COI THIEN THAI ENTERTAINMENT NETWORK

Coi Thien Thai - Vietnamese Entertainment Network

Please click the banner to support Coi Thien Thai !

Please click to support Coi Thien Thai!

TÌNH CA MÙA THU

Tác giả: Quỳnh Dao

[Chương 1][Chương 2][Chương 3][Chương 4][Chương 5][Chương 6][Chương 7][Chương 8][Chương 9][Chương 10]
[Chương 11][Chương 12][Chương 13][Chương 14][Chương 15][Chương 16][Chương 17][Chương 18]
[Chương 19][Chương 20]

Chương 12

flower

Sau ngày gặp giáo sư Khưu, Thạch lại bận luôn. Tiệc tùng nối tiếp. Lần này là do ủy ban liên lạc Hoa kiều của nhà nước mời.
Bấy giờ là tháng bẩy, cái tháng mà ở Mỹ các trường đại học nghỉ ngơi. Và các cơ sở giáo dục của Đài Loan thừa dịp này, thỉnh cầu các giáo sư nổi tiếng sang diễn giảng. Phi trường tấp nập các viên chức bộ giáo dục và chính quyền, rồi giới báo chí ra nghênh đón những người ở phương trời tây về.
Thạch cũng được nhận liên tục mấy cái thiệp mời. Lúc đầu Thạch đã không định đi. Một phần vì thấy cái môn học của mình không được coi trọng lắm. Một phần vì Thạch ngại tiệc tùng. Nhưng cha của Thạch là con người rất coi trọng thể diện ông đã nhất quyết muốn Thạch phải tham dự. Được nhà nước mời là cả một sự hãnh diện có gì xấu đâu mà lại từ chối? Không những ông muốn Thạch tham dự mà còn muốn Thạch đưa cả Ức San đến đấy. Thạch cực lực phản kháng. Cũng may là có sự can thiệp của mẹ nên cha mới nhượng bộ.
Trên bàn tiệc, thỉnh thoảng Thạch cũng gặp lại những người bạn quen trên đất Mỹ. Phần lớn khách được mời là dân tiến sĩ bên ngành công nghiệp. Họ đều có thu nhập khá, có gia đình và cuộc sống ổn định. Đa số họ lại là những con người đúng nghĩa khoa học, đơn giản và không nhiều ray rứt về nội tâm. Họ sống một cách thỏa mãn với cái mà mình đang có. Khiến nhiều lúc Thạch thấy ghen tị.
Chuyện đó cũng đơn giản thôi. Họ hơn chàng nhiều thứ. Vật chất đầy đủ, cuộc sống bình thản nên họ yêu đời, họ tích cực. Có lúc Thạch phân vân. Tại sao trước kia ta không chọn ngành khoa học thực nghiệm?
Trong bàn tiệc giữa lúc mọi người rộn rã với tiếng cười thì Thạch lại lạc lõng. Không phải vì mọi người không vồn vã với chàng, mà phần lớn vì mặc cảm bản thân.
- Ở Mỹ, anh ở ngành nào.
- Báo chí.
- Ờ, cái ngành quan trọng đấy chứ? Thế anh Thạch làm việc ở đâu.
- Dạ, dạy học.
- Vậy à, tuyệt đấy! Ông anh tôi ở bên đó cũng đi dạy. Anh dạy ở trường đại học báo chí à?
- Dạ không, tôi chỉ dạy tiếng Hoa thôi.
- Ồ!
Câu trả lời của Thạch khiến đối phương thất vọng nhưng họ cũng có vẻ thật lịch sự, chỉ khẽ ho một tiếng, rồi hỏi tiếp:
- Ở trường nào vậy?
Chuyện dạy tiếng Hoa bên Mỹ là một chuyện khá tầm thường. Chỉ khi nào ra trường mà không tìm được việc làm nào thích hợp, họ mới đi dạy sinh ngữ. Coi như một cách chờ thời, chứ không phải một thứ nghề cố định.
Thạch ngượng ngùng nói:
- Ở trường đại học xx.
- Hử?
- Đó là một trường đại học nhỏ, không tên tuổi, ở gần thành phố Chicago.
- À, còn ông anh tôi thì dạy ở trường đại học California, ở đó lương bổng hậu hĩ lắm.

