Khi Hạ Lỗi trở về, cảnh nhà họ Khang rối tung.
Ông bà Bỉnh Khiêm không màng chuyện tiếp đón vợ chồng họ Sở,
mà chỉ lo chạy chữa cho Hạ Lỗi trước tiên. Mộng Phàm vừa trông
thấy Hạ Lỗi đã khóc òa nói:
- Anh làm sao như vậy? Vừa rách nát quần áo, vừa dơ bẩn lại bi
chảy máu, anh báo hại cả nhà đổ xô vào rừng tìm anh. Anh hư
lắm. Tại sao khi không lại đòi trở về Đông Bắc? Anh không biết
là ở đấy vừa có chó sói, vừa có cọp, lại có cả bọn cướp nữa.
Vậy mà tại sao anh lại đòi về? Cha em đã là cha nuôi của anh
rồi, mẹ em cũng là mẹ anh. Đâu có ai xua đuổi ghét bỏ anh đâu?
Mộng Phàm vừa khóc vừa nói. Cô bé có vẻ giận vừa tủi thân. Cái
thái độ trách hờn của nó, những giọt nước mắt của nó đối với
tuổi mới lớn của Hạ Lỗi, là cả một vết tích mới mẻ nhưng cũng
thật xúc động. Và hình ảnh của Mộng Phàm như những vết khắc
nhẹ nhàng nhưng đã in sâu vào tim. Và những năm tháng sau đó
không làm sao Thạch quên được.
Thiên Bạch và Thiên Lam cũng đứng gần đấy chăm chú nhìn Khang
Cần băng bó vết thương trên đầu Thạch. Vợ chồng ông Bỉnh Khiêm,
vợ chồng Thiên Lý rồi dì Tâm My, vú Hồ, dì Ngân, dì Thúy, ai
cũng xúm xít chung quanh.
Hạ Lỗi chợt thấy bối rối, nó không ngờ sự bỏ đi rồi gặp tai
nạn của nó, lại khiến cho nhiều người quan tâm đến như vậy.
Điều đó, chứng tỏ nó không đến nỗi thừa trong gia đình này. Nó
mở to mắt nhìn những khuôn mặt âu lo, lắng nghe những lời
trách yêu vừa thương hại. Cõi lòng nó ngập đầy một thứ tình
cảm khó tả. Sau đó, cái mà nó cảm động nhất là Mộng Hoa đột
ngột vẹt lấy đám đông, bước thẳng đến bên giường, nhét vào tay
nó một ống trúc, nói:
- Này, tôi cho anh này!
Hạ Lỗi nhìn cái ống trúc ngạc nhiên:
- Cái này là cái gì vậy?
- Ống bắt châu chấu. Mộng Hoa nhiệt tình nói - Anh mang cái
này đi bắt châu chấu, rồi huấn luyện nó... nào anh thấy không,
Thiên Bạch và Thiên Lam đều đến đây. Chúng ta rồi sẽ cùng chơi
trò đấu châu chấu? Tôi cho anh cái bẫy, còn châu chấu phải một
mình anh tự bắt lấy.
Hạ Lỗi tròn xoe mắt:
- Nhưng châu chấu? Châu chấu là gì chứ?
- Trời đất! Mộng Hoa ngạc nhiên - Châu chấu mà cũng không biết
à? Nó giống như con cào cào vậy đó.
Thiên Bạch không dằn được tò mò, hỏi Hạ Lỗi:
- Sao vậy? Khôeng lẽ ở cái xứ Đông Bắc của anh không có con
châu chấu à?
- À... Thiên Lan cũng chen vào - Thế ở miền Đông Bắc có cái gì
ăn được không? Có cây cỏ, có mặt trăng không?
Trước cái vẻ ngây thơ của Thiên Lam, Hạ Lỗi không nhìn được
cười. Nó cười to. Tiếng cười của nó lây sang Mộng Hoa, Mộng
Phàm, Thiên Bạch và cả Thiên Lam nữa. Năm đứa nhỏ cùng cười
ngặt nghẽo. Chúng nó cũng không biết tại sao lại buồn cười như
vậy.
