Lời giới thiệu
Mạc Ngôn tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh
năm 1955 tại Cao Mật, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Do Cách mạng Văn hóa, ông phải nghỉ học khi đang học dở tiểu học
và phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn. Năm 1976, ông
nhập ngũ. Năm 1984, trúng tuyển vào khoa văn thuộc Học viện nghệ
thuật Quân Giải phóng và tốt nghiệp năm 1986. Năm 1988, ông lại
trúng tuyển lớp nghiên cứu sinh sáng tác thuộc Học viện Văn học
Lỗ Tấn, trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, năm 1991 tốt nghiệp với
học vị thạc sĩ.
Hiện ông là sáng tác viên bậc Một của Cục Chính trị - Bộ Tổng
tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Nhà văn Mạc Ngôn từng được thế giới biết đến qua tác phẩm Cao
lương đỏ. Bộ phim cùng tên do đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu
chuyển thể từ tác phẩm này đã đoạt giải Cành cọ vàng tại Liên
hoan phim Canne năm 1994.
Truyện dài Báu vật của đời (nguyên tác tiếng Hoa: Phong nhũ phì
đồn - tức vú to, mông nẩy) được xuất bản vào tháng 9 năm 1995 và
ngay trong năm ấy được trao giải thưởng cao nhất về truyện. Tác
phẩm này nhanh chóng trở thành một hiện tượng.
Báu vật của đời khái quát cả một giai đoạn lịch sử hiện đại đầy
bi tráng của đất nước Trung Hoa thông qua số phận của các thế hệ
trong gia đình Thượng Quan. Từ những số phận khác nhau, lịch sử
được tiếp cận dưới nhiều góc độ, tạo nên sức sống, sức thuyết
phục nghệ thuật của tác phẩm.
Có nhiều con đường để cảm thụ tác phẩm văn chương, vì vậy trước
một hiện trượng văn học xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau âu cũng
là điều bình thường, thậm chí còn làm phong phú thêm đời sống
văn học. Trên tinh thần đó, chúng tôi xin gởi đến bạn đọc Báu
vật của đời của Mạc Ngôn, một trong những tác phẩm được đánh giá
là xuất sắc nhất của văn học Trung Quốc hiện đại.
Chương 1
1
Hằng hà sa số thiên thể vận hành như con thoi trôi chảy và mạch
lạc trong vũ trụ. Chúng phóng ra những tia màu hồng rực rỡ.
Thiên thể này có hình bầu vú, thiên thể khác lại có hình cặp
mông. Chúng vận hành có vẻ tùy tiện, nhưng thật ra mỗi ngôi đều
có quỹ đạo riêng. Rì rầm, loạt soạt, mỗi ngôi đều có điệu hát
riêng của mình. Xiên ngang, đâm dọc, ngôi nào đi theo con đường
của ngôi ấy. Ngắm nhìn sự hài hòa vĩ đại ấy, mục sư Malôa nước
mắt ràn rua kêu lên:
- Ôi! Thượng Đế chí tôn! Người là tất cả!
Mục sư Malôa nằm bất động trên giường. Ông trông thấy một đạo
hồng quang rọi trên bầu vú màu phấn hồng của Đức Mẹ Ma-ria và
trên khuôn mặt bầu bĩnh của Chúa Hài Đồng trong tay Đức Mẹ. Mùa
hè năm ngoái mái nhà bị dột, bức tranh sơn dầu này bị ố từng đám
vì nước mưa, khuôn mặt Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng trở nên ngắn ngủn,
đần độn và nanh nọc. Một con nhện treo lơ lửng dưới sợi tơ màu
trắng bạc trước cửa sổ, đung đưa mỗi khi có làn gió nhẹ. Sáng
báo tin vui, chiều báo phát tài; người đàn bà xinh đẹp, sắc mặt
nhợt nhạt ấy đã nói như vậy về nhện sa trước mặt. Mình thì có gì
vui? Mình chẳng có gì vui cả! Những thiên thể có hình dáng vú và
mông lọt qua trong đầu, ông giơ ngón tay khều dử mắt, nghe tiếng
bánh xe lọc cọc ngoài đường, tiếng hạc kêu từ đầm lầy vọng tới,
và cả tiếng be be ai oán của con dê sữa. Những con chim sẻ mổ
bồm bộp trên giấy dán cửa sổ. Chim khách kêu lảnh lót trên cây
bạch dương ngoài sân. Bỗng mục sư tỉnh như sáo. Người phụ nữ với
cái bụng to kinh khủng bỗng hiện ra dưới làn ánh sáng, cặp môi
khô nẻ mấp máy, hình như đang lẩm bẩm câu gì đó. Cô ta mang thai
đã mươi hai tháng, chắc chắn hôm nay sinh nở. Mục sư Malôa chợt
hiểu ra ý nghĩa của nhện sa và tiếng kêu của con chim khách. Ông
bật dậy, bước xuống giường.
Mục sư Malôa xách chiếc bình gốm màu đen, đi men theo con đường
lớn phía sau nhà thờ. Thoạt nhìn, ông đã nhận ra bà Lã, vợ ông
thợ rèn Thượng Quan Phúc Lộc, đang dùng chổi vun đất bột trên
đường. Tim ông mục sư đập thình thịch, miệng lẩm bẩm:
- Ôi Thượng đế! Người là tất cả!
