Triển lãm giáo dục giai cấp được tổ chức trong
nhà thờ. Từng đoàn dài học sinh vừa bước tới cổng thì như tuân
theo một mệnh lệnh, tất cả cất tiếng khóc. Trường tiểu học Đại
Lan đã mở rộng thành trường tiểu học trung tâm vùng Cao Mật, do
vậy tiếng khóc của mấy trăm học sinh chấn động cả một đường phố.
Hiệu trưởng mới, một phụ nữ trung niên có khuôn mặt khắc khổ,
một nốt ruồi mọc lông ở cằm, đứng trên bậc tam cấp của nhà thờ,
lớn tiếng khuyên các học sinh bằng một giọng không phải vùng Cao
Mật:
- Các em, các em thân mến, các em hãy cố nén?
Bà ta rút khăn mùi soa màu nâu chấm nước mắt và hỉ mũi thật to.
Hàng ngũ học sinh đã ngừng khóc, nối đuôi nhau đi vào nhà thờ,
đứng chen chúc trong một hình vuông vẽ bằng phấn, để chừa một
hành lang dọc theo bức tường. Trên tường treo rất nhiều tranh
bằng bột màu, dưới mỗi bức đều có những câu chú thích.
Bốn cô thuyết minh đứng ở bốn góc tường, trong tay đều cầm thước
kẻ bảng.
Cô thuyết minh thứ nhất là cô Quỳnh Chi, cô giáo dạy âm nhạc của
chúng tôi. Cô bị kỷ luật vì đánh học sinh. Mặt cô hơi tái, ánh
mắt tối sầm trong cặp mắt vốn rất đẹp. Trưởng khu mới vai đeo
súng, đứng trên bục giảng của mục sư Malôa. Cô Quỳnh Chi dùng
thước chỉ vào từng bức tranh, đọc to những hàng chữ chú thích ở
dưới bằng giọng tiêu chuẩn. Hơn mười bức tranh dầu, giới thiệu
địa lý tự nhiên, lịch sử và tình hình xã hội trước giải phóng
của vùng Cao Mật. Sau đó là một tranh vẽ một lũ rắn độc thè lưỡi
đỏ chót, trên đầu mỗi con đều chú một tên người, trong đó con
rắn đeo kính đầu to quá cỡ ghi chú tên bố đẻ Tư Mã Đình và Tư Mã
Khố. Dưới sự bóc lột tàn khốc của những con rắn độc, cô Quỳnh
Chi đọc một cách trơn tru và vô cảm nhân dân Cao Mật sống trong
cảnh nước sôi lửa bỏng, cuộc đời như trâu ngựa. Cô chỉ một bức
tranh vẽ một bà già mặt như mặt lạc đà, tay khoác chiếc làn rách,
lê cây gậy đánh chó, bám vạt áo bà già là một bé gái gầy như một
con khỉ, góc bên trái bức tranh vẽ những nét phẩy màu đen và
những lá cây khô quắt, biểu thị gió rét căm căm. Rất nhiều gia
đình tha phương cầu thực, sống kiếp ăn mày, bị chó nhà địa chủ
cắn, máu me đầm đìa Cô Quỳnh Chi vừa nói vừa giơ thước chỉ một
tranh khác: Hai cánh cổng đen sì hé mở, phía trên cổng là tấm
biển khắc ba chữ vàng Phục Sinh Đường. Từ chỗ khe cửa, ló ra cái
đầu đội mũ quả dưa chỏm đỏ, tất nhiên đó là tên địa chủ tác oai
tác phúc trong vùng. Điều kỳ lạ là tên địa chủ được vẽ với khuôn
mặt trắng như mâm bột, mắt sáng như sao, không đáng ghét mà còn
đáng yêu. Một con chó vàng to bự đang cắn xé một em trai. Lúc
này, một nữ sinh bắt đấu sụt sịt khóc, bạn ấy người thôn Sa Khẩu,
là một cô gái mười bảy mười tám, năm nay mới học lớp hai. Các
học sinh tò mò nhìn cô ta, cố hiểu vì sao cô khóc. Một người
trong đám học sinh vung tay hô khẩu hiệu làm đứt đoạn lời thuyết
minh của cô Quỳnh Chi. Cô chống thước, kiên nhẫn chờ đợi. Cái
người hô khẩu hiệu kia cất giọng ồm ồm gào khóc, nhưng mắt thì
ráo hoảnh, lòng trắng đầy những tia máu. Tôi liếc nhìn các bạn
