Để cứu tính mạng cho cả nhà, chị Tư đã tự bán
mình làm điếm. Đây là một bí mật đau xót của nhà Thượng Quan
chúng tôi. Cả nhà chịu ơn chị, vậy nên khi chị từ phương trời
nào không biết, ôm cây đàn yêu quí của chị trở về, nước mắt mẹ
tuôn rơi như chuỗi hạt châu, ướt đầm ngực áo. Lúc này, nhà
Thượng Quan chúng tôi người thì chết, người thì bỏ đi, tan đàn
sẻ nghé, mẹ trông thấy chị Tư đã lâu bặt vô âm tín thì làm sao
không đứt từng khúc ruột! Số vàng ngọc châu báu chị Tư giấu
trong hộp đàn tì bà đã bị cán bộ công xã tịch thu, chỉ cho phép
chị mang cây đàn đã bị đập vỡ hộp cộng hưởng về nhà. Chị và mẹ
ôm nhau khóc, khóc chán, lau sạch nước mắt. Chị Tư nhìn mái đầu
hoa râm của mẹ, nói:
- Mẹ, không ngờ kiếp này con còn được gặp lại mẹ!...
Nói chưa dứt câu, chị đã òa khóc. Mẹ xoa vai chị, nói:
- Tưởng Đệ, con gái xấu số của mẹ...
Chị Tư hỏi thăm tình hình các chị, mẹ xua tay:
- Đừng hỏi gì nữa!
Chị Tư nhìn tôi, nói:
- Chỉ cần còn Kim Đồng là chị yên tâm, nhà Thượng Quan chúng ta
có người nối dõi rồi!
Mẹ ngao ngán, nói:
- Cô ngốc của mẹ, gì mà nối dõi với chả nối dõi? Thời buổi bây
giờ làm sao tính được những chuyện ấy!
Chị Tư có một tiểu sử cay đắng, đầy nước mắt, chúng tôi không có
quyền hỏi. Chúng tôi thận trọng bảo vệ vết thương hễ chạm là ứa
máu của chị. Nhưng người ngoài thì không nghĩ vậy, họ muốn gia
đình tôi ngày nào cũng có chuyện giật gân cho họ xem. Sau khi
trở về, chị Tư ở lì trong nhà, nhưng cái tin cô gái nhà Thượng
Quan làm điếm mấy chục năm, đem về không biết bao nhiêu vàng
ngọc châu báu đã lan rất nhanh khắp vùng Cao Mật. Tôi ra đồng
tìm lương thực trong các hang chuột, vợ ông Trần Thọt là Trương
Quốc Hoa cuối hí hí bảo tôi:
- Ông anh, việc gì ông anh khổ sở thế! Việc gì phải đào hang
chuột để lấy lương thực? Chỉ cần bán một thứ trong số châu báu
chị Tư đem về đã đủ mua một chuyến tầu bột mì ngoại?
Tôi trừng mắt nhìn người đàn bà tai tiếng vì thông dâm với bố
chồng, nói:
- Chị nói thối như cứt ấy!
Chị ta xán lại, hỏi nhỏ:
- Ông anh này, nghe nói có một viên ngọc dạ minh châu to bằng
quả trúng gà phải không? Về đêm nó phát sáng, soi rõ mọi thứ
trong buồng, đúng không? Liệu có thể cho chị đây ngó qua một tí
để mở rộng tầm mắt? Liệu có thể xin chị Tư một hạt, dù chỉ bằng
hạt đỗ làm đồ trang sức, dù chỉ một dây chuyền mảnh như sợi tóc
cũng tốt chán?- Chị ta đưa mắt tống tình, trêu - Đừng chê chị có
nước da đen, chị đây là dưa Ha-mi, vỏ thô nhưng cùi ngọt. Chàng
chẳng nghe người ta nói đấy sao: Thông trắng cám vàng, đen thì
lắm nước, hói đầu rỗ mặt thì không biết mệt đó sao!...
