Chị Tám ơi, mỗi khi nghĩ đến chị là lòng em lại
quặn đau, nước mắt như mưa. Chị là chị em cùng bào thai thân
thiết nhất của em, là cây cỏ dại đẹp nhất vùng Cao Mật, không ai
đẹp bằng chị. Vậy mà từ trước tới nay em coi như không có chị.
Chị như một vật thừa, lặng lẽ ngồi một xó. Chị chết rồi, em mới
thấy chị sáng giá, lảm nhảm những lời vô nghĩa để tưởng nhớ chị.
Mái tóc bạch kim của chị óng như tơ dù có những còn chấy ký sinh
ở đó. Mắt chị trong như pha lê mặc dù chị bị mù. Đôi môi chị đỏ
mọng như mào gà trống. Đôi vú chị như cặp vó trắng của con ngựa
hồng. Chị sợ trầm mình trong chum nước thì phiền hà cho mẹ. Chị
sợ chết tại nhà thì hủy hoại thanh danh nhà Thượng Quan. Do vậy
chị ra sông tự tận. Kỳ thực thanh danh nhà Thượng Quan thì...
Người ta có câu Nghèo như ăn mày thì không thể nghèo hơn, quá
nhiều chấy thì không còn thấy ngứa, ai chê trách chị chết trong
chum hay chết ngoài sông. Chị dò dẫm bước ra khỏi nhà. Ngôi nhà
này đã từng lui tới các anh hùng hào kiệt, từng vào ra những kẻ
vô lại, du côn. Ngôi nhà này đã cũ nát quá sức tưởng tượng, chim
én lặng lẽ thò mỏ ra với anh dưới mái hiên, những lời không
thành tiếng của nó là lời chào hỏi qua bộ lông bóng mượt màu lam
ngọc trên cánh én. Chim én ơi, tôi muốn ra bờ sông, én có vui
lòng cùng đi với tôi không? Thế là từng đàn chim én đau xót nhào
lộn trên đầu anh.
Gió Nam lùa trong ngõ hẹp, đó là một mùa xuân đói khát, xác
người chết trong đống cỏ bốc mùi thối. Chị sở dĩ chưa bị chết
đói là nhờ mẹ dùng dạ dày và thực quản làm túi đựng, lấy trộm
lương thực đem về. Tại xưởng xay bột của Tư Mã Khố, công xã nhân
dân tập trung một số phụ nữ đến đẩy cối, cung cấp bột cho công
nhân xây dụng thủy điện Hiệp Sơn. Người điều hành công việc này
có hỗn danh là Mặt Rỗ, tên thật là gì không ai biết. Anh ta là
một phế binh, tóc mai trắng như cước, khuôn mặt hồng hào, khí
sắc rất tốt. Anh ta cầm roi da đứng gác ở cổng nhà xưởng, hứng
lên thì đi dạo bên trong một vòng. Cánh phụ nữ mỉm cười vờ vịt
với anh ta, tán tỉnh anh ta bằng những lời đường mật: Anh Rỗ ơi,
anh quả thật có tấm lòng Bồ Tát. Không, ta không phải Bồ Tát, mà
là sáng mắt sáng lòng, kẻ nào bắt chước mấy con lừa ăn vụng
lương thực, thì đừng trách cây roi của ta vô tình! Cô vợ góa của
nhà họ Thôi bây giờ thì đã già. Cô dụ anh Rỗ bằng cặp vú đã xệ.
Chú Rỗ ơi, chú Rỗ, ra chỗ chuồng ngựa, cháu có chuyện quan trọng
muốn bàn với chú. Trước kia, cô vợ góa nhà họ Thôi là bồ của Tư
Mã Khố, giờ đây hiến thân cho anh Rỗ chẳng khác đem mỡ đến miệng
mèo. Cánh phụ nữ tranh thủ thời cơ lấy trộm đậu hạt và lúa mạch
nhét đầy các túi, ống quần, bít tất, thậm chí cả trong quần lót.
Nhưng những trò vặt ấy làm sao qua được cặp mắt tinh tường của
Mặt Rỗ. Lúc tan tầm, anh ta bắt bỏ hết ra và vung roi cứ nhằm
lưng các bà các cô mà vụt.
