điếu
thuốc - Cô ấy là một cô gái dễ thương, tôi cũng yêu đấy,
nhưng mà... Sao tôi cảm thấy hình như giữa chúng tôi có một
khoảng cách lớn. San lại có cái nhận xét về nước Mỹ không
chính xác. Giả sử như chúng tôi làm lễ cưới nhau, tôi sẽ đưa
San về Mỹ, và anh thử tưởng tượng xem San làm sao thích ứng
được với cái hoàn cảnh mà cô ấy đã nghĩ một cách sai lệch.
- Cái đó cũng có thể làm được. Cậu giúp cô ấy.
- Hừ! Thạch muốn kêu lên. Sao phải là tôi? Nhưng chàng chỉ
nói - Cái quan trọng ở đây là khoảng cách. Chúng tôi đã nhìn
một sự kiện với hai quan điểm khác nhau. Có lẽ vì Ức San còn
trẻ quá. Nhận định sự việc quá ngây thơ. Cô ấy cứ thắc mắc
mãi là... Bộ ở Mỹ, anh đã phải khổ lắm sao mà nhìn nước Mỹ
một cách bi quan như vậy? Anh như một ông già! Trước kia khi
liên lạc với San, chúng tôi chỉ hiểu nhau qua thư từ, nên
không biết San một cách cụ thể. Bây giờ gặp mặt, tôi thấy
San có vẻ trẻ con quá. Nếu lấy nhau, sau này hẳn tôi phải
chiều chuộng phục dịch, không biết tôi có làm điều này được
không? Gia đình hai bên, bây giờ ai cũng muốn chúng tôi
thành hôn sớm, để rồi hai đứa trở qua Mỹ. Không phải là tôi
không muốn cưới San. Nhưng lại phân vân, không biết là có
mang lại hạnh phúc cho cả hai không?
- Thế còn cô ấy đối với anh thì thế nào?
- Không rõ lắm, nhưng chắc một điều là không ghét. Có điều
tôi biết rõ: Tôi không phải là người duy nhất để San chấm.
Điều đó không thể trách, vì chúng tôi biết nhau là do gia
đình hai phía chủ động. Một lý do nữa không kém quan trọng
là Ức San muốn có cơ hội sang Mỹ. Thành thử ra...
Và Thạch chợt nhún vai tiếp:
- Nếu bây giờ mà tôi giống cậu, chỉ là một tay làm báo ở
thành phố này, thì chắc chắn một điều là Ức San sẽ không
chọn tôi.
- Nhưng ban nãy cậu bảo là Ức San không ghét cậu mà.
- Đúng! Nhưng như vậy cũng đâu có nghĩa là yêu? Dù gì chúng
tôi cũng có được một số tình cảm qua những năm liên lạc thư
từ với nhau.
- Cậu có yêu cô ấy không?
Thiên Thạch gật đầu:
- Có, nhưng không đơn thuần là tình yêu giữa trai và gái, mà
nó còn pha lẫn tình cảm của anh trai dành cho em gái. Tôi
không biết là hôn nhân đặt trên nền tảng tình cảm như vậy có
tốt không?
- Tại sao lại không? Thiên nói - Ngay xưa kia, khi tôi và bà
xã gặp nhau cũng nào có phải vì tình yêu say đắm đâu? Chỉ
cần không thấy ghét nhau là được. Cái khuyết điểm ở đây của
cậu là: Cậu hay nghĩ ngợi nhiều quá, mà như vậy là dễ phân
vân. Tôi nghĩ chuyện hôn nhân cũng đơn giản. Chỉ cần hai
người hiểu và thấy cần thiết nhau là được. Sau đấy tình yêu
sẽ nảy sinh. Vì vậy, cậu nên nghe tôi. Cứ cư xử tử tế, cứ
chiều chuộng, chỉ nên triển khai những ưu điểm của nàng. Sau
đấy, nếu thấy được thì tiến tới, còn nếu không thì ba mươi
sáu chước chỉ có nước bỏ đi là xong, đừng để gì bận tâm ray
rứt.
Thiên nói, rồi chợt nhìn vào đồng hồ và đứng bật dậy:
- Ồ! Không xong rồi, đã một giờ khuya, mình phải đến tòa
soạn báo. Thôi, chia tay nhé? Lần sau có đến, nhớ đưa người
đẹp đến đây chơi nhé? |
|