học đứng bên cạnh, họ đều khóc rất to, khóc như thủy triều, đợt
sau tiếp theo đợt trước. Ông hiệu trưởng đứng ở một chỗ nổi bật,
che toàn bộ khuôn mặt bằng chiếc khăn tay màu nâu, tay trái nắm
lại đấm thình thịch vào ngực. Thằng Trương Trung Quang đứng bên
cạnh tôi, mặt bôi đầy nước dãi, hai tay luân phiên đấm vào ngực,
không hiểu nó căm thù hay đau xót? Gia đình nó được qui là cố
nông, nhưng ở chợ Đại Lan trước ngày giải phóng tôi thường gặp
con trai của vị cố nông này đi theo cha nó kiếm ăn bằng nghề cờ
bạc, hai tay bê một gói thịt lợn quay gói bằng lá sen tươi, mỗi
bước lại ngoạm một miếng, mỡ lợn dính đầy hai bên mép và cả trên
trán nó. Khi ngoạm miếng thịt, miệng nó há rất to, dãi dớt chảy
xuống tận cằm. Bên phải tôi là một đứa con gái phốp pháp, hai
bàn tay đều có ngón thừa mọc ở phía ngoài ngón tay cái. Hình như
tên nó là Đỗ Tranh Tranh, nhưng chúng tôi đều gọi nó là Đỗ Lục
Lục. Nó hai tay ôm mặt, tiếng khóc cục cục như chim câu mới ra
ràng, hai ngón tay thừa ve vẩy như đuôi lợn con, hai ánh mắt
thâm hiểm lọt qua kẽ tay. Thật tình, tôi trông thấy rất nhiều
bạn học khóc thật sự. Mọi người rất quí những giọt nước mắt,
không ai nỡ lau đi. Tôi quả thực rặn không ra một giọt nước mắt
và không thể hiểu chỉ mấy bức tranh nguệch ngoạc khiến các bạn
học đau xót đến thế? Để không bị lộ, vì tôi thấy đã mấy lần Đỗ
Lục Lục đưa mắt về phía tôi, vẻ dò xét. Nó thù tôi đến tận xương
tủy, tôi biết thế. Nó với tôi ngồi cùng một ghế trong lớp học
ban đêm, nó đã từng đưa bàn tay sáu ngón của nó sờ đùi tôi,
trong khi miệng nó vẫn đọc theo sự chỉ dẫn của cô giáo. Khi đó,
tôi hốt hoảng đứng lên, bị cô giáo phê bình vì làm mất trật tự
trong giờ học. Tôi nói rõ sự việc, tất nhiên đó là một cử chỉ
hèn hạ, vì đã là thằng đàn ông thì không nên từ chối những cái
ve vuốt của phụ nữ, mà dù có từ chối thì cũng không nên tố cáo
trước đám dông. Đây là điều mà mấy chục năm sau tôi mới nhận
thức được, thậm chí tôi còn cảm thấy hối hận, sao mình lại không..
Nhưng khi đó, hai ngón tay thừa trông giống hai con tằm béo múp
míp khiến tôi sợ quá, mất hết hứng thú. Những lời tố cáo của tôi
khiến nó chỉ thiếu nước độn thổ, may mà đang giờ ôn tập buổi tối,
ánh đèn mờ mờ, khoảng sáng trước mặt mọi người chỉ bằng quả dưa
hấu. Nó gục đầu xuống ngực, phía sau nổi lên tiếng cười dâm đãng
của bọn con trai. Nó biện bạch:
- Tôi không cố ý, tôi tìm cái tẩy để mượn!...
Tồi tệ hết chỗ nói, tôi bảo:
- Không, bạn ấy cố ý véo đùi tôi?
- Kim Đồng, thôi không nói nữa? - Cô Quỳnh Chi dạy nhạc kiêm dạy
ngữ văn nghiêm giọng nẹt tôi.
Từ đó, tôi trở thành kẻ thù của Đỗ Tranh Tranh. Một bận, tôi
thấy một con thạch sùng chết trong cặp, tôi nghi là Đỗ Tranh
Tranh nhét vào. Hôm nay, trong khung cảnh trang nghiêm này mà
trên mặt tôi không có nước mắt hoặc nước bọt sùi ra mép thì vấn
đề trở nên nghiêm trọng vô cùng. Nếu như Đỗ Tranh Tranh có ý
định trả thù... hậu quả sẽ không thể lường được. Tôi giơ hai tay
ôm mặt, há miệng giả vờ khóc nhưng cũng không làm sao mà khóc
được.