Chị Tư ở lì trong nhà cũng không thoát nạn, đúng như câu cây
muốn lặng nhưng gió chẳng đừng. Cái tật thích đấu tranh trong
công xã lại kịch phát, họ tổ chức triển lãm nhằm giáo dục đấu
tranh giai cấp ở hội trường công xã. Đây là cuộc triển lãm đấu
tranh giai cấp lần thứ hai trong lịch sử Cao Mật, so với lần đầu
thì về nội dung có khác đôi chút. Tranh ảnh và áp phích đều xoay
quanh hai nhà Thượng Quan và Tư Mã, làm như lịch sử Cao Mật là
lịch sử hai gia đình Thượng Quan và Tư Mã vậy. Dân chúng không
thích xem những tranh ảnh này, chỉ thích xem triển lãm về chị
Tư. Các cán bộ đáng ghét của công xã trưng bày trong tủ kính tất
cả những thứ mà cả đời chị Tư ky cóp được, cho mọi người xem.
Chúng sáng lấp lánh khiến mọi người hoa mắt. Sau ba ngày triển
lãm, nhiệt tình với báu vật giảm đi, hận thù giai cấp vẫn không
thấy nâng cao rõ rệt, các cán bộ công xã liền nảy ra một ý, bắt
chị Tư đến triển lãm làm hiện vật sống, bắt chị tự tố cáo chị.
Uỷ viên tuyên truyền của Đảng ủy công xã Dương Giải Phóng đeo
kính, đầu nhẵn bóng như chiếc gáo, mặt như mặt khỉ, dẫn bốn dân
quân đeo tiểu liên đến đập cổng nhà tôi. Chị Tư run bắn, hai tay
sờ soạng hai bên. Chị nghiện thuốc lá, Răng vàng khè vì ám khói.
Cuối cùng chị cũng tìm thấy thuốc, bật diêm châm lửa hút. Dù là
con đẻ, dù chị có ơn với cả nhà, nhưng mẹ vốn tiết kiệm, rất
ghét cái tật nghiện thuốc của chị. Thuốc của chị là do tôi mua ở
hợp tác xã cung tiêu nhãn hiệu Cần kiệm, giá một hào một bao.
Tôi cho rằng trong túi chị chỉ còn đủ tiền mua hai bao thuốc.
Chị rít tóp cả má, đầu thuốc kêu xèo xèo, thuốc tồi, mùi khét
lẹt! Trong một thoáng tôi thấy chị đã biến thành một bà già. Chị
cúi đầu, những giọt nước mắt được dính như keo ứa ra, đến nỗi
những con nhặng dính chân không bay được. Có lẽ chị sợ, có lẽ
chị không sợ! Có thể chị căm thù, cũng có thể chị không căm thù!
Khuôn mặt kinh khủng của chị bị trùm lên một lớp sương mù, khiến
người ta không dám nhìn thẳng vào chị. Vốn là người từng trải,
mẹ bảo:
- Kim Đồng, ra mở cổng, không biết phúc hay họa, nếu họa thì có
tránh cũng không xong!
Cánh cổng mở toang, ủy viên Dương ngạo nghễ bước vào mặt vênh
váo ra vẻ ta đây cán bộ công xã. Hắn người nhỏ thó, nhưng cực kỳ
hăng hái, y hệt cái giống của con lừa đực lúc cương cường. Bốn
tên dân quân cũng cáo mượn oai hùm, hạ súng trên vai xuống, vỗ
báng súng bôm bốp. Mẹ nheo mắt nhìn ủy viên Dương từ đầu đến
chân. Hắn có vẻ chờn, húng hắng ho mấy tiếng như con cừu, quay
mặt lại bảo chị Tư:
- Thượng Quan Tưởng Đệ, mời chị đi cùng chúng tôi!
Mấy chục năm qua, nhà Thượng Quan đã quen nghe giọng lưỡi kiểu
này. Đằng sau câu nói ấy là một nội dung tàn nhẫn, gian ác,
chúng tôi còn lạ gì, nó đồng nghĩa với vào nhà giam, ra trường g
bắn. Mẹ hỏi: Sao vậy? Con gái tôi phạm tội gì? Uỷ viên Dương
chống chế:
- Ai bảo con bà phạm tội? Tôi bảo cô ta phạm tội hả? Tôi có nói
cô ta phạm tội đâu, chỉ lôi cô ta đi thôi mà!