- Thế là tốt rồi! Ông Khang Bỉnh Khiêm nói - Bây giờ thì ta có
thể yên tâm. Năm đứa nhỏ này rồi sẽ cũng là anh em, cùng lớn
lên trong tình bằng hữu.
Vâng! Năm đứa bé trong cái hoàn cảnh đó đã trở thành anh em.
Cái thù nghịch ban đầu của Mộng Hoa dành cho Hạ Lỗi không hiểu
cũng biến mất lúc nào. Và tuổi thiếu thời của Hạ Lỗi trong nhà
họ Khang, không còn là một ngày một giờ mà tính bằng năm. Ngay
lúc ông Khang Bỉnh Khiêm lập bài vị thờ Hạ Mục Vân trong tổ
đường, chính năm đứa nhỏ đã cùng lúc sắp hàng sụp lạy. Hạ Lỗi
dập đầu lạy cha, còn bốn đứa kia dập đầu lạy "Bác Hạ". Cái
hình ảnh đó, cử chỉ đó, dù chỉ là hành động ham vui của trẻ
thơ, nhưng cũng đã để lại một dấu ấn dịu dàng trong lòng Thạch.
Thế rồi sau đấy, năm đứa bé lúc nào cũng bên nhau. Cùng chơi
bông vụ, đấu châu chấu, cùng cưỡi ngựa Truy Phong... Hạ Lỗi
rất cừ. Nó đấu bông vụ rất giỏi, không ai cự lại được nó,
không phải chỉ có bông vụ mà cả đấu châu chấu. Không hiểu sao,
nó lại có năng khiếu kỳ lạ. Nó chọn được những con châu chấu
rất háu, rất lì. Riêng chuyện cưỡi ngựa thì khỏi chê. Có ai
vượt qua nó được đâu? Một thằng bé như vậy bao giờ cũng trở
thành đầu đàn - một lãnh tụ. Những trò chơi sôi nổi vô hình
chung, Hạ Lỗi trở thành trung tâm của năm đứa. Và dưới sụ lãnh
đạo của Hạ Lỗi, chúng cùng kéo nhau vào rừng bạch dương, ra
đồng cỏ, đến bờ sông... Cả chuyện lên đỉnh ngọn Vọng Phu để
bắt quỷ dữ.
Ngày tháng và những cuộc chơi dần dần xóa mờ đi nét cô độc
khép kín của Thạch. Nhưng những cuộc chơi chung đó cũng khiến
cho người lớn thắc mắc.
Vú Hồ nói với dì My:
- Con gái mà suốt ngày cho chơi chung với con trai như vậy
được không? Tôi thấy ông chủ bà chủ có vẻ dễ dãi quá!
- Chúng còn nhỏ quá mà, biết gì! Dì My đã trấn an - Dù gì thì
giữa nhà họ Sở và họ Khang của chúng ta đã thỏa thuận Thiên
Bạch là rể nhà họ Khang, còn Mộng Phàm sẽ là dâu nhà họ Sở. Đã
có sự sắp xếp như vậy rồi thì để chúng khắng khít ngay từ nhỏ
có lợi chứ hại gì đâu. Bà khéo lo...
Rể, dâu? Lại thêm những từ lạ tai, nghe không hiểu gì cả,
nhưng Hạ Lỗi cứ nghe người họ Sở và họ Khang nhắc nhở đến hai
từ này luôn.
- Dì My này, một hôm Hạ Lỗi không dằn được tò mò hỏi dì Tâm My
- Rể với dâu là gì vậy?
- À, dì My ngạc nhiên rồi chợt hiểu ra ý của Thạch, dì nói -
Có nghĩa là con không biết mối quan hệ giữa nhà họ Sở và nhà
họ Khang chớ gì? Ở đây người lớn họ gọi là thông gia. Có nghĩa
là Thiên Bạch và Mộng Phàm, cũng như Thiên Lam và Mộng Hoa đã
hứa hôn với nhau.
Ha Thạch nghểnh đầu lên:
- Hứa hôn để làm gì?