Cô Kỷ Quỳnh Chi bỗng cao giọng át cả những tiếng khóc, giai cấp
địa chủ phản động sống phè phỡn. Một Tư Mã Khố đã lấy bốn vợ! -
cây thước trong tay cô gõ bồm bộp trên bức tranh vẽ. Tư Mã Khố
đầu sói mình gấu, hai cánh tay dài ngoằng đầy lông lá đen sì ôm
lấy bốn con yêu tinh: hai con bên trái đầu người mình rắn; hai
con bên phải đều mọc đuôi vàng như đuôi sóc, phía sau lúc nhúc
một đám tiểu yêu, rõ ràng là lớp con cháu của Tư Mã Khố. Thằng
Tư Mã Lương, người anh hùng mà tôi tôn thờ, chắc cũng trong số
này, vậy tiểu yêu nào là Tư Mã Lương? Phải chăng là con miêu
tinh có hai tai mèo hình tam giác ở trước trán? Phải chăng là
con tinh chuột mặc áo đỏ, giơ hai vuốt trước bé xíu? Tôi cảm
thấy ánh mắt thâm hiểm của Đỗ Tranh Tranh lại liếc về phía tôi
Vợ thứ tư của Tư Mã Khố - cái thước của cô Quỳnh Chi chỉ vào
người đàn bà có đuôi hồ ly - người ấy chính là chị Hai Chiêu Đệ
của tôi - cất giọng rất cao nhưng không một chút biểu cảm, nói-
Nó ăn chán sơn hào hải vị, cuối cùng chỉ thích ăn da của chân gà
trống choai. Vì sở thích này mà gà trống bị giết chất đống trong
nhà Tư Mã Khố.
Bịa đặt? Chị Hai tôi ăn da gà hồi nào? Chị Hai không biết ăn
thịt gà, càng không có chuyện gà chết chất đống trong nhà Tư Mã
Khố! Tôi đang nhớ lại cảnh mình bị đánh đập tàn nhẫn, định mượn
chuyện đó để rặn ra một ít nước mắt. Nghĩ đến chuyện mẹ bị thằng
Ngụy Sừng Dê thúc khuỷu tay ngã ngửa, sống mũi tôi cay cay và
nước mắt tự nhiên ứa ra. Họ nhục mạ chị Hai khiến tôi căm phẫn
và thấy oan uổng quá, cũng làm tôi chảy nước mắt. Vậy là nước
mắt của tôi hàm nghĩa rất phúc tạp, tôi chùi ngay không thương
tiếc, nhưng nó vẫn tiếp tục ứa ra.
Phần thuyết minh của cô Quỳnh Chi đã xong, cô lui sang bên mà
thở, vẻ mệt mỏi. Tiếp theo là cô giáo Sái mới từ tỉnh điều về.
Cô có khuôn mặt nhẹ nhõm, giọng trong vắt, chưa nói câu nào đã
nước mắt ràn rụa. Phần này có tiêu đề nảy lửa: Tội ác tày trời
của bọn Hoàn Hương Đoàn. Như lúc dạy học sinh tập đọc, cô dùng
thước chỉ lần lượt từng chữ trên tiêu đề. Bức tranh thứ nhất:
Góc trên bên phải là một đám mây đen lấp ló vầng trăng lưỡi
liềm, góc trên bên trái là những lá khô kéo theo những phẩy đen,
nhưng đây là chỉ gió thu chứ không phải gió đông. Và dưới trời
mây và vầng trăng ấy gió thu hiu hắt ấy, Tư Mã Khố - ở đây là
con sói khổng lồ đi đứng như người - ngoác miệng nhe hàm răng
lởm chởm, thè lưỡi đỏ lòm máu nhỏ giọt, mặc quân phục, dây đạn
đeo chéo, từ ống tay áo rộng thùng thình thò ra lưỡi dao bầu sút
mẻ vì đâm chém nhiều. Đó là tay trái. Tay phải cầm khẩu
pạc-hoọc, mũi súng tóe lửa chứng tỏ đang bắn. Tư Mã Khố không
mặc quần, vạt áo dài trùm mông chỉ để lộ một cái đuôi sói to
tướng dài quết đất. Hai chân được vẽ rất thô không cân xứng với
phần trên, không giống chân sói mà to như chân trâu, có điều,
không phải móng guốc mà là nanh vuốt của loài sói. Sau lưng là
một bầy thú vật hung hãn, kinh tởm, một con rắn đeo kính cổ cất
cao, lưỡi đỏ chót. - Đây là Thương Hi Lộ, tên phú nông phản động
ở thôn Sa Lương - Cô Sái dùng thước chỉ vào đầu con rắn đeo kính
nói: - còn đây là... - cô chỉ vào con chó hoang - tên địa chủ ác
bá Đỗ Kim Nguyên ở thôn Sa Khẩu. Tất nhiên Đỗ Kim Nguyên cũng
kéo lê cây gậy dính đầy máu. Bên cạnh hắn là tên đầu gấu Hồ Nhật
Khuê ở thôn Vương Gia Khưu. Tên này cơ bản vẫn là hình người,
chỉ có khuôn mặt dài ngoằng như mặt lừa. Tên phú nông phản động
Mã Thanh Vân ở đồn Hai Huyện thì vụng về như một con gấu. Tóm
lại, cả một bầy thú dữ, tay cầm vũ khí, hùng hổ kéo vào Cao Mật.