- Ăn cắp này! Cho mày ăn cắp này!
Mỗi roi là một lằn máu, đám phụ nữ kêu khóc vang trời, quì la
liệt dưới đất. Cô vợ góa nhà họ Thôi mất công toi, không lay
chuyển được lập trường Mặt Rỗ. Anh ta bảo:
- Công là công, tư là tư, không vì tư mà rối loạn phép công.
Đám phụ nữ không dám giắt trộm vào người, mà chỉ dám ăn vụng mỗi
khi Mặt Rỗ sơ ý, gặp đậu ăn đậu, gặp cao lương ăn cao lương, gặp
tiểu mạch ăn tiểu mạch. Khi ăn vụng còn không dám nhai vì tiếng
nhai ròn như pháo tép. Nuốt chủng thôi, nuốt chửng còn dễ hơn ăn
cắp. Hai thằng trời đánh nhà họ Tư Mã làm sao mua về những thớt
cối lớn đến như thế, y như những quả núi nhỏ. Đám phụ nữ trách
móc, rạp mình xuống mà kéo cối, kịch kịch kịch kịch lúc nhanh
lúc chậm, mồ hôi ròng ròng, bụng sôi ùng ục đầy những hơi là
hơi, bụng trương lên, không dám đánh trung tiện nếu Mặt Rỗ có ở
đấy. Mũi Mặt Rỗ thính như chó nghiệp vụ, ngửi mùi rắm là đoán ra
ngay người nào ăn vụng thứ gì.
Bột chảy rào rào trông như những hạt tuyết khô, tuyết vàng có,
tuyết đỏ có, tuyết năm màu trộn lẫn nước mắt các bà mẹ. Chai nổi
cộm trên vai các bà, chai ở bàn chân cứng như móng guốc sức vật,
nỗi khổ của các bà ngang với nỗi đau của cây thánh giá! Nhưng
vào cái năm ấy, tình hình như thế là còn khá. Mặt Rỗ nói:
- Các mẹ đừng chửi tôi vô lương tâm, các bà ở xưởng bột Sơn Đồn
còn phải đeo rọ miệng kia. Quả vậy, nếu không làm lừa kéo cối
xay thì chị Tám đã chết đói từ lâu, khỏi phải nhảy xuống sông tự
vẫn, Hàn Vẹt cũng chết đói từ lâu, mấy chục năm sau khỏi có cái
Trung tâm nuôi chim Phương Đông, mẹ cả đời ngay thẳng cũng không
khỏi trở thành tên trộm vặt! Hôm ấy trời oi bức, mẹ về nhà bị
nôn. Đến đêm thì trời mưa to, sáng ra, mẹ trông thấy Hàn Vẹt
nhặt những hạt đậu lên ăn. Mẹ chợt nảy ra một ý, từ đó trở đi,
mỗi khi gần tan tầm là mẹ nhân lúc tranh tối tranh sáng, bốc
lương thực mà nuốt như điên, dạ dày căng phồng, cổ họng thẳng
đuỗn. Mẹ quì xuống bên chiếc bồn gỗ đầy nước lã mà nôn, lương
thực, lương thực quí như vàng, thứ lương thực đáng ghét ấy trộn
lẫn với những tia máu và dịch vị dạ dày, cứ thế mà ọe ra. Thực
ra, lương thực xưa nay vốn rất quí, mẹ vĩnh viễn là con người vĩ
đại, cách thức mẹ lấy trộm lương thực cũng độc nhất vô nhị trên
đời, kẻ trộm mà như mẹ cũng sáng giá lắm. Mỗi khi nghĩ đến cái
cảnh mẹ quì xuống nôn thốc nôn tháo cho bằng hết lương thực ra
bồn, là tôi lại ứa nước mắt và thấy máu trong người sôi sục, rất
muốn làm nên sự nghiệp hiển hách để đền đáp công ơn mẹ. Chỉ tiếc
là Thượng Quan Kim Đồng tôi suốt đời treo tư tưởng của mình trên
đầu vú mà lênh phênh đây đó, y hệt chiếc lục lạc vàng chóe. Chị
Tám bị dày vò vì tiếng nôn ọe của mẹ, tuy mù cả hai mắt, nhưng
hình ảnh của mẹ, chị còn thấy rõ hon tôi. Mẹ ơi mẹ, chị sụt sịt
khóc, áp vầng trán mịn màng vào bức tường đen nhẻm, chị nghe
thấy lương thực rơi lõm bõm xuống bồn nước, thánh thót nhưng
không vui tai, chúng như phát đạn ghém bắn vào củ cải đỏ, trái
tim chị Tám chính là củ cải đỏ ấy. Lần đầu tiên mẹ ọe lương
thực, chị Tám còn tưởng rằng mẹ bị ốm. Chị lần ra sân, đau xót
gọi:
- Mẹ ơi, mẹ làm sao thế?