Mẹ hỏi:
- Các ông đưa nó đi đâu? Uỷ viên Dương nói:
- Bà hỏi tôi, vậy tôi hỏi ai? Tôi chỉ là thiên lôi, chỉ đâu đánh
đấy, là đầu sai mà thôi?
Mẹ đứng chắn trước mặt chị Tư, kiên quyết:
- Không đi đâu cả, chúng tôi không phạm pháp, không đi đâu cả?
Bốn tên dân quân lại vỗ báng súng bôm bốp. Mẹ nguýt chúng, vẻ
khinh bỉ:
- Đừng vỗ nữa, cái trò ấy tôi nghe mãi rồi, khi bọn Nhật nã đại
bác vào đây, các người còn chưa đẻ kia! Uủ viên Dương đành chịu
nhún, dằn giọng nói:
- Bà ơi, đừng có rượu mời không uống, uống rượu phạt!
Mẹ nói:
- Ăn hiếp mẹ góa con côi thì trời đất không dung!
Chị Tư cười nhạt, đứng dậy:
- Mẹ đừng phí lời với bọn họ! - Chị quay sang bảo Uỷ viên Dương
- Các ông ra trước đi, tôi phải sửa soạn một chút đã!
Tôi đoán chị Tư muốn bắt chước hình ảnh anh dũng hy sinh của cái
liệt nữ, trước khi ra pháp trường tắm gội sạch sẽ, ăn mặc chỉnh
tể. Nhưng có lẽ cũng do thiên tính của chị, bình sinh chị yêu
cái đẹp, không thích đầu bù tóc rối, mặt mũi nhem nhuốc trình
diện thiên hạ. Chị rít mẩu thuốc cho đến khi bỏng tay rồi thổi
phù một cái, khiến sợi thuốc đi một nơi, giấy cuốn đi một ngả -
trò chơi này, Tưởng Đệ rất giỏi - bay đến dưới chân ủy viên
Dương. Động tác này vừa có tính chất khiêu khích vừa có tính
chất đùa cợt. Uỷ viên Dương cúi nhặt mẩu thuốc vẫn còn khói, nét
mặt lộ vẻ lúng túng. Anh ta bảo:
- Cho cô mười phút, nhanh lên!
Chị Tư thủng thẳng đi vào chái đông và ở lì trong đó dễ đến hơn
một tiếng, ủy viên Dương và bốn tên dân quân sốt ruột cứ nháo
nhác lên trong sân. Uỷ viên Dương mấy lần gõ cửa sổ, nhưng chị
Tư im lặng không thèm lên tiếng. Cuối cùng, chị cũng ra. Chị mặc
chiếc áo trông mà rợn người: áo vóc đại hồng, chân đi giày lụa
thêu hoa, cổ đeo chuỗi hạt ngọc, má đánh phấn, môi thoa son, eo
lưng mềm mại như nhành liễu, cặp đùi trắng nõn thấp thoáng sau
tà áo xẻ. Mắt chị ánh lên những tia hung dữ và ngạo nghễ. Chị Tư
mặc đẹp quá khiến trong lòng tôi đầy mặc cảm tội lỗi. Tôi không
có cách nào tha thứ cho mình, chỉ dám nhìn chị một thoáng rồi
gằm mặt xuống. Tôi sinh ra dưới cờ mặt trời, nhưng lớn lên dưới
ngọn cờ đỏ, những người phụ nữ như chị Tư tôi chỉ thấy trên phim
ảnh. Khuôn mặt bé choắt của ủy viên Dương đỏ lụng, bốn tên dân
quân đứng ngây như phỗng. Chúng líu ríu theo sau chị Tư. Trước
khi ra khỏi cổng, chị ngoảnh lại mỉm cười với tôi nụ cười đầy ma
quái, khiến tôi suốt đến không bao giờ quên. Nụ cười ấy còn len
vào trong giấc ngủ của tôi, biến những giấc mơ trở thành ác
mộng. Mẹ thở dài, dàn dụa nước mắt.