Bọn Hoàn Hương Đoàn đã tiến hành một cuộc trả thù đẫm máu, chỉ
trong mười ngày, bằng những thủ đoạn không thể tưởng tượng nổi,
chúng đã giết chết một ngàn ba trăm tám mười tám người - Cô Sái
vừa nói vừa chỉ vào bức tranh, nơi có một đám lổn nhổn chứng tỏ
người bị giết.
Các học sinh lại bùng lên một trận gào khóc. Tiếp theo là những
bức tranh có cả hình vẽ lẫn ghi chú, trình bày như một cuốn từ
điển về hình phạt tàn khốc. Mấy bức đầu là những phương pháp
truyền thống như chặt đầu, xử bắn. Những bức sau là những hình
thúc mới. - Đây là chôn sống - cô Sái chỉ vào một bức nói. Qua
cách gọi cũng hiểu, chôn sống là đem chôn người đang sống. Một
cái hố rất to, mấy chục người mặt vàng như nghệ đứng dưới hố,
trên miệng hố lại là Tư Mã Khố đang chỉ huy bọn Hoàn Hương Đoàn
lấp đất.
- Theo lời tố cáo của bà Quách... - cô Sái đọc dòng chữ chú
thích bên dưới - bọn phỉ Hoàn Hương Đoàn khi chôn người đã mệt,
chúng bắt những nạn nhân tự đào huyệt để chôn lẫn nhau. Đất lấp
đến ngực là không thở được nữa, ngực như vỡ tung, máu dồn lên
đầu. Lúc này, bọn Hoàn Hương Đoàn nhằm vào những cái đầu mà nổ
súng, máu trộn lẫn với óc vọt cao hàng thước.
Trên bức tranh, một cái đầu nhô trên mặt đất máu vọt cao tận mép
trên của tranh rồi tỏa ra như những hạt anh đào, rơi xuống. Cô
Sái mặt nhọt nhạt, hình như cô bị chóng mặt, tiếng khóc của học
sinh rung chuyển cả mái nhà, nhưng cho đến khi đó, mắt tôi vẫn
ráo hoảnh.
- Theo thời gian ghi chú trên tranh, khi Tư Mã Khố dẫn bọn Hoàn
Hương Đoàn trở lại vùng Cao Mật tiến hành cuộc đại tàn sát, thì
gia đình tôi cùng với các cán bộ cách mạng và những phần tử tích
cục rút lên miền duyên hải đông bắc. Tư Mã Khố mà tàn bạo đến
như vậy sao?...
Cô Sái quả thực đã ngất xỉu, đầu cô tựa vào cái hố chôn người
trong tranh, nơi vẽ một Hoàn Hương Đoàn đang cầm xẻng lấp đất
trông như định lấp đầu cô. Mặt cô đẫm mồ hôi, cô từ từ trượt
theo tường, đầu miết trên bức tranh khiến nó bật cả đanh ghim
rơi phủ lên đầu cô, vôi vữa trên tường rơi xuống từng mảng.