Mẹ không còn thì giờ để trả lời chị, tiếp tục ngoáy chiếc đũa
vào trong họng để nôn. Chị giơ nắm tay mềm mại đấm lưng cho mẹ,
cảm thấy quần áo mẹ ướt sũng vì mồ hôi, chị ngửi thấy một mùi
tanh kinh người trên mình mẹ. Một luồng hơi nóng xông thẳng vào
đáy mắt, thế là chị trông thấy rõ ràng người mẹ gập lại như con
tôm. Mẹ quì gối xuống đất, hai tay vịn mép bồn, hai vai nhô lên,
cổ vươn ra rồi rụt lại, ôi cái đẹp đáng sợ, cái đẹp rùng rợn, ôi
một hình ảnh trang nghiêm? Cùng với tiếng nôn ọe như tiếng sấm,
người mẹ lúc thì co rúm lại, lúc mềm oặt ra như nắm bùn nhão,
cái thứ lương thực chết tiệt ấy quí như vàng ngọc châu báu, từng
hạt từng hạt rơi xuống bồn... Sau đó, dưới ánh sao mờ ảo, mẹ thò
tay vào trong bồn khoắng từng vốc lương thực - hôm ấy là đậu
hoàn - trong tay, bóp mạnh rồi từ từ nhả ra để từng hạt tròn
xoay, vàng rộm, rơi lả tả xuống nước. Mẹ cứ lặp lại mãi một động
tác ấy Mùi nước lạnh trong bồn bị bàn tay thô ráp của mẹ khuấy
động, mùi đậu hoàn xộc vào mũi, mùi tanh tanh của máu như hàng
loạt mũi tên xông thẳng vào tim chị. Chị sắp sửa òa khóc thì
gương mặt mẹ tươi tắn như đóa hoa quì dưới ánh sáng mặt trời ghé
sát chị và giọng mẹ như muôn vỡ ra:
- Con ơi, mẹ con ta được cứu sống!
Lời mẹ khiến chị ứa nước mắt, trước mắt chị lại là màn đêm đen
kịt! Đêm ấy, mẹ lấy nước lã rửa sạch chỗ đậu hoàn ở trong bồn,
lợi dụng tối trời không ai nhìn thấy khói, mẹ ninh một nồi đậu.
Mùi đậu chín như một trận cuồng phong đánh thức Hàn Vẹt. Nó dụi
mắt, liếm môi, hỏi:
- Ngoại ơi, mùi gì thế hở ngoại?
Chị Tám khi ấy đã là một thanh nữ ngoài hai mươi tuổi rồi, chị
không đành lòng ăn đậu nhưng không sao chống lại được, từ lâu
lắm rồi, dạ dày chị chưa hề biết mùi vị của lương thực! Ăn miếng
đầu tiên chị còn áy náy, sau đó thì chị chẳng kịp suy nghĩ gì
nữa. Từ đó, chị mong mẹ về nhà nôn ra lương thực, lại sợ mẹ về
nôn ra lương thực. Dạ dày mẹ đã trở thành cái túi chỉ cần cúi
xuống là dốc ngược ra, khỏi cần ngoáy họng cho buồn nôn. Hàn Vẹt
béo ra, da dẻ chị cũng có vẻ mỡ màng, nhưng mẹ thì gầy đi, dạ
dày mẹ không lưu giữ được bất cứ cái gì nữa. Một hôm, Mặt Rỗ đến
nhà. Chị Tám ngửi thấy mùi mồ hôi của hắn đã biết hắn không phải
người tử tế. Mặt Rỗ cật vấn chị:
- Cô ăn cái gì mà béo tốt thế?