o0o

Trong một lần khác, Thạch lại gặp người bạn cũ tên Hoàng. Tốt nghiệp cùng khóa với chàng ở Đài Loan. Hai người không thân nhau lắm. Sau khi đến Mỹ, Hoàng đã bỏ tất cả, học lại từ đầu. Anh chàng chuyển qua ngành toán. Lúc đầu khi nghe nói Thạch đã lo sợ giùm cho bạn. Sợ là sau bao nhiêu năm bỏ bê khoa học tự nhiên, Hoàng sẽ không theo kịp giáo trình. Nhưng rồi sau đó mấy năm, Thạch có dịp sang miền đông nước Mỹ, nghe nói sau một thời gian cố gắng Hoàng không những đã vươn lên được, mà còn đậu tiến sĩ toán học với hạng cao và được thỉnh giảng ở đại học Harward, một trời đại học không những chỉ nổi tiếng ở Mỹ mà còn cả thế giới.
- Sao Thạch, mi cũng có mặt ở đây nữa à?
Hoàng đã bắt ngờ từ trong đám đông bước ra bắt tay Thạch.
- Tao cũng không ngờ gặp lại mi ở đây. Thạch nói - Sao? Về đây từ bao giờ thế?
- Mới về, còn mi?
- Về hơn tháng nay rồi, thế cậu...
- Được mời về trường đại học ở đây dạy hai tháng hè. Gặp lại mi mừng quá. Chúng mình đã mười năm không gặp nhau rồi.
- Đúng... mọi chuyện đều suông sẻ cả chứ?
- Chúng ta ra ngoài này nói chuyện. Dù gì cũng còn sớm chán. Chưa nhập tiệc đâu?
Hoàng đã kéo Thạch qua phòng khách uống trà. Vừa uống vừa hỏi:
- Thế nào, cậu về đây làm gì? Thăm thân nhân, cưới vợ, du lịch hay đi dạy học?
- Tôi đâu có nổi tiếng như bạn đâu mà được người ta mời dạy.
Thạch đã cay đắng nói, Hoàng nói lảng:
- À... thế bây giờ cậu ở bên ấy làm gì? Báo chí phải không? Tôi nhớ rồi, cậu qua Mỹ học về báo chí cơ mà...
- Đúng, tôi qua Mỹ học báo chí, nhưng lại hành nghề dạy Hoa văn, một nghề bất đắc chí. Chắc tôi phải nhờ cậu giúp đỡ nhiều.
- Cậu làm gì lạ vậy? Chúng ta là bạn bè của nhau mà làm gì lại cay đắng thế? À, hai bác thế nào? Khỏe chứ - Cậu ở nhà hay ở khách sạn?
- Cha mẹ tôi đều khỏe. Hai người có nhắc đến cậu, ca ngợi cậu tiến thân hay, biết đổi nghề kịp lúc.
- Ồ, có gì đâu, tất cả chỉ vì miếng ăn thôi. Cậu cũng biết là sang Mỹ mà vẫn theo học ba cái nghiệp khoa học nhân văn thì chỉ có nước đói. Nhưng cậu có biết không, mấy năm đầu tôi cũng mệt bở hơi đấy chứ. Nhiều lúc đã định bỏ cuộc.
- Chính nhờ cái chí vươn lên mà cậu mới thành công.
- Nữa rồi, cậu lại mở giọng dở hơi đó với tôi làm gì. Mình cùng là dân ở Mỹ về cơ mà. Tôi chuyển ngành, cuộc sống tương đối dễ thở, thế còn cậu, lúc này thế nào? Trước kia nghe cậu ao ước là sẽ cố chen chân vào làng văn nước Mỹ, ra sao rồi, có viết lách được gì không?
Thạch cảm khái:
- Cậu đã thực hiện được mơ ước của cậu, còn tôi mọi thứ đều hỏng bét, cậu bảo sao tôi không cay đắng? Chen chân vào văn đàn nước Mỹ à? Muốn vậy trừ phi tôi phải khai thác ba cái chuyện đầu tóc bím đuôi sam, tục bó chân... hoặc chuyện cướp nhà băng... bằng không làm sao tôi có thể tranh nổi với những con người vừa lọt lòng ra đã nói tiếng Anh chứ? Cái giấc mộng đó đã vỡ nát từ lâu rồi. Tôi quay qua học báo chí, định làm một ký giả xoàng thôi mà còn không được. Thế là xôi hỏng bỏng không... Học xong chẳng làm được gì. Đành phải đi dạy ngoại ngữ thôi. Nghĩa là chỉ cần tư cách của một giáo viên tiểu học.