- Ngu quá! Dì My cười nói - Hứa hôn có nghĩa là sau này hai
đứa trẻ sẽ thành chồng vợ đấy.
Vú Hồ lợi dụng thời cơ, nói thêm:
- Vì vậy, cậu với Mộng Phàm, Thiên Lam đừng nên thân mật nhau
quá... Cần phải giữ một khoảng cách.
Tại sao vậy? Hạ Lỗi thắc mắc, nhưng rồi nó cũng quên thật
nhanh. Dù gì thì chơi với con gái cũng đâu thích bằng chơi với
con trai. Lúc đó, nó thích Thiên Bạch nhất. Thằng bé rất giỏi,
chơi trò gì cũng ngang ngửa với nó, từ món đua ngựa, đánh bông
vụ, đá châu chấu... đến các trò chơi ngẫu hứng, món nào cũng
kỳ phùng địch thủ. Nhưng lũ trẻ con thích nhất là ngồi quây
quần chung quanh Hạ Lỗi để nghe Hạ Lỗi kể lại đời sống hoang
dã ở miền Đông Bắc. Từ chuyện leo núi, hái thuốc đến săn bắn,
bọn trẻ nghe mê mẩn như nghe chuyện cổ tích. Có một hôm khi Hạ
Lỗi nói lại nguyên do và quá trình kết thân giữa ông Khang
Bỉnh Khiêm và cha nó cho mấy bạn nghe. Nó kể đến cái lúc ông
Khiêm và cha nó làm lễ kết nghĩa Kim lan thì Thiên Bạch không
dằn được cái khí khái nóng bỏng trong lòng, nó đề nghị với Hạ
Lỗi:
- Anh Thạch, vậy thì chúng mình cũng kết nghĩa anh em đi?
Chuyện có vẻ hay hay đấy. Ba đứa còn lại vỗ tay tán thưởng.
Thế là Hạ Lỗi viết lại mấy lời hết nghĩa mà trước đó cha nó và
ông Khiêm đã đọc. Đám trẻ con bày làm hương án giả trên đồng
cỏ. Chúng cũng đặt mâm trái cây, cũng có hương hoa.
Hạ Lỗi và Thiên Bạch, mỗi đứa cầm một nén hương, đứng một cách
trang nghiêm cạnh nhau. Mộng Hoa, Mộng Phàm và Thiên Lam đứng
gần đấy làm nhân chứng.
- Tôi là Hạ Lỗi.
- Tôi là Sở Thiên Bạch.
- Trên có trời.
- Dưới có đất.
- Mộng Hoa, Mộng Phàm làm chứng.
- Thiên Lam cũng làm chứng.
- Một lạy này xin kết nghĩa Kim lan.
- Kết nghĩa anh em!
- Từ đây, lòng thành có nhau, trung liệt với nhau.
- Không tham sinh, không húy tử, phản bội bạn bè.
Hai người đọc xong những lời khấn, là quỳ xuống lạy trời, lạy
đất. Sau đó cắm hương vào lư. Rồi hai người lại dập đầu lạy
lẫn nhau.
Sau đó họ đứng dậy. Bấy giờ Thiên Lam, Mộng Phàm và Mộng Hoa
sung sướng vỗ tay tán thưởng, chúng quây quanh nhau...
Thiên Bạch còn chưa hết hồi hộp, hỏi Hoàn:
- Ban nãy, tôi đọc lời khấn có sai không?
Mộng Phàm lắc đầu:
- Không, không sai lấy một chữ.
Hạ Lỗi đưa tay ra, trịnh trọng nói:
- Bắt đầu từ giây phút này, chúng ta là anh em nhau.
Thiên Bạch siết chặt tay Thạch, nó có vẻ cảm động. Ba đứa còn
lại đều cảm thấy mình như lớn hẳn. Con bé ưa khóc như Mộng
Phàm, phải rưng rưng nước mắt.
Lần kết nghĩa đó, nó đã dính chặt suốt cuộc đời của Thạch.
Thạch nhìn Thiên Bạch, nó cảm thấy vui vui, từ đây về sau, nó
đã có huynh đệ, nó không còn là thằng bé cô độc nữa. |
|