Chị không nói gì, bảo vệ bí mật cho mẹ. Mặt Rỗ sục sạo hồi lâu
ngoài sân, cuối cùng giận dữ bỏ đi.
Chị bảo mẹ:
- Mẹ dừng lấy nữa!
Mẹ nói: - Mẹ đã quyết rồi, mẹ không thể nhìn các con chết đói!
Về sau, không phải hôm nào mẹ cũng ăn trộm được lương thực đem
về. Mẹ nói rằng, Mặt Rỗ đã bắt những người kéo cối đeo rọ vào
miệng. Rọ đan bằng nhành liễu, hình dáng như chiếc bánh màn
thầu, chụp kín cả mũi lẫn miệng, bốn sợi dây buộc ra sau ót. Khi
đeo rọ, Mặt Rỗ đích thân đeo cho từng người. Hắn phát minh ra
loại nút đặc biệt, người khác không thắt và cũng không cởi được
Sau khi đeo rọ, muốn ăn vụng lương thực là điều không dễ dàng
chút nào.
Vào cái mùa xuân đói khát ấy, cảnh tượng ở xưởng xay bột nhà Tư
Mã thật kỳ quặc. Một đoàn phụ nữ gầy như que củi, đầu bù tóc
rối, mặt xanh nanh vàng, miệng đeo rọ đan bằng nhành liễu, vai
khoác dây thừng, tay chống gậy giữ thăng bằng, gò người mà kéo
thớt cối xay nặng chịch, mỗi bước đi lại rướn cổ ra, mổ hôi đầm
đìa, hơi thở hổn hển, mùi lương thực kích thích họ nổi da gà.
Tiếng cối quay lộc cộc ngắt quãng như tiếng sấm xa. Mặt Rỗ tay
cầm roi mây lượn lờ quanh các cối xay, cái chân cụt khiến người
hắn giật cục khi đi lại. Hắn nửa đùa nửa thật phát vào mông các
bà các cô, nói rằng phải nghiêm chỉnh, không được lãn công,
không được lấy cắp. Cô vợ góa nhà họ Thôi bảo:
- Anh Mặt Rỗ ơi, con lừa kéo cối xong còn được nắm cỏ khô, một
muôi đậu đen, huống hồ chúng tôi là con người!
Mặt Rỗ bảo:
- Các người cũng là con người sao? Đàn ông không ra đàn ông, đàn
bà không phải đàn bà!
Cô vợ góa họ Thôi bảo:
- Chúng tôi đói.
Mặt Rỗ bảo:
- Đói sao được các người! Có điều, các bà đã nói vậy, ta cũng
đánh liều phạm sai lầm một lần, chiều nay thưởng cho mỗi người
một cân đậu vàng đem về nấu mà ăn. Nhưng bà lão nhà Thượng Quan
thủ đoạn cao cường thì chắc không cần lấy thưởng! - Mặt Rỗ làm
ra vẻ đã biết tỏng mọi sự - Bà là cao thủ trong chuyện này,
nhưng nể mặt con rể bà là Lỗ Lập Nhân, tôi tha cho bà. Năm xưa,
ông ấy còn là thủ trưởng của tôi kia đấy?
Chị Tám, bình tâm mà xét, thật ra Mặt Rỗ cũng không phải kẻ xấu,
cái ác của anh ra biểu hiện ra ngoài, cái thiện anh ta giấu bên
trong. Nghe nói trong những năm tôi đi tù, anh ta đã mấy bận
giúp đỡ mẹ. Mẹ cõng sọt trên lưng đi khắp hang cùng ngõ hẻm nhặt
phế liệu. Một bận mẹ gặp mưa đá, cục đá to bằng quả trúng gà
khiến mẹ mê man bất tỉnh, may được Mặt Rỗ cõng về túp lều dưới
chân tháp. Mặt Rỗ khi đó là nhân viên tuần tra của thôn, tay cầm
ngọn dáo dạo khắp xó xỉnh, lớ ngớ thế nào bị ngã xuống khe. Anh
ta chết, khi mọi người phát hiện ra thì chim ung đã mổ mất cả
hai mắt, cái oai lúc sinh thời không hiểu bay đi đâu?