Chị Tư được mời đến gian triển lãm giáo dục giai cấp, đứng trước
tủ kính bày những đồ châu báu. Dân Cao Mật phát điên lên, người
ta chen chúc nhau, ngắm chị như ngắm một động vật quí hiếm. Cán
bộ công xã yêu cầu chị khai rõ chị làm thế nào mà bóc lột được
những thứ quí giá như thế. Chị Tư mỉm cười, không trả lời Trên
thực tế, sự xuất hiện của chị Tư, khiến cuộc triển lãm giáo dục
giai cấp ở Cao Mật hoàn toàn mất hết ý nghĩa. Đàn ông đến xem
con điếm. Đám phụ nữ cũng đến xem con điếm. Chị Tư tuy đã hoa
tàn nhị rữa, nhưng lạc đà gầy còn to hơn ngựa, xấu phượng hoàng
còn đẹp hơn gà! Đặc biệt là chiếc áo bằng vóc đại hồng của chị
đỏ rục cả gian triển lãm, trông từ xa tưởng gian phòng phát hỏa,
mẹ kiếp, đúng như mụ Phạm Quốc Hoa từng nói. Chị Tư là người
từng trải, rất thạo tâm lý đàn ông. Chị thi triển thuật làm
duyên, tay cầm hoa lan, đưa mắt tống tình, uốn éo cặp mông, ngửa
đầu sửa tóc, khiến gian triển lãm sôi sục như nước lũ tràn bờ,
ngay cả đám cán bộ công xã cũng nhíu mũi nhăn mày, trông mà
chướng mắt! May mà ông Hồ, bí thư đảng ủy công xã là bậc cách
mạng kỳ cựu, lập trường vững vàng. Ông ta nhảy lên bục, nhằm
giữa ngực chị Tư đấm một quả. Ông ta có sức khỏe, quả đấm của
ông tróc cây bay đá, chị Tư làm sao chịu nổi? Chị lảo đảo rồi
ngã ngửa. Ông bí thư túm tóc dựng chị dậy, cất giọng Giao Đông
nặng trịch chửi:
- Đ. mẹ mày! Dám hành nghề nhà thổ ngay tại triển lãm! Đ. mẹ,
nói, mày đã bóc lột người nghèo như thế nào?
Trong khi bí thư Hồ chửi rủa, các cán bộ công xã thi nhau quát
tháo để tỏ ra mình có lập trường vững vàng. Uỷ viên Dương vung
tay hô khẩu hiệu, nội dung cũng vẫn như mấy năm trước, đại loại:
không quên nỗi khổ giai cấp, nhớ mãi mối thù máu và nước mắt,
vân vân và vân vân. Quần chúng hưởng ứng lèo tèo. Chị Tư mắt nẩy
lửa, luôn miệng cười nhạt. Sau khi bí thư Hồ bỏ tay ra, chị sửa
lại mái tóc rối bù:
- Tôi sẽ nói, tôi sẽ nói, các ông bảo tôi nói gì bây giờ!...
Các cán bộ gầm lên:
- Khai ra, không được giấu giếm!
ánh mắt chị Tư dịu dần, giọt nước mắt long lanh tự nhiên trào ra
rồi rớt xuống vạt áo dài. Chị nói:
- Làm điếm là bán trôn nuôi miệng, kiếm được đồng tiền đâu có
dễ, mụ chủ cưỡng ép, lưu manh làm nhục, chút tài sản này đẫm máu
cả đấy!...
Cặp mắt rất đẹp của chị lại sáng rực lên, nước mắt đã bị ngọn
lửa hong khô, chị nói:
- Các người cướp của mồ hôi của tôi mà vẫn chưa thôi, còn bắt
tôi ra hạ nhục? Người đàn bà như tôi thì có loại đàn ông nào mà
tôi chưa biết? Giặc Nhật tôi đã biết, quan cao chức trọng tôi đã
biết, tiểu thương tiểu chủ tôi đã biết, bọn choai choai trộm
tiền cha mẹ đến gặp tôi, tôi cũng hắt hủi chúng, ai có vú thì
người ấy là mẹ, ai có tiền thì người ấy là chồng!...
Các cán bộ gầm lên:
- Nói cụ thể một chút!
Chị Tư cười nhạt:
- Các ông đấu tranh với tôi là giả vờ đấu tranh, thực ra là muốn
ngắm tôi. Nhưng vướng quần áo khó xem lắm, hôm nay bà cho các
người xem đã mắt!