Trước sự kiện đột ngột này, các học sinh nín bặt. Vài cán bộ khu
chạy tới khênh cô Sái đi. Ông trưởng khu, một trung niên có cái
bớt chiếm nửa mặt, thân hình cân đối tay giữ khẩu pạc-hoọc kè kè
bên hông, giọng nghiêm nghị:
- Các em học sinh, các đồng chí, sau đây chúng tôi mời bà Quách
kể lại những gì bà đã trải qua. Đi mời bà Quách? - Ông ta bảo
mấy cán bộ trẻ của khu.
Cán bộ khu chạy như bay qua chiếc cửa nhỏ thông sang phòng ở của
mục sư Malôa.
Một sự im lặng khác thường, im lặng đến khó chịu. Mọi người dán
mắt vào cánh cửa sơn đỏ đã phai màu, như đang đợi một diễn viên
nổi tiếng ra sân khấu. Im lặng, im lặng, rồi đột nhiên sự im
lặng bị phá vỡ, một giọng khóc dài lê thê từ trong vườn vọng ra,
các học sinh gào khóc theo. Hai cán bộ dùng mông đẩy cánh cửa
dìu bà lão đi vào. Bà Quách tóc đã hoa râm, bịt miệng bằng chiếc
khăn rách, mặt ngửa lên, khóc như không còn thiết sống. Mọi
người khóc theo đến năm phút. Bà Quách bỏ khăn bịt miệng ra lau
mặt, kéo lại vạt áo cho ngay ngắn, nói:
- Các cháu đừng khóc nữa, người đã chết thì khóc cũng không sống
lại được, người sống thì phải tiếp tục sống!
Các học sinh ngưng khóc nhìn bà. Bà cảm thấy hơi bị gò bó, tâm
trí hoảng loạn, nói:
- Nói gì bây giờ? Chuyện đã qua, không nói là hơn.
Bà định bỏ đi, nhưng chủ nhiệm phụ nữ thôn Sa Lương là Cao Hồng
Anh ngăn lại:
- Bác ơi, bác đã đồng ý rồi cơ mà! Sao bây giờ lại giở chứng?
Rõ ràng là Cao Hồng Anh không bằng lòng. Trưởng khu đấu dịu,
nói:
- Bác kể bọn Hoàn Hương Đoàn chôn sống người như thế nào để giáo
dục các cháu đừng quên quá khứ. Quên quá khứ đồng nghĩa với phản
bội, đồng chí Lênin đã nói vậy. Đồng chí Lênin cho tôi nói thì
tôi nói vậy.
- Đêm ấy là một đêm trăng tròn, có thể ngồi thêu dưới ánh trăng.
Trăng sáng đến như vậy quả ít thấy. Hồi còn nhỏ nghe người già
nói có một năm loạn lạc trăng cũng sáng như hôm nay. Tôi không
sao ngủ ngon giấc, cảm thấy sắp có chuyện xảy ra. Tôi định đến
nhà bà Phúc Thắng ở ngõ tây để mượn cái mẫu giày, nhân tiện bàn
với bà ta về chuyện lấy vợ cho con trai. Tôi có một đứa cháu gái
đã đến tuổi lấy chồng. Tôi vừa ra khỏi cửa thì trông thấy thằng
Sư tử tay cầm đại đao sáng quắc áp giải vợ Tiến Tài, mẹ Tiến Tài
và hai đứa con của Tiến Tài, đứa lớn là con trai, khoảng bảy tám
tuổi, đứa nhỏ là con gái, chỉ nhỉnh hơn hai tuổi. Đứa lớn đi
cùng bà, sợ quá khóc ti tỉ, đứa nhỏ thì vợ Tiến Tài bế trên tay,
cũng sợ quá khóc ti tỉ. Tiến Tài lệch hẳn một bên vai do bị chém
một nhát dao, máu mẹ đầm đìa, nhìn mà phát khiếp. Đi sau thằng
Sư tử còn có ba người đàn ông cao lớn trông có vẻ quen quen, đều
cầm dao trong tay, mặt hầm hầm. Tôi định lánh mặt nhưng đã muộn,
thằng con hoang Sư tử đã trông thấy tôi. Tôi với mẹ hắn là chị
em họ. Nó hỏi:
- Có phải dì Quách đấy không?
Tôi hỏi: - Sư tử, anh về khi nào thế?
Nó nói:
- Đêm qua.
Tôi hỏi:
- Anh đang làm gì vậy?
Nó nói:
- Không làm gì cả, thu xếp chỗ ngủ cho gia đình này!
Tất nhiên tôi hiểu nói như vậy là có nghĩa xấu, bèn nói:
- Sư tử, đều là hàng xóm láng giềng, thù oán gì mà phải đến nỗi
như thế?