Chị Tám đi theo con hẻm mà bây giờ đã bị san phẳng, ngập ngùng
đi lên hướng bắc, bao nhiêu chuyện cũ trở lại trong đầu chị. Chị
không có mắt mà nhìn rõ thế thái nhân tình. Người ta nói rằng,
người mù lòng dạ sáng như gương. Chị mới hai mươi tuổi mà đã ít
lời, hướng về nội tâm, lúc nào cũng xem xét lại con người của
mình. Ăn không đủ no thì chị nghĩ rằng chị là gánh nặng của cả
nhà. Chị mặc quần áo cũ vì mọi người cho rằng mắt chị có sáng
đâu mà biết được mới cũ! Thực ra, người mù cũng rất thích cái
đẹp. Những cái đẹp trong tâm hồn chị, bọn phàm phu tục tử không
bao giờ nhìn thấy. Chị bước trong con hẻm đã từng diễn ra bao
chuyện bi hài, mùi vị của lịch sử xộc lên mũi, tiếng nói của
lịch sử ồ ạt như triều dâng. Vó ngựa quân Nhật, vó ngựa của đội
súng săn, vó la của Tư Mã Khố, vó nào cũng lấp lánh hào quang,
vó nào cũng một phong cách. Bao nhiêu là âm thanh vương vấn trên
ngọn cây. Ngôi nhà của Tôn Câm không có người ở, không sửa chữa
nên đổ nát từ lâu, chỉ còn lại bức trong đất gần kề chân đê. Dựa
vào khứu giác, chị nhằm rất chuẩn bụi cỏ dại giữa vườn rau bỏ
hoang mà lần tới, ngắt một bông diếp dại. Bông hoa màu vàng, mùi
rất thơm. Chị đưa lên mũi ngửi hồi lâu, bỏ vào miệng nhai rồi
nuốt. Chị Tám cũng bí ẩn như người phụ nữ mù trong chum do trận
lụt đưa tới. Người phụ nữ ấy đẻ ra Tư Mã Khố, một con người lạ
lùng quái gở. Bà ta ngồi chum mà đến, cưỡi gió bay đi, sống
không ai thấy mặt, chết không ai thấy xác, lai lịch hoàn toàn
tịt mít, không ai đoán nổi.
Chị Tám trèo lên đê rồi lần xuống mép nước. Nước trong vắt,
trong đầu chị mở ra một màu xanh lưu ly. Làn gió mát thổi bay tà
áo chị, chim én và ong mật bay lượn trên sông, những bụng ong
đầy lông tơ và cánh én mát lanh lướt trên da thịt chị. Chị nín
thở lắng nghe những tia nắng xuyên vào lòng nước, chỉ sợ làm
kinh động giấc mộng mùa xuân. Chị lặng lẽ ngồi xuống mép nước,
nhúng cả mười ngón tay xuống để cảm nhận sự dịu dàng và nghiêm
túc của dòng nước. Vài con cá nhỏ nhả bong bóng ở chỗ nước nông,
những con cua đang bò trên bãi. Trong đầu chị thoáng hiện ra
chiếc thuyền buồm với cánh buồm vá chằng chịt, mái chèo khua
nước rào rào vẩn cả bùn dưới đáy sông. Những người đàn ông trên
thuyền mặc quần vải bạt màu vàng, hát những bài dân ca buồn nẫu
ruột rồi xa dần. Chị khoan khoái rút tay lên để những giọt nước
trên tay rơi trở lại dòng sông, âm hưởng vang lên gấp mười lần.