Ông giơ ngón tay ngượng nghịu làm dấu chữ thập rồi chậm rãi nép
vào một góc trong, lặng lẽ quan sát người đàn bà cao lớn và béo
đẫy. Bà ta vun đất bột thấm đẫm sương đêm, cẩn thận loại bỏ rác
rưởi lẫn trong đó. Người đàn bà đồ sộ này cử chỉ vụng về nhưng
sinh lực thì có thừa. Chiếc chổi bện bằng thân lúa mạch vàng óng
trong tay bà chỉ như một đồ chơi. Bà bốc đất mịn cho vào sọt,
dùng tay nén chặt rồi bê sọt đất đứng lên.
Bà Lã bê sọt đất về đến đầu ngõ thì nghe có tiếng ồn ào phía sau.
Ngoảnh lại, bà thấy cánh cổng nhà giàu nhất của thị trấn - nhà
Phúc Sinh Đường - mở toang, một đám dàn bà ùa ra. Họ cố ý ăn mặc
lôi thôi lếch thếch, mặt bôi đầy nhọ nồi. Ngày thường, phụ nữ
nhà Phúc Sinh Đường quần là áo lượt, sao hôm nay lại cải trang
như vậy? Từ mảnh sân đối diện, lão xà ích có biệt hiệu là Chim
Sẻ Rừng đánh ra một cỗ xe lớn mới tinh, bánh hơi, rèm màu xanh.
Xe chưa dùng hẳn, đám phụ nữ đã tranh nhau trèo lên. Lão đánh xe
ngồi xổm trước con sư tử đá bị sương đêm làm ướt đẫm, lặng lẽ
hút thuốc. Ông chủ Phúc Sinh Đường Tư Mã Đình từ sau cổng vọt ra,
tay cầm súng hỏa mai, động tác mạnh và nhẹ nhàng như thanh niên.
Lão xà ích vội vã đứng lên nhìn ông chủ. Tư Mã Đình giật chiếc
tẩu từ miệng lão xà ích, rít mấy hơi rõ kêu, rồi ngẩng nhìn bầu
trời rạng đông đang ửng lên màu phấn hồng, bảo lão xà ích:
- Sẻ Rừng, cho xe đến đầu cầu sông Mực rồi đợi ở đấy ta sẽ đến
ngay!
Lão xà ích tay cầm cương, vung roi cho ngựa quay đầu xe. Đám phụ
nữ chen chúc trên xe la chí chóe. Lão xà ích vung roi đánh bốp,
ngựa bắt đầu chạy nước kiệu. Nhạc ngựa kêu loong chong, một vệt
bụi dài cuốn theo xe.
Tư Mã Đình đái một bãi ngay trên mặt đường cái, gừ gừ trong họng
nhìn theo chiếc xe ngựa, rồi ôm súng trèo lên đài quan sát. Đài
cao ba trượng, dựng bởi chín mươi chín cây gỗ tròn. Đỉnh đài là
một mặt bằng nhỏ, cắm ngọn cờ hồng. Sáng sớm trời không gió,
ngọn cờ ướt đẫm sương, ủ rũ. Bà Lã nhìn thấy Tư Mã Đình đứng
trên đình tháp ngóng về phía tây bắc, cổ vươn dài ra, môi dẩu, y
hệt con ngỗng đang uống nước. Một đám sương là là mặt tháp, nuốt
chửng Tư Mã Đình rồi lại nhả ra. Rạng đông nhuốm đỏ khuôn mặt
hắn. Bà Lã trông thấy khuôn mặt Tư Mã Đình như bị phủ lên một
lớp hồ loãng, nhớp nháp và sáng lấp lóa. Hắn giơ khẩu súng bằng
hai tay, mặt đỏ như mào gà chọi. Một tiếng động nhỏ vang lên, đó
là tiếng lẫy cò đập vào hạt nổ. Hắn đợi với vẻ trang nghiêm. Bà
Lã cũng đợi, đợi rất lâu, mặc cho sọt đất trên tay nặng trĩu hai
tay tê dại, cổ mỏi nhừ. Tư Mã Đình hạ súng xuống, môi trề ra, y
hệt một đứa trẻ đang giận dỗi. Bà Lã nghe thấy hắn chửi câu gì.
Hắn chửi khẩu súng:
- Đồ ôn dịch, mày dám không nổ!
Hắn lại giơ súng lên, lẩy cò, một tiếng đập nhẹ, một vệt lửa
phụt ra đầu nòng át cả màu đỏ của bình minh, sáng trắng khuôn
mặt hắn. Một tiếng nổ đanh xé toạc thôn xóm đang yên tĩnh, lửa
đỏ rục phụt lên trời, tạo thành các nàng tiên đứng trên mây,
những cánh hoa sặc sỡ bay lả tả. Bà Lã thấy lòng rạo rực. Bà là
vợ ông thợ rèn nhưng tay nghề thì bà giỏi hơn chồng một bậc, chỉ
cần trông thấy sắt và lửa là máu dồn lên mặt, sôi lên trong
huyết quản, cơ bắp nổi lên từng búi, chẳng khác chiếc roi tết
bằng gân bò. Thép đen đập trên sắt đỏ, hoa lửa bắn ra tứ phía,
mồ hôi ướt đẫm lưng, chảy thành dòng giũa hai vú, mùi tanh tanh
của sắt rèn len lỏi khắp chỗ.
Bà Lã trông thấy Tư Mã Đình nhảy dựng lên một cái trên đỉnh tháp.
Không khí ẩm ướt ban mai quyện đầy khói và mùi thuốc súng. Tư Mã
Đình thét to, báo động cho cả vùng đông bắc Cao Mật:
- Bà con ơi, giặc Nhật sắp đến đấy! |