Nó nói:
- Không thù oán gì, bố tôi với nó không thù không oán, bố tôi
với bố nó còn là anh em kết nghĩa. Vậy mà nó vẫn treo cổ bố tôi
lên cành cây, tiêu tiền âm phủ.
Mẹ Tiến Tài nói:
- Cháu ơi, người anh em của cháu nhất thời mê muội, xin cháu nể
mặt già này mà tha cho nó, già này lạy cháu đấy!
Tiến Tài nói:
- Mẹ, không việc gì phải lạy, không cần xin xỏ nó?
Sư tử nói:
- Được, Tiến Tài, mày dáng mặt thằng đàn ông, không hổ là Đội
trưởng dân quân!
Tiến Tài nói:
- Mày không còn nhảy múa được mấy bữa nữa đâu!
Sư tử nói:
- Mày nói đúng, tao cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng nữa là cùng,
nhưng đối phó với gia đình mày, tao chỉ cần đêm nay là đủ!
Tôi mượn thế người già, bảo Tiến Tài:
- Sư tử à, anh tha cho gia đình Tiến Tài nếu không, già không
coi anh là cháu nữa đâu?
Sư tử vằn mắt lên:
- Mẹ kiếp, ai là cháu của mụ? Đừng có nhận vơ! Năm xưa ta lỡ dẫm
chết con gà nhép của mụ, vậy mà mụ vụt gậy vào đầu ta.
Tôi nói: - Sư tử, anh không phải giống người!
Hắn quay lại nói với ba thằng kia:
- Anh em, hôm nay giết bao nhiêu rồi nhỉ?
Một thằng nói:
- Tính cả gia đình nhà này là chín mươi chín người!
- Này bà dì bắn moóc-chê không tới kia, phiền bà bổ sung vào cho
đủ một trăm?
Tôi run lên cầm cập, thằng con hoang này định giết tôi. Tôi bỏ
chạy nhưng chạy đâu cho thoát chúng nó. Thằng Sư tử không thân
không sơ với ai hết. Nó nghi vợ nó tằng tịu với người khác, bèn
đánh bẫy lựu đạn ở bếp. Sáng hôm sau mẹ nó dậy sóm xúc tro bếp,
lựu đạn nổ, chết liền. Tôi quên bẵng chuyện này nên mới lắm
điều, vậy là thiệt vào thân! Chúng nó dẫn cả nhà Tiến Tài và tôi
đến bãi cát. Một thằng trong bọn đang đào hố chôn người. Cát dễ
đào, chẳng mấy chốc đã xong. ánh trăng vằng vặc nhìn rõ mọi vật,
những cọng cỏ, những bông hoa tí xíu, những con kiến, trông thấy
tất. Thằng Sư tử đến bên miệng hố xem xét rồi bảo:
- Anh em, đào sâu chút nữa, Tiến Tài nó cao đấy! Tên kia lại đào
thêm, cát ẩm được tiếp tục hất lên.
Sư tử hỏi:
- Tiến Tài, mi có nói gì không?
Tiến Tài nói:
- Sư tử, tao không xin xỏ mày, tao đã giết bố mày. Tao không
giết thì người khác cũng giết!
Sư tử nói:
- Bố tao ăn nhịn để dành được ít tiền buôn tôm cá cũng như bố
mày, dành dụm tậu được mấy mẫu ruộng. Bố mày không gặp may, bị
kẻ cắp lấy sạch, không còn đồng nào. Tao hỏi mày, vậy bố tao có
tội gì?
Tiến Tài nói:
- Tậu ruộng, tậu ruộng là có tội.
Sư tử nói:
- Mày nói thực lòng tao xem nào, ai không muốn có ruộng?
Tiến Tài nói:
- Mày đừng hỏi tao làm gì, có hỏi tao cũng không trả lời được
Huyệt đào xong chưa?
Tên đào huyệt nói:
- Xong rồi!
Tiến Tài không nói gì, nhảy xuống, hố sâu đến cổ. Tiến Tài nói:
- Sư tử, tao phải hô khẩu hiệu!
Sư tử nói:
- Mày cứ hô. Tao với mày là bạn từ thời mặc quần thủng đít nên
mày được ưu đãi đặc biệt, mày muốn hô gì thì hô.