Chị vục nước rửa mặt sạch sẽ rồi hát khe khẽ: Mẹ ơi mẹ nỡ lòng
nào, gả con cho chú bán dầu, mẹ ơi!... Các chị tôi đều biết hát
bài dân ca buồn buồn đó... Nhưng trong một truyện cổ nổi tiếng
Chàng bán dầu chiếm ả hoa khôi thì chàng bán dầu là con người đa
tình và rất mực hiếu nghĩa, có thể thấy thằng bán dầu đó không
phải chàng bán dầu trong bài dân ca. ở thôn quê có một loại chim
cộc đuôi rất xấu, có tên là Chàng bán dầu. Chàng bán dầu mà các
chị hát có lẽ là loại chim này. Chị Tám vừa hát khe khẽ, vừa cởi
bỏ quần áo mỏng manh trên người vắt lên cành liễu. Thân hình chị
đẹp tới mức khuynh quốc khuynh thành. Cái đẹp của chị liên quan
nhiều hơn đến yếu tố giống lai. Những người nấp trong rặng liễu
nhìn trộm thân hình chị hôm đó chắc chắn là chết không nhắm mắt,
có điều nhìn thấy cảnh đó rồi thì chết cũng cam lòng. Vì người
đẹp mà chết, cái chết nặng tựa Thái Sơn!
Cái đẹp của chị Tám không qua tô điểm, đẹp tự nhiên, chị chưa hề
biết thế nào là trang điểm, càng không biết uốn éo điệu đàng.
Chị là khối tuyết trên đỉnh núi ở châu Nam cực, không hề vẩn
bụi. Trong ngọc trắng ngà, hoa nhường nguyệt thẹn, một cái đẹp
đích thực. Rồi, miệng vẫn hát, chị lần từng bước ra giữa sông.
Nước ngập chân chị, ngập bụng chị, ngập hai gò vú. Đàn cá nhỏ
vui vẻ và cảm động đụng vào đầu vú chị. Hai gò vú làm sáng bừng
mặt nước? Nước ngập hai vai, làm rối mớ tóc dài của chị. Chị vẫn
tiếp tục tiến lên rồi đột nhiên biến mất. Chị trông thấy ở dưới
nước một cảnh tượng lạ lùng mà trên trần thế không bao giờ thấy:
đàn cá rực rỡ nhào lộn chào đón chị, có nước rậm rạp vui mừng
ngả nghiêng, đáy sông mở tiệc dài mươi dặm, quỳnh tương ngọc
dịch, sơn hào hải vị, mùi thơm theo dòng chảy ra đại dương, đại
dương trở nên thơm ngát. Giờ đây tôi mới hiểu, cô Natasa mà tôi
si mê thuở thiếu thời, chính là cái bóng của chị.
Mẹ đi dọc theo đê, vừa đi vừa khóc, tay ôm bộ quần áo chị bỏ
lại. Những năm tháng ấy, chết người là chuyện bình thường, vài
người khuyên nhủ qua loa, mẹ cũng nhân đó mà nín khóc. Mẹ ngồi
trên bờ sông thẫn thờ nhìn dòng nước lạnh ngắt, lẩm bẩm:
- Con nhỏ thấu hiểu mọi nhẽ, nó không muốn là gánh nặng cho mình
nên mới tìm đến cái chết! Con ơi, cả đời con chưa bao giờ được
hưởng phúc, dù chỉ bằng hạt vừng!...
Mặt Rỗ cầm chiếc rọ lên, cười cười, bảo mẹ:
- Nhà Thượng Quan, đeo vào!
Mẹ lắc đầu, nói:
- Anh Rỗ này, tôi chết thì thôi, không đeo nó nữa!
Mặt Rỗ nói: - Đây là nội qui!
Mẹ cầm chiếc rọ, rồi nhẹ nhàng quẳng xuống đất, nói:
- Anh Rỗ, làm ơn đừng ép tôi!
Mặt Rỗ hỏi: - Nhà Thượng Quan, bà dùng cách gì che được mắt tôi
thế!
Mẹ vốc liền mấy vốc đậu vàng trong lòng cối, ngửa cổ nuốt chửng
rồi cúi xuống nôn tất cả ra.
Nôn xong, nước mắt ràn rụa, mẹ nói:
- Tôi định cứu con tôi, không ngờ lại đẩy nó đến chỗ chết!
Mặt Rỗ nói:
- Bà quả không vừa? Không làm thế nữa thì tất cả chuyện cũ coi
như bỏ qua. Mặt Rỗ tôi cũng do cha mẹ sinh ra cả thôi! |
|