Hoàng thật thà:
- Nhưng cái đó có gì đâu mà phải bứt rứt? Ở Mỹ tôi có quen nhiều người đậu tiến sĩ xong đi dạy Hoa văn, họ còn coi đó là một nghề cao quý. Cậu nghĩ xem, đấy là một hình thức phổ biến văn hóa, khai thông sự hiểu biết cho hai dân tộc, giúp người Mỹ họ học được tiếng Hoa, xem được tiếng Hoa, hiểu người Hoa nhiều hơn.
- Chuyện đó xa vời quá.
- Nhưng cần thiết, để dân Mỹ không có cái nhìn sai lệch về Trung quốc, đó là một chiến công đấy chứ.
- Cậi nói khẳng khái như vậy đúng thôi, bởi vì cậu đã dạt được mục đích. Bây giờ có quyền làm những gì mình ưa thích, nếu không chưa chắc cậu đã nghĩ ra được như vậy. Còn tôi, cái ý nguyện của tôi lúc ra nước ngoài không phải để làm một thầy giáo dạy Hoa văn.
Hoàng có vẻ cảm thông nói:
- Tôi hiểu rồi, tôi biết nỗi khổ tâm của cậu. Nhưng cái gì thì cũng phải từ từ thôi. Biết đâu, dạy học một vài năm, rồi, cậu cũng tìm được việc làm thích hợp trong tòa soạn, hoặc là ngoài giờ dạy ra, anh lại rảnh rỗi viết lách, như vậy cũng đạt được ước muốn vậy. Con người đôi lúc nên nhẫn nại, sớm muộn rồi cũng thành đạt thôi.
Thạch không muốn ai lên mặt dạy đời mình, nên nói:
- Thôi, đừng nên nói chuyện đó nữa, chán lắm. À, mấy năm trước nghe thiên hạ đồn rằng cậu đeo theo cô x nào đó... Sao, thế nào? Thành công chưa? Cậu đeo nhẫn gì đó?
Anh chàng cười rạng rỡ, giơ bàn tay đeo nhẫn lên nói:
- Cô ấy sắp đến rồi đấy! Vì còn phải dự một cái tiệc khác nên đến hơi muộn - Rồi Hoàng hạ thấp giọng nói một cách đầy đắc ý - Phải nói là tốn không biết bao nhiêu là công sức. Khi còn ở viện nghiên cứu Boston, tôi đã đeo đuổi, nhưng đâu dễ gì, mãi cho đến lúc nhận được thơ mời dạy học của trường đại học Harward tôi mới được cô ấy đoái hoài đến. Chuyện đó cũng không đáng trách, vì đấy là phong cách nhà cô ta mà.
Thiên Thạch yên lặng. Thời đại đáng trách hay con người ở thời đại này đáng trách? Hoàng hỏi:
- Thế còn cậu, thế nào? Sao chẳng thấy đeo nhẫn gì cả vậy?
- Không phải là tiến sĩ toán, lại không phải là giáo sư đại học Harward thì ai mà thèm tôi.
- Vậy mà cũng nói, đâu có phải cô gái nào cũng giống như Uyển Tâm nhà tôi đâu.
Thạch chỉ cười buồn. Hoàng còn định nói thêm gì nữa thì có một thiếu phụ mặc áo màu kem bước tới. Nhìn là Thạch biết ngay kiểu áo thời trang của một nhà may ở đại lộ số năm New York, thiếu phụ có mái tóc rất ngắn kiểu demigarcon. Hoàng vội nói:
- À, nhà tôi đến rồi đây, để tôi giới thiệu nhé. Đây là Uyển Tâm, vợ tôi. Còn đây là Ái Thiên Thạch, một người bạn mà anh rất thân khi còn ở đại học.
- Hân hạnh - Thiếu phụ đưa bàn tay trắng muốt ra cho Thạch bắt, đồng thời nói một câu bằng tiếng Anh - Rất vui lòng được biết anh.
Thạch hơi lúng túng, từ hôm về nước đến giờ, Thạch không hề sử dụng Anh ngữ, Thạch không biết nên nói tiếng Hoa hay tiếng Anh đây với người đàn bà rõ ràng là người Hoa mà lại không chọn sử dụng tiếng Hoa này. Hoàng thấy sự lúng túng của bạn vội giải thích:
- À quên, tôi quên cho bạn biết là vợ tôi sinh ra ở New York, và trưởng thành ở Mỹ vì vậy sử dụng tiếng Anh thành thạo hơn tiếng Hoa, nhưng nói tiếng Hoa thì cô ấy vẫn nghe và hiểu hết:
- À, Thạch hiểu ra và nói bằng tiếng Hoa - Chào chị, chị có thích cái xứ Đài Loan này không?
Thiếu phụ ngồi xuống, cởi cặp mắt kính đen ra, bấy giờ Thạch mới phát hiện đôi mắt của thiếu phụ tuyệt đẹp. Cô nàng vừa lấy khăn tay chấm nhẹ lên mắt vừa nói:
- Không ngờ cái xứ này nó lại nóng như vậy. Em chịu không nổi - Và quay sang Thạch, cô ta nói như phân bua - Nhiều người khuyên tôi không nên về đây, chúng tôi có một ngôi nhà nghỉ mát ở New Jersay, ông ấy lại không chịu, bày đặt sang đây diễn giảng ba tháng để làm cái gì cơ chứ?
Hoàng cười nói:
- Đó chỉ là cái cớ, chứ thật ra thì để thăm cha mẹ anh, người đã lớn tuổi quá rồi.
- Thì cũng chính vì hiểu như vậy em mới theo anh đấy chứ.
Thiên Thạch nói:
- Coi vậy chứ không sao đâu. Có nóng một tý, nhưng ở thêm vài hôm sẽ quen ngay.
- Tôi thì không thấy như vậy, ở trường đại học Tân Trúc, nhà cửa thì cũng khá tiện nghi, có điều quang cảnh lại trống trải quá, có nhiều gió cát. Tôi ở không nổi, phải ở khách sạn năm sao. À, anh Thạch, thế còn anh?
- Tôi làm sao chứ?
- Anh không ở Tân Trúc à?
- Không, tôi về đây để thăm nhà, chứ không phải để dạy học.
- Thế anh có đưa bà xã cùng về không?
Hoàng cười chen vào:
- Anh ấy chưa có vợ. Đúng rồi bao giờ về bên Mỹ, em giới thiệu cho anh ấy một cô nhé.
Ngay lúc đó ban tổ chức mời mọi người vào nhập tiệc. Một buổi tiệc thật sang trọng dành cho những người từ nước Mỹ trở về, hôm ấy Thạch đã uống nhiều rượu, nên chàng đã chếnh choáng hơi men. Trở về nhà Thạch mệt mỏi vào phòng, chỉ có ở nơi đây chàng mới thấy một sự bình yên thoải mái. Phòng thật nóng, nhưng chẳng có ai quấy rầy, cái bàn tiệc ồn ào ban nãy đã khiến Thạch cảm thấy thêm lạc lõng. Cũng đồng thời là tiến sĩ, nhưng phần lớn người được mời đều là tiến sĩ kỹ sư của các ngành khoa học hiện đại. Còn Thạch? Khi được hỏi đến chỉ là một sự ngượng nghịu khỏa lấp. Thạch nằm dài trên giường nghĩ lại những điều đó, bất giác thấy buồn cười, một sự mỉa mai kỳ lạ.
 

Xin các bạn vui lòng nhấn chuột vào quảng cáo để ủng hộ Cõi Thiên Thai!

Please click to visit Coi Thien Thai's sponsor

(TRUYỆN QUỲNH DAO)

Join Cõi Thiên Thai's Mailing List To Receive Updates & News - (Recommended for people who live in Viet Nam)

Subscribe Unsubscribe

Last Update: July 1, 2005
This story has been read (Since July 1, 2005):

flower

This page is using Unicode font - Please download Unicode Font here to read
Web site: http://www.coithienthai.com
E-mail: [email protected]

Please click on the banners to visit our sponsors! Thank you!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!

Please click the banner to visit CoiThienThai.com's sponsors! Click here!
Advertise here! Click here!
(This window will be closed in 20 seconds)