Tiến Tài nghĩ một thoáng rồi giơ cánh tay không bị thương lên,
hô to: Đảng Cộng sản muôn năm! Đảng Cộng sản muôn năm, đảng Cộng
sản muôn muôn năm!. Hô ba lần rồi thôi. Sư tử hỏi:
- Không hô nữa à?
Tiến Tài nói:
- Không hô nữa!
Sư tử nói: - Hô nữa đi, giọng mày khỏe đấy?
Tiến Tài nói:
- Không hô nữa, chỉ hô ba lần là đủ rồi?
Sư tử nói:
- Vậy thì thôi! Nào bác - nó đẩy mẹ Tiến Tài một cái - xuống đi!
Mẹ Tiến Tài quì sụp xuống lạy Sư tử. Sư tử giằng lấy chiếc xẻng
trong tay tên đào huyệt, và chỉ một nhát, hất bà già xuống hố.
Những tên kia cũng đẩy vợ con Tiến Tài xuống. Bọn trẻ khóc inh
ỏi, vợ Tiến Tài cũng khóc. Tiến Tài nổi giận nói: Đừng khóc,
ngậm miệng lại, đừng để xấu mặt tôi? Vợ con anh ta ngừng khóc.
Một tên chỉ vào tôi, hỏi Sư tử:
- Tiểu đội trưởng, mụ này tính sao? Có chung một hố không?
Không đợi Sư tử trả lời, Tiến Tài đã quát to dưới hố:
- Sư tử, đã nói là cả nhà ta một hố, mày đừng cho ai xuống nữa.
Sư tử nói:
- Tiến Tài, mày yên tâm, tao hiểu ý của mày. Cho mụ già... - Sư
tử bảo tên kia - nói anh em, chịu khó đào hố khác cho mụ!
Bốn tên chia làm hai tốp, tốp đào huyệt cho tôi, tốp lấp huyệt
gia đình Tiến Tài.
Con gái Tiến Tài khóc:
- Mẹ ơi, cát đầy mắt con...
Vợ Tiến Tài kéo vạt áo chụp lên đầu con gái. Nó giãy giụa định
trèo lên lại bị chúng dùng xẻng hất xuống. Đứa con trai thì khóc
ầm lên. Mẹ Tiến Tài ngồi thụp xuống nên bị lấp rất nhanh. Bà hổn
hển chửi: - Cộng sản ơi là cộng sản, mẹ con tôi là chết trong
tay các ông!
Sư tử nói:
- Sắp chết mới sáng mắt ra! Tiến Tài! Chỉ cần mày hô Đả đảo đảng
Cộng sản là tao để lại cho nhà mày một người làm giống, sau này
còn có người hương khói trước mồ.
Mẹ và vợ Tiến Tài vội giục:
- Hô đi, Tiến Tài, hô mau lên!
Tiến Tài mặt đầy cát, giương cặp mắt tròn xoe đáng mặt một trang
hảo hán, nói: - Không, tao không hô, tao vừa hô Đảng Cộng sản
muôn năm, bây giờ lại hô Đả đảo Đảng Cộng sản sao được?
- Được lắm, khí phách đấy. - Sư tử tỏ vẻ thán phục rồi giằng lấy
chiếc xẻng từ tay đồng bọn, xúc lia lịa.
Bà mẹ Tiến Tài không thấy động cựa gì nữa. Vợ Tiến Tài thì cát
đã lấp đến cổ, đứa con gái đã bị lấp kín từ lâu, đứa con trai
còn hở cái chỏm đầu, hai tay vung loạn xạ. Máu rỉ ra từ lỗ mũi
và lỗ tai vợ Tiến Tài, miệng há hốc kêu ằng ặc thê thảm quá, thê
thảm quá!
Sư tử dừng tay xẻng, hỏi Tiến Tài:
- Thế nào?
Tiến Tài thở như trâu, đầu nở ra như một cái sọt, trả lời:
- Sư tử, dễ chịu lắm!
Sư tử tức điên lên: không một câu tỏ ra yếu đuối thốt ra từ
miệng Tiến Tài! Hắn vớ lấy xẻng xúc lia lịa. Lấp đầy rồi, không
còn trông thấy vợ con Tiến Tài đâu nữa, nhưng cát vẫn đang
chuyển động, họ chưa chết hẳn. Cái đầu to tướng của Tiến Tài vẫn
chưa bị lấp kín, trông dễ sợ. Anh không còn nói được nữa, khóe
mắt và lỗ mũi rỉ máu, các mạch máu trên đầu nổi lên như những
con tằm. Sư tử như con choi choi, dẫm cho cát lèn chặt. Hắn ngồi
xổm trước đầu Tiến Tài hỏi:
- Người anh em, bây giờ thấy thế nào? Tiến Tài không trả lời
được nữa. Sư tử búng ngón tay vào đầu Tiến Tài, hỏi đồng bọn:
- Các anh em, có ăn óc người không? Bọn kia trả lời:
- Ai dám ăn cái của ấy, lợm giọng chết!