Chị vừa nói vừa cởi khuy áo nách, phanh vạt, trút bỏ chiếc áo
dài xuống, chị hiện ra trần truồng. Chị gào to:
- Xem đi! Mở mắt ra mà xem! Dựa vào cái gì để bóc lột hả? Dựa
vào cái này, cái này? Kẻ nào trả tiền, bà cho kẻ đó mần! Công
việc này nhàn nhã đấy, mưa không đến mặt, nắng không tới đầu,
ngọt bùi cay đắng, ngày nào cũng là cô dâu, đêm nào cũng động
phòng hoa chúc! Các người có vợ có con gái hãy cho họ làm nghề
này, hãy bảo họ đến gặp bà. Bà sẽ dạy cho họ xướng ca đàn dịch,
bà sẽ dạy họ đủ các mánh khóe để thù tiếp đàn ông, biến họ thành
mỏ vàng của các ngươi, để các người nếm mùi làm đĩ! Thế nào, ớn
rồi hả? ỉu xìu như con c. sau khi xuất tinh rồi hả?
Nghe chị Tư chửi như tát nước vào mặt, cánh đàn ông Cao Mật cách
đó ít phút mắt còn sáng lên, giờ đây vội cúi gầm mặt. Chị Tư ưỡn
ngực, ngạo ngược bảo bí thư Hồ:
- Thưa quan lớn, tôi đếch tin rằng ông không muốn! Trông kìa,
cái gì như tỏi gà đang đội quần ông lên thế kia? Khéo bục quần
ra đấy! Lại đây nào, ông mà không cầm đầu thì ai dám mần? Chị Tư
làm một cử chỉ tục tĩu về phía ông bí thư, vừa ưỡn hai bầu vú
đầy thương tích, vừa tiến lại chỗ ông ta. Ông ta đỏ mặt, lùi
lại. Con người Giao Đông vạm vỡ này toát mồ hôi hột trên khuôn
mặt như đẽo bằng rìu, mớ tóc rễ tre cứng như lông lợn bốc hơi
chẳng khác nồi hấp khi mở vung. Đột nhiên ông ta hộc lên một
tiếng như con chó bị mỏ kìm nung đỏ kẹp trúng mũi nổi điên lên,
nắm đấm thép nện liên tiếp vào đầu vào mặt chị Tư những cú trời
giáng. Chị Tư ngã sóng soài, quăn quại vì đau đớn, mũi và các kẽ
răng rỉ máu.
Bí thư Hồ phạm sai lầm, bị điều đi nơi nào không rõ. Hôm ấy,
lương tâm trỗi dậy trong những người phụ nữ vùng Cao Mật. Họ
nguyền rủa đám cán bộ công xã đã gây tai họa, nguyền rủa cánh
đàn ông của họ. Họ ùa tới, đứng vòng trong vòng ngoài, mặc quần
áo cho chị Tư. Vài người khỏe mạnh cáng chị lúc ấy chỉ còn thoi
thóp, ra khỏi nhà triển lãm, diễu trên đường phố, theo sau là
một đoàn phụ nữ nước mắt ràn rụa và lũ trẻ nét mặt trầm lắng như
ông già. Không ai nói một lời như một cuộc tuần hành biểu dương
sức mạnh đầy bi tráng. Tà áo đỏ như lửa của chị Tư kéo lê trên
mặt đất, chị như một liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Từ hôm đó, chị
Tư trở nên nổi tiếng. Chích máu cho những tâm hồn ngu muội cố
chấp, dùng phương thuốc dĩ độc trị độc, rõ ràng là biến thối nát
thành diệu kỳ, biến bị động thành chủ động. Các bà các chị tốt
bụng, bưng đến bát to bát nhỏ, những muỗng bằng quả bầu, trong
bát là mì sợi, trong muỗng là trứng gà. Họ đến để thăm hỏi chị
Tư. Mẹ xúc động sâu sắc, bà nói rằng chưa bao giờ nhà Thượng
Quan gần gũi dân làng đến thế. Chỉ tiếc là chị Tư sẽ không bao
giờ tỉnh táo trở lại, chị bị chấn thương sọ não vì những quả đấm
thép của bí thư Hồ. |
|