Sư tử nói:
- Có người ăn đấy, đó là chi đội trưởng Trần, ăn kèm tương ớt và
gừng thái chỉ, ăn như người ta ăn óc đậu.
ên đào huyệt bảo Sư tử:
- Huyệt đào xong rồi đấy! Sư tử đến bên miệng huyệt ngó một cái,
quay lại bảo tôi:
- Bà dì xem qua cái huyệt tôi chuẩn bị cho dì đã được chưa?
Tôi nói: - Anh Sư tử, anh hãy rủ lòng thương mà tha cho cái mạng
già này!
Sư tử nói:
- Già rồi, còn sống để làm gì? Với lại, tha cho dì thì lấy ai bù
vào cho đủ con số một trăm?
Tôi nói:
- Nếu vậy thì anh chém đầu tôi, đừng chôn sống, tội lắm!
Thằng con hoang ấy nói:
- Chịu tội sống thì khi chết mới lên thiên đàng!
Thằng khốn đó đá tôi ngã xuống huyệt. Lúc này một đám người ồn
ào đi tới, dẫn đầu là Tư Mã Khố, ông Hai nhà Phúc Sinh Đường.
Tôi từng hầu hạ vợ ba của ông ta, nghĩ bụng: Cứu tinh đến rồi?
Tư Mã Khố chân đi ủng khệnh khạng bước tới. Mấy năm không gặp,
ông ta già đi nhiều. Ông ta hỏi:
- Ai đấy?
Sư tử nói: - Tôi đây ạ, Sư tử đây!
- Anh đang làm gì ở đây - Chôn người!
- Chôn những ai rồi? - Gia đình Tiến Tài, đội trưởng dân quân
thôn Sa Lương!
Tư Mã Khố bước tới, hỏi:
- Dưới hố kia là ai?
- Ông Hai, cứu già mấy! - Tôi nói - già từng hầu hạ bà Ba, già
là vợ nhà Quách đây ạ!
- Thế ra là bà hả? Sao bà lại rơi vào tay Sư tử?
- Già chót nhiều lời. Ông Hai, xin ông rủ lòng thương!
Tư Mã Khố bảo Sư tử:
- Tha cho bà ấy! Sư tử nói:
- Thưa đại đội trưởng, tha thì không đủ con số một trăm.
Tư Mã Khố nói:
- Đừng lệ thuộc vào con số, đáng giết mới giết, không đáng giết
thì đừng?
Tên đào huyệt đưa lưỡi xẻng xuống cho tôi bám rồi kéo lên. Nói
gì thì nói, Tư Mã Khố là con người còn biết lẽ phải, nếu không
có ông ta thì già đã bị thằng súc sinh Sư tử chôn sống rồi!
Các cán bộ khu vừa lôi vừa đẩy bà Quách đi nơi khác. Cô giáo Sái
mặt tái nhợt, cầm thước trở lại vị trí cũ tiếp tục thuyết minh.
Mặc dù cô vẫn nước mắt lưng tròng, mặc dù giọng cô vẫn thê thảm,
nhưng các học sinh không ai khóc nữa. Tôi nhìn xung quanh, những
người vừa nãy dậm chân đấm ngực, giờ đây trên khuôn mặt họ chỉ
còn là sự mệt mỏi và sốt ruột. Những bức tranh sặc mùi máu, giờ
đây khô khốc vô vị như chiếc bánh nướng khô để lâu ngày. So với
sự hiện diện đầy tính thuyết phục của bà Quách, thì những bức
tranh sao mà giả dối, sao mà thiếu cảm tình! Trong đầu tôi cứ
lởn vởn hình ảnh vầng trăng sáng như bạc, cái đầu to tướng của
Tiến Tài trên mộ huyệt và thằng Sư tử với bộ mặt hung hãn như
con mèo rừng. Những hình ảnh đó sao mà sống động, còn những bức
tranh thì như những chiếc bánh tráng ngâm nước lâu ngày. |
|